Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 2/10: Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 289.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 34,4 triệu ca, trong đó trên 1,02 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 26/9. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (81.693 ca), Mỹ (trên 42.000 ca) và Brazil (33.506 ca).
Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 1.096 ca ở Ấn Độ, 766 ca ở Mỹ và 718 ca ở Brazil.
Nhiều nước châu Âu bắt đầu chứng kiến số ca mắc mới gia tăng nhanh đáng báo động, buộc chính phủ các nước phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch.
Châu Á
Số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng mạnh tại Ấn Độ
Xét nghiệm cho người dân ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ấn Độ ghi nhận 61.693 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên trên 6,3 triệu ca. Số ca tử vong tại quốc gia Nam Á này tăng thêm 1.096 ca lên 99.804 ca.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ấn Độ vẫn quyết định nới lỏng thêm một số biện pháp hạn chế để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền liên bang đã cho phép các bang mở lại trường học và rạp chiếu phim. Bang phát triển nhất Ấn Độ Maharashtra tuyên bố cũng sẽ cho phép các quán bar, quán ăn và nhà hàng hoạt động bình thường trở lại.
Giai đoạn mở cửa lần này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, vì một số lễ hội tôn giáo sẽ diễn ra trong tháng 10, trong đó có lễ Durga Puja. Giai đoạn đầu của cuộc bầu cử lập pháp bang Bihar năm 2020 cũng dự kiến diễn ra vào ngày 28/10. Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ sửa đổi quy định liên quan đến số lượng người có thể tập trung tối đa tại một địa điểm.
Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) thông báo tiếp tục tạm đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, biện pháp hạn chế này không áp dụng đối với các chuyến bay chở hàng hóa quốc tế cũng như các chuyến bay đặc biệt được DGCA cấp phép.
Đông Nam Á gần 17.000 ca tử vong
Trong ngày 1/10, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.884 ca mắc COVID-19 và 186 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 694.048 ca, trong đó 16.999 người tử vong.
Đám tang bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại tỉnh Aceh, Indonesia ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 1/10, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN với 4.174 ca và 116 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 291.182 và 10.856.
Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 1/10 tại ASEAN là Philippines với 2.415 ca và 59 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt là 314.079 và 5.562. Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 930 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 21/9. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bộ Y tế Philippines, tính đến nay, hơn 3,52 triệu trên tổng số 109 triệu người dân nước này đã được xét nghiệm.
Với số ca mắc 1.010 trong ngày 1/10, Myanmar đứng thứ ba ASEAN. Hiện nước này ghi nhận 14.348 ca mắc từ đầu dịch, trong đó 312 người tử vong.
Ngày 1/10, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 260 ca mắc bệnh COVID-19. Đây là mức cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 4/6. Trong số ca mắc mới, có một ca nhập khẩu và 259 người mắc mới do lây nhiễm cộng đồng. Bang Sabah trở thành điểm nóng nhất với 118 ca mắc mới. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 11.484 ca mắc COVID-19, trong đó có 136 trường hợp tử vong.
Video đang HOT
Hàn Quốc có thêm 77 ca mới
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo ghi nhận 77 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 23.889 ca. Như vậy, số ca mắc mới theo ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 100 ca sau khi ghi nhận 113 ca một ngày trước đó.
Cũng trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 2 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 415 ca. Trong khi đó, số ca bình phục và xuất viện tăng thêm 75 người lên 21.666 người.
Nhật Bản nới lỏng quy định nhập cảnh với người nước ngoài
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật Bản ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 1/10, Nhật Bản đã nới lỏng quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài – vốn được ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, mặc dù vẫn từ chối nhập cảnh đối với khách du lịch.
Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, những người nước ngoài như giáo viên, chuyên gia y tế và những người đủ điều kiện lưu trú trung hay dài hạn từ 3 tháng trở lên, sẽ được phép nhập cảnh. Bên cạnh đó, những người nước ngoài tới Nhật Bản vì mục đích công tác trong thời gian dưới 3 tháng cũng đủ điều kiện nhập cảnh. Những người đủ điều kiện sẽ phải có kết quả kiểm tra âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh và các công ty hoặc tổ chức bảo lãnh cho những người này sẽ phải đảm bảo việc họ tự cách ly 14 ngày và không được phép sử dụng giao thông công cộng trong thời gian này.
Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cho phép khoảng 1.000 người nước ngoài nhập cảnh mỗi ngày, trong đó ưu tiên cho những người có kế hoạch lưu lại trong thời gian tối thiểu 3 tháng.
Trung Đông
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN
Iran tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 1/10, với 3.825 ca. Bên cạnh đó, nước này cũng có thêm 211 người không qua khỏi đại dịch, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Iran lên 26.380 người trong tổng số 461.044 ca nhiễm.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục trong ngày 1/10 với 1.158 ca, cao hơn 58 ca so với số ca kỷ lục ghi nhận trong ngày trước đó. Như vậy nước này hiện đã có tổng cộng 95.348 ca mắc COVID-19, trong đó có 421 ca tử vong. Giới chức UAE cho rằng nguyên nhân số ca mắc tăng mạnh do nhiều người không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Amman, Jordan ngày 4/9. Ảnh: THX/TTXVN
Tương tự, giới chức Jordan cảnh báo chính phủ nước này có thể áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trên cả nước sau khi ghi nhận 1.767 ca mắc mới COVID-19 trong ngày. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Trung Đông này kể từ khi đại dịch bùng phát. Người phát ngôn chính phủ Amjad Adailah cho biết trong trường hợp diễn biến dịch nguy hiểm khiến nhà chức trách khó kiểm soát, Chính phủ Jordan có thể phải phong tỏa hoàn toàn trên cả nước. B
Châu Âu
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước
Dịch COVID-19 đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại nhiều nước châu Âu khi liên tiếp trong vài ngày gần đây, nhiều nước trong khu vực liên tục ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao chưa từng có.
Khử trùng đường phố nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Krakow, Ba Lan ngày 26/3. Ảnh: PAP/TTXVN
Bộ Y tế Ba Lan ngày 1/10 thông báo có 1.967 ca nhiễm mới – mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trong 1 tuần qua, quốc gia châu Âu này liên tục ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đến nay, Ba Lan đã có tổng cộng 93.481 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 2.543 ca tử vong vì COVID-19.
Cùng ngày, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic thông báo trên trang cá nhân rằng nước này ghi nhận 797 ca nhiễm mới trong ngày 30/9. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, Slovakia ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao chưa từng có.
Ông Matovic nhận định tình hình dịch bệnh đang hết sức nghiêm trọng tại nước này và hiện tại là thời điểm cấp bách cần có nỗ lực chung chống dịch bệnh. Từ ngày 30/9, Chính phủ Slovakia đã công bố một số biện pháp mới nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh, cùng với việc thông qua sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tại Hà Lan, Cơ quan thống kê (CBS) nước này ngày 1/10 công bố báo cáo cho biết số ca tử vong do COVID-19 trong thời gian bùng phát dịch bệnh lần thứ nhất từ tháng 3 đến tháng 6, có thể đã lên tới ít nhất 10.000 người, chứ không phải con số 6.406 người như số liệu cập nhật ngày 30/9. Theo CBS, sự chênh lệch này có thể là do có nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa được báo cáo lên cơ quan chức năng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan ngày 21/8. Ảnh: AFP/TTXVN
CBS nêu cụ thể trong khoảng thời gian từ ngày 2/3 đến ngày 10/5, cả nước Hà Lan ghi nhận hơn 9.000 ca tử vong do COVID-19, trong đó đỉnh điểm là tháng 4 – thời điểm có tới 6.000 ca tử vong.
Số ca nhiễm mới tại Hà Lan đã giảm trong thời gian mùa Hè, song vài tuần gần đây, con số này đã tăng trở lại với hơn 3.000 ca/ngày. Trong tuần qua, Chính phủ Hà Lan đã công bố các biện pháp mới nhằm ngặn chặn làn sóng dịch bệnh mới, trong đó khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Nga cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục trong ngày 1/10, với 8.945 ca – cao nhất kể từ ngày 12/6 vừa qua. Như vậy, tổng cộng đã có 1.185.231 người tại Nga mắc COVID-19 (cao thứ 4 thế giới), trong đó có 20.891 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN
Thị trưởng Moskva – ông Sergei Sobyanin đã ra lệnh cho các doanh nghiệp tại thành phố này điều động tối thiểu 30% số nhân viên làm việc từ xa kể từ ngày 5/10 để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Theo ông Sobyanin, số người mắc COVID-19 nhập viện ở Mokva đã tăng khoảng 5.000 người/tuần và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này tại Moskva lần đầu tiên tăng lên mức trên 19%.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo tình hình dịch bệnh trước mắt tại châu Âu đang “rất nghiêm trọng”. Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu – Tiến sĩ Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng liên tục bày tỏ lo ngại rằng các bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải trong những tháng tới.
Nhiều nước châu Âu gia hạn biện pháp phòng chống dịch
Trước chiều hướng dịch bệnh COVID-19 xấu đi tại châu Âu, các nước trong khu vực cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp và tăng cường các biện pháp phòng dịch phòng ngừa làn sóng dịch bệnh mới.
Sinh viên đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Rome, Italy ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 1/10 cho biết ông sẽ đề xuất Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp, dự kiến hết hạn vào giữa tháng 10 này nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tại các địa phương đưa ra quyết sách phòng dịch hiệu quả.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gia hạn các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 tại nhiều khu vực ở xứ England, trong đó có thành phố Liverpool. Trước đó, Anh đã bổ sung các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại các địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh tại phía Đông Bắc England.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu tổng hợp hằng tuần từ chương trình xét nghiệm và truy vết dịch bệnh COVID-19 công bố ngày 1/10, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh tại England trong tuần từ 17-23/9 đã tăng 61% so với tuần trước đó, trong đó số bệnh nhân mắc COVID-19 ghi nhận được tăng gấp 4 lần so với con số vào cuối tháng 8. Thủ tướng Anh Boris John đã kêu gọi người dân nước này tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết nước này sẽ gia hạn lệnh đóng cửa biên giới nhằm ứng phó với dịch COVID-19 cho đến cuối tháng 10 này.
Hungary đã đóng cửa biên giới hoàn toàn, không đón người nước ngoài tới nước này từ ngày 1/9, song đồng ý tiếp nhận công dân về nước song phải thực hiện cách ly. Tính đến ngày 1/10, nước này ghi nhận tổng cộng 27.309 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 781 ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 1/10 đã ban hành sắc lệnh gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại khu vực thủ đô Madrid, bao gồm lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực trong 48 giờ tới. Hiện thủ đô Madrid là địa phương duy nhất ở Tây Ban Nga có tỷ lệ lây nhiễm cao, 780 ca/100.000 người, trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác của nước này là 300 ca/100.000 người. Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nước thành viên Liên minh châu Âu và nước này đang ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh COVID-19 với hơn 760.000 ca nhiễm, bao gồm 31.000 ca tử vong.
Australia: Bang Victoria ghi nhận 800 ca tử vong từ đầu dịch
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại bang Victoria, Australia ngày 28/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Bang Victoria – bang đông dân thứ hai của Australia và cũng là tâm dịch tại nước này – đã ghi nhận ca tử vong thứ 800 do COVID-19 dù số ca mắc mới duy trì ổn định. Hiện bang Victoria chiếm 90% trong tổng số 886 ca tử vong do COVID-19 trên toàn Australia. Giới chức y tế bang cũng công bố thêm 15 ca mắc mới, theo đó số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần giảm xuống mức dưới 16 ca. Số ca mắc trong ngày giảm sau khi chính quyền thủ phủ Melbourne của bang Victoria áp dụng lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Các biện pháp này dự kiến sẽ duy trì hiệu lực cho đến khi số ca mắc mới trung bình trong 2 tuần tại bang giảm xuống dưới 5 ca. Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trên cả nước Australia có dấu hiệu giảm, bang Queensland thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các quán rượu, địa điểm ăn uống và câu lạc bộ có thể tăng gấp đôi số lượng khách được phục vụ ngoài trời, trong khi số lượng người tham dự các sự kiện ngoài trời có thể lên tới 1.000 người.
Châu Mỹ
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Toronto, Canada ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN
Canada đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến ngày 31/10 khi dịch COVID-19 tại đây có dấu hiệu bùng phát trở lại với số ca mắc mới tăng đáng kể. Lệnh cấm này có hiệu lực từ giữa tháng 3 vừa qua khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu, ngoại trừ một số trường hợp như vợ/chồng, con cái, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân hoặc thường trú nhân Canada.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý nhập cư Colombia thông báo nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới đất liền, đường biển và đường sông cho tới ngày 1/11. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã trở thành nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, quyết định gia hạn đóng cửa biên giới sẽ được miễn với các trường hợp khẩn cấp vì lý do nhân đạo, vận chuyển hàng hóa hay các trường hợp bất khả kháng. Việc xuất cảnh của các công dân nước ngoài cần phải có sự phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Các nhà hàng tại thành phố New York của Mỹ ngày 30/9 đã chào đón các thực khách trở lại trong bối cảnh nhà chức trách vẫn đang phải vật lộn khống chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại một số khu vực lân cận và các chính trị gia tại Washington đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận về gói chi tiêu bổ sung nhằm phục hồi trợ kinh tế sau dịch bệnh.
Trong ảnh: Thực khách dùng bữa tại một nhà hàng ở New York, Mỹ ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, các nhà hàng vẫn phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch nghiêm ngặt và công suất hoạt động của mỗi nhà hàng chỉ được phép duy trì ở mức 25%. Tại At Il Gattopardo, một nhà hàng cao cấp với các món ăn kiểu miền Nam Italy ở phía Đông của Manhattan, chủ nhà hàng, ông Gianfranco Sorrentino cho biết các biện pháp phòng dịch thận trọng là rất cần thiết để giúp nhà hàng của ông vượt qua một trong những thời điểm khó khăn nhất. Theo ông Sorrentino, cứ 15-20 phút, nhân viên nhà hàng phải thay khẩu trang và rửa tay một lần. Bộ lọc của điều hòa cũng được vệ sinh liên tục.
Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều nơi trong 9 khu vực thuộc các tiểu khu có nhiều ổ dịch mới xuất hiện như Queens và Brooklyn. Hiện nhà chức trách New York đã triển khai 400 cảnh sát và giới chức để giám sát việc người dân thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, cũng như đeo khẩu trang bắt buộc tại những địa điểm có dịch.
Cả người dân và du khách sẽ bị phạt tới 1.000 USD nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo ông Blasio, ngày 29/9, tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày lần đầu tiên đã tăng lên tới 3%, nhưng ngày 30/9, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 1%. Tính trung bình trong 7 ngày qua, tỷ lệ mắc COVID-19 tại thành phố New York đã tăng nhẹ lên 1,46%.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba ngày 1/9. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Cuba, lệnh giới nghiêm và một phần biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt từ 1/9 cũng được thông báo dỡ bỏ tại thủ đô La Habana. Thị trưởng La Habana, Reinaldo Garca Zapata cho biết số ca mắc COVID-19 mới đã giảm xuống mức trung bình 21 ca/ngày trong tuần qua. Phần lớn các khu vực trong cả nước đã bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường mới cách đây một tháng, mặc dù vẫn còn một số điểm bùng phát nhỏ.
Theo kế hoạch, hệ thống giao thông công cộng tại La Habana sẽ hoạt động trở lại vào tuần tới, với công suất dự kiến là 60%. Các trường học cũng được lên kế hoạch đón học sinh trở lại từ tháng 11 tới, song hoạt động hàng không vẫn đóng cửa.
Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội vẫn được duy trì và bắt buộc. Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Vì tuyến đầu chống dịch Covid-19: Góp sức cho quê hương
Chứng kiến TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) trở thành điểm nóng với hàng chục ca bệnh Covid-19, bà Ngô Thị Nga (58 tuổi; ngụ đường Lý Thường Kiệt, phường Sơn Phong) - nhân viên y tế, đã nghỉ hưu - đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch.
Theo dõi tình hình dịch bệnh trên báo, bà Nga vô tình đọc được thông tin chủ tịch UBND TP Hội An kêu gọi đội ngũ y - bác sĩ về hưu, sinh viên y khoa chung sức cùng TP phòng chống dịch. Bỏ điện thoại xuống, bà Nga quay sang nói với con trai: "Mẹ sẽ đi tình nguyện chống dịch". Sau phút giật mình, con trai, con dâu bà đều lên tiếng phản đối. Chỉ sau khi nghe bà Nga giải thích, cả gia đình mới đồng tình ủng hộ. Mỗi người một việc, họ cùng sắp xếp hành lý chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày của bà Nga.
Bà Ngô Thị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp chuẩn bị đi lấy mẫu xét nghiệm
Khi dịch Covid-19 quay lại, Hội An là địa phương đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam ghi nhận ca mắc Covid-19. Ca mắc Covid-19 tử vong đầu tiên là một cụ ông 70 tuổi (bệnh nhân 428), ngụ phường Minh An, TP Hội An. Liên tiếp những ngày sau đó, Hội An trở thành điểm nóng khi ca bệnh liên tục tăng lên con số hàng chục khiến đội ngũ y - bác sĩ quá tải. Từng là nhân viên chuyên ngành xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hội An, bà Nga đã đăng ký đi chống dịch. "Thấy dịch bệnh phức tạp như vậy, mọi người đang căng mình chống dịch trong khi tôi còn sức khỏe mà lẽ nào đứng ngoài cuộc nhìn vào. Tôi muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình vào công tác chống dịch của TP" - bà Nga chia sẻ.
Bà Nga đã có mặt tại khu cách ly tập trung TP Hội An từ những ngày đầu tháng 8, sát cánh cùng các đồng nghiệp cũ. Gần một tháng qua, ngày nào bà Nga cũng rong ruổi trên từng ngõ hẻm, góc phố để lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ mắc bệnh. Khi không đi lấy mẫu, bà Nga giúp đỡ các tình nguyện viên tuyên truyền, cung cấp những kiến thức thiết thực cho bà con trong vùng phong tỏa. Nhớ ngày đầu khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy ướt khắp người như tắm, bà Nga cảm giác hết sức khó chịu nhưng mọi chuyện rồi cũng qua. Công việc quá nhiều nên đến 13 giờ mới ăn trưa, có khi bữa trưa và bữa tối gộp làm một. Có hôm làm việc mệt nhoài, bà Nga đặt lưng xuống giường là ngủ một giấc tới sáng quên ăn.
Công việc vất vả là thế nhưng bà Nga luôn lạc quan, vui vẻ vì bản thân đã đóng góp một chút công sức cho quê hương. Vui hơn nữa khi liên tiếp 3 ngày qua, những mẫu bệnh phẩm mà bà Nga và đồng nghiệp lấy đều cho kết quả âm tính.
Thêm 3 bệnh nhân COVID-19 mới ở Quảng Nam, 1 ca mới ở Hà Nội 6h ngày 6/8, Bộ Y tế công bố thêm 3 ca mắc COVID-19 mới ở Quảng Nam, 1 ca mắc mới ở Hà Nội có tiền sử đi du lịch cùng gia đình tại Đà Nẵng từ 14-17/7. CA BỆNH 714 (BN714): Bệnh nhân nam, 42 tuổi, có địa chỉ tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, là nhân viên điều hành...