Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016: Phân tích được nhiều vấn đề thời sự
Sáng nay 16.10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề “Nông dân toàn cầu- từ tư duy đến hành động”.
Báo Nông thôn Ngày nay, Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) và Công ty Hợp tác Phát triển Quốc tế IDCC là các đơn vị được giao trực tiếp tổ chức Diễn đàn. Đây là Diễn đàn nông dân cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự đủ đại diện Nông dân của 63 tỉnh,thành phố.
Tới tham dự Diễn đàn, có GS.TS.Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN, Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ban dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều và các Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý, Lương Quốc Đoàn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang) đến dự và chỉ đạo Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Tập trung thảo luận 7 vấn đề bức thiết của nông dân
Trong phần phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết: Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 4 – một chương trình lớn, được phối hợp chặt chẽ liên bộ, liên ngành nhằm tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ quyền quốc gia. Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nhân, giới truyền thông.
Chủ tịch Lại Xuân Môn cũng cho biết: Mục đích của Diễn đàn là tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và đối thoại, cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân và giới báo chí truyền thông; cập nhật và phản hồi thông tin về cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan đến nông dân nhằm đảm bảo cùng hiểu đúng và đồng thuận trong quá trình thực thi; lắng nghe và phản hồi những quan tâm, chia sẻ, đánh giá, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; giao lưu, chia sẻ thông tin, thiết lập mối quan hệ và xúc tiến thương mại giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa nông dân với nông dân.
Ông Lại Xuân Môn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Do đó, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã nêu rõ, Diễn đàn nông dân Việt Nam năm nay sẽ tập trung thảo luận những nội dung chính:
- Thứ nhất: Bối cảnh hội nhập và những yêu cầu đặt ra đối với người nông dân Việt Nam.
– Thứ hai: Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của người nông dân Việt Nam trước các điều kiện, yêu cầu của hội nhập kinh tế – quốc tế.
– Thứ ba: Vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng nông sản Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của người nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong việc sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thứ tư: Phân tích những hạn chế trong nhận thức, thái độ, tư duy và hành động của người nông dân trong quá trình làm ra sản phẩm nông sản.
– Thứ năm: Vấn đề liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, phân tích những rào cản làm hạn chế việc thiết lập và thực thi hiệu quả các liên kết “cùng thắng” giữa nông dân và doanh nghiệp.
Video đang HOT
– Thứ sáu: Phân tích từ các câu chuyện thực tế xoay quanh những bất cập, hạn chế trong các cơ chế, chính sách hiện hành ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm cản trở tới nông dân, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể hiệu quả, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
- Thứ bảy: Phân tích làm rõ những bất cập, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chính sách về tích tụ ruộng đất, quy hoạch; cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới…
“Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tổ chức Diễn đàn sẽ thống nhất lựa chọn và chuyển tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan những khuyến nghị chính đáng của nông dân, của doanh nghiệp để có các giải pháp, chính sách tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…” – Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định.
Ngay khi trình bày bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã thay mặt Thường trực T.Ư Hội NDVN kêu gọi các đại biểu, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước hướng về 5 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ. Chủ tịch Lại Xuân Môn bày tỏ, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các đại biểu tham dự Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất 2016, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, quyên góp, ủng hộ tiền, vật dụng thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ, động viên đồng bào 5 tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn do thiên tai lũ lụt…
Lắng nghe, tiếp thu và có những điều chỉnh
Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và đặc biệt là những gương mặt nhà nông ưu tú được tôn vinh tại Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong quá trình đổi mới, vị thế chính trị của giai cấp nông dân và Hội Nông dân ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những thành tựu, kết quả đạt được vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế giữa các vùng miền trong cả nước. Nông nghiệp nước ta phát triển còn kém bền vững. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. ời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016. Ảnh: Đàm Duy
Trong thực tế, giai cấp nông dân đang đối diện với những thách thức lớn như vai trò chủ thể của nông dân trong các quyết sách chính trị ở nông thôn cũng còn nhiều bất cập; những thách thức từ nền kinh tế thị trường; vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ mới và thông tin thị trường vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp và nông dân giỏi ứng dụng thành công, nhưng nhìn toàn cục nền nông nghiệp, nói một cách thẳng thắn đây vẫn là khâu yếu.
Bên cạnh những ưu điểm về thị trường lao động giá rẻ, tài nguyên phong phú, sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang gặp phải những điểm nghẽn chưa giải quyết được trên diện rộng, đó là chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề phát triển không bền vững vì ô nhiễm môi trường nông thôn và chất lượng nguồn thực phẩm hàng hóa vẫn chưa đáp ứng thị trường, ngay cả với người tiêu dùng trong nước…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tại Diễn đàn này, có nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các doanh nhân lớn và đặc biệt là có sự tham dự của nhiều nhà nông xuất sắc 2016 vừa được tôn vinh. Vì vậy, tôi cũng như các vị lãnh đạo các bộ, ngành đến đây không phải để phát biểu, mà rất muốn lắng nghe các ý kiến tại diễn đàn, phân tích sâu, các đề xuất nhằm giải quyết những thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ, các bộ ngành sẽ lắng nghe, tiếp thu và có những điều chỉnh trong xây dựng thể chế nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn kêu gọi giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân miền Trung đang gặp khó khăn bởi bão lũ.
Trong khuôn khổ chương trình của Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ nhất năm 2016, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (trái) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Tiết Văn Thành (phải) trao kỷ niệm chương Agribank tiếp sức nhà nông cho 24 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016. Ảnh: Đàm Duy
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Lại Xuân Môn cùng Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiết Văn Thành đã trao Bằng khen của T.Ư Hội NDVN cho 37 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
Dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng cho vay phục vụ “Nông nghiệp sạch”
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) cho biết, với gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng “tam nông”, Agribank luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng trọng điểm, các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Thành cho biết Agribank hiện đang triển khai 7 chính sách tín dụng và 1 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2011-2015), Agribank đã triển khai tại 9.000 xã trên toàn quốc với trên 2,5 triệu khách hàng, dư nợ đạt 280.000 tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chương trình trong giai đoạn 2011-2015.
Ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) phát biểu tại Diễn đàn Nông dân 2016. Ảnh: Đàm Duy
Cũng theo ông Thành, với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”.
Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, với mong muốn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
>> Xem toàn văn bài phát biểu của ông Tiết Văn Thành – TGĐ Agribank
tại đây
Nông dân xuất sắc kể chuyện tậu xe hơi, cho con du học Mỹ
Đó là thổ lộ của nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 khi trao đổi, chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt.
Nuôi cá thu tiền tỉ mỗi năm
Chị Hoàng Thị Chắp, dân tộc Dáy, xã Cốc San huyện Bát Xát, Lào Cai.
Là nữ nông dân được tôn vinh lần này, chị Hoàng Thị Chắp, dân tộc Dáy (sinh năm 1970 ở xã Cốc San huyện Bát Xát, Lào Cai) cảm thấy rất tự hào và cho biết sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh. Chị Chắp chia sẻ, trong đợt mưa lớn, lũ quét vừa qua, gia đình chị bị thiệt hại lớn nhưng đã dần khôi phục sản xuất. Năm 2015, tổng doanh thu của gia đình chị đạt 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 700 triệu. "Khu vực Bát Xát là địa bàn còn nghèo nên có nhiều hộ khi đào ao, thả cá không có đủ vốn và thiếu con giống, kỹ thuật chăm sóc, tôi đều nhiệt tình tham gia hướng dẫn..."-chị Chắp cho hay.
Nông dân đi xe hơi, cho con du học ở Mỹ
Ông Mai Xuân Hải ở thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông Mai Xuân Hải (sinh năm 1967) chia sẻ, được tỉnh Quảng Bình bình chọn là người duy nhất đại diện cho những nông dân điển hình, tiên tiến của địa phương về thủ đô Hà Nội, ông cảm thấy rất tự hào. Ông Hải có trang trại tổng hợp diện tích 3ha, thế mạnh là nuôi lợn siêu nạc. Riêng lợn thịt, mỗi năm trang trại của ông Hải xuất bán trên 100 tấn. Năm 2015, ông Hải cũng thành công từ nuôi gà, nuôi cá, nuôi lươn... với lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. "Kinh tế của gia đình tôi bây giờ đã vững, có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang, có xe hơi đi lại thuận tiện, và có điều kiện cho con đi du học ở Mỹ..."-ông Hải thổ lộ.
Bỏ 1,5 tỷ cho nông dân vay không tính lãi
Ông Đặng Quang Hữu, ở xã Hướng Hiệp huyện ĐakRông, Quảng Trị.
Vượt quãng đường hàng trăm km về Hà Nội, ông Đặng Quang Hữu (sinh năm 1974, ở xã Hướng Hiệp huyện ĐakRông, Quảng Trị) chia sẻ, đây là lần thứ 2 được ra thăm thủ đô Hà Nội và cả 2 lần đều được vinh danh vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Chia sẻ với Dân Việt, ông Hữu cho biết gia đình ông chuyên trồng rừng.
Hiện nay, gia đình ông có 21 ha trồng rừng, 7 ha trồng sắn. Năm 2015 doanh thu của gia đình ông đạt hơn 6 tỷ, "bỏ túi" 700 triệu. Gia đình ông Hữu giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng trăm lao động mùa vụ khác.
"Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, hàng năm tôi vẫn dành 1,5 tỷ giúp đỡ người dân vay không tính lãi để đầu tư giống, phân bón trồng rừng, trồng sắn; sản phẩm được tôi bao tiêu...", ông Hữu chia sẻ.
Người có nhiều trang trại vệ tinh
Ông Vũ Huy Quang, ở thôn Lương Môn xã Lương Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái.
Ông Vũ Huy Quang (sinh năm 1953 ở thôn Lương Môn xã Lương Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái) là một trong những nông dân xuất sắc lần này chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất tự hào và vinh dự vì công sức của mình bỏ ra không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp cho nhiều bà con nông dân xóa đói giảm nghèo, giờ lại được tôn vinh và nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016".
Gia đình ông Quang có 6.000 m2 thường xuyên nuôi 4.000 con thỏ bán cho doanh nghiệp y dược Nhật Bản đóng tại Bắc Ninh. Cùng với hàng trăm trang trại "vệ tinh", 1 năm ông Quang đang cung cấp cho đối tác của Nhật Bản khoảng 15.000 con thỏ. "Nuôi thỏ là 1 cách giảm nghèo hiệu quả. Hiện, nhu cầu về thỏ giống, thỏ thương phẩm rất lớn sẽ là điều kiện cho nông dân làm giàu", ông Quang bày tỏ.
Theo Danviet
Nông dân xuất sắc 2016: "Sướng vì được gặp thần tượng sáng chế" Cảm cúm vì thời tiết lạnh, vui mừng gặp được "thần tượng"... là cảm nhận của đoàn nông dân xuất sắc 2016 ra thủ đô nhận giải nông dân xuất sắc 2016. Ông Tân (phải) bắt tay, trò chuyện với các nông dân xuất sắc 2016 vào sáng ngày 13.10 ở Hà Nội. Ảnh Trần Quang Mong quảng bá nhiều về đặc sản...