Điểm mờ trong bản án “di chúc của người phụ nữ hai quốc tịch”
Tòa từng vô hiệu “giấy cho nhà” vì bà Trần Thị Di ở trong trạng thái không minh mẫn, nhưng chưa làm rõ “bản di chúc” lập ra, người này thực sự tỉnh táo!
Trong vụ án bà Trần Ngọc Tuyết (SN 1953, mang hai quốc tịch Mỹ và Việt Nam) khởi kiện em gái để giành quyền sở hữu căn nhà số 372/21, Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, TP HCM, tòa án đã tuyên bị đơn là bà Trần Thị Ngọc Nga (SN 1956, trú tại TP HCM) phải trả lại căn nhà này cho chị gái.
Cơ sở được cơ quan tố tụng đưa ra là căn nhà số 372/21 thuộc sở hữu của bà Trần Thị Di (SN 1916)- cô ruột của hai chị em. Bà Di đã lập bản di chúc thừa kế căn nhà này cho bà Trần Ngọc Tuyết.
Với căn nhà số 372/21, đây không phải là lần đầu xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu.
Bản di chúc được lập năm 1984, bà Trần Thị Ngọc Nga cho rằng không đúng với cơ sở pháp luật.
Trước đó, giữa bà Trần Thị Di (đã mất vào năm 1990) và em gái là Trần Thị Định (SN 1932) cũng đã đưa nhau ra tòa để phán quyết về quyền sở hữu căn nhà này.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 6/8/1981, Ban Xây dựng Nhà đất quận 10, TP HCM có biên bản làm việc với bà Định.
Theo nội dung làm việc cho thấy căn nhà số 372/45 bis Điện Biên Phủ, phường 14, quận 10 (nay là nhà số 372/21) do mẹ bà là Dương Thị Túc mua năm 1950. Sinh sống ở đây gồm có bà Túc và 3 người con, trong đó có bà Di. Năm 1961, bà Di và anh trai đi nơi khác ở.
Đến những năm của thập niên 70-80 của thế kỷ XX, giữa bà Di và bà Định xảy ra tranh chấp quyền sở hữu ngôi nhà số 372/21.
Vụ việc kéo dài, trải qua nhiều phiên tòa mới kết thúc. Kết quả, bà Di thắng kiện và quản lý sử dụng căn nhà trên.
Video đang HOT
Trong đơn của mình, bà Trần Thị Ngọc Nga cho biết, việc xảy ra tranh chấp giữa bà Di và bà Định là khi, bà Di ký “giấy cho nhà” với bà Định. Sau này, hai người đưa ra nhau tòa để nhờ phán quyết về việc sở hữu tài sản.
Tòa sơ thẩm của TP HCM thời điểm đó phán quyết bằng bản án dân sự số 02-DSST ngày 28/2/1985 với việc bà Di là người có quyền sở hữu.
Theo bản án này thì việc bà Trần Thị Di ký “giấy cho nhà” với bà Trần Thị Định khi bà đang say rượu, không còn minh mẫn. Đây là cơ sở để cơ quan tố tụng vô hiệu “giấy cho nhà” của bà Di với bà Định thời điểm đó.
Bà Trần Thị Ngọc Nga làm đơn xin xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm.
Quay lại câu chuyện tranh chấp giữa bà Trần Ngọc Tuyết và em gái là Trần Thị Ngọc Nga, cơ quan tố tụng xác định, với bản di chúc bà Trần Thị Di lập ra ngày 20/7/1984, bà Tuyết có quyền sở hữu căn nhà số 372/21.
Theo bà Trần Thị Ngọc Nga, bà Di vốn nghiện rượu. Điều này cũng đã được cơ quan tố tụng của TP HCM những năm 80 của thế kỷ XX xác định trong phiên tòa xét xử tranh chấp căn nhà số 372/21 giữa bà Di và bà Trần Thị Định. Bởi vậy thời điểm lập bản di chúc vào ngày 20/7/1984 thì bà Di có thực sự minh mẫn.
Hai quan điểm của tòa án ở TP HCM ở hai giai đoạn đối với bà Trần Thị Di không khỏi khiến nhiều người ngờ vực về quyết định công nhận bản di chúc bà Di để lại.
Bên cạnh đó, bản di chúc này được lập ra vào thời điểm căn nhà số 372/21 đang được tòa xem xét tranh chấp giữa bà Trần Thị Di và Trần Thị Định. Phải đến năm 1985, tòa mới đưa ra phán quyết quyền sở hữu nhà số 372/21 cho bà Di. Vậy, di chúc được lập năm 1984 trong thời điểm căn nhà số 372/21, liệu có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, bà Trần Thị Di vốn không biết chữ, bản di chúc lại bị chỉnh sửa… có thể xem đấy là điểm mờ trong bản án tranh chấp đòi nhà giữa hai chị em Trần Ngọc Tuyết và Trần Thị Ngọc Nga.
Những điểm mờ của bản di chúc ngày 20/7/1984 tạo nên điểm mờ trong bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM khi đưa ra quyết định quyền sở hữu căn nhà số 372/21 thuộc về người phụ nữ hai quốc tịch Trần Ngọc Tuyết.
Bà Trần Thị Ngọc Nga (trái) tại căn nhà số 372/21
Vài ngày nữa, cơ quan thi hành án sẽ buộc bà Trần Thị Ngọc Nga trả căn nhà mà bà đang ở hàng chục năm trời cho chị gái là Trần Ngọc Tuyết, trong khi những điểm mờ trong bản di chúc không có lời giải đáp khiến người phụ nữ khuyết tật này không khỏi ấm ức.
Điểm mờ trong một bản án tranh chấp tài sản giữa hai chị em Trần Ngọc Tuyết và Trần Thị Ngọc Nga cần thiết phải được xem xét lại ở cấp giám đốc thẩm để làm sáng tỏ điểm mờ trong bản di chúc, có như vậy sự việc mới xem xét được một cách thấu đáo dựa trên những chứng căn cứ, lý lẽ thuyết phục. Nếu, cấp giám đốc thẩm làm rõ những điểm mờ trong bản di chúc mà cấp tòa phúc thẩm chưa khiến bị đơn tâm phục khẩu phục, thì khi đó, bản thân người phụ nữ khuyết tật bà Trần Thị Ngọc Nga giao lại nhà cho chị gái đỡ ấm ức, băn khoăn. Cũng như để người phụ nữ mang hai quốc tịch Trần Ngọc Tuyết không mang tiếng cả đời là dùng một bản di chúc không có giá trị pháp lý để giành giật quyền sở hữu tài sản của em gái mình.
Và đặc biệt là để chứng minh hai cấp tòa xét xử vụ án này không làm lệch cán cân công lý./.
Việt Đức/VOV.VN
Ngân hàng Xây Dựng yêu cầu Phương Trang trả hơn 27.000 tỉ đồng
Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB) đề nghị HĐXX tuyên nhóm Phương Trang có trách nhiệm thanh toán các khoản vay cho CB với số tiền hơn 27.220 tỉ đồng, trong đó, nợ gốc là hơn 9.400 tỉ đồng, lãi là 17.700 tỉ đồng.
Ngày 26/5, phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Tại tòa, các luật sư và đại diện của CB (nguyên đơn dân sự trong vụ án) đề nghị HĐXX chấp nhận đơn yêu cầu của CB đối với căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Cụ thể, ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỉ đồng, lớn hơn nhiều so với giá trị căn nhà theo định giá nên đại diện CB đề nghị HĐXX giao căn nhà này cho ngân hàng để cấn trừ nghĩa vụ bồi thường của bà Phấn. Từ đó, bà Phấn phải bồi thường 1.105 tỉ đồng cho phía CB.
Bên cạnh đó, đại diện CB cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nhân viên ngân hàng Đại Tín do các bị cáo có nhân thân tốt, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Về phần quy buộc bà Phấn và đồng phạm hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang 5.256 tỉ đồng, phía CB cho rằng, cần phải xem xét lại cáo trạng về tội danh của bà Hứa Thị Phấn.
Theo CB, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho phía công ty Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Đối với trường hợp giải ngân bằng hình thức chuyển khoản, không bắt buộc Ngân hàng phải giao tiền mặt cho khách hàng mới được coi là khách hàng đã nhận được tiền.
Trong trường hợp này, chỉ cần tài khoản của khách hàng vay đã được hệ thống ngân hàng ghi "có" số tiền Ngân hàng giải ngân trên tài khoản thì cũng đồng nghĩa với việc khách hàng vay đã nhận được tiền vay. Từ thời điểm này, khách hàng vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và phát sinh nghĩa vụ trả nợ vay cho CB và phải tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng tiền vay.
Việc khách hàng vay sử dụng tiền vay vào việc chuyển cho bên thứ ba sử dụng là thỏa thuận riêng của khách hàng vay với bên thứ ba. Nếu giao dịch giữa khách hàng và bên thứ ba này có tranh chấp thì đây là tranh chấp giữa khách hàng vay với bên thứ ba, không liên quan đến khoản nợ mà khách hàng đã vay và Ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng.
Theo phía CB đến nay, liên quan đến 82 hợp đồng tín dụng này, không có cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng bị kết luận là vi phạm quy định về cho vay. Cáo buộc CB không giải ngân, giải ngân thiếu... là không có căn cứ.
"Chúng tôi cho rằng nhận định trên của các cơ quan tố tụng cho rằng nhóm Công ty Phương Trang nhận được không đầy đủ tiền giải ngân, loại bỏ một phần trách nhiệm trả nợ của Công ty Phương Trang, biến dư nợ này thành thiệt hại của ngân hàng Đại Tín là không chính xác, không đúng với diễn biến sự việc trên thực tế và trái với các quy định của pháp luật về ngân hàng" - luật sư Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho CB, toàn bộ hồ sơ tài liệu có trong vụ án đều thể hiện, 16.486 tỉ đồng Đại Tín đã giải ngân nhưng nhóm Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3,936 tỉ đồng và chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này chưa tính lãi.
Các luật sư cho là nhận định này chưa đầy đủ vì toàn bộ số dư nợ gốc phát sinh của hội đồng tín dụng đã ký là 9.437 tỉ đồng và dư nợ lãi tính đến ngày 15/11/2017 là 16.504 tỉ đồng, tính đến 7/5/2018 là 27.220 tỉ đồng.
Xuân Duy
Theo Dantri
Luật sư nêu 3 luận điểm chứng minh bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội Ngày 7/5/2018 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm Vụ án chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 3 bị cáo bị đưa ra xét xử Ngày 7/5/2018 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án: Vô...