Điểm khác nhau giữa bánh xèo miền Trung và miền Nam
Với công thức cơ bản giống nhau, món bánh xèo ở hai miền vẫn có nét độc đáo khiến nhiều thực khách thích mê.
Bánh xèo là món ăn truyền thống của Việt Nam. Loại bánh này làm từ bột với phần nhân đa dạng như tôm, mực, thịt bò… Món bánh xèo đặc biệt nổi tiếng ở hai miền Trung và Nam. Cách biến tấu phù hợp khẩu vị mỗi nơi đã tạo nên những chiếc bánh xèo ngon bậc nhất Việt Nam.
Vỏ bánh
Công đoạn đầu tiên để làm bánh xèo là tạo vỏ. Lớp vỏ bánh được làm bằng bột. Ở miền Trung, vỏ bánh làm từ bột gạo và thêm bột nghệ để tạo màu vàng. Nếu đến các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, bạn sẽ thấy nhiều hàng bán bánh xèo vỏ trắng do chỉ dùng bột (không thêm màu). Sự bình dị trong cách làm bánh khiến nhiều vị khách có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vỏ bánh xèo miền Trung làm từ bột gạo, đôi khi có màu trắng.
Vỏ bánh miền Nam (hoặc miền Tây) tương đối giống nhau với bột gạo, chút cốt dừa và hành lá. Tuy nhiên, ở miền Nam, không ít người bán đang có xu hướng dùng bột bánh bán sẵn. Do đó, vỏ thường giòn hơn so với bánh ở miền Trung.
Phần nhân
Khác biệt giữa nhân bánh của bánh xèo hai miền là tương đối lớn. Do vị trí địa lý gần biển, bánh xèo miền Trung có phần nhân thiên về hải sản như tôm, mực… Nếu từng ăn ăn bánh xèo ở Phú Yên, bạn sẽ thấy phần nhân chỉ có 1-2 con mực kèm theo ít giá, hẹ để giảm ngấy.
Điểm đặc biệt của bánh xèo miền Trung là phần nhân đơn giản nhưng chất lượng. Mực và tôm to, ăn khá đã.
Bánh xèo miền Nam có nhân thập cẩm hơn phiên bản miền Trung. Ảnh: Ittie_izzie.
Bánh xèo miền Nam có sự đa dạng trong nhân. Dù các thành phần không to như bánh xèo miền Trung, du khách vẫn thích thú vì được cảm nhận nhiều hương vị từ tôm, thịt bò, thịt ba rọi… Tất cả đều được xào chung trước khi cho vào vỏ bánh.
Đúc bánh xèo
Khuôn đúc bánh xèo miền Trung khá nhỏ, làm bằng gang cứng. Đường kính mỗi khuôn đúc khoảng 15-20 cm. Khi đúc, người miền Trung có xu hướng cho nhiều dầu để bánh giòn, nhanh chín.
Video đang HOT
Khuôn đúc bánh xèo miền Nam (hoặc miền Tây) thường khá to. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn.
Trong khi đó, bánh xèo miền Nam lại được đúc trên chảo lớn. Họ đổ lớp bột làm vỏ mỏng khắp chảo. Điều này khiến phần cạnh bánh giòn tan, ăn rất vui miệng. Đi sâu hơn vào khu vực miền Tây, du khách sẽ thấy những khuôn đúc “đại tướng” đặc trưng.
Đồ ăn kèm
Một chiếc bánh xèo ngon còn phải phụ thuộc vào phần nước chấm. Khi du lịch miền Trung, du khách sẽ được thử một loại mắm có màu nâu, hơi đặc. Người dân gọi đây là mắm đục. Loại này thường được trộn kèm chanh, ớt. Các loại rau ăn kèm gồm cải xanh, xà lách, diếp cá, húng quế.
Bánh xèo miền Trung nổi tiếng với mắm đục (mắm nêm). Ảnh: Liuliufood01.
Bánh xèo miền Nam nổi bật với nước chấm chua ngọt được pha chế cầu kỳ bằng nước mắm, giấm, đường, chanh… Ớt và tỏi được thêm vào tùy khẩu vị mỗi người. Trong bát nước chấm, người bán còn cắt thêm vài lát đu đủ hoặc cà rốt.
Với bánh xèo miền Nam, phần rau ăn kèm khá đa dạng, có thể lên tới hàng chục loại. Lựa chọn được nhiều người yêu thích là xà lách cuốn chuối, xoài.
Thưởng thức
Bánh xèo miền nào cũng có công thức cơ bản là cuộn bánh tráng, chấm mắm và ăn. Tuy nhiên, bánh tráng miền Trung thường to và dày hơn. Bánh tráng miền Nam khá mỏng.
Do kích thước nhỏ, thực khách có thể ăn nguyên miếng bánh xèo miền Trung hoặc cắt đôi. Trong khi đó, bánh xèo miền Nam thường được cắt làm 4 do kích thước to.
5 món bánh miền Tây hút khách ở TP.HCM
Ẩm thực Tây Nam Bộ hấp dẫn du khách bởi những món ăn bình dị. Dưới đây là 5 món bánh miền Tây bán nhiều ở TP.HCM bạn có thể tìm mua và thưởng thức.
Miền Tây là vùng đất sản sinh nhiều đặc sản nổi tiếng có mặt khắp nơi. Trong đó, những chiếc bánh dân dã được chế biến đơn giản như bánh cuốn ngọt, tầm bì... được nhiều người ưa chuộng ở TP.HCM.
Bánh cuốn ngọt
Bánh cuốn ngọt hay bánh ướt là đặc sản của tỉnh Bến Tre. Vỏ ngoài là lớp bánh tráng dừa mỏng, dai, có vàng bắt mắt, kích thích vị giác. Hương vị thơm bùi, giòn ngọt của phần nhân đến từ đậu xanh nấu chín và dừa nạo sợi.
Để món ăn chuẩn vị, khi thưởng thức thực khách sẽ chấm bánh cùng muối mè. Địa chỉ bán bánh cuốn ngọt được nhiều người yêu thích ở TP.HCM là tiệm bánh Cô Phượng (quận 8), chợ Hồ Thị Kỉ (quận 10). Giá: 3.000-5.000 đồng/cuốn.
Bánh cuốn ngọt là món ăn miền Tây xuất hiện ở TP.HCM cách đây không lâu. Ảnh: Onghoangtrasua, Mysteriousaigon.
Bánh tằm bì
Là đặc sản của Bạc Liêu, khi mới du nhập vào, bánh tằm bì đã được giới trẻ Sài thành ủng hộ nhiệt tình cho đến nay. Món ăn vặt này được làm từ những thành phần bình dân, gồm bánh tằm, bì, thịt nạc, rau củ thái sợi... Trong đó, bánh tằm được làm từ bột gạo, cách chế biến tương tự bún nhưng sợi to và mềm hơn.
Sau khi sơ chế, các nguyên liệu được xếp lên đĩa và chan thêm nước cốt dừa sánh đặc. Món ăn được dùng kèm bát nước mắm chua ngọt. Sự kết hợp giữa món ngọt và mặn đã tạo nên hương vị riêng cho bánh tằm bì. Để nếm thử món ăn này, bạn có thể ghé quán bánh tằm bì Tô Châu, chợ Hạnh Thông Tây...
Giá của mỗi đĩa bánh tằm bì khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Thaonguyenne.
Bánh cống
Bánh cống hay còn gọi bánh cóng là món ăn dân dã của người dân ở Sóc Trăng. Cách chế biến bánh cống khá đơn giản. Phần nhân đậu xanh, thịt mỡ, củ sắn... sẽ được nằm gọn trong khuôn tròn có sẵn bột gạo pha loãng.
Sau đó, bánh được đem chiên ngập trong dầu nóng, cho thêm một con tôm lên trên và đợi đến khi chuyển màu vàng đều. Nước chấm chua ngọt là món đi kèm không thể thiếu khi thưởng thức bánh cống.
Nếm thử một miếng, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn tan của lớp vỏ ngoài hòa cùng phần nhân béo bùi và vị nước mắm chua ngọt vừa miệng. Quán 3 Chị Em, Bánh Cóng Miền Tây... là những địa chỉ để thưởng thức món ăn hấp dẫn với giá 10.000-15.000 đồng/chiếc.
Bánh cống cũng có thể được ăn cùng bún, rau sống, dưa leo... Ảnh: Kaiwaii.food.
Bánh xèo
Bánh xèo là một trong những đặc sản trứ danh của miền Tây. TP.HCM không thiếu những quán ăn hút khách bởi món ăn này. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ tiếng "xèo xèo" vui tai khi đổ bột vào chảo để chiên. Để làm vỏ bánh, bột gạo sẽ được tráng đều trong lòng chảo lớn.
Phần nhân gồm thịt heo, tôm, giá, điên điển... được thêm vào sau. Lớp vỏ giòn rụm, béo ngậy vị nước cốt dừa hòa quyện cùng phần nhân bùi thơm đã tạo nên hương vị khó quên cho món ăn này. Để giảm bớt độ ngậy, bánh xèo khi ăn sẽ được gói trong lá cải xanh cùng các loại rau sống, chấm vào bát nước mắm chua ngọt.
Để thưởng thức bánh xèo miền Tây ở TP.HCM, bạn có thể ghé quán Mười Xiềm, Ăn Là Ghiền, Ngọc Sơn...
Mỗi suất bánh xèo có mức giá dao động 40.000-80.000 đồng. Ảnh: Foodloverinsaigon.
Bánh khọt
Nếu yêu thích ẩm thực miền Tây Nam Bộ, bạn không nên bỏ qua món bánh khọt. Hương vị của món ăn là sự hòa quyện độ giòn, bùi của bột gạo đem chiên, thơm lừng vị trứng, tôm đồng, thịt heo bằm nhuyễn, nước cốt dừa béo ngậy.
Để tăng vị béo, khi vừa chín tới, bánh được thêm nước cốt dừa và rắc hạt đậu xanh lên trên. Khi ăn, bánh khọt thường được dùng kèm rau cải, rau thơm, xà lách, dưa leo... Bát nước mắm chua ngọt sẽ được cho thêm cà rốt thái sợi giòn giòn làm giảm độ ngậy khi ăn. Mỗi đĩa thường có giá từ 30.000-50.000 đồng.
Món ăn ngon nhất nên được thưởng thức khi bánh còn nóng hổi. Ảnh: Citastyfood, Hetmydiscovery.
Bánh xèo tôm thì chén đẫy rồi, thế còn bánh xèo tôm nhảy có gì khác biệt? Là đặc sản của Quy Nhơn nhưng giờ đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Bạn có biết bánh xèo tôm nhảy và bánh xèo thường khác nhau thế nào không? Bánh xèo tôm nhảy là đặc sản của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Nếu ai đã từng có dịp du lịch tại đây thì chắc chắn không thể bỏ qua món...