Điên nam – điên nữ ta cùng hân hoan!
Nhiều lần khác, tôi chứng kiến người ta đem bệnh nhân từ bệnh viện tâm thần sang bệnh viện sản để người điên sinh nở. Và, khi thiên thần bé oe oe cất tiếng khóc chào đời, “bóng hồng ngơ ngẩn” bèn hét lên: “Mi là con cái nhà ai, sao nhảy vào bụng ta(?!)”.
Bệnh nhân tâm thần Nguyễn Thị Hường, SN 1989 đã sinh con trong vô thức, chúng tôi chụp ảnh con chị từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao bằng mang vào trại cho chị xem mặt.
Có lần tôi làm một phim về người đàn bà điên ở Thái Nguyên chỉ thích ở truồng đi lang thang rồi bị lạm dụng sinh con trong vô thức. Có lần tôi viết một cuốn sách “Trong thế giới người điên” với các cuộc phỏng vấn buốt lòng ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, khi chị Hải, người phụ trách “trại nữ” đay nghiến thổ lộ rằng: Nhiều gia đình trước khi cực chẳng đã để cho cô con gái cất bước lang thang, họ thường triệt bỏ đường sinh nở của “nàng” để tránh “hậu quả” do các cuộc bị hiếp dâm hoặc hiếp dâm tập thể không tài nào tránh khỏi.
Nhiều lần khác, tôi chứng kiến người ta đem bệnh nhân từ bệnh viện tâm thần sang bệnh viện sản để người điên sinh nở. Và, khi thiên thần bé oe oe cất tiếng khóc chào đời, “bóng hồng ngơ ngẩn” bèn hét lên: “Mi là con cái nhà ai, sao nhảy vào bụng ta(?!)”. Hoặc sản phụ tâm thần bỗng co ro cúm rúm chỉ vào sinh linh mình vừa dứt ruột đẻ ra: “Cán bộ ơi, nó là con giun, chẳng thảo nó cứ làm em đau bụng mãi”.
Máu gái nhất là cậu giết người, cần canh gác nhất là chị người “Mán”
Những tưởng ngần ấy đã đủ để tê tái, hổ thẹn khi nghĩ đến thảm cảnh những đồng loại, những bệnh nhân điên quá tội nghiệp xung quanh chúng ta. Ai dè, tháng 3.2014, tại “trại điên” tỉnh Cao Bằng, tôi còn nghe chuyện cán bộ ở đây buộc phải tiêm thuốc, dùng viên uống tránh thai cho các trại viên nữ của mình. Lỗi là bởi vì các ô rào mắt cáo to đùng nằm giữa trại nam và trại nữ không đủ sức để “nói không” với các cuộc làm tình qua song sắt.
Đàm Văn Tài vẫn đập phá trong trại tâm thần, sau khi giết chết anh Đàm Văn Thu – người hàng xóm vô tội ở Quảng Yên.
Anh Văn, anh Lượng (giám đốc và phó giám đốc), rồi chị Kim Cúc, lãnh đạo phòng hành chính nhân sự của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) tỉnh Cao Bằng rành rọt kể chuyện đó. Mà không phải kể khi trà dư tửu hậu tếu táo, họ thổ lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn chính thức tại văn phòng.
Thậm chí, trước khi tôi vượt 300km đường núi lên “trẩy nước non Cao Bằng”, lãnh đạo tỉnh, rồi lãnh đạo Sở LĐTBXH đã có thông báo cho trung tâm về chương trình làm việc với nhà báo rất đàng hoàng. “Cứ người điên nữ nào còn “thấy tháng”, tức là còn khả năng sinh nở, chúng tôi phải cho uống thuốc, phải tiêm thuốc tránh thai hết.
Nhất là cô người Mán (Dao) rất máu, còn cô Hương SN 1989, người Việt Trì, Phú Thọ kia thì khỏi phải nói, người đàn bà điên ấy đã sinh một đứa con. Cháu bé hiện đang được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng nuôi dưỡng đấy. Nhiều người trông già già bẩn bẩn vì thời gian lang thang rồ dại đầu đường xó chợ thế thôi, nhưng thật ra tuổi của họ còn khá trẻ, mỗi tháng vẫn “có chuyện đàn bà” đều đặn.
“Nhỡ” ra là mang bầu ngay. Cách ly họ khỏi đàn ông rất khó, vì cơ sở vật chất không đủ rộng để nhốt cách ly. Cán bộ cũng không thể canh chừng 24/24h để tránh nam nữ người điên khỏi chuyện “tí tóp tí mẻ” được. Cái anh Đàm Văn Tài, SN 1974, kẻ tâm thần phân liệt vừa mới giết người ấy, đã 2 đời vợ, nên “máu gái” nhất, giờ phải nhốt riêng. Còn anh chàng câm nữa, cũng là thủ phạm của đủ thứ rắc rối với nhóm nữ “thấy giai là xông vào” đấy…
Khi cùng lãnh đạo “trại điên” xuống thăm cơ sở vật chất… của trung tâm GDLĐXH, chúng tôi hỏi thẳng cô bé Hương vừa sinh con trong vô thức vài câu chuyện “tế nhị”. Hương rành rọt, em đi lang thang một mình, chúng nó thấy em trẻ, xinh, bờ bụi một mình, thì nó hiếp.
Một người điên đang gào thét, chăm sóc anh ta chỉ có bà mẹ già, trong ngôi nhà nát.
Em thích đàn ông, em thường ve vãn tán tỉnh họ. Một người điên khác ở cách Hương và các bệnh nhân tâm thần nữ có một cái hàng rào mắt cáo (mỗi ô đút vừa cái bát loa) thì ông ổng: “Con Hương này lúc chưa vào trại nó toàn kéo chăn xin ngủ nhờ tôi thôi ấy mà. Nhưng, cán bộ ơi, việc nó chửa đẻ thì em… vô can, lúc ngủ với em nó đã chửa kềnh! Em không biết đâu cán bộ nhé”.
Sự “khôn ngoan chối tội” của một đồng loại hầu như mất hoàn toàn sự kiểm soát lý trí kia khiến chúng tôi lặng đi vì đau xót. Trước đó khoảng nửa năm, tôi có tình cờ vào thăm cô phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, có ngắm và tặng quà cho thiên thần bé xinh xẻo mà một cô gái điên vừa sinh hạ. Ai ngờ, bây giờ “trái đất quay tròn” lại bất ngờ gặp chính mẹ của cháu phía sau song sắt “trại điên”.
Các nữ bệnh nhân tâm thần, lý trí đi vắng, bản năng trỗi dậy, trong đó có ham muốn tình dục, nếu lều quê quán chợ lang thang, kể cả không bị lạm dụng, hiếp dâm thì họ cũng đòi được hiếp dâm và được lạm dụng! Điều đáng lên án hơn cả ở đây là gì? Là việc tất cả chúng ta, hoặc các địa phương cụ thể, cán bộ hữu trách cụ thể đã vô cảm nhìn bà con mình “trần trụi” trong vô thức mà không ra tay cứu giúp như cần phải có.
Video đang HOT
Một người điên ở huyện Hà Quảng, được nuôi nhốt tại nhà.
Công an địa phương, cán bộ y tế và cán bộ LĐTBXH các địa phương đã được Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ quản lý, chữa bệnh, giúp đỡ các đối tượng tâm thần lang thang này. Thử hỏi, lúc bà con mình “trần truồng đi giữa nhân gian”, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” rồi bị “mưa dập gió vùi” như thế thì các cán bộ và những người có lương tri đứng ở đâu? Đôi khi, người tâm thần lang thang ăn bẩn ăn thỉu, nằm giữa rác rưởi như những con vật, bị ném ra ngoài lề của cuộc sống con người.
Nếu như, khi vài gia đình phải triệt sản, phải tiêm thuốc tránh thai cho thân nhân điên dại đòi đi lang thang… khiến chúng ta đau đớn 10 phần; thì khi một “trại điên” cấp tỉnh mà cán bộ buộc phải tiêm thuốc tránh thai, ép uống thuốc tránh thai cho bệnh nhân nữ để tránh “sơ ý sinh con”… nỗi đau đó lên đến 1.000 lần. Đau đến mức, có thể gọi nó là sự hổ thẹn mà người điên đang đặt lên bàn cân đạo đức, lương tâm cùng sự tử tế và lẽ nhân ái của tất cả những người tỉnh táo!
Khi trại điên nằm trong trại… cai nghiện
Nước ta có rất nhiều các bệnh viện tâm thần, các trung tâm bảo trợ xã hội, các “trại điên” đủ dạng, nơi nào cũng cả nam lẫn nữ được “thu gom”, quản lý, chữa bệnh, chăm sóc – tại sao mỗi ở Cao Bằng xảy ra tình trạng dùng “thuốc tránh thai” bắt buộc cho bệnh nhân nữ? Mấu chốt vấn đề nằm ở đây. Nơi khác, hầu hết có thuốc cắt cơn “điên”, duy trì trạng thái ổn định thần kinh, chữa bệnh đến dứt hẳn.
Anh Hau Van Sung khi bị xích, nhốt trong lều hoang.
Họ có bác sỹ chuyên khoa, có đội ngũ nhân viên phục vụ, chăm sóc bài bản, có khu nhà cho nam và nữ bệnh nhân cách ly hoàn toàn. Thậm chí chỉ nghe đồn có việc sơ ý “thả rông” nam nữ bệnh nhân để họ lén lút “quan hệ”, cán bộ đã tá hỏa tam tinh. Đằng này, ở “trại điên” Cao Bằng thì hầu như ngược lại.
Chúng tôi rời Hà Nội, đi xuyên đường núi của Bắc Giang, sang Lạng Sơn, sang Cao Bằng, qua đèo Bông Lau huyền thoại, qua sương mù giăng kín các dốc núi dài mấy trăm cây số, vừa đi vừa nắc nỏm khen đường sá đi về miền thượng du bây giờ đẹp quá.
Ấy vậy nhưng từ TP.Cao Bằng đi vào “trại điên” thì đường xấu, hẹp, xóc nảy đến độ vừa đi tôi vừa hỏi đồng nghiệp ở Đài PTTH Cao Bằng, rằng “anh có nhầm đường không đấy, ta sắp vào một hang núi mất rồi”. Anh Văn, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH Cao Bằng ra đón khách: “Đường sá khổ sở quá”. Đập vào mắt tôi là các ngôi nhà quét vôi vàng mốc thếch bị nứt sắp đổ, các đoạn tường bị đổ sập tự bao giờ, hổng đến mức cái xe tải chui lọt.
Tôi chưa đi một trung tâm chữa bệnh quản lý người nghiện ma túy cấp tỉnh nào mà xập xệ, tạm bợ đến mức này. Nhiều nơi hàng rào thép gai, vọng gác tứ phía mà các con nghiện vào trại ba bốn “tăng” vẫn trốn thoát, đằng này… Khách vừa thở dài, Phó Giám đốc Trung tâm, BS Lượng đã cho biết: Chúng tôi có hơn 100 đối tượng nghiện ma túy và hơn 20 bệnh nhân tâm thần. Ôi chao, sao lại nhốt người điên vào trong trại cai nghiện, hử anh? Anh Lượng và anh Văn cùng gãi đầu gãi tai: “Thế mới là chuyện lạ”.
Đứa con của Hường đang được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao bằng chăm sóc.
Chẳng là khoảng năm 2009 gì đó, trong một đợt ra quân “truy quét” người tâm thần lang thang để cho bộ mặt của tỉnh bớt nhếch nhác nhằm phục vụ một dịp lễ lạt lớn cho “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, mấy chục “người điên” đã bị “thu gom” lại. Gom rồi, Sở LĐTBXH quyết định đưa tạm họ vào cả một trung tâm do mình quản lý. Họ chọn trung tâm… cai nghiện để “cho trại điên ở nhờ”.
Toàn người điên nặng, thả họ ra thì… gay quá, có 2 anh trong số đó giết người hẳn hoi, giết một cách tàn độc cơ, thả ra thì chết. Thế là phải giữ. Giữ rồi lại “phình” thêm đối tượng ra. Cuối cùng thì cả một cái tạm gọi là “trại điên” đã nằm trọn vẹn trong “trại cai nghiện” như bây giờ. Nghe nói, cơ quan hữu trách tỉnh nhà có hẳn một cái quyết định ba mặt một nhời cho việc này, nên lại càng lạ lùng hơn.
Hậu quả của việc này là: Mô hình cai nghiện vốn đã xập xệ, chật chội, thiếu thốn đủ thứ, nay lại gánh thêm vài chục người điên hạng nặng nữa, thành ra càng be bét. Dự án 40 tỉ đồng xây trung tâm mới thì “đóng băng” từ lẩu từ lâu. Trại điên thì thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu phòng ốc, thiếu tiền phục vụ bệnh nhân.
Thiếu đến mức, biết là khu “điên nam” và khu “điên nữ” ở cách nhau chỉ một cái hàng rào sắt hoen gỉ với ô mắt cáo đút vừa cái bát loa kia chắc chắn sẽ gây ra chuyện “tình dục qua song sắt” với “hậu họa” cùng các hậu quả nhãn tiền, song không một ai có cách nào giải quyết nổi bài toán “bên nam bên nữ ta cùng hân hoan” kia cả. Bài toán này cứ chữa cháy trước mắt bằng thuốc tránh thai đã! Xây một dãy nhà trong trại đâu phải cứ hứng lên là khởi công được?
Không có “trại điên”, không có cán bộ chuyên biệt chăm sóc người tâm thần, lại ghép trại điên vào trại cai nghiện, thì hậu quả như đã kể còn là… bé đấy – một cán bộ thở dài. Nam nữ bệnh nhân tâm thần “quan hệ” thì đã đành, có anh ở đối tượng cai nghiện cũng “tắt mắt” với các “bóng hồng ngơ ngẩn”.
Chưa hết, tôi và lãnh đạo trại cùng chết lặng khi tận mắt thấy anh chàng Đàm Văn Tài biểu diễn tuyệt chiêu của mình. Rợn tóc gáy: Anh chàng chăng dây, mặc váy, chít khăn như hiệp khách giang hồ, phóng uế rồi biểu diễn võ thuật rầm trời. Võ điên. Rồi Tài leo lên cửa sổ hát, thọc chân ra bảng điện, dùng ngón chân cái và ngón chân trỏ cứ thế xoay công tắc quạt trần, bật tắt đèn tuýp.
Cơ sở vật chất không đủ an toàn để chăm sóc người điên. Chưa hết, trước đó, vì tỉnh Cao Bằng chưa hề có một trung tâm, một cái bệnh viện chuyên ngành quản lý người điên, nên Tài và nhiều đối tượng khác đã đem cái điên rồ của mình chung sống với cộng đồng (mà không hề được uống thuốc).
Kết quả là, dù có sổ tâm thần, dù đã 2 lần đi điều trị bệnh điên, Tài vẫn được thả về quê, xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên, rồi lần lượt cưới hai cô vợ, Tài kịp làm cha ruột của một bé gái. Hai người đàn bà khổ sở bị hành hạ nhiều quá, đã lần lượt “bỏ của chạy lấy người”. Tài hung hăng đánh đập, bóp cổ nhiều người và Tài đã đập chết anh Đàm Văn Thư cùng xóm Nà Bó.
Đấy là chưa kể đến các hậu quả khôn lường, các “hoạt cảnh” nhức buốt lương tâm khác, mà dù không muốn tôi cũng buộc phải nói thẳng ra trong bài viết này để cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng sớm ra tay hành động.
Ấy là việc thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí đến tận cùng trong việc chăm sóc người tâm thần đã làm khổ khu dân cư xung quanh, khi mà nhiều năm qua họ phải chứng kiến cảnh gào thét, điên dại, cười nói, hát hò suốt đêm ngày của mấy chục người “điên hết cỡ”.
Đấy là việc cả chục người điên nhốt trong một phòng, có khi ăn xong, họ phóng uế vào bát; có khi bạ ai người đó ỉa đái ngay chỗ nằm, thế rồi cán bộ chỉ còn biết phun nước rửa phòng theo lối cọ chuồng lợn, chuồng bò thôi. Cán bộ ở đây dù tâm huyết, dù rất nỗ lực, song với tình trạng “bát nháo” này, họ cũng chỉ còn biết động viên nhau tích cực chờ… dự án 40 tỉ đồng xây dựng trung tâm mới tiếp tục được hứa hẹn sẽ “xúc tiến”.
Anh Văn bảo: Dù là bệnh nhân “điên hết cỡ” thì họ cũng là con người, chăm sóc họ trong tình trạng dở khóc dở cười như vậy, anh trăn trở vô cùng. Thiếu đến cả một cái bờ tường, một cái phòng “riêng rẽ” để nam nữ bệnh nhân không “đụng chạm” quá mức để rồi buộc phải kêu gọi đến sự giúp đỡ của thuốc tránh thai, thì là hết chỗ nói.
Sự thiếu đó đã đẩy cuộc sống của nhiều bệnh nhân vào thảm cảnh “phản nhân văn” thì đã đành. Nó còn biến “trại điên tỉnh Cao Bằng” thành một cửa hầu như đóng kín đối với các bệnh nhân tâm thần khác. Chúng tôi từng gặp không ít nam, nữ bệnh nhân tâm thần bị trói, xích, nhốt tại nhà, tại bản nhiều năm đến mức chết rã rục – thay vì được chăm sóc, chữa trị kịp thời. Với tất cả tâm huyết của mình, tôi và đồng nghiệp từng đưa anh Hầu Văn Sùng ở Thông Nông ra Khoa Tâm thần, Bệnh viện tỉnh Cao Bằng chữa trị sau 6 năm bị xích cả hai chân trong căn lều tre xập xệ vì bệnh “điên”.
Nay anh ấy đã ổn định, đã có thể viết tên mình, biết gọi tên và bắt tay nhà báo nói lời cảm ơn. Tôi cũng viết phóng sự “Mẹ không nhớ đường về nhà” về nữ bệnh nhân tâm thần Hà Thị Tiến ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, sau đó phải nhờ đến tiền túi cá nhân, lòng nhân ái và các quyết định kịp thời của đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, chị Tiến mới có xe chuyên dụng, có tiền, có cán bộ đưa về Bệnh viện Tâm thần Trung ương cứu chữa, điều trị ổn định được.
Những nỗ lực nhỏ lẻ đó có thể đem lại nụ cười cho vài bệnh nhân tội nghiệp, song nó chưa bao giờ là đủ cho “cộng đồng người điên” khổng lồ ở Cao Bằng. Chưa bao giờ là đủ để Đàm Văn Tài không rời bệnh viện về quê, lần lượt cưới thêm hai người vợ trong điên loạn, rồi vô cớ đập chết người đàn ông vô tội Đàm Văn Thư kia.
Để không có những “sát thủ điên rồ”như Đàm Văn Tài, để không có những người đàn bà ở truồng lang thang “không nhớ đường về nhà” như chị Tiến, tối thiểu thì Cao Bằng cần có một chiến lược, một cái bệnh viện chuyên biệt, một cái “trại điên” đàng hoàng tử tế. Chúng tôi mong sớm nhận được hồi âm về chuyện này từ phía UBND tỉnh Cao Bằng.
Hóa ra, câu chuyện về viên thuốc tránh thai, mũi tiêm tránh thai cho các nữ bệnh nhân tâm thần ở “trại điên cấp tỉnh” kia không chỉ dừng lại ở viên thuốc dành cho người chưa muốn sinh nở. Và tôi tin, nó cũng không chỉ là câu chuyện về số phận các đồng bào, đồng loại bị “điên” kia. Mà nó là câu chuyện về lương tâm của những người tỉnh táo.
Có bao nhiêu người điên từ bên kia biên giới bị “đẩy đuổi” sang Cao Bằng?
Hầu hết cán bộ ở Trung tâm GDLĐXH tỉnh Cao Bằng đều thừa nhận với PV Lao Động về việc có tình trạng người điên “chỉ biết nói tiếng Trung Quốc” bị đẩy đuổi sang Việt Nam và trở thành gánh nặng cho cái “trại” vốn đã quá tồi tàn thiếu thốn này. Trong hồ sơ có tên, có ảnh dán kèm của nhiều bệnh nhân, ghi rõ “chỉ biết nói tiếng Trung Quốc”. Trên bờ tường của trại, chúng tôi thấy người ta vẽ chữ và số tiếng Trung Quốc rất nhiều. Lúc tỉnh, vài người điên vẫn thường nói tiếng Trung.
Theo cán bộ ở đây, công an địa phương cũng đã dùng biện pháp nghiệp vụ xác định tình trạng này là có thật. Trong bảng thống kê, mô tả có chữ ký, có dấu triện được lưu giữ tại trung tâm, riêng đợt thu gom người điên vào “trại” hồi tháng 9.2010, gồm 13 đối tượng tâm thần lang thang, thì có 4 đối tượng chỉ biết nói tiếng Trung Quốc, không biết nói tiếng phổ thông Việt Nam.
Theo Dantri
Giải mã những bí ẩn về ngôi làng chết trẻ
Chỉ trong thời gian hơn một năm (từ tháng 11/2011 đến đầu năm 2012), thôn Yên Lập Đông, phường Minh Thành (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có trên 20 người chết trẻ.
Ngôi đình ở thôn Yên Lập
Có người đang nằm với vợ thì giữa đêm co giật, chết "bất đắc kỳ tử"; người đúng ngày mùng Hai Tết đang vui vẻ chúc tụng thì uống thuốc diệt cỏ tự vẫn; liên tiếp những thanh niên trai trẻ ra đường bị ô tô cán chết tức tưởi.
Ngôi làng trước đây vốn bình yên, bỗng chốc tai ương ập xuống khiến người dân hoảng hốt, sợ hãi, lập đàn cầu cúng, giải hạn tốn cả đống tiền bạc nhưng "thần chết" vẫn từng ngày cướp đi mạng sống những người dân lương thiện nơi đây.
Những cái chết "bất đắc kỳ tử"
Thôn Yên Lập Đông cách xa trung tâm thị xã Quảng Yên khoảng 20km, người dân chủ yếu sống nghề nông nghiệp, kinh tế nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống thanh bình, yên ả. Từ cuối năm 2012, biến cố lớn bắt đầu xảy ra khi liên tiếp xảy ra các vụ chết chóc khó hiểu, đa số chết trẻ khiến dân tình lo âu.
Bà Đào Thị Luyện (SN 1963, thôn Yên Lập Đông) là một người chịu đau thương khi trong thời gian ngắn mà mất nhiều người thân. Bà cho biết, bản thân là phụ nữ nhưng không lập gia đình, ở vậy làm nghề thợ may sống qua ngày. Tình yêu thương của bà dành cho con cháu trong họ và những người thân thích trong làng. Ngày 16 tháng Giêng Âm lịch 2012, người cháu thân thích bà là Đào Văn Bân (SN 1971) bỗng dưng qua đời. "Tôi không có con cái, đứa cháu này với tôi như mẹ con trong nhà. Vậy mà nó đột ngột ra đi, đến nay chả hiểu được tại sao lại thế", bà Luyện nói. Bà nhớ lại, Bân là người khỏe mạnh, không bệnh tận, làm nghề trồng dứa, đã lập gia đình và sinh con. Tối hôm đó, sau khi cơm nước cùng vợ con, Bân giúp vợ giặt đống quần áo.
Xong xuôi, anh cùng vợ mở vô tuyến xem phim rồi đi ngủ. "Xem phim xong là khoảng 22h, vợ chồng nó dặn nhau đi ngủ sớm để sáng mai còn đi chặt dứa", vẫn lời bà Luyện. Đến khoảng 2h sáng, nhà Bân phát lên những tiếng kêu cứu thất thanh của người vợ. Người làng chạy đến thấy Bân đang liên tục co giật trên giường, môi miệng cứng lại, sùi bọt mép, ú ớ không nói lên lời. Lập tức nạn nhân được đưa đi cấp cứu ở cơ sở y tế; những người ở lại liền mời thầy cúng đến làm lễ giải hạn ngay trong đêm. Tuy vậy, nạn nhân đã tắt thở không lâu sau đó. "Vợ con, người nhà ai cũng khóc lóc, hàng xóm thương tình đến thăm hỏi nhưng chả ai biết được nguyên nhân cháu tôi chết vì đâu. Đến giờ nhắc lại, tôi vẫn không hiểu tại sao cháu tôi khỏe mạnh mà tự dưng "lăn" ra chết", bà Luyện trầm ngâm cho biết.
Trước đó bốn ngày, ngay sát vách nhà bà Luyện có bà Vũ Thị Chung (hơn 40 tuổi) cũng qua đời. Bà Luyện kể, giữa bà và nạn nhân có quan hệ họ hàng thân thích, thường ngày chị em rất hay tâm sự với nhau. Đang trong lúc khỏe mạnh thì nạn nhân thấy trong người bất thường, liền đi bệnh viện khám thì phát hiện u não. Người này lo lắng nhưng không mổ ngay mà chờ ăn Tết xong sẽ đi khám tổng thể và tiến hành mổ khối u. "Cô ấy còn tâm sự với tôi là trong người vẫn thấy khỏe mạnh, nói rằng nhờ ăn ở phúc đức nên được tổ tiên phù hộ, chắc sau mổ sẽ không có chuyện gì xảy ra. Vậy mà chưa kịp đi mổ, đúng ngày 11 tháng Giêng Âm lịch thì qua đời", bà Luyện nhớ lại.
Cũng Tết năm 2012, thôn Yên Lập Đông còn chứng kiến cái chết bất thường khác của một nam thanh niên, 25 tuổi. Anh này làm nghề thuê hút cát ở sông, tính tình hiền lành; không tham gia cờ bạc, rượu chè. Vậy nhưng đúng ngày mùng Hai tết, khi cả nhà đang tiếp khách đến nhà chúc mừng năm mới, thì anh lẻn vào nhà bếp, uống thuốc diệt cỏ. Khi phát hiện ra, mọi người hốt hoảng đưa đi bệnh viện, nhưng liều lượng chất độc nhiều, nạn nhân không qua khỏi. "Không ai hiểu nguyên nhân tại sao nó lại uống thuốc độc tự vẫn, đến nay đây vẫn là cái chết bí ẩn, gia đình, hàng xóm không thể giải thích", một nhân chứng cho biết.
Chỉ trong mấy ngày đầu năm Âm lịch 2012, thôn Yên Lập Đông liên tiếp tổ chức ba đám ma cho người xấu số, đám này nối tiếp đám kia khiến không khí tang thương phủ khắp làng. "Chẳng còn không khí Tết nữa, hàng xóm gặp nhau ai cũng nét mặt tang thương, lo lắng", một người dân nhớ lại. "Nửa năm sau, bà cụ thân sinh ra tôi qua đời", bà Luyện cho biết.
Không lâu sau, một phụ nữ trong làng tên Vũ Thị Bé (32 tuổi) bị viêm miệng, mãi không khỏi. Kiểm tra kỹ thì thấy nổi lên một nốt nhỏ màu đỏ ở lưỡi. Khi đi bệnh viện khám thì phát hiện bệnh ung thư vòm họng, không lâu sau thì qua đời.
Bà Luyện kể lại câu chuyện
Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông
Ngoài chết không rõ nguyên nhân, chết do phát hiện bệnh hiểm nghèo, người dân nơi đây còn kinh hãi bởi nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm gây chết chóc.
Khởi đầu vào khoảng tháng 10/2012, một nam thanh niên trong làng (SN 1985) đi xe máy đến khu vực Nam Khê, Uông Bí thì gặp tai nạn, chết ven đường. Người thân đến nhận xác, nếu không xem giấy tờ tùy thân, biển số xe máy thì khó phát hiện ra người thân vì mặt mũi biến dạng sau vụ tai nạn. Khoảng 10 ngày sau, một thanh niên khác trong thôn, nhà gần Quốc lộ 18, khi ăn cơm trưa xong, bước ngang qua đường thì bị ô tô cán chết. Điều đáng nói là chiếc ô tô trước khi gây tai nạn vừa bị nổ lốp. Tốn nhiều thời gian mới thay lại xong, đi được một đoạn ngắn thì gây tai nạn chết người. Cũng trong tuần đó, một nam thanh niên khác trong làng đi sinh nhật bạn thì tông vào gốc cây ven đường, tử vong.
Nạn nhân là con trai trong gia đình đông anh em. "Thằng bị tai nạn là người hiền lành, chăm chỉ nhất nhà. Những đứa khác quậy phá, nghiện ngập thì không bị gì, chết đúng người tử tế nhất, khiến ai cũng thương cảm", một hàng xóm cho biết. Cùng thời gian trên, hai nam thanh niên khác trong làng rủ nhau ra TP.Hạ Long chơi, đến đoạn đường thuộc phường Đại Yên thì bị ô tô tải đâm giữa người, chết tức khắc. "Không hiểu sao khi xảy ra tai nạn thì liên tục nối đuôi nhau. Ngoài những trường hợp đã kể trên, còn vô số các vụ tai nạn xây xước nhẹ khác. Điều đặc biệt là nạn nhân chết chỉ nhằm vào nam thanh niên tuổi đời còn rất trẻ", một người dân nói.
Ông Nguyễn Trung Úy (SN 1950, thôn Yên Lập Đông) cho biết, bản thân ông là cựu chiến binh, trước đây chinh chiến đánh Mỹ, giáp mặt với kẻ thù không hề biết sợ, vậy mà khi cả làng liên tiếp gặp tai họa, bản thân ông thấy hoang mang, khó lí giải. Những người mê tín thi nhau đi cầu cúng, giải hạn; bản thân ông Úy tự nhận mình không mê tín, nhưng trước đại họa của làng, ông cũng theo mọi người làm "lễ giải hạn". Đó là khoảng giữa năm 2012, người làng đi xem bói thì "thầy" phán long mạch làng bị đứt, cần phải hàn lại, nếu không tai họa sẽ tiếp tục giáng xuống, trừng trị dân làng. Nghe vậy, cả làng đóp góp công đức, người ít thì 10 nghìn, 20 nghìn, người nhiều thì 100 nghìn hoặc hơn thế để tiến hành lễ hàn long mạch của làng.
Hao công tốn của giải hạn vẫn chết chóc
Sau khi quyên góp được khoảng 20 triệu, dân làng mời thầy cúng, sắm sửa đồ lễ, tổ chức giải hạn ở gần một con đập ngăn nước, dưới gốc một cây đa cổ thụ. "Mọi người quan niệm, thời gian đó làm nhiều công trình thủy lợi, giao thông nên long mạch làng bị động, bị đứt, nên lễ tổ chức hàn lại long mạch được tổ chức ở gần đê gần đập nước mới thiêng", ông Úy nhớ lại. Theo trí nhớ của người dân, buổi giải hạn diễn ra trong không khí trang trọng, rất đông dân làng bỏ công việc đồng áng để tham gia buổi lễ.
Tuy nhiên, sau buổi lễ "hàn long mạch" hao công tốn của, tai ương trong làng vẫn tiếp tục diễn ra, chết chóc vẫn chưa chấm dứt. Một nhóm người dân tiếp tục đi xem bói. Lần này, "thầy" phán rằng cả làng đang bị bóng một con quái vật khổng lồ che phủ, phải đi đến chùa Đồng, nơi chùa cao nhất ở Yên Tử (Quảng Ninh) cầu cúng, lễ bái thì dân làng mới thoát kiếp nạn. Những người đi xem bói sau khi về làng thì kể lại câu chuyện này, ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Đang trong lúc không thể giải thích tại sao cả làng liên tiếp gặp tai họa thì lời của "thầy" bói như một niềm tin cứu cánh. Vậy là cả dân làng lại quyên góp tiền bạc, tổ chức đi lễ ở chùa Đồng. Tổng cộng có 60 người cùng đi, thuê hai xe ô tô chật kín người. Những ai không đi được thì gửi vài chục nghìn tiền lẻ, nhờ đoàn đi hộ thắp hương, cúng bái. "Vợ tôi không đi ô tô được vì bị say xe, tôi phải chở bà đi bằng xe máy, theo sau hai chiếc ô tô", ông Úy nhớ lại.
Sau những cố gắng của dân làng để hóa giải "thảm họa chết chóc", tình hình vẫn chưa yên ổn trở lại, những cái chết vẫn tiếp tục diễn ra, nghĩa trang liên tục khoác những vòng hoa mới. Đúng lúc ấy, dân làng phát hiện ra một số sắc phong của đình thành hoàng làng trước đây được đem thờ tự ở gần ngôi miếu Cây Cộng. Miếu này đặt ở núi Trán Hổ, nơi người dân cho rằng là mảnh đất "dữ". Lập tức, người dân lập ban thờ mới ở đình làng cũ, làm lễ dâng hương, khấn vái, tạ lỗi các vị thành hoàng làng, cầu mong được bình an, che chở. Theo người dân, từ khi lập bát hương thờ thành hoàng làng, tai họa bỗng dưng mất đi. "Từ đó đến giờ là hơn một năm, nhưng làng chỉ có 6 người qua đời, toàn là các cụ già đã bệnh tật lâu năm", ông Úy cho biết.
Trước đây thôn Yên Lập có một ngôi đình, thờ tự ba vị thành hoàng linh thiêng, che chở cho dân làng. Thời chống Mỹ, bom đạn như mưa, không nhà cửa nào bị hư hỏng; người không ai chết, chỉ một con trâu bị què chân. Con cháu trong làng đi bộ đội không ai hy sinh, hiện làng chỉ có một thương binh. Sau đó đình làng bị phá, nay làm trường học, trừ lại một diện tích, ngoài khuôn viên trường, là nền cửa chính của đình trước đây, không ai dám xâm phạm. Mới đây, một người đàn ông tự xưng là "thầy cúng" ở địa phương khác đến trông coi ngôi miếu ở núi Trán Hổ. Người này đem mấy sắc phong của đình lên miếu thờ, lại xin được đất ở gần miếu để xây lại đình làng nhưng người dân không đồng ý; bởi cho rằng vị trí núi Trán Hổ thế đất "dữ", đình làng ở đó sẽ làm con cháu trong làng hư hỏng, trai thì trộm cướp, gái thì hư hỏng. Nay họ có ý định xây lại đình ở vị trí cũ để ổn định tình hình. Từ đây mới nảy sinh ra bao nhiêu chuyện phức tạp, khiếu kiện, khiến những ngày đầu tháng 3/2014 làng không khi nào bình yên.
Theo PLTĐ
Zone 9 mở cửa hoạt động trở lại Ngày 24.11, các cửa hàng ở khu vui chơi Zone 9 (số 9, phường Bạch Đằng, quận Hai Ba Trưng, TP.Ha Nôi) đã hoạt động trở lại. Nhiều người lui tới Zone 9 trong chiều 24.11 - Ảnh: Hà An Theo quan sát của Thanh Niên Online, cho dù nơi xảy ra hỏa hoạn là quán bar nằm án ngữ ngay lối ra...