Diễn biến mới nhất cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan
Hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã chiếm được các cơ quan công quyền nhà nước, buộc nữ thủ tướng Yingluck phải áp đặt luật an ninh đặc biệt. Những diễn biến mới nhất dấy lên lo ngại rằng rất có thể kịch bản đẫm máu năm 2010 sẽ tái diễn.
Hàng nghìn người bao vây trụ sở công quyền
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm nay (26/11) cho biết, những người biểu chống chính phủ tại Thái Lan đã chiếm trụ sở của Bộ Tài chính, cơ quan Ngân sách, Bộ ngoại giao, Cục quan hệ công chúng.
Tại trụ sở của Cơ quan ngân sách, người biểu tình yêu cầu các quan chức ngừng cấp kinh phí cho chính phủ đương nhiệm.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã kêu gọi chiếm đóng “tất cả các cơ quan chính phủ” trong ngày hôm nay và kêu gọi quân đội tham gia đảo chính.
Cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu diễn ra từ hôm Chủ nhật (24/11), khoảng 200.000 người đã tràn xuống đường phố Bangkok, tuần hành đến hơn một chục cơ quan của nhà nước, gồm cả những cơ sở quân đội và cảnh sát, và một số đài truyền hình do chính phủ hỗ trợ.
Trước đó, phe đối lập đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối dự luật ân xá do đảng cầm quyền đệ trình lên quốc hội mà họ cho rằng sẽ giúp cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra về nước.
Dù dự luật đã bị thượng viện bác bỏ, nhưng cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn diễn ra với lý do chính phủ đang bị cựu thủ tướng Thaksin &’giật dây’.
Trong khi đó, lực lượng áo đỏ từ các tỉnh cũng đổ về sân vận động Ratchamangala ở Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ. Tuy nhiên nhóm này chưa có hành động gì để tránh gây thêm náo loạn.
Áp đặt luật an ninh đặc biệt
Video đang HOT
Thủ tướng Yingluck Shinawatra thông báo bà sẽ áp đặt Luật An ninh Nội bộ tại mọi quận của Bangkok và các khu vực lân cận thủ đô.
Bà Yingluck nhấn mạnh rằng lực lượng an ninh sẽ không dùng vũ lực để đối phó với những người biểu tình.
“Chính phủ sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại người dân. Chính phủ kêu gọi người dân không tham gia biểu tình bất hợp pháp và tôn trọng pháp luật”, bà Yingluck tuyên bố.
Nữ thủ tướng Thái Lan đang rơi vào tình thế khó khăn.
Một số quan chức tiết lộ rằng cảnh sát đang thu thập bằng chứng về hành vi chiếm giữ trái phép các trụ sở công quyền của những người biểu tình và đưa ra các cáo buộc đối với Suthep cũng như những người ủng hộ trong ngày 26/11. Giới chức cũng sẽ giành lại các tòa nhà công quyền trong thời gian sớm nhất để chính phủ tiếp tục hoạt động.
Kịch bản đẫm máu sẽ tái diễn?
Giới quan sát cho rằng thủ tướng Yingluck đang ở trong một tình thế khó khăn. Tuy nhiên trên truyền hình vào tối qua, bà Yingluck khẳng định sẽ không từ chức hay giải tán hạ viện.
Tuyên bố này được đưa ra sau một cuộc họp Nội các nhằm đối phó với tình hình bất ổn hiện nay.
Dự kiến, trong 2 ngày 26-27/11, quốc hội Thái Lan sẽ họp bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nữ thủ tướng. Khoảng 20 nghị sỹ của Đảng Dân chủ sẽ chất vấn thủ tướng Yingluck và Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan tại cuộc tranh luận.
Hôm 25/11, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng chính trị gia tăng và đang theo dõi sát sao tình hình.
Washington tin rằng con đường tốt nhất phía trước là “tất cả các bên cần làm việc với nhau để giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình theo cách thức tăng cường dân chủ và tôn trọng luật pháp”.
Những diễn biến mới nhất cho thấy tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Liệu kịch bản như những cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra năm 2010 có xảy ra một lần nữa?
Theo Người đưa tin
Sẽ có đảo chính quân sự tại Thái Lan?
Những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan rầm rộ hiện nay cuối cùng có thể sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự mới, một học giả nổi tiếng có tên là Pavin Chachavalpongpunt ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto cho biết. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, liệu nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan - Yingluck Shinawatra có vượt qua được cơn sóng gió này hay không?
Người biểu tình đang gây sức ép mạnh mẽ đòi nữ Thủ tướng Yingluck từ chức
Tình hình chính trị đầy khó khăn hiện nay ở đất nước Thái Lan xuất phát từ những cuộc biểu tình đường phố kéo dài do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và cái gọi là Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì Cải cách Thái Lan dẫn dắt. Làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô của Thái Lan này có thể bị đẩy lên cao đến mức chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck có thể sẽ không còn khả năng duy trì được pháp quyền cũng như giữ được tình hình trong tầm kiểm soát.
"Những người biểu tình đường phố sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để kích động sự can thiệp của quân đội vào tình hình chính trường Thái Lan hiện nay. Một sự can thiệp như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc đảo chính. Quân đội có thể thấy rằng một cuộc đảo chính là cần thiết và hợp lý khi chính phủ không thể điều hành đất nước thêm được nữa", ông Pavin nhận định.
Theo vị chuyên gia trên, "quân đội có thể lật đổ chính phủ kể bởi họ đã từng làm thế với một chính phủ trước đây, thời ông Thaksin (Shinawatra). Ông Pavin đang nói đến cuộc đảo chính quân sự không đổ máu khiến chính quyền của Thủ tướng Thaksin sụp đổ năm 2006.
Những người biểu tình chống chính phủ thậm chí còn không hài lòng nếu Thủ tướng Yingluck từ chức hoặc giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Họ quyết tâm thúc ép để đi đến một cái kết cuối cùng là sự chấm dứt "thời kỳ cầm quyền của ông Thaksin". Phe đối lập tin rằng chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck chỉ là "con rối" trong tay cựu Thủ tướng Thaksin.
Theo đánh giá của ông Pavin, những người biểu tình chống chính phủ sẽ chỉ hài lòng và ngay lập tức từ bỏ các cuộc biểu tình đường phố của họ khi quân đội phát động một cuộc đảo chính giúp họ chấm dứt "thời kỳ thống trị của ông Thaksin".
Mặc dù giới lãnh đạo quân sự đến thời điểm này vẫn liên tục bác bỏ những tin đồn cho rằng họ có thể lật đổ chính phủ của bà Yingluck trong một cuộc đảo chính thì người ta cho rằng khả năng này không nên bị loại bỏ.
Tuy nhiên, không có cuộc đảo chính nào có thể xảy ra nhằm lật đổ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ trừ khi quân đội quyết định rằng, tình hình hiện nay đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, học giả Pavin cho hay.
Tư lệnh quân đội Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha đã lập một trung tâm chiến dịch quân sự ngay bên trong doanh trại của Trung đoàn Lục quân Số 1 để giám sát phong trào của những người biểu tình chống chính phủ. Ngày hôm qua (25/11), hàng ngàn người đã xông vào chiếm giữ trụ sở của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Cục Ngân sách, Cục Quan hệ Công chúng và hàng loạt cơ quan, văn phòng nhà nước khác, trong đó có cả các đài truyền hình.
"Quân đội có thể đang chờ đợi một thời cơ thích hợp để thực hiện hành động can thiệp vào công việc của chính phủ và động thái này có thể được theo sau bởi một cuộc đảo chính nếu quân đội cho rằng, tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Một khi quân đội quyết định thực hiện một cuộc đảo chính thì họ không thể thất bại", ông Pavin cho hay.
Những cuộc đảo chính không phải là điều xa lạ hay bất ngờ gì đối với chính trường Thái Lan. Nước này đã chứng kiến 18 lần quân đội thực hiện các cuộc đảo chính quân sự trong vòng 80 năm qua và họ có thể tiếp tục làm như vậy dựa trên cái cớ an ninh quốc gia.
Cảnh sát Thái Lan tìm kiếm lệnh bắt giữ thủ lĩnh cuộc biểu tình
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến chính trường Thái Lan, lực lượng cảnh sát nước này hôm nay (26/11) đã tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban - nhà tổ chức chính của những cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ hiện nay. Cũng chính ông này trực tiếp kêu gọi người biểu tình xông vào chiếm giữ trụ sở của các cơ quan bộ ngành chính phủ.
Ông Suthep bị cáo buộc đã kích động người dân xông vào chiếm giữ Bộ Tài chính và Cục Ngân sách. Ông này hôm nay đã thề sẽ tiếp tục cố thủ tại Bộ Tài chính, biến nó thành một căn cứ của các cuộc biểu tình dài lâu.
Cựu Nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố, ông không lo ngại về lời đe dọa bắt giữ ông của cảnh sát Thái Lan.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ hôm nay tuyên bố, họ có kế hoạch tạo một vòng vây xung quanh trụ sở của 4 bộ nữa, tờ Bangkok Post đưa tin. Những bộ này bao gồm Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã; Bộ Thể thao và Du lịch; Bộ Vận tải và Bộ Nội vụ.
Nỗ lực đẩy mạnh các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck do Đảng Dân chủ đối lập thực hiện đã buộc bà này phải ra quyết định thực thi Luật An ninh Nội địa trên khắp thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh lân cận xung quanh. Tuy nhiên, bà Yingluck vẫn cam kết sẽ không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
'Biểu tình tại Thái Lan có thể dẫn tới đảo chính quân sự' Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, học giả Pavin Chachavalpongpun cho rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ tại Thái Lan có thể kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự chóng vánh mới. Biểu tình phản đối chính phủ tại Bangkok hôm 25/11. Chuyên gia Chachavalpongpun nhận định:...