Điểm dừng nào cho ‘trận chiến’ The Voice – Vietnam Idol?
Người ta thường đặt lên bàn cân để so sánh về quy mô, giám khảo, giải thưởng, thí sinh của 2 sân chơi tìm kiếm tài năng ca hát hàng đầu này mà ít nghĩ đến vấn đề cốt lõi là tương lai của các thí sinh, khi bước ra khỏi cuộc thi, ai trong số họ, có thể chiếm lĩnh khán giả.
Những màn tranh cãi không có điểm dừng
Trong 3 mùa giải trước, khi Vietnam Idol còn là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát duy nhất được mua bản quyền về Việt Nam, gần như không có bất cứ sân chơi nào, kể cả cái nôi sản sinh ra những giọng ca học thuật như Sao Mai điểm hẹn và Ngôi sao tiếng hát truyền hình cũng không đủ sức vượt qua được sức hút thuộc hàng độc tôn của “cô gái” trẻ trung, hấp dẫn và nổi tiếng đến từ Mỹ này. Ở bất cứ nơi nào, người ta cũng dễ dàng nghe được những chủ đề bàn luận về từng thí sinh, từng màn trình diễn tại Vietnam Idolnhư một thói quen.
Cho đến khi người bạn đầy duyên nợ The Voice xuất hiện, vị trí của Vietnam Idolbắt đầu có đôi chút lung lay, sức hút cũng bị san sẻ ít nhiều. “Thiên thời địa lợi nhân hòa”, đúng thời điểm đó, khán giả cũng như giới truyền thông luôn có dịp nhắc đi nhắc lại những cụm từ như “cuộc chiến”, “rating”, “mèo nào cắn mỉu nào”, “bàn cân”… chỉ để cân đo đong đếm xem cuộc thi nào xứng đáng làm “nữ hoàng truyền hình” hơn
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận việc The Voice và Vietnam Idol lên sóng cách nhau chỉ vỏn vẹn 10 ngày ít nhiều góp phần giúp khán giả có thêm sự lựa chọn cho danh mục giải trí của mình vào mỗi cuối tuần. Nhưng để nghe những so sánh này từ ngày này qua ngày khác quả thật không mấy dễ chịu.
Hơn nữa, khi rating của các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam không được công khai rộng rãi nên những suy đoán trên cũng rất mơ hồ và thiếu căn cứ, chủ yếu vẫn dựa theo cảm tính của từng cá nhân. Và có lẽ cũng không sai khi nhận định những so sánh này như một kiểu “mua vui”, một liều thuốc tinh thần cho fan của cả hai bên khi những kết quả ấy không tác động rõ nét đến hiệu ứng lẫn sự thành công của các chương trình.
Báo chí tràn ngập những màn so sánh giữa Vietnam Idol và Giọng hát Việt.
Tương tự như tại Việt Nam, The Voicevà Idol của Mỹ được phát sóng song song trong một khoảng thời gian khá dài ( American Idol lên sóng trước The Voice vài tháng). Do đó, khán giả theo dõi 2 chương trình cũng được dịp đưa ra những ý kiến riêng để lý giải rằng họ thuộc về nhóm những người trung thành với American Idol hay đã kết thân với làn gió mới đến từ Hà Lan.
Trên các phương tiện truyền thông, từ chuyện chất lượng của từng đêm thi đến thể hiện của giám khảo, thí sinh, người dẫn chương trình… cũng đều được đưa lên bàn cân để so sánh từng chút một. Cứ hễ có người chê The Voice lợi dụng sức nóng của huấn luyện viên chứ không tập trung thể hiện tài năng của thí sinh, thì người bên này cũng mắng lại Idol đã hết thời, thí sinh hát toàn bài cũ… Sau mỗi tuần, dù rating của hai chương trình này được công bố một cách cụ thể, nhưng cuộc chiến này cũng không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Có một điều khá thú vị rằng, giống như cử tri Mỹ đi bầu chọn cho ứng viên đảng Cộng hòa hay Dân chủ trong những năm gần đây – những người luôn luôn bình chọn cho đại diện của mình, bất kể phía bên kia hô hào, kêu gọi như thế nào. Cũng như vậy, những khán giả của Idol thường không thích chọn The Voiceđể theo dõi. Ngược lại, những ai vốn đã yêu thích cuộc chiến của 4 vị huấn luyện viên cùng đội của mình cũng luôn dành cái nhìn không mấy hứng thú với mô tuýp quá quen thuộc của “đối thủ”.
Tóm lại, những so sánh, tranh cãi này sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng vì ai cũng muốn giữ quan điểm của mình. Hay nói đơn giản hơn rằng, không ai lại dễ dàng công nhận chương trình mà mình yêu thích là kém hấp dẫn, cũng không một ai tươi cười đồng ý cuộc thi mà mình chẳng hề muốn theo dõi lại có nội dung thú vị hơn.
Chờ đợi để có một đánh giá công tâm!
Năm 2012, khi American Idol đã qua đến mùa 12, The Voice vừa tìm ra chủ nhân cho ngôi vị quán quân ở mùa thứ ba, khán giả hai bên đã dần mệt mỏi với những sự tranh đua không có hồi kết. Bản thân những con số rating cũng không thể đưa ra đánh giá chính xác giá trị về mặt chuyên môn. Đến lúc này, giới truyền thông và người xem bắt đầu có cách nhìn nhận khác hơn trong việc đánh giá sự thành bại của 2 cuộc thi này.
Xét cho cùng, The Voice hay Idol thì cũng đều là những cuộc thi có chung mục đích sản sinh ra được những giọng ca mới có chất lượng cho làng nhạc thế giới, nên thành công hay không cũng chính là việc thí sinh bước ra từ hai lò đào tạo này đã đi được đến đâu hay làm được những gì.
Xét về điểm này, American Idol có phần nhỉnh hơn, không phải chỉ trong việc họ có được những thí sinh thành công hơn nếu xét trong 2 mùa trở lại đây, mà còn là ở cách họ đầu tư cho “những đứa con” của mình cũng hơn hẳn cách làm không mấy trách nhiệm của The Voice.
Trong hai mùa gần đây, Scotty McCreery (quán quân mùa thứ 10 – 2011) và Phillip Phillips (quán quân mùa 11 – 2012) đều có những thành công nhất định sau khi rời khỏi cuộc thi.
Video đang HOT
Phillip Phillips (ảnh trên) và Scotty McCreery đều đã có thành công nhất định sau khi đăng quang.
Với sự giúp đỡ của hãng ghi âm Interscope, album đầu tay mang tên Clear as daycủa Scotty McCreery đã được chứng nhận đĩa bạch kim tại Mỹ với hơn 1 triệu bản được tiêu thụ. Thành tích này đã giúp anh chàng 19 tuổi này lập kỳ tích là ca sĩ nhạc đồng quê đầu tiên giành vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Billboard 200 với album đầu tay.
Single I love you this big tiêu thụ được gần 172 ngàn bản ngay trong tuần đầu tiên. Album Christmas with Scotty McCreery vừa phát hành cũng đã được chứng nhận vàng. Năm ngoái, Scotty cũng giành chiến thắng giải Nghệ sĩ mới của năm tại American Country Awards.
Phillip Phillips ngay sau khi ăn mừng chiến thắng Idol cũng nhanh chóng có no.1 đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Single đầu tay Home không cần quá nhiều thời gian để vươn lên trên ngôi vị đầu bảng của bảng xếp hạng iTunes Top 10 songs tại Mỹ và Canada. Album The world from the side of the moon phát hành trong tuần đầu tiên được169 ngàn bản, xếp hạng 4 trên Billboard, chỉ sau album của Rihanna, Taylor Swift và One Direction.
Còn với The Voice Mỹ, dù có được những thí sinh rất chất lượng và có kinh nghiệm đầy mình nhờ quãng thời gian đi hát từ trước, nhưng vì không có sự đầu tư hợp lý, 2 quán quân của những mùa đầu tiên nhanh chóng rơi vào tình thế… thảm bại.
Người chiến thắng mùa đầu tiên Javier Colón có được bản hợp đồng trị giá 100 ngàn đô với Universal Republic Records, nhưng sau đó đã nhanh chóng đường ai nấy đi vì theo Javier, hãng đĩa này đã không toàn tâm đầu tư cho album đầu tay có tên Come through for you của anh, khiến album này bán chưa tới 10 ngàn bản trong tuần đầu tiên và cũng không thể lọt vào top 100 Billboard.
Album của quán quân thứ 2 Jermaine Paul dự định phát hành vào tháng 12 này cũng đang có nguy cơ thất bại tương tự bởi không nhận được sự quan tâm thích đáng của hãng đĩa mà anh đang ký độc quyền. Trước đó, single đầu tiên sau khi chiến thắng The Voice của anh cũng chỉ vươn đến hạng 83 trên bảng xếp hạng tại Mỹ.
Hai chàng trai da màu Jermaine Paul (ảnh trên) và Javier Colón về đích đầu tiên tại The Voice lại đang chật vật.
The Voice Mỹ mùa thứ ba vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về hot girl tóc vàng – Cassadee Pope và điều này khiến mọi người kỳ vọng nhan sắc, giọng hát pop dễ nghe của cô học trò của Blake Shelton sẽ xóa đi cái dớp thảm bại của hai thí sinh nam da màu, giọng khủng của những mùa trước.
Cassadee Pope được kỳ vọng sẽ xóa “dớp” của những đàn anh đi trước.
Một sự so sánh nhỏ để thấy rằng, không phải hiển nhiên mà thí sinh của American Idol làm nên chuyện hơn những người bước ra từ The Voice, mà đó còn là cả một quá trình đầu tư của nhà sản xuất. Thử nhìn cách American Idol cho top 10 đi tour vòng quanh nước Mỹ với việc quán quân của The Voice Mỹ bị bơ vơ với bản hợp đồng mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào cũng đã đủ thấy sự khác biệt.
Không thể phủ nhận việc trong 2 năm qua, The Voice đã cướp đi lượng lớn khán giả trẻ của Idol, nhưng cuối cùng thì Idol vẫn được đánh giá là chương trình thành công hơn vì ít nhất đã đào tạo được những giọng ca có tương lai, chứ không phải chuyện “đem con bỏ chợ” như The Voice.
Sau 11 mùa giải, American Idol vẫn là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc hàng đầu nước Mỹ đều có lý do riêng của nó. Chưa kể, trước đó Idol còn có Kelly Clarkson, Carrie Underwood, Daughtry, Jordin Sparks, David Archuleta… Ít nhất thì khán giả yêu thích show này cũng có thứ để có thể tự hào!
Trở lại với Việt Nam, nếu dựa theo đánh giá quá trình hậu cuộc thi như tại Mỹ thì có vẻ vẫn còn quá sớm, khi The VoiceViệt Nam vẫn chưa kết thúc mùa đầu tiên, Vietnam Idol 2012 cũng đang còn đến 6 thí sinh.
Đến thời điểm này – sau hơn nửa chặng đường trải qua, có vẻ như các thí sinh của The Voiceđang nhỉnh hơn về cá tính riêng cũng như thu hút được sự chú ý của dư luận. Có thể điểm danh được kha khá thí sinh từ cuộc thi này có thể bước ra và “sống” với thị trường âm nhạc như Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Bảo Anh, Đinh Hương, Thái Trinh, Đào Bá Lộc, Đồng Lan, Như Quỳnh… Trong khi đó, ở sân chơi Vietnam Idol, mới chỉ có thể kể ra vài ba cái tên ấn tượng như Hoàng Quyên, Bảo Trâm, Thảo My, và một vài người nổi danh nhờ tài lẻ và câu chuyện riêng như Hương Giang, Phạm Hồng Phước. Tuy nhiên, nếu muốn cuộc chơi trở nên công bằng, cứ hãy chờ đến lúc quán quân của hai cuộc thi được tìm ra.
Chương trình thành hay bại đều phụ thuộc vào tương lai của các thí sinh.
Với những giải thưởng và quyền lợi khủng nhận được, cuộc thi nào sản sinh ra được nhiều giọng ca nổi bật hơn, đó ắt hẳn là phía chiến thắng. Nhớ đến Sao mai điểm hẹn, nhiều khán giả cho rằng sân chơi âm nhạc này nên lui vào dĩ vãng bởi không có thay đổi phù hợp với thị trường, tuy nhiên, thử đặt trường hợp nếu Sao Mai còn sản sinh ra được những Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Phương Linh… như những ngày đầu, chắc chắn cuộc thi này chưa phải rơi vào tình thế như hiện tại.
Về khoản này, The Voice có lẽ nên dè chừng Vietnam Idol, bởi trong mùa gần đây, cuộc thi này đã đóng góp cho làng nhạc 2 giọng ca đang được yêu thích là Uyên Linh và Văn Mai Hương. Trước đó còn có Phương Vy, Thảo Trang, Trà My…
Tuy nhiên, nói như vậy cũng ko có nghĩa The Voice chịu phần thua thiệt. Với những thể hiện vừa qua, cuộc thi này vẫn có nhiều cơ hội “nhào nặn” ra được những giọng ca có chất. Nhưng cũng cần phải nhớ rằng, quán quân The Voice Mỹ 2 mùa đầu tiên cũng đã từng được đưa lên tận mây xanh, nhưng cuối cùng vẫn phải chịu số phận bi thảm.
Năm nay, thí sinh chiến thắng của Vietnam Idol sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện một MV (Music Video) để phát trên kênh MTV cộng thêm giải thưởng tiền mặt. Quán quân The Voice cũng nhận được một số tiền thưởng không hề nhỏ. Bên cạnh đó là việc được ký hợp đồng độc quyền với Universal và được định hướng phát triển âm nhạc cũng như được giúp đỡ trong hoạt động phát hành album.
Với những quyền lợi thuộc hàng “khủng” này, chỉ cần vài tháng nữa, khi Giọng hát Việt mùa 1 và Vietnam Idol mùa 4 kết thúc, cuộc chiến mới thực sự bắt đầu!
PHƯƠNG GIANG
Theo Infonet
5 chàng điển trai thống trị 5 mùa American Idol
Tính từ thời điểm năm 2012 trở lại, có đến 5 mùa liên tiếp mà ngôi vị quán quân của chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nước Mỹ đều là nam giới.
1. Anh chàng điển trai và đa tài Phillip Phillips - quán quân năm 2012
Phillips (21 tuổi) - một nhân viên cửa hàng cầm đồ từ Leesburg, Georgia đã vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký khác để đạt ngôi vị quán quân American Idol 2012.
Trong suốt quá trình thi, dù thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe nhưng anh chàng vẫn có những màn biểu diễn rất tốt. Tại những thời điểm công bố số lượng bình chọn, Phillips chưa từng bị rơi vào nhóm nguy hiểm.
Sở hữu chất giọng tốt, cộng thêm khả năng chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, guitar bass, piano và trống, Phillip Phillips đã chinh phục rất nhiều khán giả.
Trong suốt quá trình thi đấu đầy căng thẳng của American Idol, Phillips đã chứng tỏ được một bản năng âm nhạc cực tốt và được coi như hiện thân tiêu biểu của một nghệ sĩ trẻ đương đại.
Phillips đã trình diễn ca khúc "Have You Ever Seen The Rain" và "Bad Moon Rising" trong khi cô bạn đối thủ Jessica biểu diễn "And I Am Telling You I"m Not Going" với ngôi sao DreamgirlsJennifer Holiday. Và rồi, người dẫn chương trình Ryan Seacrest đã tuyên bố Phillips trở thành tân thần tượng âm nhạc Mỹ với kỷ lục 132 triệu bình chọn qua tin nhắn, hệ thống điện thoại và trên mạng.
Chàng trai trẻ tuổi ngỡ ngàng sau khi tên mình được xướng lên, không thốt lên lời trong vòng tay của Jessica Sanchez và sự chúc mừng của những thí sinh khác...
Phillips chan hòa nước mắt khi thể hiện lại ca khúc Home - ca khúc đã đưa tên tuổi anh vụt sáng.
2. Anh chàng cao bồi Scotty McCreery quán quân năm 2011
Với chiến thắng vào năm 2011, Scotty McCreery đã trở thành quán quân nam trẻ nhất của American Idol từ trước đến nay. Khi đăng quang, Scotty mới chỉ 17 tuổi.
Chuyên gia bình luận "Idol" Michael Slezak của trang TVLine cho rằng McCreery chính xác là những gì ngành công nghiệp âm nhạc hiện nay đang cần. "Tuổi trẻ là thứ âm nhạc hướng tới. Bất chấp việc bạn có thích hay không, giới truyền thông đang bị thu hút bởi tài năng trẻ và càng ngày càng trẻ hơn. Chẳng hạn có Justin Bieber, Taylor Swift... Vì thế, McCreery chẳng gặp vấn đề khi quá trẻ".
Ngay sau khi chiến thắng tại American Idol 2011, Scotty McCreery chính thức được ký hợp đồng thu âm với hãng đĩa nổi tiếng Universal Music. Anh chàng chia sẻ sau chiến thắng: "Đã một năm từ khi tôi và Lauren Alaina đi thử giọng. Chúng tôi đã ở bên nhau từ ngày đó và sẽ luôn bên nhau. Chiến thắng này... tôi chưa bao giờ dám mơ đến. Cảm ơn Chúa đầu tiên vì người đã đưa tôi tới cuộc thi".
3. Lee DeWyze - quán quân năm 2010
Năm 2010, Lee DeWyze tròn 24 tuổi. Anh chàng làm trong một cửa hàng bán sơn ở Mount Prospect, bang Illinois trước khi quyết định đăng ký cuộc thi American Idol 2010. Lee DeWyze đã từng phát hành 3 album độc lập vào các năm 2007, 2008 và 2010 nhưng gần như không được chú ý.
Với không nhiều lợi thế về ngoại hình, lại khá "ngượng ngùng" trước đám đông, Lee DeWyze không phải là thí sinh gây được ấn tượng mạnh ở những vòng thi đầu tiên. Tuy nhiên, càng về sau, phong độ DeWyze càng cao, đặc biệt là các đêm tứ kết và bán kết. Chất giọng mạnh mẽ, truyền cảm của Lee đã thuyết phục được cả ban giám khảo lẫn người nghe.
"Tôi không biết. Thật là kỳ diệu. Cảm ơn mọi người. Cảm ơn rất nhiều... Crystal, tôi yêu bạn", Lee DeWyze đã không giấu được giọt nước mắt xúc động khi MC của chương trình Ryan Seacrest công bố kết quả.
4. Anh chàng Kris Allen - quán quân năm 2009
Đối với hàng triệu khán giả dõi theo American Idol 8 từ những vòng đầu tiên thì kết quả chung cuộc là một cú sốc lớn. Adam Lambert, anh chàng rocker luôn làm khán giả truyền hình ấn tượng bằng cả ngoại hình lẫn giọng hát của mình được tin chắc sẽ giật danh hiệu quán quân năm 2009. Tuy nhiên sau hơn 100 triệu lượt bình chọn, chiếc cúp American Idol đầu tiên trong lịch sử lại nằm trong tay Kris Allen, anh chàng bị coi là "mờ nhạt" qua các vòng thi.
Á quân Adam sở hữu một giọng hát rất khỏe. Kỹ thuật của một rocker, sự tự tin trên sân khấu luôn truyền cho khán giả một cảm xúc lâng lâng, đi vào từng "ngõ ngách" của bài hát trong suốt những phần thể hiện của anh. Có thể nói qua những màn biểu diễn của Adam, các ca khúc đều như được "khoe" ra hết tất cả những cái hay của nó. Kris thì ngược lại, anh giống như một Jason Mraz, một Jack Johnson trên sân khấu, cuốn hút người nghe một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Sự khác nhau trong style âm nhạc chính là lí do Kris bị lu mờ trước Adam. Thực tế, chất giọng của Kris cực kỳ tuyệt vời và có sức lay động vô cùng lớn với người nghe.
5. Anh chàng David Cook - quán quân năm 2008
Sau khi nhận được hơn 97 triệu lượt bình chọn, chàng trai này đã đánh bại cậu nhóc David Archuleta để trở thành thần tượng âm nhạc mới của nước Mỹ trong đêm chung kết American Idol đêm 21/5/2008.
Sau khi MC Ryan Seacrest công bố kết quả, anh vui mừng đến nỗi rơi lệ nhưng cũng không quên chúc mừng đối thủ của mình trong đêm chung kết -chàng trai trẻ 17 tuổi David Archuleta đến từ Murray, bang Utah, Mỹ. David Cook cũng đã từng đến Việt Nam biểu diễn và nhận được rất nhiều tình cảm của người yêu nhạc tại đây.
Theo TTVN
Những quán quân The Voice đặc biệt Dù bề ngoài không có gì nổi bật thậm chí còn khác người nhưng họ lại sở hữu những giọng ca tuyệt vời. 1. Bản sao của Adele trở thành quán quân The Voice Anh 2012 Sự lên ngôi của Mitchell là một minh chứng "hùng hồn" cho mục đích của cuộc thi The Voice đó là tìm kiếm một giọng ca đích...