Điểm yếu ‘chí tử’ của Hải quân Mỹ
Cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng đã đến lúc Mỹ phải suy ngẫm xem chiến thuật nào mà Nga đã sử dụng thành công trong việc sáp nhập Crimea. Sự kiện này được xem như lời cảnh tỉnh cho các chiến lược gia Hải quân Mỹ. Tháng 3/2014, lực lượng đặc nhiệm Nga đã đánh chìm hai con tàu trong một eo biển hẹp nối căn cứ hải quân ở phía nam Ukraine với Biển Đen. Khi lối vào bị chặn, nhiều tàu chiến của Ukraine đã bị giam lỏng ở vịnh Donuzlav.
Rõ ràng, các tàu chiến của Mỹ cũng không được chuẩn bị cho những tình huống tương tự như vậy và nếu rơi vào hoàn cảnh đó chắc chắn chúng sẽ gặp khó khăn trong việc thoát ra khỏi vịnh. Ngoài khơi, tàu chiến của Lầu Năm Góc là những đối thủ mạnh, đầy tự tin trong việc bảo vệ những tuyến hàng hải và phô diễn sức mạnh Mỹ với bên ngoài. Tuy nhiên, ở gần bờ, những lợi thế đó đã mất và dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công phi đối xứng. Vì thế Hải quân Mỹ cần phải tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa nhằm chuẩn bị và đương đầu với những mối đe dọa khác thường này.
Một chiếc tàu bị đánh chìm ở Crimea.
Video đang HOT
Trong sự kiện ở Crimea, chiến thuật của người Nga tuy đơn giản nhưng hiệu quả đến kinh ngạc. Cụ thể, sáng sớm ngày 6/3, lực lượng đặc biệt Nga đã cố tình đánh đắm tàu tuần dương Ochakov, vốn là một tàu từ lâu không sử dụng, ở eo biển ngăn cách vịnh Donuzlav với Biển Đen. Một ngày sau đó con tàu thứ e, nhỏ hơn, cũng bị đánh đắm ở đây.
Do eo biển bị chặn, toàn bộ 6 tàu của Ukraine bị “cầm chân” và hầu như bị vô hiệu hóa. Tàu quét thủy lôi Cherkasy đã cố gắng để thoát thân, nhưng nỗ lực của nó càng làm sáng tỏ thêm những điều mà mọi người còn chưa biết về chiến thuật này.
Tàu Cherkasy đã tìm cách kéo chiếc tàu bị chìm nhằm mở một lối thoát. Nhưng vấn đề đặt ra là hệ thống lai dắt của tàu Cherkasy, cũng giống hầu hết tàu chiến của hải quân Mỹ, được thiết kế để lai dắt những tàu nổi chứ không phải là tàu ngập nước. Do đó, tàu Cherkasy không thể di dời chiếc tàu đắm đó và sau nhiều giờ lượn vòng quanh vịnh, vị thuyền trưởng này đành bất lực.
Thực tế là lực lượng đặc biệt của Nga không khó khăn gì trong việc đánh đắm một chiếc tàu nhằm chặn eo biển trong trường hợp trên. Hầu hết những người lính được huấn luyện tốt đều có đủ khả năng để tiến hành những hoạt động như vậy. Họ đơn giản chỉ cần khống chế một tàu thương mại và đánh đắm nó là có thể phong tỏa tàu của Mỹ ở trong một cảng nào đó. Hiện nay, không có cách nào để giải thoát nhanh cho một chiếc tàu bị đắm.
Chiến thuật đơn giản này nhắc nhở những nhà lập kế hoạch quốc phòng rằng, bất chấp những tiến bộ về những hệ thống, trang thiết bị hải quân, thì những tàu chiến hiện đại vẫn có khả năng bị tổn thương nặng nề khi ở trong cảng hoặc khi hoạt động gần bờ. Do tàu chiến hải quân Mỹ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, nên càng ngày chúng càng phải tới những cảng có độ nguy hiểm cao, như cảng Abidjan (Tây Phi) và Lagos (Nigeria) chẳng hạn. Cả hai cảng này đều chỉ có thể vào được thông qua một eo biển hẹp và cả chính phủ Nigeria hay Ivorian đều không thể kiểm soát khu vực này. Sự hạn chế này của quân đội Nigeria trong việc chống lại lực lượng Boko Haram chỉ là một minh chứng cho thực tế này.
Hạm đội tàu chiến của Hải quân Mỹ.
Cuộc chiến phi đối xứng
Trong tương lai, các tổ chức khủng bố và quân nổi dậy (lực lượng đang sử dụng chiến thuật phi đối xứng để chống lại quân đội Mỹ), ở một số nơi như Iraq, Afghanistan, Colombia, Yemen và Philippines… vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với những lợi ích và an ninh cả trong lẫn ngoài nước Mỹ. Và trong khi lực lượng trên bộ của Mỹ đã và đang phải đương đầu với những thách thức trong các chiến dịch quân sự gần đây, thì hải quân cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ các cuộc chiến phi đối xứng.
Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nên tập trung nhiều nguồn lực hơn nữa cho hải quân nhằm chống lại những chiến thuật phi đối xứng trên. Đầu tiên là bảo đảm tài chính cho các trường đào tạo hải quân, nơi đưa ra các chiến thuật, sáng kiến chống lại các chiến thuật tấn công phi đối xứng đó. Thành lập Nhóm phát triển chiến tranh trên biển cũng là một ý tưởng tốt để phát triển các sáng kiến này (từ năm 2001, ngân sách của Lầu Năm Góc dành cho lĩnh vực này đã giảm dần và nay đã chấm dứt).
Hải quân Mỹ đang chuẩn bị giới thiệu Chương trình mới có tên gọi: “Tay súng hàng đầu” đối với các tàu nổi (sẽ được công khai trong năm nay). Tuy nhiên, đầu tư cho trường Hải quân bao giờ cũng rẻ hơn, mang lại giá trị lớn hơn nhiều so với chi phí gợi mở những ý tưởng mới cho các chiến hạm.
Bước thứ hai là thành lập một Nhóm các nhà chiến lược cấp cao của Lầu Năm Góc để nghiên cứu những yếu kém hiện nay và những giải pháp liên quan tới những mối đe dọa phi đối xứng đối với hải quân. Tổ chức này không chỉ bao gồm những chiến lược gia về tác chiến trên biển, mà còn có những chuyên gia chống khủng bố và nổi dậy. Những giải pháp tiềm năng có thể bao gồm tất cả các biện pháp từ trả đũa cấp chiến thuật, tới những trang thiết bị bí mật được bố trí trước trên chiến trường, hay huấn luyện chuyên biệt lực lượng an ninh địa phương.
Trong tương lai gần, Hải quân Mỹ tiếp tục là lực lượng hải quân thống trị trên toàn cầu. Do đó, các tàu Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở nhiều vùng biển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nếu sức mạnh Mỹ dựa chủ yếu vào hải quân, thì nước này phải đầu tư vào những sáng kiến nhằm bảo đảm cho các tàu chiến và thủy thủ Mỹ được an toàn. Một khi các đối thủ của Mỹ có thể rút ra bài học từ những chiến thuật đơn giản như ở Ukraine, thì hải quân Mỹ còn có nhiều việc phải làm.
Theo Tin Tức