Diễn tập ứng phó thảm họa
Cuộc diễn tập ứng phó thảm hoạ, cứu trợ nhân đạo khu vực ASEAN năm 2013 (ARDEX-13) diễn ra ngày 23-10, tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì (Hà Nội) do Uỷ ban Quốc gia TKCN phối hợp với Bộ NN&PTNT, Trung tâm Điều phối Hiệp hội các nước Đông Nam Á về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm hoạ (AHA) tổ chức.
Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố
Tình huống giả định tại cuộc diễn tập là ngoài biển Đông xuất hiện siêu bão Neptune, cường độ mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Bão di chuyển nhanh và đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, tâm bão đi qua Nam Định và Thủ đô Hà Nội đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bão làm 2.000 người chết, gần 2.500 người bị thương và khoảng 1.000 người mất tích; 20.000 người mất nhà cửa, không có chỗ ở; nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất công nghiệp, hoá chất bị sập đổ, cháy gây rò rỉ, phát tán chất độc hoá học…
Tham gia diễn tập tình huống này có lực lượng của 10 nước thành viên ASEAN và các nước quan sát viên, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, NewZealand và một số tổ chức quốc tế khác. Lực lượng huy động gồm 2.500 người; gần 700 phương tiện, 2 máy bay trực thăng, 23 chiếc canô và xuồng; 1 cầu quân sự; xe các loại 245 chiếc… Cuộc diễn tập đã thực hiện nghiêm túc, an toàn và hiệu quả các tình huống sơ tán và cứu trợ khẩn cấp nhân dân vùng ngập lụt.
Hạ Quỳnh
Theo ANTD
20/10: Không có hoa cho vùng bão lũ
Nước lũ trắng trời, nhà gãy đổ, trong cơn nguy biến, mẹ vẫn ôm con, dùng mạng sống của mình che chở cho con. Câu chuyện đầy nước mắt của bà mẹ thôn Hà Sơn (Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng, khiến hàng ngàn người rơi nước mắt. Mẹ miền Trung, mẹ Việt Nam bao giờ cũng thế: Nhẫn nhịn, cam chịu nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận.
Video đang HOT
Hôm nay, ngày của các mẹ, các chị. Miền bão lũ, các mẹ không thể nào có hoa chúc mừng, ngoài nỗi đau và sự âm thầm gắng gỏi vượt lên ...
Đường vào nhà chị Trần Thị Yên (thôn Thạch Bồ, Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) băng qua con suối nhỏ đầy rác, đen ngòm. Mấy tấm ván bắc vội gập ghềnh trên từng bước người vào đưa tang chồng chị. Căn nhà giờ đây chỉ toàn phụ nữ, duy nhất một cậu bé mới học xong lớp 9.
Mẹ chồng chị Yên, bà Đặng Thị Đợi, bị ung thư giai đoạn cuối, vẫn phải cố đi lại bình thường. Bà khóc đứa con trai vừa thiệt mạng trong bão Nari: "Giá như tui chết để con được sống".
Bà Phạm Thị Thông với ngôi nhà hoang tàn (ảnh lớn); Chị Bảy cố tìm những gì còn sót lại sau bão (ảnh nhỏ)
Nhà mất ruộng, chị Yên xay cá thuê, bánh răng cưa cuốn nát cánh tay, nằm nhà mấy tháng nay. Anh Nguyễn Quốc Linh, chồng chị, tiếc tấm mái tôn chái bếp, bão chưa tan đã trèo lên mái. Trượt chân, gãy cổ, chấn thương sọ não chết ngay tại chỗ. Con gái đầu mới 16, ngu ngơ như trẻ lên mười, bị một gã hiếp dâm, mới sinh con mấy tháng. Ngày chúng tôi đến, chị Yên mắt đỏ hoe, rưng rưng nhận chút tiền hỗ trợ, cứng cỏi hứa với mọi người, rằng em sẽ cố gắng phải sống để chèo lái gia đình. Rau dưa khoai sắn, rồi chúng nó cũng phải có cái ăn để mà lớn lên.
Xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có vô số những hộ phụ nữ đơn thân, không chồng. Bởi làng biển này, qua từng năm, trai tráng, đàn ông lần lượt thí mạng giữa trùng khơi và bão lũ.
Chị Đặng Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Hải, cho biết: "Toàn xã có 137 nhà của chị em phụ nữ đơn thân bị sập và tốc mái. Hoàn cảnh nhà nào cũng đáng thương và nghèo khó. Bão vào đúng tháng 10, cán bộ và dân đang gồng mình khắc phục hậu quả. Chị em miền biển vốn nghèo khó, nay càng cùng cực. Năm nay, chị em làm gì còn lễ lạt nữa. Tất cả đang tập trung lo khắc phục hậu quả của bão".
Thôn Tây Sơn Đông có hơn 100 trường hợp đơn thân thì có 60 chị có nhà cửa tốc mái, nhà đổ sập. Trong đó, 11 chị chồng mất vì bão Chanchu từ hồi 2006, nhà cửa, ruộng vườn điêu tàn. Chị Nguyễn Thị Đỡ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn Đông, ngậm ngùi: "Chị em đơn thân, góa chồng khổ sở lắm. Nhiều trường hợp bi đát, sau bão chỉ còn tay trắng. Muốn giúp sức cũng chẳng biết làm sao".
Bản thân chị Đỡ cũng sớm chịu cảnh góa chồng. Năm 1989, chồng chị mất trong một chuyến đi biển, để lại mình chị với 2 đứa con thơ. Chị tần tảo nuôi các con ăn học. Sau bão Nari, nhà chị Đỡ bị tốc mái, chưa kịp dọn dẹp, chị phải xắn tay vào giúp đỡ chị em khó khăn hơn mình. Nhiều đoàn cứu trợ, cá nhân hảo tâm đến trao quà, chị Đỡ nhường phần cho chị em: "Nhà tôi tốc mái, mai mốt mua tôn về lợp lại là xong. Thương mấy chị em nghèo, nhà sập, xiêu vẹo giờ không có nơi ở".
"Còn gì nữa đâu. Ba mẹ con giờ biết sống sao đây", chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Tây Sơn Đông) khóc lặng bên đống đổ nát của căn nhà. Ba ngày sau cơn bão, chị Bảy chỉ kịp dựng lên căn chòi nhỏ trên nền nhà để làm nơi trú mưa nắng cho 3 mẹ con.
Cả xã biết rõ hoàn cảnh mẹ con chị Bảy. Chồng mất cách đây gần 10 năm, chị bán vé số, lượm ve chai nuôi 2 con gái với hi vọng đời con sẽ không khốn khó như mình. Người con gái đầu của chị học đến lớp 10 rồi cũng phải dở dang, đi làm ôsin cho một gia đình ở Đà Nẵng. Đêm bão vào, chị Bảy nằm trong buồng gió rít từng cơn hung dữ.
Từng mảng tôn bị cuốn phăng, căn nhà lung lay rồi ngã sập. Tháo chạy qua nhà hàng xóm, chị Bảy thoát chết trong tích tắc, nhưng căn nhà đã không còn. Bão tan, hai đứa con gái về với mẹ, quặn lòng trước cảnh nhà cửa tan hoang.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng trao tiền từ thiện cho gia đình chị Trần Thị Yên. Ảnh: Nguyễn Thành
Mỹ Hương, con gái út của chị Bảy (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đang là sinh viên của một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng, đau xót nói: "Nghe tin nhà sập, em nghỉ học về với mẹ. Giờ em chẳng còn ruột gan nào mà học nữa". Chị Bảy vỗ về: "Con không được bỏ học, mẹ và chị sẽ làm mọi việc để con được đến trường. Không thì khổ lắm con ơi". Cả ba mẹ con chị Bảy cùng ôm nhau khóc.
Căn nhà chị Nguyễn Thị Cúc gần đó, không còn mái, chỉ trơ bộ khung. Chị Cúc thuộc diện phụ nữ nghèo đơn thân, nuôi 3 con. Đứa con gái đầu bị thần kinh suốt ngày ốm đau, quanh năm nằm viện.
Hai đứa sau phải nghỉ học sớm, đứa lớn đi ở, đứa nhỏ làm công nhân phụ giúp mẹ nuôi chị. Chị Cúc bị thoát vị đĩa đệm mấy năm nay, không làm được việc nặng, nhà cửa tan hoang cũng chưa thu dọn được. Chị đang mỏi mắt chờ đứa con trai út làm thuê ở Sài Gòn có đủ tiền về với mẹ để dựng lại nhà.
Bà Nguyễn Thị Chiến (62 tuổi), ở thôn Thuận Trì, có chồng mất vì bệnh tật chưa chẵn năm. Nghèo, giờ lại càng khó. Nhà cửa tốc sạch mái, nứt toác chờ đổ sập. Hùng, cậu con trai đang là sinh viên năm cuối Đại học Đà Nẵng lặn lội về thăm mẹ. Nhìn cảnh tượng tan hoang, bàn thờ và di ảnh của cha cũng tan hoang, cậu lặng đi.
Chị Nguyễn Thị Xí già hơn nhiều so với tuổi 48. Chồng chị bỏ mạng trong bão Chanchu, để lại cho chị hai đứa con trai và căn nhà xập xệ. Giống như nhiều chị em phụ nữ khác trong xã có chồng con bỏ mạng vì bão Chanchu, chị gồng mình để đứng lên, hai bàn tay trắng làm đủ việc.
Đứa con trai đầu của chị nghỉ học đi làm thuê nuôi mẹ và em. Sau bão Nari, nhà tốc mái, tài sản trống trơn, mình chị Xí xoay xở nhưng không biết xoay đâu bởi chị đã trắng tay, dân làng xung quanh cũng xơ xác. Chị Xí gắng nhặt nhạnh những tấm tôn vương vãi để nhờ hàng xóm lợp lại nhà.
Chị Trần Thị Lan, người mẹ ở thôn Hà Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình), gãy cổ, chấn thương sọ não vì ôm con trong cơn lũ, lấy mạng mình giành giật sự sống cho hai con Mai Văn Đông và Mai Thị Hồng Đào, đang nằm viện. May mắn thay, chị Lan vẫn sống, hai đứa con vẫn sống. Người mẹ vùng rốn lũ, người mẹ Việt Nam, trong khoảnh khắc sinh tử ấy, luôn giành thiệt thòi về mình.
Hôm nay, ngày 20/10, không có hoa tươi trong tâm bão, trên đỉnh lũ. Các mẹ, các chị đã là những bông hoa dại đắng đót giữa cuộc đời ...
Leo lét thân già Cơn lũ quét qua, một mình trong căn nhà nằm hun hút trong ngõ, bà Phan Thị Lý, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh, chỉ biết cách duy nhất để tự cứu sống mình là leo lên mấy tấm gỗ treo ở chạn nhà. Thân già yếu ớt, các con công tác và lấy vợ gả chồng ở xa quê, may mắn bà Lý thoát chết khi rơi xuống biển nước. Bà với vào chiếc cột nhà rồi gắng gượng dậy bám víu leo lên chạn nhà. Cơn lũ kéo qua hơn một ngày, trên khuôn mặt bà Lý vẫn hằn in sự sợ hãi mỗi khi nhắc đến. "Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nước lũ dữ đến vậy. Hơn 30 lũ kéo qua, căn nhà bà Lý bùn ngập gần đầu gối. Thân già một mình chăm bẵm được bao gà vịt thế là mất sạch hết rồi. Mấy ngày tới không biết xoay xở ăn uống, ngủ nghỉ ra sao vì tất cả bị cuốn trôi và ướt sạch hết", bà Lý bật khóc. Từ hôm qua đến nay, bà Đặng Thị Liên, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, bỏ ăn, ôm lấy chiếc cột lều khóc than vì nước lũ cướp mất 30 triệu đồng tiền mặt của gia đình. Bao năm tích góp, vay mượn thêm để làm cái nhà cho con cái lấy vợ gả chồng có chỗ ở. Nào ngờ dòng nước bạc bẽo kia đã cướp sạch công sức của ông bà. Chồng bà Liên kể, khi dòng nước đục ngầu ầm ầm đổ về, vợ chồng ông lo vớt vát đồ đạc vứt lên sàn nhà. Khi nhớ ra số tiền 30 triệu để ở góc giường thì đã muộn. Chiếc giường cũng chẳng còn. Hai ông bà chỉ biết ôm nhau khóc giữa đống đổ nát hoang tàn. Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, đến chiều tối 19/10, số người chết tại Quảng Bình do mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy đã tăng lên 11 người, bị thương 53 người. Địa phương thiệt hại nặng nhất là huyện Quảng Trạch. Minh Thùy - Hoàng Nam
Theo Nam Cường - Nguyễn Thành
Cứu trợ ở vùng tâm bão Quảng Nam Chia sẻ một phần khó khăn với bà con vùng bão Quảng Nam khắc phục hậu quả, chiều 17.10, đoàn cứu trợ MobiFone, Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam đã kịp thời đến thăm hỏi và hỗ trợ cho bà con xã Cẩm Thanh, phường Cẩm Châu và phường Cửa Đại, ba địa phương khó khăn bị bão tàn phá nặng...