Điểm lại những vụ lừa đảo đa cấp gây chấn động dư luận trong nước
Những vụ lừa đảo núp bóng dưới danh nghĩa bán hàng đa cấp (BHĐC) không còn là câu chuyện mới mẻ. Vậy nhưng, vẫn có rất nhiều người dân vướng vào hình thức này, khiến “tiền mất, tật mang”, thậm chí có người khánh kiệt lâm vòng lao lý.
Không ít công ty đa cấp lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền khổng lồ đã bị phanh phui gây rúng động dư luận cả nước.
Cùng điểm lại các vụ án mà báo chí đã đưa tin để thấy rõ chiêu thức lừa đảo và tổng số thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
45.000 thành viên và 1.900 tỷ đồng từ vụ án Công ty Liên kết Việt
Ngày 19/2/2016, thông tin “bộ sậu” lãnh đạo đa cấp Liên kết Việt lừa đảo bị bắt đã khiến dư luận xôn xao, hàng nghìn người có nguy cơ trắng tay sau khi Liên kết Việt đóng cửa.
Công ty Liên Kết Việt được thành lập từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2014 mới được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh đa cấp.
Thời điểm đầu, doanh nghiệp này kinh doanh một số mặt hàng như máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già.
Các sản phẩm này được Liên kết Việt quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam, thậm chí có in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hoặc được dán mác đơn vị lắp ráp sản xuất là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà – Bộ Quốc phòng.
Hình ảnh ‘các vị đại tá’ xuất hiện tại các đại hội hoa hồng khiến nhiều người lầm tưởng đây là công ty của Bộ Quốc phòng. Trong ảnh là Lê Xuân Giang (người mặc quân phục), Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt
Tuy nhiên, các đơn vị trên và những người có trách nhiệm đã lên tiếng về việc các đơn vị của Bộ Quốc phòng không hợp tác, không liên doanh liên kết hay có bất cứ nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên kết Việt.
Cùng với việc mạo danh sản phẩm, Liên kết Việt còn tổ chức nhiều chương trình, cuộc gặp gỡ nhằm giới thiệu nhiều người nguyên là lãnh đạo cấp cao ở Bộ Quốc phòng đang tham gia vào Ban lãnh đạo của công ty.
Tuy nhiên đây đều là những người mạo danh là người của Bộ Quốc Phòng để “củng cố” thêm lòng tin cho các thành viên. Chính cái tên viết tắt BQP cũng đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Từ những thủ đoạn tạo uy tín trên, Liên kết Việt đưa ra một mô hình kinh doanh đa cấp hấp dẫn để chào mời người tham gia. Cụ thể, theo quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên kết Việt phải đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh, được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng.
Nhà phân phối nào mua nhiều mã hàng hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia vào hệ thống sẽ được nhận tiền hoa hồng rất cao, được nâng bậc trong hệ thống thành những nhà quản lý. Thêm vào đó họ được hưởng hoa hồng từ các đại lý cấp dưới phát triển được hệ thống.
Số tiền hoa hồng được tính cho một cá nhân tham gia là 8%, càng nhiều người tham gia tỉ lệ hoa hồng càng cao. Liên kết Việt khẳng định với 8,6 triệu đồng đầu tư, khách hàng có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng…
Vì vậy không khó hiểu khi người dân đặt niềm tin vào công ty, tiếp nhận những thông tin thuyết trình về mô hình bán hàng đa cấp, mong một ước mơ đổi đời và mù quáng đổ rất nhiều tiền đầu tư vào hệ thống này.
Công ty Liên kết Việt còn làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và tự trao tặng cho mình nhằm tăng uy tín trong mắt của người dân.
Chiêu trò đa cấp “ngoạn mục” của Thiên Ngọc Minh Uy
Dùng những lời lẽ có cánh, đường mật tiếp cận mọi người, đặc biệt “con mồi” là các bạn sinh viên, những người nông dân ở nông thôn, hoặc những người dân tộc thiểu số ở các tỉnh,… nhằm mua mã sản phẩm và ký hợp đồng bán hàng là chuyên viên kinh doanh với mức lương “siêu kkhủng” lên đến 60tr/ tháng. Đó là những chiêu “bài lừa” muôn thủa của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) có trụ sở đăng ký tại số 15 ngõ 251 – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội). Bằng các hình thức “tuyên truyền” khác nhau, TNMU đã mở rộng mạng lưới “vòi bạch tuộc” đi các tỉnh thành : Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Phòng, … hay cả những vùng dân tộc Tây Nguyên như Đắc Lắc.
Công ty này được ví von như một “kho hàng phế thải” của Đài Loan – Trung Quốc, kinh doanh dựa theo hình thức “người đi trước móc túi người đi sau, người đi sau móc túi người đi sau nữa”. Các mặt hàng sản phẩm của TNMU có giá cao hơn gấp nhiều lần giá thị trường bên ngoài. Trong các buổi diễn thuyết của TNMU luôn đông đúc, . Thay vì diễn thuyết về sản phẩm thì họ nêu ra những gương làm giàu, giới thiệu mức thu nhập “khủng”,không quan tâm đến lợi nhuận bán sản phẩm mà quan tâm đến lượng người tham gia. “Bơm” vào đầu và đánh vào lòng tham các thành viên mới bằng câu “làm giàu thật nhanh và kiếm tiền thật dễ dàng mà không cần mất công sức”. Điều đó đã “kích thích” vào “lòng tham” ham kiếm tiền của những người dân nhẹ dạ cả tin.
Công ty Thiên Ngọc Minh Uy
Có nhiều công ty bán hàng đa cấp khi nhận sinh viên vào làm thì yêu cầu thu CMTND bản gốc để “làm tin”. Nhưng thực chất là khi sinh viên không muốn làm nữa, muốn xin rút, những công ty “ma” đó bộc lộ ngay bản chất, yêu cầu sinh viên phải “lừa” được một số người nữa mới cho cầm CMTND về, gọi là “đền bù” thiệt hại do phá vỡ hợp đồng?.
Video đang HOT
Sinh viên khi ấy không muốn cũng phải làm theo một cách ép buộc. Đây là chiêu trò rất thâm hiểm mà những công ty bán hàng đa cấp lừa đảo áp dụng trong việc quản lý “nhân viên”.
Lợi dụng đối tượng là tân sinh viên mới vào trường còn ít va vấp, xuất thân từ nhiều vùng khó khăn còn hạn chế về cập nhật thông tin, lại muốn có tiền trang trải cuộc sống; các đối tượng bán hàng đa cấp đã lôi kéo, thuyết phục sinh viên tham gia đường dây.
Cùng với tâm lý muốn thử một lần bởi việc bán hàng không đòi hỏi cao, không mất gì, hay sẽ theo đến chừng mực rồi xin nghỉ, nhiều sinh viên có thể biết những mặt trái của bán hàng đa cấp nhưng vẫn lao vào, và không ngờ bị lún sâu một cách không thể tự kiểm soát.
Bán hàng đa cấp không xấu, chỉ xấu ở nhiều công ty đã lạm dụng hình thức kinh doanh này để lừa đảo người tiêu dùng. Tệ hơn, họ còn lôi kéo nhiều người, nhất là sinh viên vào vòng xoáy lừa đảo đó. Để kiếm tiền một cách khôn ngoan, tỉnh táo và không bị lợi dụng, các sinh viên phải hết sức cảnh giác khi “dấn thân” vào con đường vốn nhiều lọc lừa này…
Cach thưc hoat đông cua Thiên Ngoc Minh Uy (Anh: VTV)
Vụ án đa cấp Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán Trực tuyến (MB24)
Tháng 5-2011, Ngô Văn Huy (SN 1973), Lê Văn Cường (SN 1975) đều trú ở quận Nam Từ Liêm và Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980) trú tại Sóc Sơn, Hà Nội thành lập Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến. Theo thỏa thuận của các đối tượng, Nguyễn Tuấn Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT, Huy làm Giám đốc, Cường giữ chức Phó giám đốc, còn Hà chịu trách nhiệm về kỹ thuật của doanh nghiệp.
Mặc dù không được cấp phép hoạt động về thương mại điện tử nhưng ngay sau khi thành lập, Huy cùng đồng bọn vẫn quảng cáo MB24 gắn với trang web: www.muaban24.vn là doanh nghiệp chuyên cung ứng sàn giao dịch thương mại điện tử. Phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử bất hợp pháp trên muaban24.vn, các đối tượng đã tạo lập ra các gian hàng ảo có tính năng, tác dụng như một gian hàng thương mại điện tử thật và kêu gọi đầu tư.
Không chỉ vậy, MB24 còn vận dụng triệt để phương thức kinh doanh đa cấp. Theo đó, Hà trực tiếp lập trình muaban24.vn để tạo ra các gian hàng ảo, điểm ảo với quy định 1 điểm tương đương 10.000 đồng, đồng thời thiết lập phần mềm quản lý hội viên và phân chia “hoa hồng”. Khi chưa có người tham gia, MB24 tự ý nhập 17.000 hội viên từ một mạng kinh doanh đa cấp khác vào mạng của các đối tượng làm “mồi nhử”.
Kể từ đây, mỗi người tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử MB24 phải đăng ký thông tin cá nhân và được tặng “văn phòng cá nhân” để lưu trữ thông tin. Hội viên có quyền kích hoạt tài khoản để quy đổi tiền thật thành điểm. Và muốn trở thành hội viên, người tham gia phải mua ít nhất một gian hàng trên MB24 với giá 5,2 triệu đồng, tương ứng 520 điểm.
MB24 núp bóng đa cấp lừa đảo
Từ “văn phòng cá nhân”, người tham gia có thể nâng cấp trở thành hội viên với điều kiện phải chia 520 điểm cho hệ thống hội viên bảo trợ trực tiếp và gián tiếp (bộ máy MB24 và những người tham gia trước). Nếu hội viên giới thiệu được người mua gian hàng tiếp theo thì được hưởng 1,5 triệu đồng; giới thiệu 2 người được thêm 320.000 đồng.
Hội viên đạt cấp VIP cần phát triển đủ 198 gian hàng và được hưởng gần 80 triệu đồng. Khi đạt 3 gian hàng VIP sẽ nâng lên thành “VIP lãnh đạo”; đạt 3 gian hàng “VIP lãnh đạo” được phong Phó Giám đốc toàn quốc; 4 gian hàng cấp Phó Giám đốc toàn quốc sẽ được lên Giám đốc toàn quốc với lợi nhuận lũy tiến.
Bằng thủ đoạn lấy tiền của người mới “nuôi” người cũ và sau 1 năm hoạt động, Huy cùng đồng bọn đã bán được 121.349 gian hàng ảo trên muaban24.vn, tương ứng hơn 631 tỷ đồng. Trong số đó, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 30,9 tỷ đồng… Với hành vi này, Ngô Văn Huy, Lê Văn Cường và Nguyễn Mạnh Hà đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt từ 12 năm đến 16 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án đa cấp Công ty cổ phần Xuyên Việt
Đầu năm 2011, một số đối tượng đã cùng nhau thành lập Công ty cổ phần Xuyên Việt (trụ sở tại 174 Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình). Trông tổ chức đứng đầu công ty có cả người điều hành chỉ đạo (nhưng không đứng tên đăng ký kinh doanh), Chủ tịch HĐQT và cả Phó Chủ tịch HĐQT.
Sau đó, nhóm này đã lập ra một sàn thương mại điện tử có tên miền www.binhongiathitruong.com.vn. Sau khi lập trang web xong, nhóm này bắt đầu kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, để trở thành thành viên của công ty, nhà đầu tư phải bỏ ra 2 triệu đồng mua mã số, được kèm thêm một lạng cao ngựa hoặc mỹ phẩm, thực phẩm của Hàn Quốc (nhà đầu tư không lấy sản phẩn thì mua mã số với giá 1,2 triệu đồng).
Khi giới thiệu các nhà đầu tư khác tham gia, thành viên sẽ đạt chuẩn và lên mức mới cao hơn. Như chu kỳ 1 được thưởng 3 triệu đồng, chu kỳ 2 thưởng 5 triệu đồng, chu kỳ 3 thưởng 10 triệu đồng,… đến chu kỳ 10 được thưởng 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn treo thưởng hàng năm cho thành viên như xe Toyota Camry, biệt thự sang trọng,…
Giao diện trang binhongiathitruong.com.vn
Từ khi thành lập cho tới khi bị cơ quan chức năng triệt phá, đã có tới 13.343 mã tham gia sàn giao dịch www.binhongiathitruong.com.vn, trong đó 2.000 người chưa đóng tiền thì sản giao dịch ngưng hoạt động.
Tổng số tiền đã thu là hơn 13,6 tỷ đồng. Đã có 63 người khai báo nộp tiền cho sàn giao dịch với số tiền gần 6,3 tỷ đồng.
Trong đó cơ quan điều tra xác định được 37 người nộp tiền có ký giấy xác nhận và ghi lại số tiền thu là gần 4,3 tỷ đồng. Số tiền hoa hồng 37 cá nhân này đã hưởng là gần 1,2 tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo đa cấp của công ty cổ phần Xuyên Việt cũng đã thừa nhận khoản tiền chiếm đoạt tài sản lên tới 3,2 tỷ đồng.
Vụ án đa cấp công ty Tâm Mặt Trời
Vào năm 2009, tập đoàn Tâm Mặt Trời ( Tam Mat Troi Investmant Corporation, trụ sở ở đường Sông Đà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã trở thành tâm điểm đặc biệt được chú ý của xã hội, khi tập đoàn này liên tiếp kêu gọi nhiều người tham gia mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp thông qua hai trang web là emt.vn và emt.com.vn.
Cụ thể, có 4 cá nhân thành lập ra công ty Tâm Mặt Trời đã tự nhận mình là thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, dù không được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhóm này sử dụng 2 trang web là emt.vn và emt.com.vn kêu gọi nhiều người mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp. Theo như lời nhóm này “quảng cáo”, khi tham gia, các hội viên sẽ phải đóng 6 triệu đồng để sở hữu 1 gian hàng ảo vô thời hạn.
Với gian hàng này, các hội viên sẽ được mua hàng ưu đãi với giá cực rẻ, được phổ cập tin học, tiếp xúc làm ăn với những người nổi tiếng…
Tổng giám đốc tập đoàn Tâm Mặt Trời chuyên bán hàng đa cấp bị bắt giữ. Ảnh: Zing
Chưa hết, để mở rộng mạng lưới và cùng “chia sẻ lợi ích với người xung quanh”, chúng còn “kêu gọi” hội viên dụ dỗ thêm nhiều người tham gia, cứ mời được một người sẽ được thưởng thêm 1,5 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 9/2010 đến tháng 10/2012, Tâm Mặt Trời đã mở rộng chi nhánh ở khắp 30 tỉnh thành, lôi kéo được khoảng 39.000 hội viên, bán 23.348 gian hàng ảo thu khoản tiền khổng lồ lên tới 122 tỷ đồng.
Cuối năm 2012, toàn bộ hệ thống đa cấp này bị Bộ Công an triệt phá, gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.
Ngày 12/12/2013, Viện KSND Tối cao cho biết đã ra quyết định truy tố 4 đối tượng cầm đầu tập đoàn Tâm Mặt Trời vì tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet… thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Hàng trăm sinh viên sập bẫy “liên minh” đa cấp
Với tiêu chí làm giàu không cần xin tiền bố mẹ, công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam đã dùng thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, ép các sinh viên nhẹ dạ cả tin đi vay nặng lãi, tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Hàng nghìn sinh viên tại Hà Nội đã bị lừa vào đường dây này mà không tìm được lối thoát.
Chỉ cần dùng thẻ sinh viên là vay được tiền để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty này. Sinh viên, những nạn nhân chính của mạng lưới “liên min” đa cấp này đa số đều được bạn bè giới thiệu và trực tiếp dẫn tới những chi nhánh của công ty để nghe nhân viên tư vấn. Mỗi người bắt đầu tham gia công ty phải mua một gói sản phẩm (khoảng 10 triệu đồng) gồm các loại thực phẩm chức năng. Nếu không có tiền nộp, các em sẽ được nhân viên của công ty chỉ cách mang thẻ sinh viên tới một doanh nghiệp trên đường Trần Quốc Hoàn và được vay tối đa 12 triệu đồng với mức lãi suất lên tới 4 nghìn/1 triệu đồng/ngày (tương đương 20 lần lãi vay ngân hàng).
Vay được tiền, sinh viên mang về nộp cho công ty để mua mã và nhận các sản ph ẩm thực phẩm chức năng để bán. Nếu bán được hàng, các em sẽ được ghi nhận doanh thu và trả hoa hồng. Chưa hết, sau khi tham gia, sinh viên sẽ được hưởng thêm tiền hoa hồng nếu lôi kéo được thêm người. Số tiền này nhiều hay ít, tùy thuộc vào trình “lôi kéo”. Ví như thêm một người thì được nhận 50 nghìn đồng, nhưng nếu thêm hai người sẽ được những 300 nghìn đồng…Nếu những sinh viên này tiếp tục kêu gọi thêm người tham gia và sử dụng sản phẩm thì mình tiếp tục có doanh thu 800 – 1.000.000/người. Số tiền sẽ tiếp tục được nhân lên gấp 2, gấp 3 nếu số lượng người được lôi kéo tham gia đông lên. Do vậy, các bạn sinh viên nhẹ dạ đã dễ dàng bị dụ dỗ, lừa bạn bè mình để tham gia vào hoạt động đa cấp này.
Công ty CP Liên minh đa cấp tiêu dùng Việt Nam
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Từ những con số “khủng” trong các vụ án đa cấp gây rúng động dư luận, một lần nữa người dân cần phải thật tỉnh táo trước sự dụ dỗ “đường mật” của những mạng lưới đa cấp lừa đảo một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Không chỉ người nông dân, mà hàng nghìn người dân thành thị, sinh viên, công nhân, cũng là nạn nhân của “bão đa cấp”
Nguyên lý bịp bợm đã trở thành “kinh điển” thường được các “giảng viên” bày cho “con mồi” tiềm năng là: chỉ với thời gian ngắn, lôi kéo được số lượng người hạn chế tham gia bán hàng là đã có thể thu hồi toàn bộ số vốn đã bỏ ra, đồng thời được thêm những khoản lương, hoa hồng hậu hĩnh khác. Đối tượng kinh doanh còn “vẽ” ra thêm nhiều tấm gương thành công, giàu có nhờ BHĐC để “nhử” thêm nhiều người khác tham gia. Tin điều đó, không ít người đã bỏ tới đồng tiền cuối cùng của gia đình, hay đi vay nặng lãi để lao vào canh bạc đỏ đen mang tên đa cấp theo cách ấy. Thực tế, họ không hề bị lừa, mà chỉ là nạn nhân của chính toan tính tham lam của mình. Vì đơn giản, giàu lên nhanh theo kiểu lôi kéo thêm người vào mạng lưới bán hàng là “phương pháp” những “giảng viên” đa cấp dạy, nhưng có tham gia hay không thì rõ ràng lại là quyền lựa chọn của mỗi người. Thế nên, khi thiệt hại xảy ra, rất khó để bắt lỗi công ty BHĐC.
Đây cũng chính là điểm dường như làm các nhà quản lý bối rối, khi các quy định quản lý dù có, nhưng lại không có tác dụng mạnh, nghiêm trong ngăn chặn những hiện tượng biến tướng.
Trên thực tế, ngoài những doanh nghiệp BHĐC hợp pháp (nghĩa là có hàng hóa, được Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động thì hiện nay một số DN đã, đang núp bóng kinh doanh đa cấp để hoạt động theo phương thức bất chính, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân.
Anh minh hoa
Về bản chất, BHĐC khác với phương pháp bán hàng truyền thống ở kênh phân phối. Sản phẩm – trong cách bán hàng truyền thống – trước khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua một hệ thống phân phối các cấp do các DN làm chủ, với giá bán đã được tính đầy đủ lợi nhuận và chi phí, lãi của cả hệ thống ấy. Với BHĐC, hệ thống bán hàng qua kênh phân phối ấy là không cần thiết. Vì người tham gia mua sản phẩm cũng là người sẽ bán sản phẩm. Lợi nhuận của kênh phân phối, do thế, được phân bổ lại, trở thành lãi và thu nhập của chính người mua, người bán.
Sự hiện đại của BHĐC là triệt tiêu kênh phân phối và tạo thu nhập cho người mua, người bán. Nhưng “cái bóng của chính nó” với phương pháp bán hàng này, là càng nhiều người tham gia vào mạng lưới mua và bán, thì giá sản phẩm càng phải đẩy cao lên, nhiều lúc tới phi thực tế. Người tham gia BHĐC giàu nhanh hay mất sạch cũng nhanh không kém là từ chính đặc điểm này.
Có thể tổng kết sơ bộ vài phương thức lừa đảo của các doanh nghiệp này. Đầu tiên, trắng trợn nhất là các doanh nghiệp chưa có phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh đa cấp với những sản phẩm chất lượng thấp, những sản phẩm ảo trên mạng Internet.
Mặc dù chưa hề được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng vẫn có thể tổ chức hàng chục cuộc hội thảo với hàng nghìn người tham dự kèn trống ầm ĩ, quảng cáo trên các trang mạng ồn ào mà không hề có cơ quan nào đến hỏi thăm giấy phép, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo. Điều đáng nói là các hoạt động của họ không hề bí mật, thậm chí còn quá phô trương.
Thủ đoạn thứ hai là lợi dụng giấy phép kinh doanh đa cấp, tìm cách lách qua các quy định bằng cách thuyết phục những người tham gia ký giấy tự nguyện mua hàng, trả tiền huấn luyện, trả tiền để tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn để được nhận sản phẩm miễn phí… Tất cả những hoạt động này đều công khai, phô trương, thậm chí có doanh nghiệp còn quảng cáo rầm rộ trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác, bởi họ có giấy phép.
Thủ đoạn thứ ba là quảng cáo láo về sản phẩm kinh doanh đa cấp và chính phương thức kinh doanh đa cấp. Không ít những sản phẩm được quảng cáo chữa được bách bệnh, kể cả ung thư, HIV… tất cả các cuộc hội thảo cũng như những tỷ lệ của các “chim lợn” đều có mục đích làm cho con mồi tin rằng: Hãy bỏ tiền ra và sẽ thu lại được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng…
Không điều chỉnh hay quản lý được kinh doanh đa cấp khi người tham gia là tự nguyện, thế nên không quá khó để “hiểu” vì sao suốt 10 năm qua, đa cấp vẫn là “cơn cuồng phong” hoành hành trong xã hội. Và thậm chí còn biến tướng sang các hình thức khác, nguy hiểm hơn.
Những hành vi bị cấm trong trong bán hàng đa cấp Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp quy định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào; đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; e) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; g) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác; h) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo; i) Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này; k) Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó; l) Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào; m) Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này; n) Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định này; o) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; p) Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; q) Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; r) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp; s) Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều này.
Theo Tông hơp
Sa bẫy đa cấp Liên kết Việt vì lòng tham
Từ miếng mồi "hoa hồng khủng", nhiều bị hại đã sa bẫy công ty bán hàng đa cấp Liên kết Việt để rồi tiền mất, tật mang.
Theo lời giới thiệu của bạn bè, ông Đỗ Văn D. (60 tuổi, trú ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng tham gia vào mua 46 mã hàng. Ông D. cho biết, số tiền dành dụm khoảng 400 triệu ông đầu tư hết vào mua mã hàng ở Công ty Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt).
Ông D. không biết, Công ty Liên Kết Việt hoạt động theo mô hình đa cấp, cái lý đơn giản của ông là thấy lãi suất cao gấp nhiều lần gửi tiền tiết kiệm nên ông tham gia. Ban đầu ông mua 20 mã, sau đó mua thêm 26 mã nữa. Mỗi mã hàng giá 8,6 triệu đồng, số tiền dành dụm khoảng 400 triệu đồng, ông đổ hết vào Công ty Liên Kết Việt.
Ông D. bảo, đang cần một số tiền tương đối để cải thiện cuộc sống cho gia đình, nghĩ tham gia 1 năm, với lãi suất cao như thế ông sẽ đủ kinh phí trang trải cho dự tính của mình, nhưng ai ngờ số tiền dành dụm của ông bị tiêu tan vì chút lòng tham.
Mở đầu tham gia Công ty Liên Kết Việt, qua lời giới thiệu của bạn bè, ông D. cũng đi tham dự hội thảo tổ chức rất hoành tráng tại khu vực Láng - Hòa Lạc. Ông tin rằng, chắc chắn thành công vì Công ty Liên Kết Việt giới thiệu là thuộc Bộ Quốc phòng.
Tham gia từ tháng 7/2015, chưa đầy 1 tháng, ông đã được trả lợi tức 30 triệu đồng. Ông D. bảo, ngoài ra, Công ty Liên Kết Việt còn có rất nhiều loại thưởng hoa hồng cho người tham gia. "Mình nộp tiền không cũng có hoa hồng", ông D. cho hay.
Các đối tượng thường mặc quân phục nhằm tạo lòng tin với người tham gia Công ty Liên Kết Việt.
Theo lời giới thiệu tại hội thảo mà ông được tham gia, cứ mỗi người ông D. giới thiệu gia tham Công ty Liên Kết Việt, lợi tức của ông sẽ được tăng lên. Ông D. ví dụ: Nếu giới thiệu một người mua 100 triệu đồng tiền mã hàng, ông có thể rút số tiền vốn mình bỏ vào với số tiền tương đương, nhưng lợi tức không hề giảm.
Tham gia được khoảng 1 tháng, ông D. thấy nhiều vấn đề phát sinh, báo chí cũng bắt đầu lên tiếng về mô hình bán hàng đa cấp, trong đó có Công ty Liên Kết Việt có trụ sở tại Hải Phòng, nhưng lúc này rút ra lại không kịp. Nén tiếng thở dài ông D. bảo: "Đấy là số tiền chắt bóp cả đời. Thấy lợi nhuận cao thì mình tham gia, tất cả cũng do lòng tham thôi".
Cũng như ông D., chị Nguyễn Thị H. (trú tại Đống Đa, Hà Nội) khi nói đến Công ty Liên Kết Việt, chị muốn quên. Chị H. bảo, đầu tư vào cả đống tiền giờ xác định là mất trắng. "Đừng nhắc đến Liên Kết Việt nữa, giờ tôi chỉ muốn tập trung vào buôn bán thôi".
Mới đây, Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Xuân Giang (trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên kết Việt và Nguyễn Thị Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt cùng 5 đồng phạm để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, từ đầu năm 2014 đến tháng 7/2015, với hình thức kinh doanh đa cấp, Giang và Thủy cùng đồng phạm đã gom được khoảng 1.900 tỷ đồng của 45.000 bị hại. Khi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh thì tài khoản của Lê Xuân Giang chỉ còn hơn 45,5 tỷ đồng.
Để tạo dựng lòng tin, Công ty Liên Kết Việt còn mạo danh là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các đối tượng còn tổ chức hoành tráng sự kiện đón Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, treo nhiều ảnh lãnh đạo Công ty Liên kết Việt mặc trang phục quân đội chụp hình với một số đồng chí lãnh đạo cao cấp.
Cơ quan chức năng đã xác định ảnh và Bằng khen mà Công ty Liên kết Việt đón là giả, vì theo hồ sơ lưu trữ tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ không cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt./.
Việt Đức
Theo_VOV
Phát hiện đại lý bán hàng đa cấp nghi trị bệnh trái phép Lực lượng chức năng phát hiện 10 người, trong đó có 8 người đang được các nữ nhân viên của cơ sở Phụng Ân (TP.Cần Thơ) chăm sóc sức khỏe dưới hình thức mát-xa, chăm sóc da... Lúc 15 giờ ngày 31/12, Phòng CSĐTTP về TTQLKT và Chức vụ (PC46) Công an TP.Cần Thơ, kết hợp với Chi cục QLTT TP.Cần Thơ, Phòng...