Điểm mặt những cán bộ thích… đánh dân
Hàng loạt các vụ bê bối như công an đánh người, cán bộ dân phòng đánh dã man người bán hàng rong, hay Chánh thanh tra Sở Y tế bổ cuốc vào đầu một phụ nữ… đã gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên dùng cây đánh vào đầu dân
Trưa ngày 16/12, ông Huỳnh Xuân Phước (trú tại xã Hòa Bình, huyện Tây Hòa) cùng những người dân trong thôn phát dọn cây ven đường thì bị ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên ngăn cản. Trong lúc tranh cãi, xô xát, ông Bảo đã dùng cây đánh vào đầu ông Phước, khiến ông bất tỉnh phải đi bệnh viện cấp cứu.
Theo như thông tin mới nhất được biết, UBND tỉnh đã hoàn tất các thủ tục để qua tết Nguyên đán năm 2014 sẽ cho ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, thôi việc.
Theo ông Vinh,Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết lý do UBND tỉnh Phú Yên chờ qua tết Nguyên đán 2014 cho thôi việc là lý do nhân đạo.
Ông Huỳnh Xuân Phước (63 tuổi) bị Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh nhập viện. Ảnh: TNO
Chánh thanh tra Y tế bổ cuốc vào đầu một phụ nữ
Trước đó ngày 25/10, tại thành phố Kon Tum xảy ra vụ xô xát trên khu đất tranh chấp giữa gia đình bà Phan Thị Uyên Trâm và bà Quýt. Con rể bà Quýt là ông Nguyễn Đức Hoàng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum đã lấy cuốc bổ vào đầu bà Trâm khiến nạn nhân ngất xỉu ngay tại chỗ. Vết cuốc bổ vào đầu dài khoảng 7cm, lưỡi cuốc trượt xuống làm rách nguyên mí mắt trái bà Trâm.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, nhiều người dân vô cùng bức xúc lên án hành động của vị Chánh Thanh tra này.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum bổ cuốc vào đầu bà Trầm.
Về phía các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Kontum đã yêu cầu Sở Y tế Kon Tum và các cá nhân liên quan trong vụ “chánh thanh tra bổ cuốc vào đầu một phụ nữ” giải trình, báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để có cơ sở xử lý sự việc.
Trước vụ việc trên, Bà Nguyễn Thị Ven – giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết trước mắt đơn vị này sẽ chỉ xử lý ông Hoàng ở góc độ hành vi đạo đức công chức, đảng viên, bởi theo bà, hành động của ông Hoàng không phải là cố ý và việc xô xát của ông Hoàng là với tư cách người dân, không liên quan đến chức vụ. Bà cũng nhấn mạnh, sau khi xem xét kỹ các hình ảnh trong clip ghi lại, kết hợp kết luận của cơ quan công an, Sở sẽ có hình thức xử lý phù hợp hơn.
Dân phòng còng tay, đánh dã man người bán hàng rong
Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 6/12 vừa qua tại một khu chợ tự phát nằm trên đường D1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nạn nhân là anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá, tạm trú tỉnh Bình Dương), là người bán rau củ quả dạo.
Video đang HOT
Theo người dân phản ánh, một nhóm khoảng 10 người thuộc lực lượng dân phòng, trật tự đô thị cùng bảo vệ dân phố lao vào đánh ngất xỉu, còng tay một người bán hàng rong khi anh này không chịu đưa xe hàng về trụ sở UBND phường. Nhiều người chạy lại can ngăn thì lực lượng này hù dọa bắt luôn về đồn.
Hàng trăm người dân đã bức xúc trước sự việc tổ trật tự đô thị phường gây tai nạn cho người bán hàng rong rồi bỏ chạy. Lực lượng công an phường không những không giải quyết vụ việc mà còn dùng công cụ hỗ trợ đánh trả nạn nhân.
Người bán hàng rong bị đánh bất tỉnh nằm dưới đất
Trước sức ép của dư luận và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, thông qua báo chí ông Nguyễn Văn Quý – chủ tịch UBND P.25 đã nhận sai, đồng thời ngày 13/12, UBND P.25 đã ra quyết định cho thôi việc đối với ông Trần Duy Nhất (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, bảo vệ dân phố KP.4) và ông Tân Quậy Hưng (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, nhân viên trật tự đô thị P.25).
Sau đó, ngày 18/12 UBND, P.25 đã mời anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá) – người bán hàng rong lên xin lỗi, nhận sai và hỗ trợ 7,8 triệu đồng chi phí thuốc men, thiệt hại về hàng hóa hư hỏng, công lao động do phải nghỉ làm…
Trung úy công an đánh trọng thương nam thanh niên
Mới đây, Đại tá Phan Lang, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định giáng cấp trung úy xuống thiếu úy đối với ông Bùi Văn Duy về hành vi đánh người trọng thương.
Trước đó, tối ngày 16/4 nhóm công an gồm có trung úy Bùi Văn Duy, thượng sĩ Phan Đức Linh, các chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Văn Cầu, Nguyễn Hữu Thắng, Trần Hữu Lý đã đuổi đánh người anh Nguyễn Thế Chung ( 17 tuổi, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) thương tích đến 4%.
Theo đại úy Trịnh Văn Đạt – phó trưởng Công an huyện Ia Pa, ngoài việc xử lý kỷ luật, đơn vị cũng yêu cầu các cán bộ này bồi thường chi phí điều trị, thuốc men cho người bị đánh.
Trước hàng loạt những vụ việc ấy, nhiều người dân không khỏi lo ngại và đặt ra những câu hỏi về những người thi hành công vụ. Họ là “công bộc” của dân, vì lợi ích nhân dân phục vụ. Thế nhưng, nhìn lại những vụ việc trên, liệu rằng người dân có còn đủ niềm tin đối với những người cán bộ như vậy?
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Phận đời người bán hàng rong bị đánh và ước mơ một vựa trái cây
Anh Tình nói, biết đây là ước mơ quá sức, nhưng nó vẫn cứ luôn luôn trăn trở trong lòng anh. 50 triệu đồng là số tiền quá lớn, quả thật có nằm mơ anh cũng không thể nào mơ thấy. Trong khi đó, với vùng đất giàu có này, với rất nhiều người có khi chỉ là một làn chiêu đãi, một bữa dạo chơi.
Cảnh anh Tình bị trấn áp
Quê nghèo không thể cưu mang
Xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là một vùng quê nghèo, đất đai chật hẹp. Cả gia đình Trịnh Xuân Tình có 9 người sống nhờ vào 9 sào ruộng, tức 330m2/đầu người. Một năm hai mùa lúa một mùa ngô, đất không kịp nghỉ nên đất cũng không thể cho cây trái tốt tươi. Từ ăn uống, quần áo, giỗ chạp, trái phải, hàng họ... tất cả đều chỉ trông vào 320m2 ruộng ấy.
Trong cái khó khăn đó rồi anh em Tình cũng lớn lên. Thấy cha mẹ khổ cực không đành lòng, và không chịu đựng nổi cái nghèo, Tình nghĩ đến chuyện ly hương. Nghe nói vùng đất phương Nam màu mỡ, cây cối tốt tươi quanh năm cho quả ngọt, con người hiền hòa, anh thèm lắm.
Vậy là, bế trên tay đứa bé mới 3 tháng tuổi, vợ chồng anh một mạch vào Nam. "Vừa đi lập nghiệp mà cũng vừa bớt miệng ăn cho gia đình", anh nhớ lại.
Quả thật những gì anh đã nghe về vùng đất phương Nam giàu có phì nhiêu, nhân hậu và hiếu khách cũng không sai. Tuy nhiên không phải với bất cứ ai cũng có cái may mắn nhận được sự đãi ngộ này. Và, vợ chồng Tình, đã ra đi tức là quyết chí làm ăn, nhưng chỉ có chút sức vóc chứ không có một đồng vốn lận lưng, nên cơ hội vươn lên không hề dễ.
Luật sư Hoàng Cao Sang đang hướng dẫn anh Tình các bước để được tư vấn pháp lý. Ảnh: Đặng Vỹ
Ngày đầu, vợ chồng anh vào thẳng quận Gò Vấp, TP.HCM. Thuê một phòng nhỏ xíu đủ vợ chồng trải chiếc chiếu. Chồng làm phụ việc bưng bê khuân vác cho một xí nghiệp cơ khí, còn vợ vẫn thất nghiệp ngồi nhà ôm con. Lương hơn triệu bạc, thiếu trước hụt sau. Bữa ăn bữa nhịn, thiếu đói triền miên. Lại thêm đứa bé, vốn không đủ dinh dưỡng, sinh bệnh. Đưa con đi bệnh viện, tiền để dành mua thuốc cho con, còn vợ chồng đi xin cơm từ thiện qua bữa.
Đất lành nhưng chim cũng... khó đậu!
Quá khổ không xoay trở được, có lúc vợ chồng Tình đã định trở lại quê nhà. Thà quê nhà nghèo nhưng còn có hột gạo nấu cơm, rau dại làm canh, chứ ở xứ tiêu tiền này, nếu không có việc làm, không có tiền thì chỉ có chết!
Nhưng đắn đo, đã một lần ra đi là một lần khó. Cuối anh đành dứt ruột gửi đứa bé về cho ông bà nội, vợ chồng ở lại tìm việc, quyết chí đổi đời.
Tình chuyển từ làm phụ xưởng cơ khí sang chạy ba gác, còn vợ cũng đi làm mướn kiếm cơm ăn. Chạy xe ba gác chở vật liệu xây dựng, bốc vác nặng nhọc hơn nên thu nhập cũng kha khá hơn. Những tưởng rằng cuộc sống bắt đầu bình ổn từ đây...
Đã 6 ngày, nhưng anh Tình vẫn còn bị đau không đi nổi. Lên xuống các bậc tam cấp phải có người dìu đỡ
Khi lệnh cấm xe 3 bánh được ban hành, chiếc xe ba gác của anh bị tịch thu trong một chuyến cố chạy. Đứa em trai, Trịnh Văn Tuấn vào sau cùng ở với vợ chồng anh và cùng chạy xe ba gác, cũng cùng ở vào hoàn cảnh ấy.
Không phương tiện, không tiền bạc, sống giữa nơi tiêu tiền, càng khổ sở. Đất thì lành thật đấy nhưng không có việc làm, không có tiền thì đất vẫn không thể cưu mang người. Không thể nấn ná, vợ chồng cuốn về Bình Dương.
"Nơi đó giá thuê nhà rẻ hơn, bớt được mấy trăm ngàn", anh nói.
Nhưng căn phòng thuê thì tồi tàn hơn. Nó chỉ chừng 3m x 3m, đủ cho một chiếc chiếu nằm và chiếc xe, công cụ làm ăn duy nhất. Tường nhà ẩm mốc, nước rỉ vào hôi hám mỗi khi có cơn mưa.
Từ xe ba gác, Tình chuyển sang... xe đạp; từ chở vật liệu xoay qua bán dạo trái cây. Tuy nhiên dù có dạo khắp hang cùng ngõ hẻm thì cũng không thể nào sống nổi với chiếc xe đạp với giỏ trái cây lèo tèo. Dành dụm, chắt bóp, Tình mua chiếc xe cánh én cũ 1 triệu, sửa thêm vài trăm ngàn nữa, đóng cái sọt lên trên. Cả nhà trông chờ vào chiếc xe đó. Chiếc xe giờ đang bị UBND phường 25 tạm giữ sau sự việc ngày 6/12 vừa qua.
Biên lại thu tiền viện phí, chứng tỏ ông Chủ tịch quận Bình Thạnh bịa đặt là anh Tình trốn viện.
Tuy nhiên, tiền bán hàng của Tình và tiền đi may thuê gia công của vợ cũng chỉ đủ cho cuộc sống trong ngày và chăm sóc đứa bé. Cứ mỗi chiều về anh đưa những đồng bạc lẻ cho vợ, để vợ lo gạo mắm ngày mai. Lâu lắm mới dư được vài trăm ngàn đồng gửi về cho nội ngoại hai bên, để các cụ yên tâm về con cái nơi xứ người.
Nỗi lo phía trước
Tại văn phòng báo Infonet, khi được hỏi nghĩ gì về sự việc vừa qua, Tình nói anh buồn. Tình nói làm việc đã quen, mà giờ xe bị giữ, đau yếu do bị đánh, không làm việc được nên vừa buồn vừa lo. Anh nói cũng không biết làm cách nào để có được chiếc xe đi làm.
Khi có gợi ý lên phường xin lại xe, gương mặt anh lộ vẻ hoảng sợ. "Em sợ gặp lại những người đó lắm. Rồi mấy bữa nay báo chí viết nhiều, em sợ họ thù em. Mình lên lỡ họ đánh nữa rồi làm sao?".
Trước đó, tại văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật, luật sư Hoàng Cao Sang đã hướng dẫn các thủ tục, các bước để hai bên tiến tới xác lập quan hệ hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí cho Tình. Khi luật sư đưa ra các văn bản mẫu để làm thủ tục, Tình hoang mang. Hoang mang vì anh không hiểu gì cả. Hoang mang vì nỗi sợ hãi còn ám ảnh.
Quả thật người dân nghèo ít học quanh năm chỉ biết chí thú làm ăn, hoàn toàn không hiểu gì cả về quyền của mình nên mới sợ hãi cán bộ và chính quyền đến như vậy. Khi chúng tôi động viên đã có báo chí và luật sư vào cuộc, sẽ không ai dám xâm hại nữa, Tình mới có vẻ hơi yên tâm, nhưng kỳ thực vẫn còn lộ rõ nỗi băn khoăn.
Nhưng Tình sợ cũng đúng. Vì trận đòn vừa rồi là điều quá khủng khiếp đối với anh. Khi được chúng tôi đề nghị lên gian cà phê ở tầng 1 trao đổi cho thoải mái, anh lắc đầu: "Đi lên cầu thang không nổi". Chợt nhớ lại, trước đó chục phút, chỉ có 10 bậc thang bộ, nhưng luật sư Hoàng Cao Sang đã phải dìu anh đi lên và cả đi xuống.
Hỏi nếu được chọn công việc thì sẽ chọn gì, Tình tâm sự rằng ước muốn lớn nhất của anh là được làm vựa trái cây bán sỉ để đỡ cực.
Nhưng đó chỉ là ước mơ. Bởi 50 triệu với nhiều người là con số nhỏ, nhưng đối với Tình, đó là con số mà anh không bao giờ nghĩ rằng đời mình chạm tới. Nhưng anh cũng nói, anh tin rằng nếu có vựa trái cây thì anh làm được, sống được. "Vì em bán trái cây cũng lâu lâu, em biết được nhiều thứ trong nghề".
Câu chuyện đến đó chợt chùng lại. Vì chúng tôi thấy mình đã lỡ chạm vào, khơi dậy niềm khát khao của người khác mà không giúp được. Không lẽ nào chúng tôi cũng... ước mơ, là có một mạnh thường quân nào đó ra tay tế độ?
Theo Infonet
Vụ dân phòng đánh người bán hàng rong: Dân mạng phẫn nộ Liên quan đến vụ trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM, bị tố đánh anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hóa) bán trái cây dạo tại khu vực chợ Văn Thánh cũ phải nhập viện, nhiều người hết sức bức xúc và phẫn nộ. Hình ảnh người bán hàng rong nằm ngất xỉu do người dân cung cấp...