Điểm tựa giúp nông dân thi đua làm giàu
10 năm qua (2009 – 2019), Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, trở thành điểm tựa cho hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế.
Thêm nhiều nông dân sản xuất giỏi
Ông Trương Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) thị xã Ninh Hòa cho biết, từ năm 2009 – 2019, trong nhiều phong trào hoạt động của hội, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi của thị xã phát triển mạnh nhất, có sức lan tỏa lớn trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Bình quân mỗi năm, số hộ đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp tăng hơn 8%; số hộ đạt tiêu chuẩn nông dân SXKD giỏi các cấp tăng 10,25%; tổng số lượt hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp là 144.280 lượt.
Vườn bưởi của một hộ nông dân tại thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh: C.Đ
Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ điển hình tiên tiến, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Phan Kiến Nghĩa (xã Ninh Bình) – nông dân SXKD tiêu biểu cấp T.Ư cho biết: “Năm 2010, được sự hỗ trợ của hội, gia đình tôi áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong trồng mía, lúa hơn 90ha đất nên sản lượng thu hoạch cao. Đồng thời, tôi còn đầu tư nuôi bò, mở thêm dịch vụ vận tải… thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/năm”. Ngoài ra, gia đình ông Nghĩa còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 – 40 lao động, giúp đỡ 4 hộ nghèo.
Hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Cường (xã Ninh Thượng) cũng nhiều năm liền đạt nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, T.Ư. Nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong trồng lúa, mía, thu nhập bình quân gia đình ông Cường khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 – 30 lao động, hỗ trợ, giúp đỡ 2 hộ nghèo. Hộ ông Đinh Tấn Bình (xã Ninh Ích) phát triển mô hình nuôi trồng và kinh doanh thủy sản với tổng mức thu nhập hơn 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động và đóng góp nhiều cho các phong trào của địa phương…
Ở Ninh Hòa còn có mô hình trang trại của hộ ông Trương Công Lộc (phường Ninh Hiệp) cho thu nhập 410 triệu đồng/năm; gia đình ông Trần Ngọc Bửu (phường Ninh Đa) trồng lúa, nuôi ốc hương cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm; mô hình trồng lúa, hoa cúc, nấm rơm của hộ ông Phạm Văn Tùng (phường Ninh Giang) cho thu nhập hơn 760 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động…
Video đang HOT
Cùng với đó, phong trào còn góp phần tích cực phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, thành lập các tổ liên kết – sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp tác Hương Sen ở Ninh Đa; Tổ hợp tác trồng rau muống ở Ninh Phụng; Tổ hợp tác nem – chả truyền thống ở Ninh Hiệp; Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Ninh Thượng; Tổ hợp tác trồng mía cao sản Ninh Sim; Tổ hợp tác trồng hành, tỏi Ninh Vân, Ninh Sơn…
Lan tỏa các phong trào thi đua
Thời gian qua, phong trào nông dân SXKD giỏi ở thị xã Ninh Hòa còn trợ giúp kinh tế, mô hình phát triển kinh tế cho hơn 10.220 lượt hộ nghèo, qua đó, có gần 3.230 hộ thoát nghèo; xây dựng 18 căn nhà nhà đoàn kết nông dân cho hội viên với tổng trị giá 920 triệu đồng… Ngoài ra, các cấp Hội ND còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đến nay, nhiều cấp Hội đã xây dựng được các mô hình hay như: Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng ở phường Ninh Hiệp; nông dân tố giác tội phạm ở xã Ninh Sim; tiếng kẻng đêm khuya ở xã Ninh Sim và phường Ninh Hà; họ tộc gương mẫu không có người vi phạm pháp luật ở xã Ninh Bình; “Xây dựng gia đình an toàn, không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội” ở xã Ninh Hưng… Hội đã phối hợp với công an và các ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức quản lý giáo dục hơn 480 lượt đối tượng có tiền án, tiền sự kiểm điểm trước nhân dân, lập hồ sơ 520 đối tượng vào diện quản lý giáo dục tại xã, phường.
Qua phong trào quần chúng, cung cấp cho công an cơ sở nhiều nguồn tin giá trị, giúp cho lực lượng công an các cấp làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm. Ngoài ra, các thành viên của hội tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hình thức: Xây dựng thương hiệu, khai thác thị trường nội địa, đưa hàng nội về nông thôn, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng; tham gia phiên chợ nông sản Ninh Hòa năm 2017 và 2019; phiên chợ nông sản tỉnh Khánh Hòa năm 2017, năm 2018; phối hợp xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể dừa xiêm Ninh Đa; hoa cúc Ninh Giang…
Những năm tới, Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hội ND các cấp vững mạnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách hội.
Theo Danviet
Kiên Giang: Lan tỏa mô hình dân vận khéo giúp dân tăng thu nhập
Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", các cấp, ngành, trong đó có Hội Nông dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống hội viên, nông dân.
Phát triển kinh tế, tăng thu nhập
Trong tổng số 67 mô hình "Dân vận khéo" được Ban Chỉ đạo huyện Kiên Lương công nhận giai đoạn 2016 - 2018, có 14 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên lĩnh vực kinh tế, chiếm hơn 20% tổng số mô hình, điển hình được công nhận.
Nuôi cá lồng bè trên biển - nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân xã Hòn Nghệ. Ảnh: Dân Việt.
Nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Các mô hình đã gắn việc tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Hội với hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập...
Điển hình của phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện Kiên Lương những năm qua là mô hình "Xoay vòng vốn công đoàn, giúp đỡ đoàn viên khó khăn" của Công đoàn cơ sở Nông dân - Phụ nữ huyện Kiên Lương...
Ông Vương Minh Mẫn - Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kiên Lương cho biết: "Đây là những mô hình "Dân vận khéo" trong thời gian qua hoạt động hiệu quả giúp cán bộ, đoàn, hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Cán bộ Hội Nông dân, Phụ nữ đã tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ độc canh sang đa canh, xen kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình góp phần tận dụng, khai thác tối đa lợi thế của nguồn tài nguyên đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đoàn viên, hội viên và người dân...".
Mô hình "Khéo vận động hội viên, nông dân góp vốn xoay vòng theo mùa vụ" của Chi hội nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cũng là một trong nhũng điển hình. Mô hình có 11 thành viên, mỗi năm 2 lần theo mùa vụ sản xuất, chi hội đã xoay vòng vốn không tính lãi với số tiền 110 triệu đồng cho 1 hội viên đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đầu tư mua bán, mua sắm thiết bị gia đình.
Hiện mô hình xoay vòng vốn theo mùa vụ không tính lãi đã được triển khai xây dựng thêm 1 mô hình nữa với 11 thành viên khác với số tiền góp vốn là 5 triệu đồng/mùa vụ.
"Hiệu quả của mô hình này đã giúp cho nhiều anh em hội viên như chúng tôi có được cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả và có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất. Ở nông thôn, việc một lúc có nhiều tiền mặt để trang trải việc mua phân bón, giống cây trồng, máy móc nông nghiệp không phải là dễ dàng. Việc quy tụ được nhóm hộ cùng chí hướng, đồng lòng đã giải quyết khó khăn vốn ngắn hạn của hội viên, thành viên..." - ông Bùi Văn Hạnh, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cho biết.
Tăng tình đoàn kết, gắn bó
Vùng nuôi cá lồng bè của nông dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Trong hơn 2 năm thực hiện phong trào "Dân vận khéo", các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Kiên Lương đã có nhiều cách làm hay để gắn phong trào này với các hoạt động của Hội, nhất là hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn và dạy nghề.
Tiêu biểu như mô hình "Khéo vận động hội viên giúp vốn phát triển nuôi cá lồng bè" của Hội Nông dân xã Hòn Nghệ. Triển khai thực hiện từ tháng 3/2016 đến nay, mô hình hội viên giúp vốn phát triển nghề nuôi cá lồng bè đã giúp 37 hộ nuôi cá. Thông qua mô hình, các hộ thành viên đã đầu tư mua 270.000 con cá giống các loại với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng. Không chỉ tạo thêm nhiều việc làm, mô hình nuôi cá lồng bè còn giúp nâng cao thu nhập của các hộ thành viên. Hiện, các hộ thành viên của mô hình có mức thu nhập trừ chi phí từ 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm với nghề nuôi cá lồng bè.
"Ngoài hiệu quả về kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá lồng bè đã giúp cho hội viên chúng tôi có thêm điều kiện trao đổi, thông tin với nhau về những kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng bè, từ đó góp phần giúp cho nghề nuôi ngày càng ổn định và bền vững hơn..." - ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Hội Nông dân, xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) chia sẻ.
Theo Danviet
"Chất" như trâu ngố Tuyên Quang: Thương hiệu có một không hai Xây dựng thành công thương hiệu "Trâu ngố Tuyên Quang", tỉnh Tuyên Quang không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển một giống gia súc bản địa quý hiếm mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng, đe dọa đàn lợn trong cả nước, việc đa dạng hóa các...