Diễn biến vụ bản quyền ‘Tiến quân ca’ và ‘Giấc mơ trưa’
Liên quan đến vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi bị khiếu nại bản quyền ca khúc “ Giấc mơ trưa”, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.
Những ngày qua, lùm xùm tranh chấp bản quyền ca khúc giữa các nghệ sĩ và đơn vị BH Media được dư luận quan tâm. BH Media hiện nắm quyền sở hữu rất nhiều bản ghi các ca khúc trên nền tảng số. Từ đó dẫn đến chuyện khi các nghệ sĩ đăng tải video bài hát đó lên YouTube, video bị khiếu nại bản quyền.
Nhạc sĩ Giáng Son, NSND Thu Hiền thể hiện sự bức xúc khi bản thân là người sáng tác, người hát nhưng lại bị một đơn vị không liên quan khiếu nại.
Từ đâu BH Media có quyền sở hữu?
BH Media làm việc, thỏa thuận với các hãng băng đĩa, từ đó được ủy quyền quản lý và khai thác, kinh doanh tác phẩm trên nền tảng số. Họ đưa tác phẩm lên YouTube và được xác định Content ID. Khi có mã Content ID, các video đăng tải sau (nếu nội dung trùng lặp hoặc chứa đoạn âm thanh tương tự) sẽ mặc định bị khiếu nại bản quyền.
Với trường hợp nhạc sĩ Giáng Son, BH Media cho biết họ được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý bản hòa tấu Giấc mơ trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh. BH Media đưa bản ghi này lên YouTube trước. Do đó, khi Giáng Son đăng video Giấc mơ trưa (Khánh Linh thể hiện) vào tháng 9 năm nay, video này nhận được thông báo về bản quyền, trong đó ghi rõ chủ sở hữu là BH Media.
Giáng Son bày tỏ phẫn nộ vì Giấc mơ trưa là ca khúc cô sáng tác. Bản hòa âm, phối khí cũng do nhạc sĩ chi tiền thực hiện. Bản ghi của Thùy Anh thậm chí sử dụng bản phối gốc từ Giáng Son.
Sự việc của NSND Thu Hiền cũng xảy ra tương tự. NSND Thu Hiền cho biết mới đây khi con gái của bà đưa lên mạng một số ca khúc Thu Hiền biểu diễn thì bị YouTube báo vi phạm bản quyền. Và bản quyền những bản ghi ca khúc này thuộc về BH Media.
Nghệ sĩ Thu Hiền kể nhiều năm trước, bà hợp tác thu âm cùng các hãng băng đĩa, trong đó có Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, Công ty Hoa Phượng Đỏ… NSND Thu Hiền cho rằng nếu hãng đĩa đưa tác phẩm lên nền tảng số để kinh doanh thì cần thông báo với bà.
Tiến quân ca là sáng tác của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Giáng Son và NSND Thu Hiền khẳng định sẽ kiện
Với trường hợp Giấc mơ trưa, BH Media giải thích YouTube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thùy Anh, do Hồ Gươm Audio cung cấp. Và YouTube sẽ trả phí tác quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), đơn vị được Giáng Son ủy quyền về quyền tác giả trên YouTube.
Giáng Son khẳng định chưa từng chuyển nhượng hay bán độc quyền tác phẩm Giấc mơ trưa cho tổ chức, cá nhân nào. Nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC giải quyết sự việc.
Đến ngày 9/11, VCPMC và BH Media đều chưa thông tin thêm về vụ tranh chấp bản quyền.
Gia đình NSND Thu Hiền cũng cho biết đã thuê luật sư để khởi kiện. Còn BH Media không đưa ra phản hồi về sự việc của NSND Thu Hiền.
Hồ Gươm Audio chưa có câu trả lời
Hồ Gươm Audio là đơn vị phát hành đĩa nhạc của Dương Thùy Anh (trong đó có bản ghi Giấc mơ trưa) và liên quan trực tiếp đến sự việc.
Câu hỏi được đặt ra là khi ủy quyền kinh doanh tác phẩm trên nền tảng số cho BH Media, Hồ Gươm Audio có thông qua Dương Thùy Anh hay không. Trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, Hồ Gươm Audio có phải nhà sản xuất?
Theo điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quyền sao chép trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Dương Thùy Anh cho biết cô không nhớ rõ bản hợp đồng năm 2007 có những điều khoản gì. Cô đã liên hệ với Hồ Gươm Audio để làm rõ sự việc nhưng chưa được phản hồi.
Ngày 9/11, đại diện Hồ Gươm Audio nói rằng đơn vị này đang tìm hiểu thêm về sự việc và sẽ đưa ra câu trả lời sau.
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “BH Media tuyên bố có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho YouTube thì hệ thống mới có thể thực hiện quét tự động. Điều này đặt ra vấn đề là bản ghi mà BH Media sử dụng để YouTube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son không. Hay bản ghi này có bị chiếm hữu một cách trái phép, hoặc nếu sản xuất, sao chép thì đã xin phép nhạc sĩ Giáng Son chưa… Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua những giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao”.
Về bản quyền Tiến quân ca
Một thông tin khác cũng gây tranh cãi trong những ngày qua là việc BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.
Vấn đề đang được tranh luận là khi sản xuất album có chứa bản ghi Tiến quân ca, Hồ Gươm Audio đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan cấp phép hay chưa. Hồ Gươm Audio liệu có được phép đưa bản ghi lên YouTube.
BH Media nói rằng họ không bật nút kiếm tiền, quảng cáo đối với bản ghi Tiến quân ca trên YouTube.
Nhạc sĩ Giáng Son bức xúc khi video ca khúc Giấc mơ trưa bị khiếu nại bản quyền.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, đối với vụ việc này, cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc để xác minh, làm rõ hiện tại tác phẩm Tiến quân ca thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hay toàn dân. Trong trường hợp tác phẩm được hiến tặng cho Nhà nước thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý về vấn đề bản quyền.
Nếu BH Media xác nhận quyền sở hữu bản ghi thì phải đưa ra bằng chứng về mối quan hệ của họ với sản phẩm này.
“Nếu Hồ Gươm Audio là đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình Tiến quân ca, cần xem xét đơn vị này nắm giữ quyền với bản ghi ra sao. Bản ghi sản xuất trên đĩa CD sẽ là hành vi phân phối, đưa lên mạng là hành vi truyền tải tác phẩm tới công chúng. Cần xem xét Hồ Gươm Audio có quyền truyền tải hay không?”, luật sư phát biểu.
Đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã nắm được thông tin về vụ bản quyền ca khúc Tiến quân ca. Bộ sẽ xem xét sự việc để chuyển nội dung cho đơn vị chuyên môn giải quyết.
Lùm xùm bản quyền 'Giấc mơ trưa': Giáng Son và BH Media, ai sai?
Ngày 27/10, BH Media - đơn vị vừa bị nhạc sĩ Giáng Son tố "đánh" bản quyền ca khúc của chính mình tổ chức họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số".
Theo BH Media, vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son thực ra rất đơn giản, chỉ giải quyết trong vòng "một nốt nhạc" nhưng nhạc sĩ Giáng Son từ chối đối thoại khiến vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo. Chính vì thế, đơn vị này tổ chức họp báo để giải đáp tất cả mọi thắc mắc từ phía dư luận. Phía BH Media khẳng định, nhạc sĩ Giáng Son nói đơn vị này "đánh gậy bản quyền" tác phẩm của mình là không chính xác.
"Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo từ YouTube chứ không phải từ BH Media. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video", đại diện BH Media cho biết.
Phía BH Media giải thích, nhạc sĩ Giáng Son đã rất cẩn thận trong vấn đề bản quyền nên đã đưa lên kênh của mình một bản ghi Giấc mơ trưa thuộc quyền sở hữu của chị. Nhưng trên YouTube có nhiều bản ghi Giấc mơ trưa của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó khi phát hiện bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son hơi giống với bản ghi Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã up lên trước đó, YouTube tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Khánh Linh hát Giấc mơ trưa của Giáng Son tại liveconcert Nghệ sĩ tháng
Và ngay sau khi nhạc sĩ Giáng Son phản ánh trên trang cá nhân, BH Media đã kiểm tra và nhả ngay bản quyền. YouTube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thùy Anh do Hồ Gươm Audio cung cấp và YouTube sẽ trả phí tác quyền về cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền về quyền tác giả trên YouTube.
BH Media cho rằng, những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Justin Bieber, Taylor Swift,... đều có những hiểu lầm như vậy.
Theo đó, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hoà âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; Quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
Chẳng hạn với trường hợp của Taylor Swift sáng tác và hát các ca khúc trong các album Red nhưng quyền bản ghi âm của các album này thuộc về hãng đĩa Big Machine Records. Vậy sau khi chấm dứt hợp đồng với hãng, Taylor Swift đã phải thu âm lại toàn bộ các album của mình với phần hòa âm phối khí mới để có thể tiếp tục sử dụng và trình diễn các bài hát đó.
"Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự", BH Media giải thích.
Về phía mình, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, việc BH Media đổ tại YouTube quét là sai. YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media).
"Người thực thi là network, họ thông qua công cụ mà YouTube cấp đó để thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì YouTube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BH Media không phân rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép.
Rõ ràng là BH Media đặt content ID khi không có quyền (vì Dương Thùy Anh mượn, xin mà không hề có hợp đồng nào hết) BH Media chỉ được phép bật khi Dương Thuỳ Anh là chủ sở hữu độc quyền đối với phần phối khí đó. Về quyền thì có 2 quyền: Quyền tác giả - tôi không có hợp đồng gì với Dương Thuỳ Anh. Quyền hòa âm phối khí - Dương Thuỳ Anh xin từ người phối khí của tôi", nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.
Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định rằng, người làm ẩu, sai đầu tiên trong sự việc này là Dương Thùy Anh. Phía BH Media chịu trách nhiệm liên đới vì không xác minh rõ quyền tác phẩm.
"BH media không được phép bật ContentID (CID) nếu đó không phải là tác phẩm mà đơn vị này có độc quyền sở hữu. BH Media đổ cho YouTube claim, báo cáo claim, nhưng sau đó lại thừa nhận BH đã nhả, gỡ claim. Vậy BH điều khiển YouTube?", nhạc sĩ Giáng Son đặt câu hỏi.
Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho biết, chị đã làm việc với luật sư của VCPMC và đang chờ kết quả.
Cũng liên quan đến bản quyền âm nhạc, gần đây nhạc sĩ Trần Thanh Tùng than rằng: " Họ ký với tôi có 3 tác phẩm mà trong hợp đồng đồng ghi tuyển tập tác phẩm".
Bên cạnh đó nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng kêu: " Bài Tình ta biển bạc đồng xanh BH Media ký hợp đồng 30 triệu là một bản hợp đồng khác mà khi trả lại đã bị đánh tráo bằng một văn bản khác mà nội dung lại ghi là được quyền sử dụng suốt đời".
BH Media khẳng định sau khi nhận được hợp đồng do BH Media gửi qua email, chính nhạc sĩ là người xem xét kỹ lưỡng và in, ký từng trang, gửi tới trụ sở của BH Media, kèm theo chứng minh thư công chứng của nhạc sĩ, không có cớ gì nói nhạc sĩ không đọc.
Nhạc sĩ Giáng Son.
Lý do nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại bản quyền ca khúc 'Giấc mơ trưa' Giáng Son bức xúc khi video ca khúc "Giấc mơ trưa" của cô bị khiếu nại bản quyền. Đơn vị BH Media cho rằng nhạc sĩ hiểu lầm sự việc. Liên quan đến việc nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại bản quyền khi đăng tải video ca khúc Giấc mơ trưa, ngày 27/10, đơn vị BH Media đưa ra lời giải thích....