Diễn biến phiên tòa đại gia “siêu lừa”: Tiền tỷ chiếm đoạt “chảy” đi đâu?
Chiều nay (19-9), TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Lê Mãn Thân – nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Petroconex phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lê Mãn Thân cố tình “né” ống kính PV khi bị chụp ảnh tại phiên tòa
Quanh co chối tội
Video đang HOT
Liên tiếp “giăng bẫy” những “con mồi”, sau khi gặp gỡ và nói với chị N.T.H.G. (trú ở quận Thanh Xuân) là có khả năng mua được đất tại dự án Geleximco, ngày 22-6-2009, Lê Mãn Thân ký hợp đồng dịch vụ số 086 với nội dung công ty của Thân sẽ đứng ra thực hiện dịch vụ để chị G. mua được 36 lô đất tại khu D24 dự án này. Mức giá trung bình mà Thân “hứa” với nhà đầu tư là 17.300.000 đồng/m2.
Ngay trong ngày ký kết hợp đồng, chị G. đã phải chuyển cho Thân 1,8 tỷ đồng đặt cọc. Hết thời hạn giao ủy nhiệm chi nhưng không thấy động tĩnh gì, chị G. truy hỏi thì đối tượng yêu cầu phải đưa thêm 2 tỷ đồng nữa để “chi phí ngoại giao” và hẹn sẽ hoàn trả sau vài ngày. Thế nhưng thêm một lần nữa, chị G. bị đối tượng “đưa đẩy” lún sâu vào “cái bẫy” đã cài sẵn.
Trước khi bị khởi tố, bản thân bị cáo cùng người thân mới chỉ hoàn trả được hơn 5 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 8,7 tỷ đồng của 5 bị hại. Tại phiên xét xử, Thân luôn miệng cho rằng số tiền chiếm đoạt của các bị hại đã dùng vào các khoản chi phí “ngoại giao”, đặt mua một số lô đất và ăn tiêu hết, song lại không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào thể hiện việc đã giao tiền chiếm đoạt của bị hại cho người khác. Với số tiền chiếm đoạt quá lớn, lại chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng khiến HĐXX không thể tin được bị cáo đã ăn tiêu hết. Khi bị chủ tọa truy vấn gắt gao về số tiền đó, ngoài những lời lẽ ngụy biện như trên, “đại gia” ngày nào chỉ còn biết đối phó bằng cách… im lặng.
“Tố ngược” cả bị hại lẫn công an
Không chỉ “hoạt ngôn” trong quá trình lừa bịp mà ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa, Lê Mãn Thân vẫn tỏ ra là một đối tượng đầy “chất” lưu manh. Trong ngày đầu xét xử (16-9), trước khi kết thúc phần thẩm vấn, “siêu lừa” này đã lớn tiếng “tố cáo” một số bị hại và cả CQĐT trước tòa, từ đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Cụ thể Lê Mãn Thân cho rằng hắn không bỏ trốn. Ngày 27-6-2010, trong khi đối tượng “đang bận” đi công tác và tạm trú tại một khách sạn ở Thanh Hóa thì bị 2 trong số 5 bị hại đến gõ cửa, rồi xông vào dùng dao khống chế áp giải tới cơ quan công an. Đối tượng “bạo miệng” quy kết, bị hại đã xâm phạm chỗ ở hợp pháp cũng như sức khỏe, thân thể hắn. Đối với CQĐT, Thân cho rằng đã vi phạm tố tụng khi “phớt lờ” hành vi sai trái của bị hại đối với hắn và đã không đưa vụ việc vào hồ sơ vụ án… Để chứng minh cho tố cáo của mình là có cơ sở xác đáng, Thân viện dẫn nhân chứng biết rõ vụ việc bị áp giải tới cơ quan công an là một người bạn của đối tượng. Tuy nhiên, khi HĐXX căn vặn nhân chứng là ai, ở đâu thì đối tượng lại… tắc tịt. Lẽ tất nhiên, tòa án không thể chấp nhận đề nghị vô lý đó. Mặt khác, ngay khi bước vào ngày xét xử thứ 2, hôm qua (19-9), Lê Mãn Thân đã rút lại “tố cáo” trước tòa.
Trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo từng có 1 tiền án và 1 tiền sự cùng về hành vi lừa đảo, nhưng không lấy đó làm bài học. Trước khi đề nghị mức án từ 18 – 20 năm tù giam, đại diện VKS đã viện dẫn một số tình tiết giảm nhẹ là đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tuy nhiên, luật sư và 4/5 bị hại có mặt tại phiên tòa đều không đồng tình với nhận định trên. Do tính chất phức tạm của vụ án, nên bản án chính thức sẽ được TAND TP Hà Nội đưa ra vào ngày mai, 20-9.
Theo ANTD
Đại gia là một "siêu lừa"
Tuổi đời còn trẻ nhưng Lê Mãn Thân - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Petroconex đã sớm nổi lên là một đại gia thành đạt. Thế nhưng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài ấy là hàng loạt hành vi lừa bịp.
Nguyên Tổng giám đốc Lê Mãn Thân tại CQĐT
Sớm có lối sống lưu manh...
Sau khi thụ lý hồ sơ và từng phải trì hoãn phiên xử, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Lê Mãn Thân (SN 1978, trú ở xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Petroconex về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.
Sau khi học Đại học Luật chính quy một thời gian, Thân bỏ giữa chừng, rồi chuyển sang học hệ tại chức. Ra trường năm 2004, đối tượng xin vào làm cộng tác viên của một tờ báo ở Hà Nội. Bản chất lưu manh, Thân đã lợi dụng công việc của mình để thực hiện hành vi phạm pháp. Thân đã bị Công an Hải Phòng bắt giữ, sau đó bị TAND quận Hồng Bàng xử phạt 1 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giữa năm 2006, Thân được một tờ báo khác ở Thủ đô nhận vào làm việc với vai trò trưởng văn phòng đại diện ở Thanh Hóa. Tiếp tục lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp, đối tượng đã nhận tiền để tuyển người vào làm việc tại văn phòng không đúng quy định và cũng đã bị công an "sờ gáy". Cùng trong khoảng thời gian này, Thân thành lập Công ty CP Đầu tư dầu khí Petroconex.
Ngay trong quãng thời gian làm trưởng đại diện cơ quan báo chí, Thân đã tỏ ra hào phóng, tiêu tiền không tiếc tay và luôn miệng rao bán 2 căn nhà ở Hà Nội để về quê hương Thanh Hóa công tác. Sau này, khi đã "kiếm" được chút tiền bằng thủ đoạn lừa đảo, Thân còn tạo cho mình vẻ hào nhoáng bên ngoài nhằm mưu đồ chiếm đoạt thật nhiều tiền của người khác. Thậm chí, Thân còn tuyên bố mua đứt đội bóng đá quê nhà với số tiền hơn 30 tỷ đồng cho một mùa giải.
Bán nhà, đất bằng "nước bọt"
Thực hiện mưu đồ làm ăn phi pháp, tháng 4-2009, Lê Mãn Thân đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Đầu tư địa ốc dầu khí Petroconex, chuyển trụ sở từ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân về phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Trong giấy phép kinh doanh, đối tượng cũng đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản. Kể từ đây, Thân bắt đầu "vẽ ra" nhiều mối quan hệ "đẳng cấp" để lừa đảo chiếm đoạt tiền của hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân.
Nạn nhân đầu tiên phải kể đến là ông N.V.H (trú ở Từ Liêm, Hà Nội) - tổng giám đốc một công ty đầu tư. Thân rủ rỉ với ông H. rằng đối tượng có quan hệ rất thân thiết với lãnh đạo chủ đầu tư dự án nhà cao tầng và biệt thự Thanh Hà tại Hà Đông - Quốc Oai, vì thế có thể mua được một lô đất từ 2.500m2 đến 4.600m2 với giá ưu đãi, không quá 18.500.000 đồng/m2. Ngày 25-5-2010, tại công ty của Thân, ông H. ký hợp đồng ủy quyền cho doanh nghiệp đối tượng tiến hành các thủ tục cần thiết để công ty ông H. mua được một lô đất tại dự án này. Ngay trong ngày ký hợp đồng, ông H. phải chuyển cho Thân 600 triệu đồng tiền đặt cọc. Sau nhiều lần gia hạn hợp đồng, nhưng ông H. vẫn không thể có được điều mình mong muốn. Trong một vụ làm ăn khác, ngày 30-5-2010, Thân nhận 5 tỷ đồng đặt cọc của ông H.H.N. (trú ở quận Đống Đa, Hà Nội) để đăng ký mua 5 lô đất tại dự án khu đô thị An Hưng, quận Hà Đông sau đó bỏ trốn.
Không chỉ là "tác giả" của 2 vụ lừa đảo trên, Lê Mãn Thân còn chiếm đoạt tiền, tài sản của 3 nạn nhân khác chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ tháng 4 đến 6-2010 với tổng số lên đến 13 tỷ 800 triệu đồng bằng thủ đoạn tương tự. Trong quá trình bỏ trốn và bị điều tra, đối tượng mới hoàn trả cho các nạn nhân hơn 5 tỷ đồng. Trong ngày đầu xét xử, bước đầu bị cáo đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Về phía bị hại, tất cả đều khẳng định không phải họ dễ dàng bị lừa như thế. Bởi trước khi đặt vấn đề làm ăn với Thân, họ đều thấy Thân là một "đại gia" với biệt thự sang trọng, sử dụng ô tô đời mới, có nhiều mối quan hệ "đẳng cấp" và đặc biệt là "sở hữu" một tên doanh nghiệp đầy cuốn hút... Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào hôm nay, 19-9.
Theo ANTD
Lòng tốt cũng cần phải cảnh giác? Lòng tốt là điều không thể thiếu của mỗi chúng ta trong cuộc sống. Nhưng hiện nay trên Hà Nội lại có rất nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tốt của người khác, nhất là của các bạn sinh viên để kiếm tiền bất chính. Câu chuyện thứ nhất: Một hôm tôi mới từ quê lên, đang vất vả với đống đồ đạc...