Diễm Xưa ‘kinh điển’ vừa được làm mới bởi 1 nghệ sĩ indie ‘quen mà lạ’ trong EP GenZ Và Trịnh
Tối 11/6, Kiên Trịnh phát hành ca khúc kinh điển của Trịnh Công Sơn là Diễm Xưa. Đây là single thứ 3 trong EP GENZ & TRỊNH, lấy cảm hứng từ 2 bộ phim Trịnh Công Sơn – Em và Trịnh, do Universal Music Vietnam và nhà sản xuất phim phối hợp thực hiện.
Diễm Xưa được sáng tác vào năm 1960, lúc này Trịnh Công Sơn chỉ là chàng trai 22 trót say mê dáng hình một cô gái đi dưới hàng cây long não, trong một cơn mưa phùn buổi sớm mai trên những tầng tháp cổ.
Tình cảm dạt dào như trời bể nhưng không được đáp lại, chàng Trịnh năm đó chỉ đành trút cả tương tư vào lời ca tiếng hát. Diễm Xưa ra đời như cách Trịnh Công Sơn tưởng niệm cho một mối tình đơn phương xót xa đến đẹp đẽ. Và dẫu đã hơn 60 năm trôi qua, đây vẫn là ca khúc bất hủ của thời đại ông.
Kiên đã khoác lên chiếc áo mới cho Diễm Xưa
Trong số những nàng thơ đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, Ngô Vũ Bích Diễm có lẽ là cái tên được biết đến nhiều nhất. Nàng chính là nguồn cảm hứng cho Diễm Xưa, một khúc nhạc tình bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Tình khúc này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được dịch và hát bằng nhiều thứ tiếng, thậm chí được đưa vào chương trình giáo dục của Nhật Bản.
Về bản chất, Diễm Xưa phiên bản 2022 vẫn có màu sắc xưa cũ. Cả Kiên Trịnh và giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn đều không muốn bài hát có sự thay đổi quá nhiều. Vậy nên nhóm sản xuất True Sound Producer đã thực hiện một bản phối theo phong cách RnB Lofi Jazz theo nhịp 6/8, xen vào hiệu ứng âm thanh xưa cũ của thế hệ trước để khơi gợi cảm xúc hoài niệm.
Qua giọng hát vốn đã lãng đãng u sầu của Kiên, Diễm Xưa hiện ra như một miền hồi ức hoang vu của dĩ vãng, nơi những cơn mưa rơi rụng trên tầng tháp cổ, nơi bóng hình của quá khứ về mối tình không được hồi đáp dội về nhắc nhớ chúng ta rằng những ý niệm về tình yêu dẫu đớn đau nhưng cũng đẹp đẽ làm sao.
Ở Kiên, sự sứt mẻ cũng là một món trang sức
Bản thân Kiên vốn gặp nhiều trắc trở trên hành trình lớn lên. Sự trưởng thành của Kiên vốn có nhiều sứt mẻ, tổn thương. Anh là một người mất mát khá nhiều trong cuộc sống, và cũng từng trải qua những cuộc tình dang dở để lại vết sẹo hằn trong tim. Trong thâm tâm, Kiên luôn khát khao yêu và được yêu, che chở và được che chở.
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói, nhạc Trịnh là để mọi người hát theo cách của họ. Thế nhưng sự khao khát này vô tình giúp Kiên trở nên phù hợp hơn cả khi thể hiện lại nỗi niềm của người nhạc sĩ tài hoa năm xưa.
Vẫn là những câu từ đẹp đẽ, sâu sắc, nhưng Kiên đã chọn một cách tiếp cận khác đi với kiểu hát như kể lể, như tâm tình đậm tính tự sự, vừa phảng phất nỗi niềm xưa cũ nhưng vẫn phập phồng hơi thở tươi mới của hiện đại.
‘Có thể nói, câu chuyện về cuộc đời của Kiên là yếu tố tạo thành một điểm trùng để anh có thể hát Diễm Xưa cùng với tâm trạng của Trịnh Công Sơn ngày trước, là khao khát yêu và được yêu. Anh đã hát bằng xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ, bằng một chất giọng có phần trải đời, trầm lắng và sâu sắc’ – một khán giả nhận xét về Diễm Xưa qua tiếng hát Kiên Trịnh.
Kiên là một chàng trai lành tính với những suy tư sâu sắc về cuộc đời so với những bạn trẻ cùng thế hệ. Cách anh hát nhạc Trịnh cũng nhẹ nhàng và chiêm nghiệm như thế. Những câu từ được anh nhả ra một cách thong thả và ngẫu hứng, nhưng không lệch khỏi tinh thần chung của nhạc Trịnh.
Với người làm nhạc như Kiên, anh biết rõ bản thân không thể nào đạt đến sự hoàn hảo tột cùng trong một thứ âm nhạc đẹp đến siêu thực. Thế nhưng rõ ràng, sự sứt mẻ – không hoàn hảo đã trở thành món trang sức quý giá của Kiên. Để chúng ta thấy rằng khi Kiên hát nhạc Trịnh, nghĩa là anh cũng đang hát về cuộc đời mình.
Giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn nhận định: ‘Bài hát này có thể không hoàn hảo, cũng giống như sự không hoàn hảo của Kiên. Nhưng sự không hoàn hảo trong những thứ hoàn hảo lại vô tình trở nên đặc biệt. Chúng tôi đã rất bất ngờ khi Kiên bước vào phòng thu và cất lên câu ca của Diễm xưa. Một cảm giác rất đặc biệt. Thật vui vì có Kiên tham gia dự án này’.
Kiên Trịnh – chàng nghệ sĩ tài hoa, ‘viên ngọc’ ẩn mình của làng nhạc Việt
Kiên (hay Kiên Trịnh) tên thật là Trịnh Trung Kiên. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống mỹ thuật, nhưng Kiên đã rẽ bước sang âm nhạc và tự xây dựng một thế giới của riêng mình.
Nói về nhạc của Kiên tức là đang bàn về một thứ nhạc đầy chất đời, được dựng nên từ những viên gạch của đời sống. Không xô bồ, không chạy theo đám đông, nhạc của Kiên cũng giống con người anh, nhẹ nhàng, lành tính, nhưng cũng lãng đãng một chút cô đơn rất đỗi.
Cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận của Kiên. Anh viết nhạc cũng như kể chuyện, tỉ mỉ quan sát và ghi chép những điều nhỏ nhặt nhất. Do vậy, nghe nhạc của Kiên, người ta chỉ thấy được sự gần gũi và chất tự sự của một con người trước tình yêu, nỗi buồn, kể cả chuyện tiền nong hằng ngày…
Quả Tim Màu Lửa, Tập Thể dục, Tôi Biết Em Không Biết, Nghe Nhạc Anh Mỗi Khi Buồn… là các nhạc phẩm nổi tiếng của Kiên được đông đảo cộng đồng nghe nhạc indie biết đến. Đặc biệt, anh cũng là cha đẻ của bản hit top 1 trending – Cung Đàn Vỡ Đôi mà Chi Pu thể hiện.
[Review] Trịnh Công Sơn - Tái hiện tuổi trẻ nồng nhiệt, lãng mạn và đầy những tiếc nuối
Bộ phim Trịnh Công Sơn vốn là một màn đánh úp của đội ngũ sản xuất, mang đến màn tranh luận dữ dội khi được công bố sẽ đồng loạt công chiếu với Em Và Trịnh.
Vốn tưởng bản phim này mang nặng chất tài liệu, tự sự về cuộc đời cố nhạc sĩ nhưng phim đã hoàn toàn chinh phục khán giả khi tái hiện một thời thiếu niên yêu đương và đấu tranh nồng cháy gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử.
Trịnh Công Sơn là bản phim ngắn hơn so với Em Và Trịnh, vỏn vẹn 95 phút và tập trung nhiều vào thời niên thiếu của cố nhạc sĩ cùng những sự kiện mang tính thời cuộc được ông đưa vào từng sáng tác thuở bấy giờ.
Trái ngược với những lo lắng phim sẽ mang nét tự sự và đậm chất tài liệu về những chặng đường trong cuộc đời của cố nhạc sĩ tài hoa bậc nhất làng nhạc Việt, Trịnh Công Sơn đã đưa người xem tiếp cận một anh Sơn rất trẻ, rất tình và cũng rất bạc thông qua diễn xuất của Avin Lu.
Một câu chuyện nên thơ, nặng tình như chất liệu trong nhạc Trịnh
Không phải phim tài liệu, Trịnh Công Sơn lấy cảm hứng từ cuộc đời cố nhạc sĩ và có những biến tấu, xâu chuỗi các sự kiện theo dòng chảy nhiều tác phẩm gắn liền với tên tuổi ông như: Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Còn Tuổi Nào Cho Em,...
Thuở thiếu thời, anh Sơn gặp gỡ và gắn bó với nhiều bóng hồng: Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Mai/Khánh Ly. Những người con gái đi ngang qua đời anh và để lại vô vàn cung bậc cảm xúc: khi đơn phương, thất vọng, lúc nhung nhớ, sâu đậm và nồng cháy và cũng có khi nhẹ nhàng, âu yếm bên mình như tri kỉ. Và chính những cảm xúc đa dạng đó, những trải nghiệm yêu đương đó là bước đệm và chất liệu chân thực nhất để cho ra đời nhiều bản nhạc tình kinh điển, âm vang đến tận ngày nay.
Không chỉ có tình yêu, khán giả được cung cấp thêm nhiều kiến thức về nhạc Trịnh thời chiến, khi mà nhiều ca khúc của ông bị ảnh hưởng bởi thời cuộc chiến tranh, tang thương khắp mọi miền đất nước và bị coi là nhạc "phản chiến". Do vậy, nhạc Trịnh không chỉ có tình yêu nam nữ, mà nhạc Trịnh còn là tình đồng chí keo sơn và một tình yêu hòa bình, tự do rực lửa.
Trịnh Công Sơn - những thước phim đẹp như tranh vẽ
Dấu ấn lớn mà bộ phim để lại trong khán giả có lẽ là sự đầu tư chỉn chu trong từng khung hình của mình. Trịnh Công Sơn không chỉ sở hữu những góc quay đẹp, tinh tế mà còn được đặt để sự quan tâm trong từng mảng màu phim. Sự hòa quyện của trang phục, bối cảnh và tạo hình của nhân vật thời bấy giờ một lần nữa kéo khán giả đắm chìm vào Huế xưa đẹp xưa nhẹ nhàng, kiều diễm; một Đà Lạt thơ mộng, trữ tình và cả đất Sài Gòn hoa lệ, sôi nổi.
Đương nhiên, đan xen giữa những cảnh đẹp và tình là sự đau đớn, bóp nghẹn người xem với nhiều đoạn phim tư liệu từ chiến trường thời ấy, cảnh mưa bom lửa đạn và lầm than của người dân và đặc biệt là cảnh phim về nạn nhân chất độc màu da cam dù chỉ lướt qua những cũng khiến khán giả phải chua xót. Cuối cùng là sự vỡ òa khi ca khúc Nối Vòng Tay Lớn vang lên ngày giải phóng 30/4/1975.
Những bản phối tinh tế làm sống lại những nhạc phẩm vàng
Đương nhiên, một bộ phim về cố nhạc sĩ tài hoa bậc nhất làng nhạc Việt là thử thách rất khó cho đội ngũ âm thanh khi tiến hành sản xuất. Và Trịnh Công Sơn đã làm được điều đó, bộ phim sở hữu những bản phối mới có hơi thở hiện đại mà vẫn giữ được cảm giác của ngày xưa. Với cách sắp xếp hợp lý, đan xen thông minh vào chuỗi sự kiện theo từng cột mốc thời gian của các ca khúc đã góp phần vô cùng to lớn giúp phim đưa khán giả cùng bước lên chuyến tàu và du hành dọc đoạn đường đời của Trịnh Công Sơn.
Diễn xuất hài hòa, duyên dáng của dàn diễn viên trẻ
Để giúp Trịnh Công Sơn thêm trọn vẹn, không thể phủ nhận đội ngũ sản xuất đã thành công khi "chọn mặt gửi vàng" cho nhiều diễn viên trẻ, triển vọng với lối diễn tự nhiên, tình cảm và duyên dáng. Avin Lu mang đến một "anh Sơn" đa tình, đấu tranh cho hòa bình bằng những lời ca, bản nhạc. Bùi Lan Hương nắm bắt và truyền tải cảm xúc về nữ danh ca Khánh Ly khá chắc tay cùng giọng hát đặc biệt của mình. Ngoài ra, sự xuất hiện của Nhật Linh, Lan Thy, Hoàng Hà trong vai Thúy, Diễm và Dao Ánh cũng mang nét trong trẻo, nhẹ nhàng khiến người xem thêm phần thổn thức.
Tóm lại, Trịnh Công Sơn như một chuyến tàu nhanh với những trạm dừng ấn tượng đại diện cho từng cột mốc trong đời cố nhạc sĩ. Thời lượng phim vừa phải, tiết tấu và phân bổ tình huống hợp lý đã khéo léo đưa người xem hiểu thêm về cuộc đời và những sác tác kinh điển trong làng nhạc Việt từ thuở ấy đến tận bây giờ. Phim hứa hẹn mang đến một không gian âm nhạc, điện ảnh pha trộn lãng mạn và đấu tranh một cách nhẹ nhàng nhưng đầy hấp dẫn khiến người xem lưu luyến.
Phim hiện đang mở bán suất chiếu sớm từ ngày 10/6.
Mỹ Anh làm mới ca khúc nhạc Trịnh gây tranh cãi: Người khen ngợi, người chê hát không rõ lời Bạn thấy Mỹ Anh hát nhạc Trịnh Công Sơn ra sao? Tối 4/6, Mỹ Anh đã cho ra mắt MV Nhìn Những Mùa Thu Đi, một ca khúc nhạc Trịnh kinh điển được nhiều thế hệ yêu mến. Được biết, Nhìn Những Mùa Thu Đi phiên bản của Mỹ Anh là sản phẩm âm nhạc mở đầu cho một dự án nghệ thuật...