Điểm dừng khôn khéo của nước Nga
Việc Nga rút phần lớn lực lượng quân sự tại Syria đang làm dấy lên những bàn luận cả ủng hộ lẫn hoài nghi, nhưng trên hết vẫn là mối quan tâm xem động thái này của Mátxcơva sẽ tác động ra sao tới cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 6 ở Syria…
Quân đội Nga rút dần các lực lượng chiến đấu ra khỏi Syria (Nguồn:Sputnik)
Không phải ngẫu nhiên Nga có bước đi mang tính quyết định này vào thời điểm hiện nay mà đây là một “nước cờ” đã được tính toán kỹ càng cả về mặt chiến thuật và chiến lược. Ngay từ đầu, khi quyết định can thiệp vào Syria, Nga đã chủ trương hạn chế việc sử dụng sức mạnh tối thiểu ở mức cần thiết, đủ để đạt các mục tiêu.
Tổng thống Nga V.Putin chỉ giải thích một cách ngắn gọn về lý do cho quyết định của mình là Nga đã hoàn thành các mục tiêu ở Syria. 5 tháng trước đây, khi tiến hành chiến dịch không kích Syria, Nga tuyên bố mục đích nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không thể phủ nhận các cuộc không kích của Nga ở Syria đã mang lại hiệu quả, góp phần làm suy yếu IS và ngăn chặn tham vọng thành lập một nhà nước của tổ chức này.
Nhưng thực tế Nga đã đạt được nhiều hơn thế ở Syria. 5 tháng can thiệp vào cuộc chiến Syria, Nga đã củng cố quan hệ đồng minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và duy trì thế đứng vững chắc của mình ở Syria, góp phần gia tăng vị thế chiến lược và ảnh hưởng ở khu vực.
Với chiến dịch quân sự ở Syria, Nga không chỉ có căn cứ hải quân Tartus mà còn có căn cứ không quân ở Latakia. Can thiệp vào cuộc chiến Syria, Nga đã chứng tỏ sức mạnh quân sự và những khí tài hiệu quả của mình, khiến đối thủ NATO phải kiêng nể.
Cùng với đó là vai trò hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, Nga đã có thêm “vũ khí” buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong xử lý quan hệ đôi bên vốn đầy phức tạp cũng như trong các vấn đề toàn cầu.
Video đang HOT
Hơn lúc nào hết, dừng tham chiến ở Syria lúc này là một bước đi “tỉnh đòn” của Mátxcơva vì một khi đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra, việc tiếp tục ở lại có thể gây ra những hậu quả và rủi ro khó lường. Bài học của Mỹ “sa lầy” ở Iraq hay Afghanistan vẫn còn đó. Và chính Nga cũng từng có bài học lịch sử ở Afghanistan vào những năm 80 của thế kỷ 20.
Điểm dừng của Mátxcơva được cho là đúng lúc và khôn ngoan vì đã giúp giải quyết cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Về mặt đối nội, quyết định rút quân của Tổng thống Putin đã xoa dịu dư luận trong nước đang lo ngại nước này sẽ bị “sa lầy” ở Syria giống như ở Afghanistan trước đây.
Nó cũng giúp ông Putin chứng tỏ khả năng của một nhà lãnh đạo “nói được, làm được”. Bởi ngay từ đầu, khi quyết định không kích Syria, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ không để lặp lại kịch bản như ở Afghanistan.
Quyết định rút chân khỏi chiến tranh cũng giúp nước Nga giảm được gánh nặng khổng lồ cho ngân sách trong bối cảnh giá dầu sụt giảm. Hơn nữa, trong khi phải đối phó với những vấn đề kinh tế, chính trị đau đầu trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây cấm vận, Nga không thể để mắc sai lầm khi lún sâu vào cuộc chiến tốn kém ở Syria.
Về mặt đối ngoại, rút quân khỏi Syria sẽ giúp nước Nga tạo dựng được hình ảnh tích cực của một quốc gia giữ lời hứa, có trách nhiệm trước vấn đề mang tính toàn cầu, đó là luôn ủng hộ giải pháp hòa bình trong giải quyết cuộc xung đột đẫm máu ở Syria.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình về Syria ở Geneve bắt đầu khởi động, quyết định rút quân là một động thái cần thiết để bảo đảm sáng kiến hòa bình do chính Nga thúc đẩy có thêm sức nặng. Nó cũng buộc hai phe đối đầu ở Syria phải có thái độ tích cực và thiện chí hơn trên bàn đàm phán.
Trước đó, phe đối lập luôn yêu cầu Nga rút quân về nước và ngừng chiến dịch không kích Syria, coi đó như yêu sách để họ ngồi vào đàm phán. Còn về phía chính quyền Syria của Tổng thống Al-Assad, họ cũng phải tính xem mình cần làm gì ở Geneve một khi không còn sự hậu thuẫn về quân sự của Nga như trước đây. Các diễn biến trên chiến trường luôn đóng vai trò quyết định trên bàn đàm phán là một thực tế không thể phủ nhận.
Vì vậy, có thể khẳng định việc rút phần lớn lực lượng ở Syria là bước chuyển hướng chiến lược của Mátxcơva. Không phải ngẫu nhiên Nga tuyên bố rút quân vào đúng thời điểm các cuộc đàm phán vừa khởi động ở Geneve.
Trước khi tuyên bố việc rút quân, Nga đã đề xuất ý tưởng liên bang hóa Syria, thuyết phục thành công chính quyền ông Al-Assad chấp nhận tới Geneve đàm phán. Mọi động thái của Nga đều đã được tính toán từng bước đi và thời điểm, nhằm theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria.
Rõ ràng, trong bối cảnh “chia năm xẻ bảy” ở Syria như hiện nay, giải pháp quân sự sẽ không thể giúp ngừng đổ máu ở Syria, ngược lại còn khiến bạo lực diễn biến phức tạp hơn. Và giải pháp tốt nhất vẫn là để người dân Syria tự giải quyết vấn đề của đất nước mình.
Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận định rằng, với việc Ngarút quân theo kế hoạch khỏi Syria cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneve, thế giới có thể đã có cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.
Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài nhiều năm qua đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Cuộc khủng hoảng ở Syria đã trở thành vấn đề toàn cầu hóc búa, kéo theo những hệ lụy xấu, đó là sự ra đời và hoành hành của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu…
Hơn lúc nào hết, tiến trình hòa bình cho Syria không thể chậm trễ và hiện nay đang bước vào giai đoạn quan trọng. Quyết định rút quân của Nga đang được hy vọng sẽ góp phần tìm lối thoát cho tiến trình hòa bình đang bế tắc. Đây là cơ hội mà các bên đối đầu ở Syria cần phải nắm lấy.
Đặc phái phiên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura từng cảnh báo “sẽ không có kế hoạch B cho Syria, nếu hòa đàm thất bại, quốc gia Trung Đông này sẽ trở lại với cuộc chiến thậm chí còn đẫm máu hơn”.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội nhân dân
Thảm họa lớn, hy vọng nhỏ
Việc Nga triệt thoái phần lớn lực lượng khỏi Syria tạo thêm thuận lợi về chính trị và tâm lý cho cuộc hòa đàm giữa các bên chống đối nhau ở nước này.
Một chiếc Sukhoi Su-25 của Nga chuẩn bị cất cánh, rời căn cứ Hmeymim ở Syria về nước ngày 16.3 - Ảnh: Reuters
Cả hai sự kiện đều khuấy động hy vọng về giải pháp chính trị cho vấn đề Syria nhằm kết thúc chiến tranh, vãn hồi an ninh và ổn định, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, đẩy lùi khủng bố. Chỉ có điều, so với những gì đã xảy ra trong 5 năm qua thì hy vọng hiện thật nhỏ nhoi.
Từ 5 năm nay, Syria đắm chìm trong thảm họa lớn. Câu hỏi về nguyên nhân và thủ phạm có thể được trả lời rất khác nhau, nhưng chung quy vẫn là do con người.
Theo thống kê của LHQ, cuộc chiến ở Syria đã khiến hơn 300.000 người thiệt mạng, khoảng 1,9 triệu người bị thương, gần nửa triệu người đang đói khát vất vưởng trong khi nhiều triệu người khác trở thành tị nạn. Tỷ lệ thất nghiệp cao, gần một nửa trẻ em không được đến trường. Những tổn thất phi vật thể cũng rất ghê gớm.
Sau 5 năm, Syria bị xé lẻ thành những khu vực do chính phủ trị vì, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng, phe nổi dậy quản lý và liên minh các lực lượng người Kurd kiểm soát. Nhiều nước bên ngoài thông qua đồng minh và đối tác đã gây dựng vai trò, ảnh hưởng chi phối diễn biến hiện tại lẫn tương lai của nước này, biến Syria trở thành quả bóng trong cuộc chơi quyền lực và chính trị thế giới.
Các phe phái bên trong Syria không còn đủ thế và lực để tự quyết định số phận của chính mình và tương lai cho đất nước. Trong thảm họa lớn vậy, dù sao thì có chút hy vọng vẫn hơn không.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Nga - Mỹ điện đàm sau tuyên bố rút quân: Chia bánh? Sau tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nga và Mỹ đã tiến hành điện đàm về tình hình Syria, trong khi đó cục diện chiến trường được dự báo sẽ có nhiều thay đổi Nga và Mỹ điện đàm về Syria Ngày 15/3, Nhà Trắng trong một thông báo phát đi cho biết, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Vladimir...