Điện và xăng dầu sắp hết độc quyền?
Sau nhiều tháng xây dựng, Bộ Công Thương vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại. Điện và xăng dầu có sắp hết thời độc quyền?
Người tiêu dùng sắp được lợi nhờ doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào thị trường xăng dầu. Ảnh: TL
Người dân sẽ được chọn nhà bán điện
Cụ thể dự thảo Nghị định về hàng hóa dịch vụ chỉ ra đối với ngành điện, Nhà nước chỉ độc quyền vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân, độc quyền vận hành truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia- Điều đó đồng nghĩa với việc người dân được quyền chọn nhà bán điện.
Đây là thông tin bước đầu tạo hứng khởi từ phía người sử dụng điện. Bởi từ trước đến nay, người dân và các doanh nghiệp vẫn chỉ biết mua điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) phân phối. Các nhà máy phát điện bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện phần lớn đều do EVN quản lý. Cho dù hiện nay, EVN đã tiến hành cổ phần hóa một số nhà máy điện như: Vũng Áng, Phả Lại, Cát Bà… trong đó có một số nhà máy do PVN, TKV làm chủ đầu tư nhưng những doanh nghiệp này mới chỉ có thể tham gia xây dựng tạo nguồn điện. Các khâu khác vẫn do EVN nắm, đặc biệt là khâu truyền tải và phân phối.
Vì nắm “đầu cán” ở khâu quan trọng này nên việc cung ứng điện tới tận người dân và doanh nghiệp vẫn do EVN đảm nhiệm. Sự độc quyền của EVN còn thể hiện ở chỗ doanh nghiệp này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện vừa thực hiện chức năng kinh doanh cộng với chức năng phân phối điện.
Vậy bao giờ người dân được lựa chọn nhà bán điện? Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường buôn bán điện cạnh tranh phát triển theo các giai đoạn: Từ năm 2016 sẽ là giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2017 – 2018, là giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức hoàn chỉnh từ năm 2019. Sẽ có 5 tổng công ty (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, TP Hà Nội, TPHCM) sẽ được mua bán buôn điện từ các đơn vị phát điện với mức giá thị trường và bán lại cho các khách hàng của mình qua đơn vị truyền tải của EVN.
Sắp có cửa hàng xăng “ngoại”
Video đang HOT
Mới đây một tập đoàn của Nhật Bản đã nhận được chứng chỉ đầu tư của chính phủ. Dự kiến, tập đoàn này sẽ phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Thông tin trên được đăng tải trên trang web của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản). Theo đó, công ty Idemitsu Kosan và đối tác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait) vừa thành lập liên danh, lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.
Theo dự kiến tập đoàn đến từ Nhật Bản sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), nơi tập đoàn này đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2017. Hiện, công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Nếu thuận lợi, Idemitsu Q8 sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt ở khâu bán lẻ.
Đây là tín hiệu tích cực, bởi việc doanh nghiệp nước ngoài chen chân vào hệ thống phân phối, bán lẻ xăng dầu sẽ thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tìm cách để cạnh tranh và tồn tại.
Tiến sỹ kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự. Đây là sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam không phải đơn giản. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp nước ngoài đối mặt là quy hoạch các vị trí đặt trạm xăng dầu hiện đã hoàn tất, nên có khả năng họ phải dựa vào các hệ thống sẵn có của các doanh nghiệp trong nước.
Nhà nước độc quyền vàng Theo dự thảo trên của Bộ Công Thương, Nhà nước sẽ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, nhập khẩu thuốc lá, kinh doanh sổ xố kiến thiết, đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng. Đối với dịch vụ, Nhà nước sẽ độc quyền dịch vụ hoa tiêu hàng hải, công tác vận hành đảm bảo an toàn hàng hải như vận hành hệ thống báo hiệu, thông tin duyên hải, sửa chữa nâng cấp hệ thống hàng hải, dịch vụ đảm bảo hoạt động bay như dịch vụ không lưu, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, Nhà nước sẽ độc quyền in đúc tiền, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo_24h
DN ngoại bán lẻ xăng dầu: Quá sớm để nói dân được lợi!
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại, thị trường xăng dầu Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn nhưng còn quá sớm để nói người dân sẽ được hưởng lợi...
Miếng bánh béo bở...
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và một đối tác khác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait - KPI) cùng thành lập liên doanh lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Idemitsu Q8 đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ và đang xin đăng ký doanh nghiệp.
Idemitsu và KPI hướng tới hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam. Như vậy, Idemitsu Q8-khi đi vào hoạt động-sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập vào thị trường xăng dầu Việt Nam, nhất là thị trường bán lẻ.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa-nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) nói: "Chắc chắn Idemitsu Q8 "nhảy" vào, cạnh tranh trên thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ được "khuấy động" ở cả lĩnh vực bán buôn và bán lẻ".
Theo ông Thỏa, hiện thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chưa mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ các nhà đầu tư có tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. KPI và Idemitsu mỗi bên đang nắm giữ 35,1% vốn tại dự án Liên hợp Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) bên cạnh các nhà đầu tư khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 25,1%; Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản nắm 4,7%. Tuy nhiên, theo cam kết hội nhập chắc chắn tới năm 2018, chậm nhất là năm 2019 thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ phải mở cửa dần.
Ông Phan Thế Ruệ-Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho biết, vài năm trở lại đây đã thấy rõ rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường xăng dầu, nhằm "dọn đường" cho thương nhân của họ vào Việt Nam khi thị trường xăng dầu của ta mở cửa.
"Thật ra, quyết định chọn Việt Nam để mở rộng kinh doanh xăng dầu đã nằm trong "tầm ngắm" chiến lược của không ít nhà đầu tư ngoại. Thị trường xăng dầu Việt Nam được xem là "miếng bánh béo bở" với sự tăng trưởng khá tốt, dân số lại đông"- Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nhận định.
Idemitsu Q8 mong muốn xây dựng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, nếu...
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, viễn cảnh cạnh tranh của thị trường xăng dầu khi có các nhà đầu tư ngoại chính là việc họ có thể thâu tóm DN xăng dầu thông qua việc góp vốn, mua cổ phần hoặc mua lại hệ thống cửa hàng xăng dầu Việt Nam. Họ cạnh tranh với các DN xăng dầu trong nước về chất lượng, cung cách phục vụ, giá cả. Các DN xăng dầu Việt Nam chuẩn bị không tốt khó có thể "sống sót" trước khả năng cũng như kinh nghiệm quản trị tốt, vốn lớn của các đối thủ "ngoại".
Ông Phạm Tất Thắng cũng nhìn nhận: Thị trường xăng dầu ngày càng mở cửa, chất lượng và giá cả cạnh tranh là yếu tố quyết định. DN xăng dầu nào không kiểm soát tốt hai yếu tố này, chỉ chạy theo lợi ích trước mắt thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay, DN bị loại ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hiện nay là với viễn cảnh cạnh tranh của các đối thủ "ngoại"-mà trước mắt là Idemitsu Q8-như vậy, họ có được hưởng lợi về chất lượng, giá cả xăng dầu bán ra? Đã không có chuyên gia kinh tế nào có câu trả lời rõ ràng, cụ thể.
Nhìn vào cơ chế chính sách điều hành thị trường xăng dầu thời điểm này, ông Thỏa cho biết, trong nước hiện mới chỉ có lĩnh vực bán buôn xăng dầu bước đầu có sự cạnh tranh giữa các đầu mối. Ở lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang phải tuân thủ nghị định 83 về giá xăng dầu bán ra, tức Nhà nước đang điều hành định hướng lên-xuống giá xăng dầu.
Do đó, nhà đầu tư ngoại "nhảy vào", họ vẫn phải tuân thủ nghị định 83 về giá xăng dầu (Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chưa đề cập việc thương nhân nước ngoài tham gia làm đầu mối bán lẻ, song đã để ngỏ bằng quy định nếu vấn đề gì mà Việt Nam tham gia vào điều ước quốc tế thì thực hiện theo Luật Tham gia ký kết các điều ước quốc tế). Chưa kể, nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam đều phải có "lộ trình" để "chờ thị trường xăng dầu Việt Nam có một hệ thống vững chắc". Kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam là một ngành có điều kiện mà nhà đầu tư ngoại không dễ đáp ứng như phải có bao nhiêu hệ thống cửa hàng, kho, cầu cảng...
Thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay đã không thể cạnh tranh nổi cả về giá và chất lượng với xăng dầu nhập khẩu thì không thể nói nhà đầu tư ngoại (đổ tiền vào các nhà máy lọc dầu; được tham gia thị trường bán buôn, bán lẻ) sẽ có giá bán cạnh tranh cho người tiêu dùng ngay được. Thế mới có chuyện Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đưa ra kiến nghị buộc các DN xăng dầu phải mua hàng của mình mới được cấp quota nhập khẩu, gây bức xúc cho dư luận.
Chưa kể, Bộ Công Thương hàng năm vẫn đang "định hướng kế hoạch an ninh năng lượng" thì xăng dầu vẫn phải có cả một "kế hoạch định hướng": Nhập khẩu bao nhiêu, sản xuất bao nhiêu, từ đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều phải đáp ứng...
Rõ ràng, việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư ngoại có thể mang lại thay đổi cho thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các cơ chế chính sách của chúng ta vẫn không theo kịp và phù hợp thì người dân vẫn chưa thể hưởng được lợi ích thực sự. Cuối cùng, có thể nhà đầu tư ngoại nhảy vào thu lợi khủng còn người tiêu dùng vẫn lại chịu thiệt khi thị trường xăng dầu mở cửa.
Việc ra đời Idemitsu Q8 là một phần nội dung trong cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi Idemitsu và KPI tham gia thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).Theo đó, để giúp tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn, các nhà đầu tư được thực hiện một số quyền về nhập khẩu, phân phối tương ứng với tỷ lệ vốn góp vào dự án.
Theo Danviet
Đề xuất của PVN có thể tạo ra độc quyền cung cấp xăng dầu Đề xuất của PVN buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được nhập khẩu có thể tạo vị thế độc quyền... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nêu khả năng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước nguy cơ đóng cửa và đề xuất buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết...