Điểm tin thời trang: NTK Rei Kawakubo nhận giải Isamu Noguchi, Chanel giới thiệu phần mới của Inside Chanel
Chương 25 trong “quyển hồi ký” Insdie Chanel đưa người xem trở về năm 1931, khi Gabrielle Chanel có chuyến vượt biển Atlantic đầu tiên, đặt chân đến xứ sở cờ hoa và viết lên một trang sử mới.
NTK Rei Kawakubo sẽ được vinh danh tại lễ trao giải Isamu Noguchi, giải thưởng uy tín về nghệ thuật tại Bảo tàng Isamu diễn ra vào tháng 5 tới. Ngoài ra, tin thời trang đáng mong đợi dành cho những yêu mến Gabrielle Chanel và nhà mốt Pháp, chương 25 của chuỗi phim Inside Chanel đã ra mắt, tái hiện lại hành trình vượt biển Atlantic mang tính lịch sử của NTK.
REI KAWAKUBO LÀ NTK ĐẦU TIÊN NHẬN GIẢI THƯỞNG ISAMU NOGUCHI
Giải thưởng Isamu Noguci dành cho những cá nhân kế thừa đam mê sáng tạo, ý thức trách nhiệm toàn cầu cùng tinh thần giao lưu văn hóa Đông – Tây của Isamu Noguchi, một NTK, nhà điêu khắc tài ba của thế kỷ 20. Mới đây, Rei Kawakubo, nhà sáng lập thương hiệu Comme des Garons và đồng sáng lập Dover Street Market, đã chính thức trở thành NTK đầu tiên nhận được giải thưởng danh dự này.
Tin thời trang nổi bật trong khoảng cuối tháng 3 ghi nhận thành tích đáng tự hào của Rei Kawakubo tại Giải thưởng Isamu Noguchi. (Ảnh: Styledumone)
Ngoài thời trang, Kawakubo còn tham gia thiết kế đồ họa, quảng cáo, nội thất trong các cửa hàng và xem đó là một phần không thể tách rời trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm của Kawakubo xuất hiện trong rất nhiều triển lãm. Đặc biệt hơn, bà là một trong hai nghệ sĩ duy nhất có buổi triển lãm solo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (năm 2017) ngay khi còn sống.
“Tôi không phải là một nghệ sĩ, kỹ sư hay nhà thiết kế. Tôi chỉ không ngừng tìm tòi những điều chưa từng tồn tại và giới thiệu chúng đến mọi người. Thật khó để khám phá điều mới mẻ mà không có sự thỏa hiệp nào. Tôi luôn phải đấu tranh với những quan điểm bảo thủ. Tôi nhớ Noguchi từng bị từ chối ở Osaka World Fair năm 1970 chỉ vì điều ông giới thiệu “quá mới”. Tôi hiểu cảm giác đó và đang nỗ lực nhiều hơn nữa”, NTK Rei Kawakubo chia sẻ.
Andrew Bolton – người phụ trách Viện trang phục bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York và Rei Kawakubo. (Ảnh: WWD)
Kawakubo từng nhận Giải thưởng Quốc tế của Tập đoàn thời trang năm 1986 và Giải thưởng Thiết kế Xuất sắc của Trường Đại học Harvard năm 2000. Năm 1993, bà được Chính phủ Pháp trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật. NTK sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải Isamu Noguci, diễn ra tại Bảo tàng Noguchi vào ngày 2/5 tới.
INSIDE CHANEL RA MẮT CHƯƠNG 25: GABRIELLE CHANEL GOES WEST
Inside Chanel là chuỗi phim ngắn hé mở những câu chuyện ít người biết về Gabrielle Chanel và thương hiệu Pháp. Bắt đầu từ chương 1 với tên gọi No.5, series như quyển hồi ký tái hiện cuộc đời cũng như di sản thời trang của NTK.
Chương 25: Gabrielle Chanel Goes West (tạm dịch: Hành trình tiến về phương Tây của Gabrielle Chanel) kể về chuyến vượt đại dương Atlantic đầu tiên của bà vào năm 1931. Tại đây, Gabrielle Chanel đã viết nên một trang sử mới không chỉ đối với sự nghiệp thiết kế mà còn cho thời trang ở Mỹ.
Gabrielle Chanel luôn dành tình yêu đặc biệt cho xứ sở cờ hoa bởi bà cho rằng, đây là vùng đất sản sinh ra những cơ hội. “Đây là nơi tôi viết nên vận may cho chính mình”, Gabrielle Chanel. (Ảnh: Chanel)
Nước Mỹ yêu quý Chanel, Hollywood khao khát Chanel. Với nhà sản xuất lừng danh Samuel Goldwyn, Chanel là người duy nhất có thể thay thế một Hollywood hào nhoáng bằng cảm hứng thiết kế gắn liền với đời sống dành cho các ngôi sao, dù họ xuất hiện trên màn ảnh hay trên đường phố. Đặt chân đến Mỹ, Chanel được nữ minh tinh Greta Garbo tiếp đón và trở thành chủ đề được quan tâm nhất vào thời điểm đó. Báo chí gọi đây là “cuộc gặp gỡ giữa hai nữ hoàng”.
Gabrielle Chanel (phải) và nữ diễn viên Ina Claire (trái). (Ảnh: Chanel)
Trong mắt người yêu thời trang ở Mỹ lúc bây giờ, Chanel toát ra sức hút khó cưỡng cả về phong cách lẫn thần thái tự tin cùng khiếu hài hước tuyệt vời. Dù kinh tế suy thoái, Chanel vẫn gặt hái thành công ở cả phương diện doanh số và hiệu ứng truyền thông. Danh sách khách hàng ngôi sao của bà phải kể đến Barbara Weeks, Madge Evans, Gloria Swanson, Marlene Dietrich, Elizabeth Taylor, Jane Fonda, Jean Seberg và cả Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy. Tuy nhiên, khi Hollwood khước từ các thiết kế “quá sạch sẽ” của bà, “bà đầm” đã không thỏa hiệp mà chọn cách rời đi.
Theo Vanity Fair, Chanel là “người đầu tiên đưa yếu tố hiện đại vào thời trang”. Năm 1954, trong khi giới mộ điệu Pháp quay lưng với sự trở lại của NTK 71 tuổi, tín đồ thời trang ở Mỹ vẫn dành cho bà sự ngưỡng vọng. Báo chí viết: “Ở tuổi 71, hơn cả thời trang, Gabrielle Chanel đã tạo ra một cuộc cách mạng”. Năm 1957, Giải thưởng thời trang Neiman Marcus vinh danh Chanel là NTK ảnh hưởng nhất thế kỷ.
(Ảnh: Chanel)
Không thể không nhắc đến sự gắn kết đặc biệt giữa Marilyn Monroe và chai nước hoa đầu tiên đầy tự hào của Chanel, Chanel No.5. Câu trả lời nổi tiếng của nữ minh tinh đã biến mùi hương này trở thành trang phục quyến rũ và đáng khao khát nhất. “Gabrielle Chanel, cô gái từng xem nước Mỹ là một huyền thoại, đã trở thành huyền thoại của chính nước Mỹ”.
Theo elle.vn
Điểm tin thời trang: Tom Ford trở thành Chủ tịch của CFDA, Dior mang BST Haute Couture đến Dubai
Buổi trình diễn BST Haute Couture của Dior tại Dubai cùng bước tiến mới của ngành công nghiệp thời trang bền vững là những tin thời trang nổi bật nhất trong tuần qua.
Tuần 18/3 - 22/3 khởi đầu với nhiều sự kiện và tin thời trang đáng chú ý. Sau Los Angeles, New York là thành phố tiếp theo của Mỹ đưa ra những cam kết mới về thời trang bền vững. Bên cạnh tin vui đến từ NTK Tom Ford, làng mốt đã nhận được câu trả lời từ Louis Vuitton về những "ồn ào" xoay quanh BST lấy cảm hứng từ Michael Jackson.
DIOR TÁI RA MẮT BST HAUTE COUTURE 2019 TẠI DUBAI
Sau buổi trình diễn đậm chất kịch nghệ tại Paris, Dior tiếp tục mang BST Haute Couture Xuân - Hè 2019 "cập bến" các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Diễn ra tại công viên Safa, Dubai vào ngày 18/3, nhà mốt Pháp khiến giới mộ điệu không khỏi ngỡ ngàng khi tái hiện lại không gian rạp xiếc xa hoa cùng thông điệp nữ quyền nhảy múa trên các thiết kế đầy tính nữ.
(Ảnh: Dior)
Nhằm dành sự ngưỡng vọng cho thành phố Dubai, Giám đốc sáng tạo Maria Chiuri đã giới thiệu 15 thiết kế hoàn toàn mới vào cuối buổi trình diễn. Những chiếc đầm dạ hội từ chất liệu ánh kim, chân váy chấm bi xếp tầng cùng áo choàng xếp li xuất hiện trên sàn diễn thay cho lời chào kết của Dior với Trung Đông huyền bí.
(Ảnh: Dior)
TOM FORD ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH CFDA
Sau cuộc họp phê chuẩn vừa diễn ra vào Thứ 3 (19/3), NTK Tom Ford đã chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng các Nhà thiết kế thời trang của Mỹ (CFDA). Nhiệm kỳ của Tom Ford sẽ bắt đầu vào tháng 6/2019 (sớm hơn 6 tháng so với dự kiến).
(Ảnh: CFDA)
Kế nhiệm Diane von Furstenberg, Tom Ford là gương mặt thứ 11 vinh dự giữ ví trí Chủ tịch hội đồng. Dưới thời Diane von Furstenberg và Giám đốc điều hành Steven Kolb, CFDA đã mở ra kỷ nguyên tăng trưởng chưa từng có cho ngành công nghiệp thời trang Mỹ. Với kinh nghiệm và vốn kiến thức sâu rộng, Tom Ford được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại những kết quả khả quan như người tiền nhiệm.
Diane von Furstenberg, Anna Wintour và Steven Kolb. (Ảnh: The Cut)
Bên cạnh Tom Ford, hội đồng còn có sự góp mặt của 19 NTK tên tuổi như Michael Kors, Tommy Hilfiger, Ralph Lauren, Diane von Furstenberg, Vera Wang, Georgina Chapman, Ashley Olsen...
Sau khi tiếp quản vị trí Chủ tịch, Tom Ford cần tập trung vào những thay đổi từ Giải thưởng Thời trang CFDA (CFDA Fashion Awards), lịch trình Tuần lễ thời trang New York và các sáng kiến bảo vệ quyền lợi của người mẫu, yếu tố bền vững cùng sự đa dạng trong ngành thời trang Mỹ.
Tom Ford trở thành Chủ tịch CFDA là tin thời trang nổi bật trong tuần. (Ảnh: Zimbio)
LOUIS VUITTON LÊN TIẾNG SAU SCANDAL VỀ BST LẤY CẢM HỨNG TỪ MICHAEL JACKSON
Trước "cơn bão" mang tên Leaving Neverland, Louis Vuitton đã phải đưa ra thông cáo chính thức về những "ồn ào" xoay quanh BST Thu - Đông 2019 dành cho nam. Được sản xuất và phát hành bởi HBO, Leaving Neverland là bộ phim tài liệu khai thác câu chuyện lạm dụng tình dục trẻ em trong quá khứ của Michael Jackson.
(Ảnh: Shutterstock)
Giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam, Virgil Abloh, cho biết: "Ý tưởng của tôi khi thực hiện BST lần này là đề cập đến Michael Jackson như một biểu tượng văn hóa đại chúng. Nó chỉ khai thác những khía cạnh trong cuộc sống đời thường, di sản âm nhạc cùng những giá trị cốt lõi đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ và NTK.
Cùng với tác động của bộ phim, buổi trình diễn đã gây ra những tranh cãi không đáng có. Tôi nghiêm khắc lên án bất kì hành vi lạm dụng trẻ em, bạo lực hay xâm hại quyền con người nào".
Theo PageSix, Louis Vuitton đã gỡ bỏ các thiết kế sử dụng hình ảnh của Michael Jackson trong BST mới nhất.
(Ảnh: Refinery 29)
NEW YORK HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU "KHÔNG LÔNG THÚ"
Nữ nghị sĩ Linda Rosenthal vừa đề xuất một dự luật về việc ngừng kinh doanh lông thú tại tiểu bang New York. Nếu kế hoạch của Rosenthal được phê chuẩn, hình thức kinh doanh các sản phẩm lông thú sẽ được xem là vi phạm pháp luật từ năm 2021. Theo đó, dự luật này sẽ được áp dụng trên toàn tiểu bang, trong đó có thành phố New York.
(Ảnh: Imaxtree)
Gucci, Armani, Coach, 3.1 Phillip Lim cùng nhiều thương hiệu thời trang đã quyết định "nói không" với lông thú. Tuy nhiên, theo New York Post, hiện có hơn 130 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này với 1.100 nhân công trên khắp thành phố. Vì vậy, việc ban hành dự luật sẽ phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nếu dự luật được thông qua, New York sẽ là thành phố tiếp theo "nói không" với lông thú, sau Los Angeles và California. Bên cạnh đó, New York cũng sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên cấm kinh doanh lông thú trên toàn nước Mỹ.
(Ảnh: WWD)
GIVENCHY LÀ THƯƠNG HIỆU KHÁCH MỜI TẠI TRIỂN LÃM PITTI UOMO
Để kỷ niệm 30 năm thành lập, triển lãm thương mại Pitti Uomo Xuân - Hè 2020 sẽ mở cửa từ ngày 12/6 tại Florence, Ý với sự góp mặt của thương hiệu khách mời Givenchy. Người thưởng lãm sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những thiết kế dành cho nam của Clare Waight Keller kể từ khi tiếp quản vị trí Giám đốc sáng tạo vào năm 2017.
Với tên gọi 1989-2019: Thirty Years of Men's Fashion, sự kiện sẽ kéo dài tới ngày 29/9 và một số tác phẩm sẽ được quyên tặng cho Bảo tàng Thời trang và Phục trang Florence. Tham gia triển lãm, khách mời sẽ được nhìn lại hành trình của những NTK và thương hiệu đã từng trình diễn tại đây như Raf Simons, JW Anderson, Moschino, Versace, Vivienne Westwood...
(Ảnh: Hollywood Reporter)
Nhà giám tuyển Olivier Saillard cho biết: "Nhiều NTK, cả nam lẫn nữ, đã bắt đầu mọi thứ tại Florence. Họ đều là những người góp phần định hình dòng thời trang dành cho nam giới. Vượt khỏi giới hạn sáng tạo, giá trị truyền thống cùng bản nguyên của mảnh đất Florence, các NTK đã tạo nên những BST ấn tượng nhất".
Theo elle.vn
Calvin Klein ngừng sản xuất dòng thời trang ứng dụng Hãng thời trang Mỹ tái cơ cấu tổ chức sau khi chấm dứt hợp tác cùng Raf Simons. Theo New York Times, hãng thời trang Mỹ tuyên bố từ bỏ dòng thời trang ready to wear mang tên 205W39NYC. Ở tuần thời trang New York Thu Đông 2019 vừa qua, nhà mốt này cũng vắng bóng sau 25 năm liên tục trình diễn....