Điểm trùng hợp không tưởng giữa Avengers: Endgame và ‘Ước hẹn mùa thu’
Avengers: Endgame và Ước hẹn mùa thu – hai bộ phim tưởng chừng không hề liên quan lại có điểm chung khiến khán giả không khỏi thích thú.
Nối tiếp thành công của dự án ăn khách Tháng năm rực rỡ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trở lại màn ảnh rộng với một bộ phim thanh xuân vườn trường khác mang tên Ước hẹn mùa thu. Trái ngược những màn đánh đấm bạo liệt trong bom tấn hành động Avengers: Endgame đang gây rúng động phòng vé những ngày qua, Ước hẹn mùa thu mang đến tiếng cười nhẹ nhàng lẫn cảm xúc tiếc nuối, cảm động. Tuy nhiên, hai bộ phim tưởng chừng không hề liên quan lại có điểm chung khiến khán giả không khỏi thích thú.
Ở hồi kết của giai đoạn đầu MCU, những siêu anh hùng trong biệt đội Avengers thế hệ đầu thể hiện đúng tinh thần của cái tên Avengers: không phải phòng vệ mà là báo thù. Sau cú búng tay của Thanos trong Avengers: Infinity War, một nửa sinh linh còn lại không thể vượt qua mất mát quá lớn. Ngay vào thời điểm mọi hy vọng dập tắt, sự kiện bất ngờ xảy ra khiến biệt đội Avengers tìm ra hướng đi để làm lại một lần nữa.
Không khí ảm đạm khi một nửa sinh linh biến mất.
Từ những chuyến đi đến các dòng thời gian khác và đánh đổi không ít, biệt đội Avengers cuối cùng cũng đã thực hiện được cú búng tay mang một nửa sinh linh còn lại trở về. Sau trường đoạn chiến đấu hoành tráng với quân đoàn đông đảo của Thanos, Avengers: Endgame khiến người xem không khỏi xúc động khi chứng kiến các gia đình đoàn tụ trở lại, Spider Man đến trường và gặp lại các bạn của mình.
Tuy nhiên, có một vấn đề không hề nhỏ xảy ra khi hai cú búng tay cách nhau đến 5 năm. Trong khi một nửa sinh linh tan biến như trải qua một giấc ngủ thì những người còn lại vẫn phải tiếp tục sống thêm 5 năm nữa. Ngay từ đầu phim, theo Captain America, trong khoảng thời gian 5 năm, dù đa số đều không vượt qua nỗi đau mất đi người thân, bạn bè, song một số người đã vượt qua và sống tiếp. Như vậy, xã hội buộc phải vận hành và thích nghi theo. Đối với không ít nạn nhân của cú búng tay, khi quay trở lại, bạn cùng lớp nay đã thành anh chị khóa trên, vợ/chồng mình đã tái hôn cùng người khác…
Tình cảnh này khiến khán giả không khỏi nghĩ đến câu chuyện của “hot boy hôn mê” trong Ước hẹn mùa thu. Duy ( Quốc Anh Trần), một thiếu niên 17 tuổi đang mang trong mình hoài bão chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học và tình yêu trong sáng với cô bạn cùng lớp Pha Lê ( Hoàng Oanh), bất ngờ gặp phải tai nạn đáng tiếc. Khi tỉnh dậy, Duy hoảng hồn nhận ra đã 15 năm trôi qua cùng vô vàn biến động trong cuộc sống: từ gia đình, bạn bè cho đến bạn gái Pha Lê, người giờ đây trở thành một phụ nữ thành đạt, đang có tình yêu đáng ao ước với bạn trai Mạnh ( Nhan Phúc Vinh).
Hoàng Oanh và Trần Quốc Anh trong “Ước hẹn mùa thu”.
Bộ phim của đạo diễn Dũng “khùng” tạo nhiều tình huống dở khóc dở cười khi nam chính đang trong lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ, bỗng đột ngột bị đẩy vào cuộc sống của người trưởng thành. Không có trong tay tri thức, công việc, kinh nghiệm sống, Duy cũng đánh mất cả bạn gái, người mới hôm qua thôi còn cùng anh nuôi dưỡng giấc mơ thời niên thiếu, hứa hẹn đón mùa thu có lá vàng rơi ở Hàn Quốc.
Pha Lê (Hoành Oanh) giờ đây đã có bạn trai mới.
Không những thế, Duy còn bỏ lỡ 15 năm phát triển nhanh chóng của xã hội. Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến người ta vẫn thường đùa nhau, chỉ lơ là vài phút đã trở thành người tối cổ. Ấy vậy mà, Duy “ngủ quên” đến 15 năm. Nhân vật của Trần Quốc Anh không theo kịp người trẻ hiện đại, nhưng cũng lạc lõng với các bạn bè cùng tuổi khi vẫn giữ nguyên kí ức và trí óc của cậu thanh niên 17 tuổi.
Hành trinh chinh phục lại cô gái thanh xuân của nam chính “Ước hẹn mùa thu”.
Nhiều khán giả đùa rằng, nếu không kể đến sự khác biệt giữa khoảng thời gian 5 năm và 15 năm, thì Ước hẹn mùa thu của đạo diễn Dũng “khùng” như phần ngoại truyện sau cú búng tay của Iron Man trong Avengers: Endgame. Bên cạnh đó, sau hồi kết của giai đoạn đầu MCU, các nhân vật của MCU có lẽ cũng phải gặp những tình huống dở khóc dở cười như anh chàng “hot boy hôn mê” Duy.
Theo saostar
Đạo diễn Dũng 'khùng': 'Tôi học lực trung bình suốt 12 năm, chỉ đủ điểm lên lớp'
Tình yêu cũng là hoài niệm được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đề cập đến trong bộ phim mới nhất của mình: 'Ước hẹn mùa thu'.
Video đang HOT
Ước hẹn mùa thu là một bộ phim dành cho hoài niệm, cho những ai còn vấn vương tình cũ. Trong mắt đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, không có gì dễ khiến con người ta hoài niệm hơn bằng tình yêu.
Nhưng hoài niệm tình yêu trong Ước hẹn mùa thu mang ẩn ý riêng của Nguyễn Quang Dũng: Kỷ niệm đừng bao giờ quên, nhưng đừng để kỷ niệm chi phối hiện tại, hãy xếp lại ở một góc và trân trọng nó.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Câu chuyện Ước hẹn mùa thu theo chân Duy (Quốc Anh) - một chàng thanh niên tỉnh lại ở tuổi 32 sau 15 năm hôn mê vì tai nạn. Khi tỉnh lại, Duy hốt hoảng nhận ra nhiều thứ đã thay đổi, không chỉ gia đình, bạn bè, mà người bạn gái năm 17 tuổi - Pha Lê (Hoàng Anh) cũng đã có bạn trai mới là Mạnh (Nhan Phúc Vinh).
Duy quyết tâm chinh phục lại Pha Lê bằng tình yêu nồng nhiệt, nhiều hoài bão của tuổi trẻ. Thế nhưng, cuối cùng, Pha Lê vẫn buộc phải làm Duy thất vọng, trở về sống bên tình yêu hiện tại của đời mình, bởi dẫu có những nuối tiếc hay nhớ nhung, Pha Lê cũng không chọn sống bằng quá khứ.
'Ước hẹn mùa thu'có sự trong trẻo, các nhân vật nam thú vị
'Ước hẹn mùa thu' là kịch bản được mua từ Mỹ và chưa từng được dựng thành phim. Lý do vì sao anh lựa chọn kịch bản này để đưa lên màn ảnh rộng?
Thứ nhất, bản dịch từ tiếng Anh cho tôi thấy được sự trẻ trung, cách đặt vấn đề thú vị. Thứ hai, tôi thấy đây là một bộ phim tôi đang thiếu trong sự nghiệp làm phim của mình, ở đó có sự trong trẻo,và có hệ thống những nhân vật nam thú vị.
Trước 'Ước hẹn mùa thu' là 'Tháng năm rực rỡ' cũng khai thác đề tài thanh xuân. Lý do anh chọn hai phim liên tiếp có chung đề tài này là gì, có phải vì anh thấy đề tài thanh xuân đang 'ăn khách' không?
Không phải. Khi tôi đọc kịch bản, điều đầu tiên tôi quan tâm là phải có hứng, thấy thú vị. Tất nhiên khi làm phim phải có sức hút này, sức hút kia nhưng ý thức đó với tôi là không lớn. Nếu trong số nhiều kịch bản nói về đề tài thanh xuân mà không có kịch bản nào tôi thấy đặc biệt thì tôi cũng không chọn.
'Ai đã xem Tháng năm rực rỡ thì không thể bỏ lỡ Ước hẹn mùa thu', vì sao ekip làm phim lại lựa chọn 'slogan' này để quảng bá cho phim?
Nội dung 2 bộ phim không liên quan đến nhau, nhưng bởi vì ekip của 'Ước hẹn mùa thu' có đến 70%-80% những người đã từng làm 'Tháng năm rực rỡ'. Đây là câu chuyện marketing, khi người ta đã có thương hiệu thì phải cố gắng làm sao xài hết thương hiệu đó.
Đối với tôi, đó là vế đối của hai bộ phim. Một bên là tuổi trẻ nữ, một bên là tuổi trẻ nam. Với 'Tháng năm rực rỡ', người xem vẫn tiếc nuối thanh xuân của mình, với 'Ước hẹn mùa thu', cho dù là ký ức đẹp nhưng khi kết phim tôi muốn người xem hướng đến hiện tại và tương lai.
Với 'slogan' đó, anh có lo rằng những khán giả chưa xem 'Tháng năm rực rỡ' sẽ e ngại đi xem 'Ước hẹn mùa thu'?
Tôi nghĩ khán giả cũng không đến mức như vậy. Mỗi người có một cái gu riêng, khi người ta ta thích thể loại nào thì người ta sẽ đi xem, còn khi người ta không thích thì sẽ là không thích thôi.
Phim dù thiếu logic nhưng quan trọng là cảm xúc
Ở tuổi học trò, anh là một cậu học sinh như thế nào?
Tôi là là một học sinh bình thường, có học lực trung bình tất cả các học kỳ trong suốt 12 năm, chỉ đủ điểm để lên lớp. (Cười).
Đúng là hồi đó tôi sợ đi học, cứ mỗi ngày thức dậy là sợ tới trường. Ngày tốt nghiệp ở trường tôi rất mừng vì không phải đi học nữa. (Cười).
Vậy anh có mối tình học trò nào không?
Có chứ, hồi đi học tôi cũng yêu sớm, lớp 7, lớp 8 là đã yêu rồi, nhưng yêu kiểu trẻ con, thích ghép đôi với nhau. Đến lớp 11 thì cũng yêu nghiêm túc, yêu thực sự.
Những cô bạn gái cũ bây giờ gặp lại vẫn trò chuyện bình thường, lâu lâu lại hỏi thăm nhau, kiểu vậy.
Anh đã qua tuổi học trò lâu rồi, làm cách nào để anh hiểu được tâm lý của học trò ngày nay?
Bây giờ cũng may có facebook, có mạng xã hội để tôi có thể theo dõi được. Tôi thấy tuổi học trò thời nào cũng cái cốt chung, chỉ là mỗi thời nó sẽ có một hiện tượng khác.
Vậy điều gì là khó nhất với anh khi làm 'Ước hẹn mùa thu'?
Phim này khó nhất với tôi là bàn cân giữa ba nhân vật Mạnh - Pha Lê và Duy, tôi phải cân làm thế nào để khán giả không thấy sự vô duyên của một nhân vật nào cả.
Bên cạnh những lời khen, cũng có những đánh giá về 'Ước hẹn mùa thu', cho rằng mạch phim hơi nhanh, thiếu logic, kết dễ đoán. Ý kiến của anh như thế nào về những nhận định này?
Thật ra cái gì làm được và chưa làm được thì tôi cũng biết, nhưng đã là một bộ phim thì cũng không thể bắt tất cả mọi người giống ý mình. Khi xem bất kỳ bộ phim nào tôi cũng thích chỗ này, không thích chỗ kia.
Trong thời lượng gần 2 tiếng của bộ phim, có những chỗ không thể logic được, nếu muốn tìm một logic tuyệt đối thì gần như là không có. Nhiều khi chuyện thật ngoài đời còn phi lý hơn, và khi lên phim thì sẽ cố gắng làm sao cho nó logic nhất có thể.
Điều quan trọng là nếu phim thiếu logic mà người xem vẫn có cảm xúc thì vẫn ok, còn nếu làm cho người xem thấy khó chịu thì cũng không được.
Mỗi bộ phim đều có giá trị của nó
Yoon Trần (Quốc Anh) là một gương mặt mới. Vì sao anh lại chọn nam diễn viên này vào vai chính là Duy trong 'Ước hẹn mùa thu'?
Tôi biết Quốc Anh trước khi bạn ấy vào Sài Gòn. Lúc đó tôi quay một sản phẩm quảng cáo, nhưng có 1 bạn diễn viên bận và khách hàng giới thiệu Quốc Anh cho tôi.
Khi gặp Quốc Anh tôi ngạc nhiên thấy 'ồ, ở đâu có thằng em kiểu trẻ trung mà lại đàn ông, rất chân thành'.
Lúc casting cho bộ phim tôi nhớ đến Quốc Anh và mời bạn ấy đến. Quả thật tôi rất thích và thấy Quốc Anh rất hợp vai, bạn ấy vừa có sự đàn ông, vừa có sự hồn nhiên, chân thành của đứa trẻ.
Có những diễn viên người ngoài có thể không thấy hay nhưng với những người lành nghề, với đạo diễn như tôi thì lại thấy khác.
Với tôi, Quốc Anh dù chưa có kỹ năng, kỹ thuật diễn vì em còn quá trẻ, nhưng bạn ấy có sự chân thành, chân thật mà các diễn viên đang rất thiếu.
Nhưng cũng không phải là Quốc Anh không cần diễn, để ý những nét diễn nhỏ của Quốc Anh diễn rất hay, nó không khiến người ta phải cảm thán 'à chỗ này diễn hay' mà khiến người ta tin vào nhân vật.
Chính những người bạn đạo diễn của tôi xem phim cũng rất thích Quốc Anh.
Anh đánh giá thế nào về sự phát triển trong tương lai của Quốc Anh ở thị trường điện ảnh Việt Nam?
Quốc Anh có rất nhiều thứ, thứ nhất là ngoại hình, cái này rất quan trọng, thứ hai là có cảm xúc, là thứ bên trong, thứ ba là có năng lượng.
Tôi nghĩ Quốc Anh sẽ phát triển tốt, vì thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay rất ít các diễn viên nam vừa đẹp vừa diễn hay. Các ngôi sao ở Việt Nam hiện nay toàn ngôi sao hài, không có ngôi sao chính kịch, không có ngôi sao đẹp mà bán được vé.
Còn Hoàng Oanh trong vai Pha Lê thì sao, có phải thành công từ vai Dung 'đại ca' ở 'Tháng năm rực rỡ' mà anh chọn cô ấy cho vai diễn lần này?
Cũng như dàn diễn viên 'Tháng năm rực rỡ', tôi vẫn gọi Hoàng Oanh đến để casting, không hề có chuyện ưu ái từ phim trước.
Quá trình casting của Hoàng Oanh cũng rất khó khăn, bởi tôi casting rất nhiều diễn viên và cũng có nhiều tiếc nuối.
Bộ phim này có hai mốc thời gian là 17 tuổi và 32 tuổi, có người diễn được tuổi 17 rất hay, nhưng diễn lúc 32 tuổi cần một chút đàn bà thì chưa tốt và ngược lại.
Hoàng Oanh là người tạo hình được cả 2 giai đoạn tôi thấy thuyết phục và yên tâm.
Nguyễn Quang Dũng trên phim trường 'Ước hẹn mùa thu'
Khi 'Tháng năm rực rỡ' phát hành được kỳ vọng đạt doanh thu đạt trăm tỷ, nhưng đáng tiếc là cuối cùng chưa đạt được con số đó. Vậy với bộ phim lần này anh có kỳ vọng nó đạt được con số doanh thu đó không?
Cũng kỳ vọng chứ, cuộc sống mà, phải kỳ vọng. (Cười).
Với 'Tháng năm rực rỡ' có những thứ không may mắn tại thời điểm đó. Giá vé có 50% thôi nhưng trên thực tế khán giả đến rạp rất đông, tới hàng triệu người.
Thế nhưng, với tôi, mỗi bộ phim có một số phận riêng. Bộ phim đó có thể có may mắn, có thể không có may mắn nhưng nó làm cho tôi thêm những năng lượng, thêm những quyết tâm cho các phim sau.
Và khi làm nhiều phim thì tôi thấy rằng mỗi một phim đều có một giá trị của nó, nó có thể không thành công về doanh thu nhưng lại khiến tôi rất thích.
Ví dụ phim 'Dạ cổ hoài lang', nó không thành công, cũng không hay nhưng mà tôi thích vì trong sự nghiệp của tôi đã có một bộ phim kiểu vậy và ít ra tôi đã dấn thân vào.
Hay phim 'Siêu nhân X', nó không thành công, nhưng rất đặc biệt. Khi tôi đem 'Siêu nhân X' sang Nhật chiếu thì bên đó họ rất bất ngờ vì có tư tưởng nhìn ra siêu nhân không có hoàn thiện.
Rồi khi xem 'Deadpool' tôi thấy siêu nhân trong đó còn bựa hơn siêu nhân của mình. Không phải tôi nói mình đi trước thời đại nhưng tôi thấy mình đã có cái nhìn thú vị.
Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chia sẻ!
Theo tiin.vn
Bị chỉ trích đem đồng tính ra chọc cười ở "Ước Hẹn Mùa Thu", đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Người đồng tính cũng không nên nhạy cảm quá!" Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích lí do sử dụng các những khía cạnh, câu chuyện về LGBT ra làm yếu tố gây hài trong "Ước Hẹn Mùa Thu". Ước Hẹn Mùa Thu xuất hiện hai nhân vật Bình (Hoàng Phi) - Phong (Duy Khánh) là một cặp đôi đồng tính. Những tình huống hài của Ước Hẹn Mùa Thu chủ yếu...