Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 1/3: Thêm loại vaccine mới được cấp phép; Trên 90 triệu người khỏi bệnh
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 297.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 114,6 triệu ca, trong đó trên 90 triệu người khỏi bệnh và 2,54 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 44.000 ca), Brazil (34.027 ca) và Pháp (19.952 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.135 ca), Mexico (378 ca) và Brazil (679 ca).
Đã có 21 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó đứng đầu là Mỹ với 29 triệu ca, thứ hai là Ấn Độ với 11 triệu ca và thứ ba là Brazil với 10,5 triệu ca.
Các nước cấp phép sử dụng cho một số vaccine COVID-19 mới
Mỹ cấp phép cho vaccine của Johnson&Johnson
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson để sử dụng khẩn cấp.
Theo đó, trong một thông báo, Giám đốc của FDA Janet Woodcock cho biết việc cấp phép cho loại vaccine này sẽ giúp Mỹ mở rộng thêm lựa chọn về các loại vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer và Moderna hồi tháng 12/2020.
Theo đánh giá của FDA, vaccine của Johnson&Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất này có hiệu quả cao trong ngăn ngừa các triệu chứng nặng của bệnh COVID-19, trong đó có cả khả năng chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Johnson&Johnson đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 cung cấp được 20 triệu liều vaccine, và tổng số liều đến cuối tháng 6 là 100 triệu liều.
Trung Quốc cấp phép một loại vaccine mới
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc (NMPA thông báo đã cấp phép có điều kiện cho một loại vaccine tái tổ hợp mới phòng COVID-19. Ưu điểm của loại vaccine mới này là việc chủng ngừa COVID-19 chỉ cần thực hiện qua một lần tiêm và dành cho đối tượng là người trên 18 tuổi.
Vaccine mới được nghiên cứu và phát triển bởi một nhóm chuyên gia thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự nước này. Đây là loại vaccine được phê duyệt đầu tiên của Trung Quốc sử dụng phương pháp dựa vào nhóm virus adeno gây bệnh đường hô hấp làm trung gian truyền bệnh để đưa gen đột biến của virus gây bệnh COVID-19 vào trong cơ thể. Loại vaccine này có thể được vận chuyển và bảo quản trong môi trường nhiệt độ từ 2 độ C tới 8 độ C.
Nga sắp cấp phép cho vaccine Sputnik-Light
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 22/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tài khoản Twitter chính thức của Sputnik-V ngày 28/2 thông báo đơn đăng ký vaccine Sputnik-Light đã được đệ trình để phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở Nga và một số quốc gia khác. Đây là vaccine dạng đơn giản của Sputnik-V, chỉ tiêm 1 mũi duy nhất và kháng thể được sinh ra 1 tuần sau khi tiêm.
Ông Alexander Ginzburg, Giám đốc trung tâm y tế Gamalei – đơn vị phát triển loại vaccine này, nhấn mạnh rằng vaccine Sputnik Light sẽ bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong thời gian tối đa 5 tháng. Khả năng miễn dịch với COVID-19 sau khi tiêm chủng vaccine Sputnik-Light sẽ bắt đầu hình thành sau một tuần và số lượng kháng thể tối đa sẽ xuất hiện sau 4 tuần kể từ khi tiêm chủng. Vaccine mới dự kiến sẽ đựoc sử dụng để tiêm cho những đối tượng trẻ tuổi (dưới 30 tuổi).
Trung tâm Gamalei đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik-Light giai đoạn III (dự kiến từ ngày 17/2/2021 đến 28/1/2022) với sự tham gia của khoảng 4.000 tình nguyện viên và được tiến hành tại 15 tổ chức y tế ở Moscow, Kaliningrad, Saint Petersburg, Saratov và Smolensk…
Sau khi được cấp phép lưu hành, dự kiến vaccine này sẽ được đưa vào sử dụng để tiêm chủng cho người dân song song với các loại vaccine hai thành phần (tiêm 2 mũi) khác của Nga. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga, Kirill Dmitriev, vaccine Sputnik-Light sẽ chủ yếu hướng đến thị trường nước ngoài.
Đến nay, Nga đã cấp phép sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sputnik-V, EpiVacCorona và CoviVac.
Châu Mỹ
Video đang HOT
Mỹ: Số ca nhập viện ở bang New York trên đà giảm
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tình hình dịch COVID-19 ở bang New York, từng là tâm dịch của Mỹ, đang có chiều hướng lắng dịu khi số ca nặng phải nhập viện điều trị đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số ca nhập viện do COVID-19 ở bang này trong ngày 26/2 là 5.445 ca, giảm so với 5.626 ca ghi nhận một ngày trước đó và là mức thấp nhất kể từ ngày 12/12/2020. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh trung bình trong 7 ngày là 3,18%, giảm so với mức 3,22% của ngày 25/2, tức là mức thấp nhất kể từ ngày 26/11/2020. Trong khi đó, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 24 giờ chỉ tăng nhẹ từ 2, 82% lên 2,85% so với ngày trước đó.
Thống đốc Cuomo cho hay bang New York đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân có nhu cầu, theo đó thêm nhiều điểm tiêm chủng đã được thành lập.
Bang New York ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Mỹ chỉ sau California.
Cuba ghi nhận số ca tử vong trong một tháng lần đầu vượt ngưỡng 100 ca
Rửa tay và khử khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 tại Havana, Cuba, ngày 25/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Cuba thông báo số ca tử vong do COVID-19 trong vòng một tháng ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 ca.
Theo đó, với 102 ca tử vong do COVID-19 ghi nhận đến thời điểm này, tháng 2/2021 đã trở thành tháng có nhiều ca không qua khỏi nhất ở Cuba kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái.
Trong 24 giờ qua, đảo quốc Caribe này có thêm 618 ca mắc COVID-19 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và ca tử vong lên lần lượt 49.779 ca và 318 ca. Hơn 50% số ca mắc mới ghi nhận ở thủ đô La Habana, điểm nóng dịch bệnh của Cuba, tiếp đến là các tỉnh Mayabeque và Camaguey. Đáng chú ý, ngày 27/2 có thêm 100 trẻ dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp này lên 5.465 ca.
Giám đốc Cơ quan vệ sinh và dịch tễ quốc gia Cuba Francisco Duran khuyến cáo người dân nước này, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh, nâng cao ý thức phòng dịch.
Cuba có 4.221 ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 59 bệnh nhân nặng. Số bệnh nhân hồi phục và được xuất viện là 44.566 ca, chiếm 90,6% số ca mắc.
Châu Âu
Hoàng tử Anh cảnh báo về thông tin sai liên quan vaccine trên mạng xã hội
Hoàng tử Anh William (phải) thăm một trung tâm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở King’s Lynn, Đông England, ngày 22/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hoàng tử Anh William vừa lên tiếng cảnh báo về việc những thông tin chống vaccine phòng COVID-19 lan tràn trên mạng xã hội, đồng thời hối thúc những người có bệnh nền và những người đủ điều kiện nên sớm tiêm phòng. Tuyên bố này được đưa ra sau lời kêu gọi tương tự của Nữ hoàng Elizabeth II.
Trong một video do Cung điện Kensington công bố tối 27/2, Công tước xứ Cambridge William cho rằng truyền thông xã hội đôi khi tràn ngập nhiều tin đồn và thông tin sai lệch, đồng thời khuyến cáo mọi người nên thận trọng đối với nguồn thông tin. Công tước William cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, đặc biệt đối với những người có bệnh nền, và khẳng định ông cùng với Công tước phu nhân Catherine sẵn sàng hỗ trợ chương trình tiêm vaccine.
Video trên được công bố sau khi Nữ hoàng Elizabeth II ngày 25/2 hối thúc người dân nên đi tiêm phòng. Nữ hoàng Anh kêu gọi những người lo ngại về việc tiêm chủng nên “nghĩ đến người khác thay vì chính bản thân họ”. Số liệu chính thức được công bố cùng ngày 27/2 cho thấy tổng cộng 19,7 triệu người tại Anh đã được tiêm mũi đầu tiên phòng COVID-19 kể từ khi nước này triển khai chiến dịch tiêm vào tháng 12/2020.
Trong khi đó, ngày 28/2, Bộ Y tế Anh thông báo tất cả các hộ gia đình ở vùng England có con em trong độ tuổi đi học sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19, với mỗi người được xét nghiệm hai lần trong một tuần. Biện pháp này nhằm thúc đẩy ưu tiên của chính phủ là đưa học sinh trở lại trường học.
Theo đó, kể từ ngày 1/3, các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh sẽ được phân phối tới hơn 500 địa điểm. Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lần một tại trường trước khi làm xét nghiệm tại nơi cư trú. Trong khi đó, học sinh tiểu học không có triệu chứng của bệnh COVID-19 sẽ không được xét nghiệm ở trường nhưng được khuyến khích làm xét nghiệm tại nơi cư trú.
Bồ Đào Nha đạt tỷ lệ tiêm phòng cao hơn mức trung bình của EU
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNtech cho người dân tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết quốc gia Tây Nam Âu này đã đạt tỷ lệ tiêm phòng 7,5 liều/100 dân, cao hơn so mức trung bình 6,83/100 của Liên minh châu Âu (EU).
Hai tháng sau khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng, Bồ Đào Nha đã tiêm vaccine cho 837.887 người, trong đó có 263.825 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Châu Á
Hàn Quốc sử dụng ống tiêm cải tiến để tiết kiệm vaccine
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Gwangju, Hàn Quốc, ngày 26/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 28/2, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã ban hành hướng dẫn mới cho các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, yêu cầu các nhân viên y tế tăng tối đa số mũi tiêm trên mỗi lọ vaccine phòng COVID-19 bằng cách sử dụng các ống tiêm hiện đại.
Theo đó, một ngày sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng miễn phí toàn quốc vaccine COVID-19, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết loại ống tiêm đặc biệt sản xuất trong nước có thể giúp tăng thêm từ 1 đến 2 người được tiêm từ mỗi lọ vaccine. Bước đột phá này là nhờ loại ống tiêm được thiết kế để giảm thiểu lượng vaccine lãng phí bằng cách giảm không gian giữa kim tiêm và piston.
Trước đây, người ta ước tính rằng một lọ vaccine do hãng dược AstraZeneca của Anh sản xuất đủ để cung cấp cho 10 người, trong khi của Pfizer là 6. Tuy nhiên, khi sử dụng ống tiêm mới, KDCA cho biết một lọ vắcxin của AstraZeneca có thể tiêm cho tối đa là 12 người, trong khi một lọ vắcxin của Pfizer có thể tiêm cho 7 người.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Loại vaccine được Thái Lan sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên là vaccine do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vaccine này được dùng cho các đối tượng từ 18 đến 59 tuổi, do đó Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi, không nằm trong nhóm được tiêm lần này.
Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul cho biết Thái Lan hi vọng việc tiêm chủng vaccine giúp bảo vệ người dân cũng như cho phép Thái Lan sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Trong tuần này, Thái Lan đã nhận 200.000 liều vaccine CoronaVac đầu tiên từ hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc. Vaccine này đang được phân phối tới 13 tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao. Dự kiến Thái Lan sẽ được cung cấp thêm 1,8 triệu liều CoronaVac vào tháng 3 và tháng 4/2021. Ngoài ra, theo kế hoạch, Thái Lan cũng sẽ nhận 17.000 liều vaccine của AstraZeneca trong tuần thứ 2 của tháng Ba.
Cho tới thời điểm hiện tại, Thái Lan chưa có xuất hiện ổ dịch mới nào và chỉ với hơn 25.000 ca nhiễm bệnh nói chung. Chính phủ Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tiêm chủng cho hơn một nửa dân số trưởng thành trong năm nay
Campuchia tiêm phòng mễn phí cho người thu gom rác tại thủ đô
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia ngày 28/2 thông báo các nhân viên thu gom và xử lý rác thải tại thủ đô Phnom Penh được tiêm miễn phí vaccine COVID-19, nêu rõ họ nằm trong các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng.
Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng cho biết: “Bộ Y tế mời tất cả các nhân viên thu gom rác thải, tuổi từ 18-59, ở thủ đô Phnom Penh đến tiêm phòng trên cơ sở tự nguyện ngay từ bây giờ tại các điểm tiêm phòng được chỉ định”.
Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 10/2 vừa qua sau khi nhận lô vaccine đầu tiên của công ty Sinopharm (Trung Quốc). Trong số các nhóm ưu tiên tiêm chủng có nhân viên y tế, thành viên và quan chức chính phủ, nhân viên và thành viên Thượng viện và Quốc hội, người đứng đầu chính quyền thành phố và các tỉnh, các lực lượng vũ trang, cảnh sát, nhà báo và nhân viên xử lý rác thải…
Theo số liệu chính thức, đến ngày 26/2, hơn 63.000 người đã được tiêm phòng COVID-19 tại Campuchia. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 805 ca nhiễm, không có ca tử vong, trong khi 477 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Châu Phi: Nam Phi nới lỏng phong tỏa
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trong lớp học tại Johannesburg, Nam Phi ngày 15/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 28/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/3, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1 nhằm khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế, sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm mạnh trong 2 tháng qua.
Ông Ramaphosa cho biết Nam Phi đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc liên tục tục giảm. Tính trong tuần qua, nước này ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với 40.000 ca trong tuần cuối tháng 1/2021 và 90.000 ca trong tuần cuối tháng 12/2020.
Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh đây là kết quả từ những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của các lực lượng chức năng, những thay đổi tích cực trong sinh hoạt thường ngày của người dân như nghiêm túc tuân thủ việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách, cũng như từ khả năng miễn dịch cộng đồng trong số những người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau khi hạ phong tỏa xuống cấp độ 1, người dân sẽ được phép tụ tập với số lượng tối đa 100 người trong phòng kín và 250 người ngoài trời, song phải tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng dịch cần thiết. Ngoài ra, thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn từ 0 giờ đến 4 giờ sáng.
Theo Tổng thống Ramaphosa, cũng bắt đầu từ ngày 1/3, các cảng hàng không chính của nước này sẽ bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế trong đó bao gồm các sân bay OR Tambo, Cape Town, King Shaka, Kruger Mpumalanga và Lanseria. Về biên giới trên bộ, nước này tiếp tục duy trì hoạt động của 20 cửa khẩu song vẫn đóng 30 cửa khẩu còn lại nhằm hạn chế dòng người qua lại biên giới.
Bài toán khó về quyền tự chủ của EU
Một năm sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lại gặp nhau qua màn hình trong các ngày 25-26/2 để thảo luận về tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đẩy liên minh vào những tình huống "lực bất tòng tâm".
Các nhà lãnh đạo cũng dành thời gian bàn thảo về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, với tham vọng "để EU có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình".
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Prague, CH Séc, ngày 7/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đối mặt với sự lan rộng của các biến thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - biến thể B117 ở Anh hiện đã có mặt tại tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia và biến thể ở Brazil xuất hiện tại 7 quốc gia, lãnh đạo 27 nước EU đã không giấu nổi sự lo lắng. Thủ tướng CH Séc Andrej Babis, lãnh đạo quốc gia EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay, đánh giá rằng đó là một thảm họa đối với đất nước ông.
Trong khi đó, tiến trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp do thiếu hụt nguồn cung vaccine trong ngắn hạn, dù khối đã đi tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và cũng đã đặt trước một lượng lớn vaccine. Hiện mới chỉ có 4,8% người dân EU được tiêm chủng, con số này cho thấy chiến lược tiêm chủng vaccine của EU đang tụt hậu so với một số nước, cụ thể như trên 50% người dân Israel đã được tiêm chủng, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 14% và ở Anh là 28%.
Nhiều nước thành viên EU đã phải tạm dừng những mũi tiêm vaccine đầu tiên vì thiếu thuốc. Các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca đều đã thông báo về sự chậm trễ đáng kể trong sản xuất và giao hàng. Tình hình đã buộc Ủy ban châu Âu phải vào cuộc, đặt ra câu hỏi về khả năng của cơ quan điều hành trong việc tác động đến hành vi của các phòng thí nghiệm.
Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides đánh giá lịch trình mới do hãng AstraZeneca đề xuất (75% số lượng thuốc được lên kế hoạch cho quý đầu tiên sẽ bị giao trễ) là "không thể chấp nhận được" và EU đã buộc các công ty sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong khối phải báo cáo mọi hoạt động xuất khẩu đến nước thứ ba. Đây được cho là biện pháp đề phòng vaccine bị chuyển hướng đến các cường quốc cạnh tranh. AstraZeneca trước đó thông báo sẽ chỉ cung cấp 30% lượng vaccine so với dự kiến trong quý đầu tiên. Trong quý II, hãng này có thể cắt giảm một nửa lượng vaccine phân phối cho EU so với cam kết.
Trước tình hình chiến dịch tiêm chủng tiến triển quá chậm ở EU, Ủy ban châu Âu hứa hẹn sẽ tăng mạnh số lượng liều vaccine trong quý II tới nhờ vào các đơn đặt hàng mới với Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như cấp phép lưu hành vaccine của hãng Johnson & Johnson, dự kiến vào tháng 3, đồng thời gây áp lực liên tục để các phòng thí nghiệm thực hiện những cam kết trước đó.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, vào cuối tháng 6, EU dự kiến sẽ nhận được gần 600 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton cũng được giao nhiệm vụ cùng các nhà sản xuất tìm kiếm giải pháp để tăng năng lực sản xuất vaccine trên "Lục địa già". Vào cuối năm nay, EU sẽ có thể "sản xuất từ 2 tỷ đến 3 tỷ liều thuốc mỗi năm". Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn tỏ ra hoài nghi, không tin tưởng vào khả năng sản xuất của các phòng thí nghiệm.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 thực sự đã làm nổi bật sự phụ thuộc đáng kể của EU vào các ngành công nghiệp của Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 1990, EU từng sản xuất tới 80% lượng thuốc tiêu thụ. Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp tới 80% nguyên liệu thô cần thiết cho lĩnh vực sản xuất dược phẩm của châu Âu.
Do đó, việc ký hợp đồng với các phòng thí nghiệm tại châu Âu là để đảm bảo rằng quá trình sản xuất thuốc sẽ được thực hiện trên đất châu Âu và điều này mang ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ như việc ký hợp đồng với phòng thí nghiệm của Pháp Sanofi, mặc dù vaccine mà họ sản xuất với sự hợp tác của GSK của Anh sẽ không có sẵn trước năm 2022, nhưng điều này sẽ cho phép EU giành lại một số quyền tự chủ trong chuỗi sản xuất dược phẩm, một vấn đề chính trị nổi cộm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Với cùng một dây chuyền, Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca đều sở hữu ít nhất một phần năng lực sản xuất của các hãng này trên lãnh thổ của EU.
Vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế chuẩn bị được tiêm cho các nhân viên y tế tại Reno, Nevada (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Mặt khác, các dấu hiệu đáng báo động nhất định đối với chủ quyền của châu Âu đã xuất hiện, chẳng hạn như việc từ bỏ chương trình nghiên cứu do Viện Pasteur khởi xướng. Cuộc chạy đua phát triển vaccine làm sống lại những tranh luận về tình trạng "chảy máu chất xám" trong nghiên cứu ở các nước EU. Những nhà nghiên cứu sáng giá nhất của Pháp đang "bị hút" vào hệ thống của Mỹ.
Một lý do khác gây lo ngại là khó khăn của các nước châu Âu trong việc thu lợi từ nghiên cứu của chính họ. Tờ Die Welt đánh giá "thành quả của nghiên cứu vaccine của hãng BioNTech (Đức) được phổ biến rộng rãi ở Mỹ nhưng vẫn là hàng hiếm ở Đức". Một phát hiện còn chua chát hơn là phòng thí nghiệm Valneva, có trụ sở tại Nantes (Pháp), thực sự đã nhận được đơn đặt hàng từ Chính phủ Anh, trong khi Nhà nước Pháp vẫn chưa đưa ra quyết định.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 cùng mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương bị sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến EU phải tiếp tục thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược.
Trong kết luận hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này, các nhà lãnh đạo EU cho biết trước tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng, EU phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Lãnh đạo 27 quốc gia đang nỗ lực tìm cách tăng cường quan hệ đối tác giữa EU với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hợp tác chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố EU muốn hành động một cách chiến lược hơn nhằm bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị của chính mình. EU cần tăng cường khả năng hành động tự chủ và tăng cường hợp tác với các đối tác. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây rõ ràng lại bài toán không dễ giải quyết.
Vấn đề hợp tác giữa Mỹ và EU có thể được thúc đẩy hay không còn phụ thuộc vào việc nước Mỹ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch như thế nào. Tổng thống Joe Biden hiện phải tập trung vào những vấn đề đối nội hơn là ưu tiên cho quan hệ với đồng minh. Trong khi đó, vấn đề hợp tác NATO-EU rõ ràng là không mới và đã trở thành trọng tâm của quá trình phát triển Chính sách Quốc phòng và An ninh chung của EU kể từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
Điều này liên quan đến ít nhất ba cấp độ tranh luận về các nội dung như mối quan hệ và tính bổ sung giữa hai tổ chức, vấn đề các quốc gia châu Âu làm gì trong NATO và mối liên kết xuyên Đại Tây Dương rộng lớn hơn. Mặc dù vậy, 20 năm tranh luận và hợp tác giữa EU và NATO đã không thể làm rõ được những gì hai bên cần phải làm trong mối quan hệ hợp tác. Quan trọng nhất, việc thúc đẩy hợp tác NATO-EU bị cản trở bởi một loạt mục tiêu và cam kết chưa từng đạt được, cũng như những xích mích về các vấn đề như sự trùng lặp, chồng chéo, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và chia sẻ gánh nặng.
Đức cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại Chủ tịch Viện dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) và Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn bày tỏ quan ngại tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cho rằng số ca nhiễm hiện nay vẫn ở mức "quá cao" và tình hình có thể nghiêm trọng trở lại trong...