Điện ảnh thời lạm phát
Từ chỗ chỉ vài ba phim ra đời trong một năm, điện ảnh Việt Nam đã bật dậy nhanh chóng với hơn chục bộ phim mỗi năm và hàng loạt hãng phim lớn nhỏ ra đời.
Lạm phát phim dở
Cảnh trong phim Hello cô Ba.
Gần 5 năm trước, phim Việt mỗi năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay và là đặc sản của mùa Tết. Bây giờ, thời cuộc đã khác, các hãng phim mọc nhanh như nấm và sẵn sàng ra mắt phim vào bất cứ thời điểm nào trong năm, ban đầu là các dịp lễ Tết, sau đó chiếm lĩnh luôn cả mùa hè, vốn được xem là lãnh địa của phim bom tấn Hollywood.
Hầu như phim Việt nào ra mắt cũng được quan tâm đặc biệt, nhưng phim Việt đầu tiên phá vỡ thế độc tôn của phim ngoại phải kể đến Chuyện tình xa xứ, Để Mai tính, Cánh đồng bất tận. Trong đó, Chuyện tình xa xứ đánh dấu màn chào sân khá ấn tượng của đạo diễn Victor Vũ, Để Mai tính làm hài lòng cả giới báo chí và công chúng bằng một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng được làm chỉn chu. Còn Cánh đồng bất tận làm bùng nổ một cuộc bút chiến liên miên và kéo theo doanh thu cao ngất ngưởng.
Nhưng dường như chiến thắng quá dễ dàng đã khiến các nhà sản xuất bắt đầu xem nhẹ chất lượng phim, tìm cách giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận. Thêm vào đó, tấm gương nhãn tiền của một số nhà đầu tư dốc quá nhiều vào phim nên không thu hồi được vốn cũng khiến họ phải thận trọng hơn. Đạo diễn Charlie Nguyễn thừa nhận: “ Dòng máu anh hùng ngoài việc khiến anh thỏa chí làm phim và tạo được thương hiệu khi chào sân khán giả Việt, nó cũng khiến anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất”. Hay bộ phim dã sử Thiên mệnh anh hùng được đầu tư hoành tráng nhất trong thời gian qua với kinh phí lên đến 24 tỷ đồng, dù rất ăn khách và ra mắt vào dịp Tết đầy thuận lợi, vẫn còn cách điểm hòa vốn quá xa.
Theo một người trong ngành, khả năng của thị trường điện ảnh Việt hiện nay không thể đạt tới ngưỡng 50 tỷ đồng để có thể giúp nhà sản xuất hòa vốn, sau khi đã ăn chia với bên phát hành và rạp chiếu.
Kèm theo giảm chi phím các nhà làm phim tỏ ra nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả. Biết rằng đa số khán giả nằm trong độ tuổi teen, đến rạp để giải trí là chính và không quá khắt khe trong việc đánh giá một bộ phim theo các tiêu chí nghệ thuật, các hãng phim bắt đầu bước vào một cuộc đua tung chiêu câu khách, gây cười, bấp chấp cả những cảnh thô tục, phản cảm mà những người có văn hóa một chút sẽ khó mà cười được. Có phim chọc cười bằng việc khai thác giới tính ( Nàng men chàng bóng, Cưới ngay kẻo lỡ, Vũ điệu đường cong), có phim làm “ngu hóa” nhân vật để mua tiếng cười ( Em hiền như ma sơ, Nhật kí bạch tuyết,Hello cô Ba, Long ruồi, Giấc mộng giàu sang, Ranh giới trắng đen), có phim lại đơn giản một cách ngạc nhiên đến nỗi bộ phim gần như rỗng tuếch ( Ngôi nhà trong hẻm, Cột mốc 23)… Cứ thế, chất lượng phim ngày càng tỷ lệ nghịch với số lượng. Mỗi khi có một phim Việt ra mắt, giới truyền thông và công chúng lại kỳ vọng, để rồi thêm một lần thất vọng.
Cảnh trong phim Long Ruồi và Để Mai tính.
Video đang HOT
Lỗi tại khán giả?
Không thất vọng sao được, bởi trong khi nhiều người không chịu đựng nổi những bộ phim được làm quá cẩu thả, nhếch nhác, không ít khán giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua một tiếng cười rẻ rúng, dễ dãi. Trong số 4 bộ phim chiếu Tết 2012, Hello cô Ba bị đánh giá là nhảm nhất, lại về đích sớm nhất trong cuộc đua doanh thu. Cưới ngay kẻo lỡ, một phim hài có nhiều cảnh thô tục, phản cảm cũng mang lại số tiền vé ngang ngửa bom tấn Avengers vào dịp 30/4. Gần đây nhất là Nàng men chàng bóng, mặc dù bị báo chí “ném đá” không thương tiếc, vẫn trụ rạp sau gần 3 tuần công chiếu!
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn phân tích: “Đừng đổ lỗi hết cho nhà sản xuất, bởi khán giả thích ‘ăn’ thế nào thì họ cung cấp ‘món’ đó. Và cứ thế, mỗi lần tăng thêm một chút”. Đúng là một phần lỗi nằm ở khán giả thật, nhưng điều nguy hiểm hơn là rất nhiều nhà làm phim vin vào doanh số để mà tự hòa. Họ thách thức những phê bình của báo chí, cho điều đó chẳng khác nào “bới lông tìm vết”, bởi phim của họ vẫn đáp ứng đông đảo khán giả!
Cảnh trong phim Nàng men chàng bóng.
Và như thế, thước đo doanh thu đã không phản ánh đúng chất lượng khi chính các “thượng đế” chưa được trang bị một chuẩn mực nghệ thuật nhất định, cổ xúy cho tất cả những chiêu trò. Còn những người hiểu biết chỉ có thể phản ứng bằng cách quay lưng, đoạn tuyệt với điện ảnh Việt và tìm đến với phim ngoại.
Dù rằng cách làm đó có phần tiêu cực, nhưng nếu nhà sản xuất chỉ lo chạy theo sở thích hời hợt của một bộ phận khán giả bình dân, rõ ràng giới trí thứ chẳng thể làm gì hơn, bởi làm gì có phim nào tử tế dành cho họ. Rốt cuộc, hậu quả nhãn tiền là trình độ thưởng thức điện ảnh của công chúng sẽ ngày càng tụt hậu so với thế giới, trong khi các “đạo diễn bạc tỷ” vẫn ảo tưởng về năng lực, còn nhà sản xuất, nhà phát hành hoan hỉ với túi tiền rủng rỉnh. Nền điện ảnh Việt Nam sẽ chỉ là một “đống rác thải” không có lấy một điểm sáng để khoe với bè bạn quốc tế.
Cần lắm những nhà đầu tư có đạo đức nghề nghiệp để kéo lại cả một guồng máy đang bên bờ vực. Cần lắm những người biết cân bằng giữa kinh doanh và nghệ thuật. Cần lắm những bộ phim được làm một cách tâm huyết và tinh tế như Chạmđể giữ lại lòng tin của các khán giả nghiêm túc. Và thêm vào đó là một chút hy vọng vào những tác phẩm được đầu tư một cách nghiêm túc trong thời gian tới như Lấy chồng người ta ( Lưu Huỳnh), Scandal (Victor Vũ), Bước khẽ tới hạnh phúc( Lưu Trọng Ninh), Nước ( Nguyễn Võ Nghiêm Minh)…
Theo Sành điệu
Phim hài Việt: Từ nhảm đến... siêu nhảm!
"Nàng men chàng bóng", bộ phim sẽ ra rạp ngày 31/8 năm nay đã như giọt nước tràn ly - chịu - đựng, khi thị trường điện ảnh Việt Nam có thêm một phim hài dạng... siêu nhảm!
Sự có mặt của phim Việt (khá hiếm hoi bởi mỗi năm chỉ có trên 10 phim trong khi phim Mỹ, đều đặn mỗi tuần hai lần đổ bộ) luôn được ưu ái. Nhưng 100 phim hay có lẽ cũng chẳng dư mà thêm một phim dở thì cảm giác bội thực thật rõ ràng!
Cứ hài là nhảm
Nàng men chàng bóng khá được chờ đợi bởi đạo diễn Võ Tấn Bình từng phát ngôn: "Điện ảnh giống một cô bồ tôi rất yêu mà chưa cưới được". Và cuộc "hôn nhân" ấy ra sao khi ra mắt?
Trong phim, những màn rượt đuổi bằng ghe máy trên sông của phim khá hấp dẫn, bối cảnh miền Tây vẫn rất dễ thương, rất đẹp, diễn viên diễn không dở... Thế nhưng phim lại bị kéo dài không dứt bởi những màn tung hứng kiểu tấu hài giữa các diễn viên với nhau, chuyện nọ kéo giằng qua chuyện kia không có điểm dừng, thiếu sự kiểm soát. Ðó là chưa kể đến việc bôi bác, chế giễu những người ở giới tính thứ ba bằng cái nhìn lệch lạc.
Ở đoạn cao trào của phim, khán giả muốn thở ra nhẹ nhõm vì có lẽ đã đến lúc kết, đạo diễn lại kéo thêm hơn 30 phút. Nàng men chàng bóng đã được làm khá tùy tiện, dễ dãi bất chấp những chuẩn mực thông thường nhất của ngôn ngữ điện ảnh.
Ðinh Ngọc Diệp, Ngô Kiến Huy, Đức Tiến, Don Nguyễn trong Nàng men chàng bóng.
Phim chưa chính thức ra rạp, nhưng sau buổi ra mắt có sự tham gia của đông đảo khán giả được mời và báo giới, Nàng men chàng bóng đã nhận được vô số ý kiến phản ứng. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm viết trên trang cá nhân: "Ðúng là phim ảnh cần đa dạng, mình cũng khá thích những phim giải trí bình dân nhưng làm khá tử tế và có nghề như Cô dâu đại chiến, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ... Với phim này không thể gọi là điện ảnh mà là một dạng tấu hài phường, điều mình ngán ngẩm nhất là đạo diễn từng là một người có nghề nhưng tự hạ tay nghề cẩu thả để làm một phim dưới tầm với tư duy là đáp ứng nhu cầu của khán giả bình dân. Mình nghĩ tầng lớp bình dân bây giờ chắc họ cũng không chịu nổi những dạng phim này".
Một nhà làm phim chia sẻ, nguyên lý tảng băng trôi vẫn đúng, phần chìm (có thể chiếm đến 90%) mới là động lực để làm con tàu đắm. Dù là thể loại phim hài, hài cũng chỉ là mặt nổi, mặt chìm phải là cảm xúc. Còn Nàng men chàng bóng đã gãy ở mặt cảm xúc nên khán giả không theo được diễn tiến, và mất hứng thú, không muốn đầu tư tình cảm vào nhân vật, không bị cảm xúc đánh đắm để mà thương nhân vật.
Trong phim, nhiều chi tiết, lời thoại dễ dãi, phần sâu kín bên trong các nhân vật đã không được khai thác, đây chính là chất keo để kết dính, tạo nên cấu trúc phim. Phim càng xem càng không thấy nhân vật mà chỉ thấy diễn viên đang đẩy những miếng hài lên phim. Nhịp - vốn được nhiều đạo diễn coi là một trong những yếu tố rất quan trọng trong nghiệp vụ đạo diễn đã bị bỏ qua hoàn toàn trong phim này!
Làm phim hài dễ thắng
Các nhà làm phim và sản xuất đã có nhận định chính xác về thị trường Việt là khán giả thích phim hài. Khi hỏi đại diện các cụm rạp lớn, họ cũng thừa nhận công dân của nước có chỉ số hạnh phúc thứ nhì thế giới như Việt Nam luôn lựa chọn mua vé, coi phim hài nhiều nhất. Con số này không chỉ thể hiện qua các khảo sát được gửi đến khán giả khi mua vé, mà còn chính bởi doanh thu phim hài luôn cao hơn các phim "nghiêm túc" khác.
Giữ kỷ lục phòng vé phim Việt hiện tại vẫn thuộc về các phim hài như Long Ruồi, Cô dâu đại chiến, Cưới ngay kẻo lỡ, Ðể Mai tính... Không phải đến Nàng men chàng bóng khán giả Việt mới nếm mùi phim hài nhảm, bởi riêng năm nay Hello cô Ba (đạo diễn Nguyễn Quang Minh), Gia sư nữ quái (đạo diễn Lê Bảo Trung) đã làm mưa gió phòng vé dù chất lượng các phim này cũng được xếp hàng... siêu nhảm!
Hoài Linh và Hiếu Hiền trong phim Hello cô Ba.
Ðạo diễn Charlie Nguyễn - người đã có ba bộ phim hài rất ăn khách là Ðể Mai tính, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ (những phim hài được làm có nghề nhưng cũng được coi là sự xuống tay khi không kiềm chế được rất nhiều tình tiết... nhảm) - từng nói, với anh quan trọng nhất là xác định thể loại phim. Khi anh đã làm phim hài, yếu tố gây cười phải được ưu tiên hàng đầu, nhưng việc kể một câu chuyện tốt nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh lại là điều không thể bỏ qua. Vị đạo diễn này cũng tuyên bố sẽ không chọn xem phim hài, kể cả phim hài do chính mình đạo diễn!
Các phim được làm nghiêm túc, thừa nhận về chất lượng nghệ thuật như Dòng máu anh hùng, Bi, đừng sợ!, Thiên mệnh anh hùng, Cánh đồng bất tận, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt... khi nào có doanh thu không quá thua kém các phim hài, có lẽ khi ấy mới mong thị trường phim Việt phát triển hài hòa. Ai cũng hiểu lựa chọn của khán giả khi mua vé chính là "chuẩn mực" quan trọng để các nhà làm phim định hướng cho sản phẩm của họ.
Trấn Thành và Isaac trong Gia sư nữ quái.
Nàng men chàng bóng là bộ phim chạm ngõ điện ảnh của đạo diễn Võ Tấn Bình (người từng được khán giả phim truyền hình mến mộ qua Hương phù sa, Mùa sen, Hoa dã quỳ, Thiên sứ lông bông...). Anh đã tận dụng sở trường riêng khi kể câu chuyện phim trên nền bối cảnh miền Tây sông nước - bối cảnh từng góp phần tạo nên tên tuổi anh.
Ðinh Ngọc Diệp vào vai nàng men Út Chót khá ngọt, Ngô Kiến Huy cũng không phải là không dễ thương với chàng bóng Ẽo Ợt, cùng những Thanh Thủy, Tấn Beo, Việt Anh... Rõ ràng Nàng men chàng bóng có những chất liệu khá căn bản để có thể trở thành một bộ phim tốt.
Dễ nhận ra phim không bị sức ép của nhà sản xuất phải có ngôi sao này, hot girl, hot boy nọ hay bắt buộc phải quay ở một bối cảnh nào đó vì yêu cầu của nhà đầu tư. Ðạo diễn khá toàn quyền với bộ phim của mình. Bởi thế, phim hay hay dở chỉ một mình đạo diễn có lỗi.
Theo Tuổi Trẻ
Lưu Huỳnh không thiên vị vợ trong phim điện ảnh mới Với một đạo diễn nổi tiếng khó tính như Lưu Huỳnh, việc tuyển chọn diễn viên khá khắt khe. Nếu diễn viên không hợp với vai diễn thì dù-có-là-ai anh cũng không mời và Đinh Y Nhung, bà xã của anh cũng không ngoại lệ. Nôi tiêng là vị đạo diên khó tính nhât và kiên định với dòng phim nghê thuât, bởi...