Điểm mặt những vụ lùm xùm trao tiền thưởng cho thể thao Việt Nam
Việc CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bị tố xù 500 triệu đồng tiền thưởng của đội tuyển nữ Việt Nam đang khiến dư luận hết sức quan tâm, đáng nói hơn, đây không phải là trường hợp duy nhất lùm xùm liên quan đến khoản thưởng của các VĐV
Sau khi kết thúc SEA Games 30 với tấm huy chương vàng, tuyển nữ Việt Nam được hứa thưởng 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, hiện đội tuyển nữ vẫn chưa nhận đủ số tiền thưởng được các mạnh thường quân hứa trao tặng. Lý do một số doanh nghiệp đưa ra vì… sếp đi công tác vắng, không có người ký lệnh chuyển tiền.
Trong đó, đặc biệt nhất là trường hợp CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) chưa giải ngân 500 triệu đồng tiền thưởng vì cần có danh sách chia thưởng của đội bóng. Một số cơ quan truyền thông đã đặt vấn đề CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang “xù” khoản tiền thưởng 500 triệu đồng nói trên.
Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất mà các cá nhân, doanh nghiệp hay các cơ quan chủ quản có những lùm xùm trong việc trao tặng tiền thưởng cho các vận động viên (VĐV) trước những thành tích họ đã đạt được cho thể thao nước nhà.
Trước đó, sau thành tích á quân của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á diễn ra ở Thường Châu (Trung Quốc), các học trò của HLV Par Hang-seo đã nhận được tổng số tiền thưởng là 51.478.300.000 đồng. 10 đơn vị khác tặng thưởng hiện vật, trong khi 17 đơn vị tặng thưởng dịch vụ.
Liên quan việc này, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã đăng tải một dòng trạng thái về tình hình tiền thưởng của U23 Việt Nam sau VCK U23 Châu Á. Những chia sẻ ấy sau này đã được ẩn đi.
Vị này nói: “Chẳng hiểu thông tin này (số tiền thưởng lên đến 50 tỷ đồng – PV) đâu ra và chính xác hay không nữa. Tiền thưởng quà hiện vật thì đội đã và đang nhận, nhưng có giải thưởng tuyên bố 3 tháng trước giờ thậm chí còn không thấy mặt mũi đâu”.
Chia sẻ của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa.
Hồi tháng 7/2019, khi đang tham dự Giải Vô địch bơi lội và điền kinh người khuyết tật toàn quốc tại Cần Thơ, bên cạnh niềm vui được nhận thưởng Huân chương Lao động với thành tích đạt được từ Asian Para Games tháng 10/2018, nhiều VĐV cũng than thở việc bị nợ các khoản tiền thưởng cả năm nay.
Video đang HOT
“Lẽ ra chẳng nên lên tiếng vì ngại nhiều điều phiền phức có thể xảy đến nhưng nỗi bức bách của cuộc sống thường nhật đã buộc chúng tôi phải nói lên nỗi lòng của mình. Khác với VĐV thể thao bình thường, VĐV thể thao người khuyết tật (TTNKT) chúng tôi quanh năm không có được bất cứ khoản thu nhập nào từ tập luyện thể thao. Chúng tôi có may mắn hơn các đồng đội cùng cảnh ngộ khi mỗi năm còn có vài tháng được gọi lên đội tuyển quốc gia và nhận được tiền công lao động trong khoảng thời gian này. Ngoài ra, chẳng có thêm bất cứ khoản thu nhập nào và đó là lý do chúng tôi trông ngóng tiền thưởng thành tích thi đấu quốc tế còn hơn con trông mẹ đi chợ về. Vậy mà giải quốc tế gần nhất là Asian Para Games diễn ra cũng đã 9 tháng, còn Giải Vô địch người khuyết tật toàn quốc 2018 đã cách nay tròn năm, tiền thưởng vẫn chưa thấy đâu”, kình ngư Võ Thanh Tùng nghẹn ngào nói.
Được đặt cho biệt danh “Michael Phelps của TTNKT Việt Nam”, Võ Thanh Tùng chính là gương mặt sáng nhất trên đường đua xanh Asian Para Games 2018 khi giành 3 HCV, 2 HCB đồng thời xô đổ 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục đại hội, góp phần quan trọng giúp đoàn TTNKT Việt Nam xếp hạng 12 chung cuộc. Cộng thêm thành tích tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2018, tính ra Võ Thanh Tùng sẽ được nhận hơn 400 triệu đồng tiền thưởng theo quy định chung.
Chẳng riêng Võ Thanh Tùng, rất nhiều thành viên đội tuyển bơi người khuyết tật quốc gia đang khoác áo TP. HCM như Võ Huỳnh Anh Khoa, Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Thanh Trung… đều chung tình cảnh éo le này. Tìm hiểu thêm, được biết các thành viên đội tuyển điền kinh, cử tạ người khuyết tật hay bóng đá người khiếm thị cũng bị nợ tiền thưởng, tương tự chuyện xảy ra ở các đội thể thao bình thường khác của TP. HCM.
Hay trước thềm lượt về giải Hạng nhất 2019, khoảng hơn 20 cầu thủ Đồng Tháp đã đồng loạt nghỉ tập trong nhiều ngày nhằm phải đối ban lãnh đạo đội bóng chưa thanh toán các khoản tiền thưởng và lót tay.
“Các cầu thủ bức xúc không chịu tập luyện và đòi gặp lãnh đạo để làm rõ mọi việc do thất hứa trong việc trả các khoản tiền cho cầu thủ. Đây là kết quả của nhiều lần thất hứa chứ không phải một lần. Ban huấn luyện cũng đã cảnh báo với lãnh đạo trước đây nhưng không được thực hiện”, một thành viên của câu lạc bộ Đồng Tháp tiết lộ.
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bị tố xù 500 triệu đồng tiền thưởng của đội tuyển nữ Việt Nam
Các cầu thủ Đồng Tháp đang yêu cầu được gặp mặt ban lãnh đạo để giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính. Được biết, câu lạc bộ Đồng Tháp còn nợ các cầu thủ phí lót tay, tiền thưởng 5 trận thắng ở Hạng Nhất 2019, các khoản chi phí sinh hoạt. Số tiền thưởng 100 triệu cho trận đấu với Bình Định ở mùa giải năm ngoái đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.
Rất nhiều các VĐV thể thao khác như “nữ hoàng điền kinh” Vũ Thị Hương hay nhà vô địch bắn súng Hoàng Xuân Vinh… được vẽ khá nhiều “bánh vẽ” về các khoản thưởng, nhưng cuối cùng sau bao ngày chờ đợi, Vũ Thị Hương phải viết tâm thư đầy cay đắng hồi tháng 8/2017:
“…Bao kì SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay. Cháu cũng thừa tự trọng để không mở miệng hỏi các bác, mà nói thật cháu cũng chẳng biết hỏi ai cả vì nhiều khi chỉ nhận tin qua truyền miệng hay báo chí thôi ạ.
Cháu vẫn buồn lắm, vì cháu bị thất vọng và mất niềm tin vào nhưng lời hứa. Cũng kể từ dạo đó, ai hứa gì với cháu là cháu bảo, thôi xin đừng hứa. Cháu sợ, thật sự sợ lời hứa từ ai đó.
Thế nên bản thân cháu cũng thế, cháu không hứa gì với ai cả vì cháu hiểu cái cảm giác khi nhận được lời hứa nó sung sướng thế nào và khi bị thất hứa nó làm tim cháu đau đớn ra sao. Nên cháu hứa, không bao giờ hứa gì với bất cứ ai nữa”.
Loại trừ những nguyên nhân bất khả kháng, còn thì thật đáng xấu hổ cho những ai “xù” phần thưởng do chính mồm mình nói ra. Đó là chưa nói không loại trừ có kẻ lợi dụng niềm vui của quốc dân, đồng bào để “chém gió” nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, doanh nghiệp.
Các nhà vô địch vốn trọng danh dự dĩ nhiên chẳng ai đi đòi quà. Dư luận thì nhanh quên. Thế là có thể chỉ vì một vài vị thất hứa mà tấm lòng hào hiệp của những người hâm mộ chân chính cũng bị nghi ngờ.
Theo Nhadautu
Bị "tổn thương", "xúc phạm", tuyển nữ VN chấp nhận để doanh nghiệp "xù" 500 triệu tiền thưởng
Đã trao bảng tượng trưng, song công ty cổ phần tập đoàn hóa chất ĐG nhất quyết không giải ngân 500 triệu đồng đã hứa thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Theo Thanh Niên, lý do mà công ty này nhất quyết không chịu chuyển tiền như đã hứa là do... không được Ban huấn luyện cung cấp danh sách chia thưởng.
Theo lãnh đạo của của công ty ĐG, công ty của ông cũng đang quản lý một đội bóng và khi được thưởng thì HLV đội phải báo cáo cho ông danh sách chia thưởng. Vì thế ông này cũng đề nghị đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam phải gửi cho ông danh sách chia thưởng.
Ngày 16/12/2019, đơn vị này cũng đã có mặt tại buổi gặp gỡ và trao thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được tổ chức tại trụ sở VFF. Tại đây, đại diện của công ty ĐG đã trao bảng có đề số tiền thưởng là 500 triệu đồng cho đại diện đội tuyển. Ảnh và thông tin này sau đó cũng đã được đưa lên website của công ty.
Tuy nhiên cách đây ít ngày, lãnh đạo công ty ĐG đã nhắn tin cho HLV trưởng Mai Đức Chung, đề nghị đội cung cấp danh sách chia thưởng.
Ông Mai Đức Chung nói: "Tôi hơi bất ngờ với lời đề nghị này vì danh sách chia thưởng và việc phân loại cầu thủ là việc nội bộ của đội. Sau SEA Games 30, Ban huấn luyện và ban cán sự đội (gồm đội trưởng và hai đội phó) đã họp để xét loại. Tùy vào mức độ cống hiến tại SEA Games 30 mà các cầu thủ hay những thành viên khác lại được bình bầu, xếp loại ở các mức khác nhau.
Từ trước đến nay, đội nữ khi có thành tích và được tiền thưởng luôn bình bầu theo cách này. Chúng tôi chưa bao giờ để lại điều tiếng gì về chuyện tiền nong và các cầu thủ, các thành viên trong đội chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn là có bất công. Cũng chưa có doanh nghiệp nào, đơn vị nào hay cá nhân nào yêu cầu chúng tôi phải cung cấp danh sách chia thưởng cả.
Công ty ĐG trao bảng thưởng dưới sự chứng kiến của các cầu thủ. Việc này công khai như vậy, chúng tôi đâu có giấu cầu thủ mà họ e ngại đội sẽ không chia".
Tuyển nữ Việt Nam đang tập trung cho vòng loại cuối cùng Olympic Tokyo 2020.
Một trợ lý trong Ban huấn luyện cũng cho biết công ty này đã hai lần muốn chuyển khoản, nhưng rồi lại không chuyển bởi họ nói không tin ai cả. Sau đó đại diện của công ty hẹn chiều 10/1 sẽ đến trao tiền, nhưng rồi cũng không đến.
Lãnh đạo của công ty ĐG cũng phát biểu rằng đội là đội của tuyển quốc gia, nhưng tiền là tiền của tôi, nếu không cho tôi biết mức chia thưởng thì tôi cắt, không trao tiền nữa.
Trước động thái này, cũng theo Thanh Niên, HLV Mai Đức Chung cho hay: "Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia luôn trân trọng và biết ơn sự cổ vũ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần của khán giả hâm mộ, của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp. Mỗi đồng tiền thưởng mà chúng tôi nhận được, chúng tôi đều rất trân quý vì đó là tấm lòng của mọi người dành cho đội.
Nhưng của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty ĐG vì đã có ý định thưởng nhưng giờ, chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa".
Theo Trí Thức Trẻ
Lý do nào khiến tuyển nữ Việt Nam chưa nhận hết 22 tỷ tiền thưởng? SEA Games 30 đã kết thúc hơn nửa tháng nhưng tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa nhận được hết số tiền thưởng 22 tỷ đồng vì một số doanh nghiệp chưa giải ngân. Theo thông tin mới nhất, hiện đội tuyển nữ vẫn chưa được nhận đủ 22 tỷ đồng tiền thưởng như đã được các mạnh thường tuân đã hứa. Được biết...