Diễn biến tâm lý của người nhiễm HIV
Phản ứng đầu tiên của một người khi nhận kết quả nhiễm HIV là bàng hoàng, phủ nhận, sau đó chuyển sang trạng thái tức giận, tuyệt vọng.
Theo chuyên gia Nguyễn Hương Lan, tư vấn tâm lý gia đình tổng đài 19006670, một người khi nhận được tin bị nhiễm HIV sẽ có những thay đổi cảm xúc khác nhau. Phản ứng đầu là trạng thái bàng hoàng và phủ nhận, không tin đó là sự thật. Một số khác sững sờ lặng đi, không nói thành lời.
Khi kết quả được khẳng định, hầu hết người nhiễm HIV/AIDS chuyển sang trạng thái tức giận và muốn tìm ra nguyên nhân người đã lây cho mình. Mắc HIV có thể làm họ bị mang tiếng xấu, chịu sự xa lánh chối bỏ từ người khác, kể cả người thân. Có bệnh nhân muốn giấu bệnh, hoặc biểu hiện như tự hành hạ mình, không muốn tiếp xúc với mọi người. Nguy hiểm hơn, một số người có hành vi bạo lực, nảy sinh ý nghĩ “trả thù đời” bằng cách cố tình truyền HIV cho người khác.
Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Avert
Theo chuyên gia, đến một giai đoạn nhất định, cảm xúc thường trực của người nhiễm HIV là nỗi lo lắng và sợ hãi. Lo đến cái chết, lo mất việc làm, lo người khác sẽ kỳ thị phân biệt đối xử với mình, lo cả về kinh tế. Những khó khăn này diễn ra trong thời gian dài và nếu không được chia sẻ sẽ rất dễ chuyển sang trạng thái trầm uất và tuyệt vọng, luôn có những suy nghĩ tiêu cực trong đầu.
“Nhiều bệnh nhân im lặng một cách bất thường, chán ăn, mệt mỏi, mất trí nhớ, các cử động chậm chạp, không chú ý đến chăm sóc cơ thể”, bà Hương Lan cho biết. Trạng thái trầm uất và tuyệt vọng này là do họ cảm thấy cuộc sống của mình bế tắc, không lối thoát, không có điều kiện để điều trị hoặc điều trị không có kết quả. Bệnh nhân cũng cảm thấy bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống, mình là gánh nặng của gia đình. Nhiều người có ý định tự tử.
Bệnh nhân HIV nếu được chăm sóc hỗ trợ từ người thân, cộng đồng, sẽ dần chấp nhận hoàn cảnh của mình và nhen nhóm niềm hy vọng vào tương lai. Sống như thế nào để tận dụng những ngày cuối cùng còn lại của cuộc đời giúp ích cho gia đình, xã hội, hy vọng về một ngày khoa học sẽ tìm ra thuốc chữa. Chính vì vậy, “gia đình cần phải quan tâm và động viên người bệnh”, bà Lan nói. Hiện nay, nhiều người HIV cũng tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS, sinh hoạt ở các nhóm người bệnh.
Theo bác sĩ Hoàng Hồng Vân, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, thực chất bệnh nhân nhiễm HIV không mang án tử cận kề giống như mắc bệnh ung thư, tiểu đường, cao huyết áp… Khi dương tính với HIV, bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu trình uống thuốc ARV. Thuốc được cấp phát miễn phí tại các bệnh viện. Nếu muốn dùng thuốc đặc hiệu chất lượng tốt hơn, bệnh nhân chi khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, sự vui vẻ, lạc quan của người bệnh là liều thuốc tốt hơn cả quá trình phục hồi.
“Nhiều bệnh nhân HIV được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao”, bác sĩ cho biết.
Video đang HOT
Những điều nên làm với người bệnh HIV:
- Đối xử với người nhiễm HIV như với người bình thường.
- Không gắn biển “Khu HIV”, điều này làm những người nhiễm HIV mặc cảm.
- Khuyến khích người nhiễm HIV tiết lộ tình trạng bệnh và khuyên họ có những lối sống tích cực.
Thúy Quỳnh
Theo Vnexpress
HIV và nỗi đau bị ruồng bỏ: Người mẹ nhân hung tin khi mới sinh con
Khi vừa sinh con, chị nhận được hung tin là hai mẹ con nhiễm HIV. Đến tháng thứ 6, đứa con rứt ruột đẻ ra rời bỏ chị mà đi. Rồi đến lượt chồng, em chồng ra đi vì HIV. Mình chị ở lại với mầm bệnh trong người với bao điều tiếng...
Bệnh nhân HIV đáng thương chứ không đáng trách
Chị N.T.H. (40 tuổi, ở Yên Thế, Bắc Giang) không may nhiễm HIV từ chồng bị nghiện hút. Lần hạ sinh đứa con đầu lòng cũng là lúc chị nhận được hung tin từ bệnh viện, rằng cả chị và con gái đều dương tính với HIV do lây nhiễm từ chồng.
Bao nhiêu hy vọng đều bay xa, bởi trước đó chị H. kỳ vọng sự ra đời của cô con gái có thể là kỳ tích để kéo chồng mình thoát khỏi tình trạng nghiện ngập, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhưng trớ trêu thay, vừa lọt lòng bé đã nhiễm bệnh từ mẹ. Cố gắng chạy chữa, duy trì sự sống của con đến tháng thứ 6 thì bé bỏ chị mà đi. Và hơn 1 năm sau khi con gái mất thì chồng và em trai chị H. cũng ra đi vì căn bệnh HIV.
Liên tiếp những chuyện không may rơi xuống gia đình khiến chị H. phải gồng mình chống đỡ. Cho đến bây giờ chị vẫn luôn tiếc nuối về việc mình không cẩn thận phòng tránh ngay khi biết chồng nghiện hút nên dẫn tới cô con gái nhỏ cũng lây bệnh.
Nhiều bệnh nhân HIV là nạn nhân, hoàn cảnh của họ đáng thương chứ không đáng trách
Nỗi đau mất người thân chưa kịp nguôi ngoai thì chị lại bị những người xung quanh kỳ thị, xa lánh.
"Sau khi những người thân của tôi mất vì HIV và biết bản thân tôi cũng bị bệnh, rất nhiều người xa lánh và có ánh mắt kỳ thị với tôi. Trong những câu chuyện của họ tôi biết họ đang đánh giá về tôi.
Nhiều điều họ nói là không đúng nhưng tôi không trách, bởi họ sợ hãi vì là bệnh khó điều trị. Hơn nữa, con đường lây truyền của bệnh thường liên quan đến ma túy, mại dâm. Vậy nên, những người dân quê nghèo với trình độ hiểu biết eo hẹp bị đánh đồng người bệnh HIV là xấu.
Trước sự kỳ thị, xa lánh của mọi người tôi lựa chọn nỗ lực vươn lên, cố gắng hết mình trong cuộc sống, trong công việc, trong giao tiếp ứng xử với mọi người để lấy được sự tin tưởng, tín nhiệm của người thân, bạn bè" - chị H. tâm sự.
Bệnh nhân HIV cần sự cảm thông, chia sẻ
BSCKII Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện ĐK Đống Đa cho biết, những trường hợp người chồng bị bệnh nhưng không có biện pháp bảo vệ cho vợ dẫn đến vợ mắc bệnh, rồi từ người vợ lây bệnh sang con không hề hiếm gặp.
Đặc biệt, giờ đây, HIV đang len lỏi về vùng sâu, vùng xa, gặp ở những người chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng gây tâm lý hoang mang cho người bệnh. Vì họ không rõ mình bị bệnh từ đâu, khi nào?
Theo bác sĩ Minh, sở dĩ có thực trạng này nguyên nhân một phần là do những người đàn ông ở vùng sâu, vùng xa vào thời điểm nông nhàn người ta ra thành phố kiếm việc làm.
Xa gia đình, lại là những người đang trong độ tuổi lao động, khỏe mạnh nên họ cũng có nhu cầu sinh lý. Những lúc vắng vợ, họ tìm đến gái mại dâm và không có ý thức dự phòng lây truyền các bệnh lây qua đường tình dục trong đó có HIV, dẫn đến bị nhiễm bệnh lúc nào không hay.
Nhiều người đàn ông đi làm xa nhà nhiễm HIV và trở thành nguồn lây nhiễm cho vợ, con
Trở về quê nhà lại lây nhiễm cho vợ, vợ chửa đẻ lây cho con. Đến khi đi viện thăm khám mới biết bị HIV và không biết mình bị lây nhiễm từ đâu, bao giờ.
Nguy hiểm hơn, có những người chồng chẳng may đột tử, để lại vợ trẻ, con thơ, đến một ngày người vợ trẻ vô tình phát hiện HIV qua một lần kiểm tra sức khỏe.
Chưa từng bước chân ra khỏi ngôi làng nhỏ, chồng lại mất, giờ bỗng dưng phát hiện nhiễm HIV, điều này làm những người xung quanh nghi ngờ con đường nhiễm bệnh của người vợ góa.
Chính bản thân họ cũng không biết mình bị bệnh từ đâu, bao giờ nên dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ tột cùng. Thêm nữa, sự kỳ thị, ánh mắt nhòm ngó, nghi ngờ của những người xung quanh làm cuộc sống của họ thêm bế tắc.
Và nếu như tình trạng xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV vẫn tiếp diễn thì người bệnh sẽ bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, quyền được học hành, quyền được tự do đi lại... thì con người không những không hạn chế được HIV mà còn làm cho bệnh ngày càng khó kiểm soát.
Vậy nên, sự cảm thông, chia sẻ, với tinh thần và thái độ không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV của tất cả mọi người sẽ giúp người bệnh lạc quan hơn, quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Theo www.giadinhmoi.vn
Người có HIV sống được bao lâu? Những người có chẩn đoán nhiễm HIV cần phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa nó chuyển thành AIDS, giai đoạn gây tử vong. HIV là gì? HIV (vi rút suy giảm miễn dịch ở người) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, tấn công hệ miễn dịch và hiện chưa có cách chữa khỏi. Nếu không được điều trị,...