Điểm lại dòng P-series đã tạo nên danh tiếng cho Huawei
Huawei là một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu hiện nay (dù rằng đang dính phải lệnh cấm), cung cấp hàng loạt thiết bị ở mọi mức giá.
Tuy nhiên, những chiếc điện thoại flagship Trung Quốc này cũng chiếm được nhiều lời khen ngợi về khả năng camera, thời lượng pin và sạc nhanh.
Để đạt được thành công này, Huawei đã trải qua bao nhiêu thăng trầm với dòng sản phẩm flagship P-series của mình. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến lịch sử hào hùng của dòng P-series trước khi Huawei ra mắt P40 – chiếc flagship mới nhất.
Huawei Ascend P1 (2012)
Thời bấy giờ, Huawei vốn nổi tiếng là một thương hiệu smartphone giá rẻ. Năm 2012, công ty đến từ Trung Quốc này quyết định ra mắt Ascend P1. Thiết bị này không quá mạnh mẽ so với những chiếc điện thoại hiện đại hồi đó. Ascend P1 sở hữu con chip TI OMAP 4460 (hai nhân Cortex-A9), 1GB RAM và bộ nhớ trong 4GB, có thể mở rộng qua khe thẻ nhớ microSD. Trong khi đó, chiếc Samsung Galaxy S3 ra mắt cũng năm lại sở hữu con chip 4 nhân Cortex-A9, 1GB RAM cùng bộ nhớ trong 16GB, có thể mở rộng.
Tuy nhiên, Ascend P1 lại rẻ hơn đáng kể so với Galaxy S3. Dẫu vậy, nó vẫn có màn hình OLED 4,3 inch, độ phân giải 960×540px cùng camera chính sử dụng cảm biến BSI 8MP.
Dẫu vậy, sự thất vọng lớn nhất đối với thiết bị này đó chính là viên pin 1.670mAh khá nhỏ. Phải mất vài thế hệ, Huawei mới nhận ra rằng người dùng không muốn đánh đổi thiết kế siêu mỏng với độ bền và thời lượng sử dụng thiết bị.
Rõ ràng, Huawei Ascend P1 không thuộc phân khúc flagship, nhưng nó lại mở đầu cho nhóm thiết bị có giá cận cao cấp.
Lược nhanh về Huawei Ascend P1:
- Ascend P1 chạy Android 4.0 Ice Cream Sandwich khi xuất xưởng và được nâng cấp lên Android 4.2 Jelly Bean.
- Ascend P1 có mức giá bán lẻ từ 450 USD đến 475 USD, rẻ hơn kha khá so với con số 600 USD của Galaxy S3.
Huawei Ascend P6 (2013)
Chiếc điện thoại tiếp theo trong dòng P-series của Huawei đó chính là Huawei Ascend P2. Thiết bị này được ra mắt vào năm 2013 nhưng chỉ tồn tại trên thị trường vài tháng trước khi Huawei công bố Ascend P6.
Thiết kế là một trong những trọng tâm chính trên P6 khi cằm của chiếc điện thoại này bọc quanh phần dưới nhằm tạo nên một khối cho nắp lưng. Huawei so sánh triết lý thiết kế này như một tờ giấy gấp lại tại thời điểm đó, đồng thời cũng “tâng bốc” thân hình mỏng trên Ascend P6. Tuy nhiên, thiết kế mỏng cũng gần như đồng nghĩa rằng dung lượng pin sẽ khá nhỏ: Ascend P6 sở hữu viên pin chỉ 2.000mAh. Dẫu vậy, công ty Trung Quốc này đã cùng với Sony và một vài thương hiệu khác đã tạo ra chức năng tiết kiệm pin, trước khi Google đưa nó lên Android. ĐIều này giúp thiết bị hoạt động lâu hơn được một chút.
Dung lượng pin nhỏ không phải là thứ duy nhất mà Huawei đánh đổi cho thiết kế. Huawei đã đặt cổng tai nghe nằm ở bên trái của chiếc điện thoại. Điều này khiến việc nghe nhạc trở nên có chút bất cập.
Thiết bị này sử dụng bộ xử lý Huawei K3V2 có hiệu năng khá ổn nhờ vào thiết kế 4 nhân Cortex-A9 cũng như GPU Vivante GC4000. Đi cùng với đó là 2GB RAM và tùy chọn 8/16GB bộ nhớ trong. Ascend P6 cũng nổi bật hơn so với các đối thủ vào thời điểm đó nhờ tập trung vào khả năng selfie với camera 5MP cùng nhiều hiệu ứng làm đẹp.
Lược nhanh về Huawei Ascend P6:
- Ascend P6 là thiết bị flagship duy nhất nâng camera selfie lên 5MP khi mà những đối thủ như HTC, LG hay Samsung đều chỉ có 2MP.
- Thiết bị này đánh dấu lần đầu tiên Huawei sử dụng bộ xử lý của riêng mình trong dòng flagship P-series của mình.
- Ascend P2 và P6 là hai trong số ít những chiếc điện thoại sử dụng Super Resolution Zoom hồi năm 2013. Công nghệ này xuất phát từ công ty hình ảnh Almalence, nhằm giúp khả năng zoom số trở nên tốt hơn.
- Thiết bị này của Huawei có giá khởi điểm 449 Euro, thấp hơn so với con số 600 – 700 Euro của Galaxy S4 tại Châu Âu.
Huawei Ascend P7 (2014)
Video đang HOT
Ascend P7 đã chứng minh rằng công ty này đang có những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực quan trọng. Huawei tiếp tục nhận ra xu hướng camera selfie và nâng camera trước của Ascend P7 lên 8MP, trong khi những thương hiệu khác trong thời điểm đó lại ít chú trọng đến điều này.
Thiết bị này cũng cung cấp một trải nghiệm tuyệt vời nhờ vào con chip Kirin 910T, 2GB RAM và bộ nhớ trong 16GB. Kirin 910T thua thiệt kha khá so với Snapdragon 801 trên hầu hết những chiếc flagship Android khác. Và khoảng cách về hiệu năng này vẫn được duy trì trong vài năm sau đó.
Thế nhưng, Ascend P7 đã thể hiện những tính năng tầm flagship của mình đối với các thứ khác, chẳng hạn như camera chính 12MP f/2.0 cùng màn hình LCD IPS Full HD. Với mức giá 350 Euro, nó rõ ràng là một món hời so với các chiếc điện thoại cao cấp khác thời điểm đó.
Lược nhanh về Huawei Ascend P7:
- Ascend P7 đánh dấu sự xuất hiện của SoC Kirin đầu tiên trong một chiếc flagship P-series.
- Thiết bị này có chế độ chụp ảnh selfie toàn cảnh.
- Chạy Android 4.4.2 khi ra mắt và sau đó được nâng cấp lên Android 5.1.
Huawei P8 (2015)
Huawei P8 đã thu hút được rất nhiều sự chú ý nhờ vào thiết kế bóng bẩy của mình. Thiết bị này sở hữu thân hình bằng nhôm, nút nguồn có kết cấu rõ ràng cũng như trọng lượng khá vừa tay.
Thiết bị này của Huawei có sở hữu nhiều khả năng ấn tượng trong lĩnh vực máy ảnh. Nó có thể tạo ra những bức ảnh Light Painting thông qua camera 13MP đã được kích hoạt OIS. Trên thực tế, camera 13MP này sử dụng bộ lọc màu RGBW, trái ngược với hệ thống RGB truyền thống. Huawei cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự trên dòng P30.
Các thông số khác bao gồm 3GB RAM, 16/64GB bộ nhớ trong, có thể mở rộng, màn hình IPS 5,2 inch Full HD sắc nét, viên pin 2.680mAh và camera selfie 8MP.
P8 được trang bị bộ vi xử lý Kirin 930 và 935 của Huawei. Dù Huawei tuyên bố chúng có hiệu năng rất mạnh mẽ, thế nhưng, với 8 nhân CPU Cortex-A53 cùng GPU Mali-T628 MP4, chúng vẫn còn cách rất xa để có thể thách thức Qualcomm và Samsung.
Lược nhanh về Huawei P8:
- Chiếc điện thoại flagship P-series đầu tiên không có chữ “Ascend”.
- Huawei đã ra mắt P8 Lite cùng với P8. Điều này tiên phong cho những phiên bản Lite của các chiếc máy flagship P-series sau này.
- Huawei cũng bổ sung thêm P8 Max với dung lượng pin cùng màn hình lớn hơn.
Dòng Huawei P9 (2016)
Có lẽ, Huawei P9 và P9 Plus mới là con át chiến lược của Huawei. Họ vẫn sử dụng thiết kế kim loại unibody cùng một “cửa sổ” riêng dành cho camera sau. Đây là lần đầu tiên Huawei đưa cảm biến vân tay vào dòng sản phẩm này. Cảm biến này cũng có thể thực hiện các cử chỉ, chẳng hạn như khả năng lướt qua ảnh hoặc kích hoạt bóng thông báo.
Dù vậy, điểm nổi bật nhất của P9 đó chính là nhiếp ảnh. Huawei nhờ Leica can thiệp vào các ống kính cũng như quá trình xử lý ảnh trên P9. Đây cũng là một trong những chiếc smartphone đầu tiên sở hữu cụm camera kép nằm ở phía sau (bao gồm 2 camera 12MP, trong đó có một camera là monochrome). Cụm camera này có thể tạo ra những bức ảnh đơn sắc (monochrome) cũng như tạo ra nhiều ứng về độ sâu trường ảnh.
Tất cả chúng đã tạo nên một nền tảng nhiếp ảnh hoạt động đủ tốt trong hầu hết mọi điền kiện. Nhược điểm duy nhất của chúng chỉ là thiếu đi OIS.
Bên cạnh đó, hiệu năng, vốn là một điểm yếu của dòng P-series từ lâu, cũng đạt một bước tiến đáng kể với bộ xử lý Kirin 955. Đây là lần đầu tiên Huawei sử dụng những nhân Cortex mạnh mẽ trên thiết bị flagship của mình, cụ thể là 4 nhân Cortex-A72, cùng 4 nhân Cortex-A53 tiết kiệm năng lượng. Hiệu năng GPU vẫn thua rất xa so với đối thủ Samsung khi chỉ sử dụng Mali T880 MP4. Thời điểm đó, Galaxy S7 của Samsung lại được trang bị GPU Mali T880 MP12 mạnh mẽ hơn rất nhiều. Dẫu vậy, đây rõ ràng là một cải tiến lớn của Huawei.
Huawei cũng phát triển biến thể P9 Plus, được trang bị màn hình OLED lớn hơn một chút cũng như một viên pin to hơn.
Lược nhanh về dòng Huawei P9:
- Đây không phải là chiếc điện thoại có camera kép đầu tiên của Huawei khi họ ra mắt Honor 6 Plus vào hồi cuối năm 2014.
- Không giống như những flagship khác trong năm 2016, dòng Huawei P9 chỉ có khả năng quay video tối đa 1080p 60fps thay vì 4K.
- P9 Plus cũng sở hữu chức năng 3D Touch tương tự như của Apple.
Dòng Huawei P10 (2017)
Huawei P10 và P10 Plus sở hữu một lớp “cắt siêu kim cương” phân cực, tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ có mặt lưng bằng kính. Công ty này cũng đã di chuyển cảm biến vân tay ra mắt trước, khiến chiếc điện thoại này trông khá giống với iPhone hay HTC One A9.
Về camera, dòng P10 không có quá nhiều cải tiến lớn. Huawei P10 vẫn có cụm camera nằm ở phía sau, bao gồm cảm biến chính 12MP và một cảm biến monochrome 20MP. Tuy nhiên, việc nâng độ phân giải cũng như chống rung quang học (OIS) sẽ giúp thiết bị này mang lại kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, nhờ vào con chip Kirin 960, dòng P-series cuối cùng cũng đã có thể quay video 4K.
Đây là lần cuối Huawei sử dụng cái tên “Plus” cho dòng sản phẩm flagship của mình trước khi chuyển sang “Pro” trên dòng P20. P10 Plus sở hữu viên pin lớn hơn, màn hình to và sắc nét hơn cùng camera phía sau có khẩu độ lớn hơn so với P10 thông thường.
Lược nhanh về dòng Huawei P10:
- Dòng Huawei P10 có thể chụp những bức ảnh màu 20MP, dù camera màu chỉ đạt độ phân giải tối đa 12MP.
- Huawei cũng mang đến một chế độ chân dung dựa trên phần mềm cho camera phía trước. Họ đã đi trước một bước so với Apple và Google.
- Một số chiếc điện thoại P10 sở hữu công nghệ UFS, trong khi số khác lại chỉ sử dụng bộ nhớ eMMC chậm hơn.
Dòng Huawei P20 (2018)
Nếu như P8 cùng P9 giúp Huawei tạo được dấu ấn trong thế giới công nghệ và biến nó thành một thương hiệu phổ biến thì dòng P20 lại là minh chứng cho thấy công ty đang nhắm đến vị trí số một thế giới. Những chiếc flagship đầu năm 2018 của Huawei mang đến sự công phu, bền bỉ cũng công nghệ camera đầy tính cạnh tranh.
Dòng P20 sở hữu chipset Kirin 970 – bộ vi xử lý cho điện thoại Android đầu tiên có con chip máy học chuyên dụng. Phần máy học này có thể mang đến khả năng dịch ngôn ngữ ngoại tuyến với công cụ dịch được cài sẵn từ Microsoft cũng như những khả năng về xử lý và nhận dạng hình ảnh tốt hơn. Nó cũng giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể, giảm tải cho CPU và GPU trong những tác vụ học máy.
Chiếc P20 tiêu chuẩn được trang bị viên pin 3.400mAh, trong khi P20 Pro lại là 4.000mAh. Cả 2 đều có khả năng sạc nhanh 22,5W. Dẫu vậy, điểm đáng tiếc là chúng không hỗ trợ sạc không dây.
Thế nhưng, lý do lớn nhất để mua dòng P20 chính là vì trải nghiệm chụp ảnh. P20 Pro là chiếc smartphone đầu tiên có 3 camera phía sau, bao gồm camera chính 40MP, cảm biến monochrome 20MP và camera tele zoom 3x 8MP. Chiếc điện thoại này cũng có tính năng zoom lai 5x. Về cơ bản, tính năng này tận dụng việc tổng hợp và xử lý ảnh nhằm mang lại kết quả tốt hơn so với zoom số truyền thống.
Phiên bản P20 thông thường lại khiêm tốn hơn chỉ có 2 camera với camera chính 12MP và 20MP đối với cảm biến monochrome. Nó vẫn có một vài tính năng camera chuyên nghiệp (Pro), chẳng hạn như chế độ Night Mode.
Dòng P20 cũng nổi bật nhờ vào trào lưu phối màu gradient, đặc biệt là phiên bản Twilight.
Lược nhanh về dòng Huawei P20:
- Chế độ Night Mode trên dòng P20 xuất hiện trước vài tháng so với các chế độ ban đêm của Google và OnePlus.
- Dòng P20 cũng có một phiên bản cao cấp có tên là Huawei Mate RS Porsche Design. Phiên bản này có 2 cảm biến vân tay (một nằm ở mặt sau và một nằm ở trong màn hình), màn hình sắc nét hơn cùng khả năng sạc không dây.
- Huawei đã tung ra các mẫu P20 Pro có mặt lưng bằng da tại IFA 2018.
- Những chiếc P20 dự kiến sẽ được cập nhật Android 10 vào cuối năm 2020.
Dòng Huawei P30 (2019)
Dựa trên nền tảng đã được thiết lập từ dòng P20 và gia đình Mate 20, dòng Huawei P30 tiếp tục dẫn đầu xu hướng và làm tốt những thứ cơ bản.
Ngôi sao của buổi trình diễn này đó chính là P30 Pro. Đây là chiếc smartphone đầu tiên có camera tiềm vọng zoom 5x (cùng với Oppo Reno 10X Zoom Edition). Nói đúng hơn, những chiếc smartphone sử dụng một lăng kính khác nhằm cung cấp các mức zoom cao hơn so với camera tele thông thường. Không quá ngạc nhiên khi Samsung mua lại một trong những công ty chủ chốt đứng đằng sau công nghệ này và đưa nó lên Galaxy S20 Ultra.
Biến thể P30 Pro của Huawei cũng vượt trội hơn rất nhiều so với phiên bản tiêu chuẩn nhờ vào viên pin lớn hơn (4.200mAh so với 3.650mAh), sạc nhanh hơn (40W so với 22,5W), khả năng chống nước IP68 cùng camera siêu rộng có độ phân giải cao hơn (20MP so với 16MP).
Cả 2 phiên bản này đều sở hữu camera chính 40MP, sử dụng bộ lọc RYYB (đỏ, vàng, xanh) thay vì RGB (đỏ, xanh lá cây, xanh lam) trên hầu hết mọi chiếc smartphone. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng cho những bức ảnh được chụp trong môi trường ánh sáng yếu.
Dòng P30 được trang bị con chip Kirin 980 với các nhân Cortex-A76 mới nhất vào thời điểm đó, GPU Mali-G76 MP10 cùng NPU thế hệ thứ 2. Bộ đôi này cũng có cảm biến vân tay trong màn hình, camera selfie 32MP và hỗ trợ thẻ nhớ NM độc quyền của Huawei.
Lược nhanh về dòng Huawei P30:
- Phiên bản P30 thông thường không được tặng kèm sạc không dây trong hộp, nhưng Huawei có bán lẻ nó.
- Tuy nhiên, phiên bản P30 thông thường lại có cổng tai nghe, P30 Pro thì không.
- P30 Pro sử dụng một “loa nâng điện từ” thay cho loa thoại hữu hình thông thường. Về cơ bản, nó sẽ làm rung màn hình để truyền âm thanh đến tai chúng ta.
- Đây là dòng flagship cuối cùng của Huawei có các dịch vụ Google Mobile Services do lệnh cấm thương mại từ Mỹ.
Còn dòng P40 thì sao?
Flagship P-series tiếp theo của Huawei, dòng P40, sẽ được ra mắt vào tháng tới. Và một điều chắc chắn, đây sẽ là dòng flagship P-series đầu tiên thiếu đi các dịch vụ Google Mobile Services.
Nhiều khả năng, dòng P40 sẽ được trang bị bộ vi xử lý Kirin 990, tương tự như trên Mate 30. Ngoài ra, nó sẽ có 3 biến thể, bao gồm phiên bản tiêu chuẩn Pro và Premium. Những thông tin rò rỉ khác xác nhận chúng sẽ có màn hình đục lỗ và cải thiện camera tiềm vọng.
Rõ ràng, Huawei đã tiến bộ dần theo thời gian, từ một công ty cung cấp các thiết bị tầm thấp vươn lên trở thành một trong những gã khổng lồ smartphone, có thể tạo ra những thiết bị flagship thực thụ. Chưa rõ, Huawei sẽ xoay sở ra sao với tình thế bị cấm ở hiện tại cũng như định hướng của công ty trong tương lai.
Theo VN Review
Dòng Huawei P30 và Mate 20 đạt doanh số hơn 33 triệu chiếc
Trong buổi ra mắt Huawei Mate 30, CEO Richard Yu tiết lộ rằng dòng Mate 20 đã đạt doanh số hơn 16 triệu chiếc, vượt xa rất nhiều so với doanh số hơn 10 triệu chiếc của dòng Mate 10.
Dẫu vậy vẫn thua doanh số của dòng Huawei P30 (hơn 17 triệu chiếc). Để so sánh, Huawei P20 và P20 Pro đạt doanh số hơn 10 triệu chiếc trong 5 tháng đầu tiên. Còn dòng P30 chỉ cần ít hơn 62 ngày để đạt được doanh số 10 triệu chiếc.
Về phần đồng đồng hồ thông minh Huawei Watch GT được phát hành 10 tháng trước đã đạt doanh số 3 triệu chiếc. Watch GT dùng chip và hệ điều hành riêng của Huawei. Đồng nghĩa với việc thế hệ cũ và Watch GT 2 mới được công bố sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thương mại của Mỹ.
Huawei Watch GT 2 sẽ được bán ra từ ngày 7/10. Màu Matte Black có giá 253 USD (khoảng 5.8 triệu đồng), còn bản Titanium Gray có giá 220 USD (khoảng 5.1 triệu đồng).
Bạn có đang sử dụng dòng Huawei P30, Mate 20, Watch GT, và đánh giá những sản phẩm này thế nào?
Theo Thế Giới Di Động
Huawei Kirin 990 sẽ hỗ trợ quay video 4K tốc độ 60fps Các mẫu smartphone cao cấp Huawei P20 và P30 được đánh giá rất cao về camera. Lý do đằng sau cho những hình ảnh, video cực chất lượng đó là chip Kirin 970 và Kirin 980 trang bị trên P20 và P30. Tuy nhiên, chúng vẫn thiếu hỗ trợ quay video 4K tốc độ 60fps. Huawei mới đây đã xác nhận rằng, vi...