Điểm du lịch cộng đồng ấn tượng
Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một trong những bản đẹp, đặc trưng về du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao, luôn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Du khách tham quan bản Sì Thâu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hằng Trần
Năm trên độ cao hơn 1.400 m so với bề mặt nước biển và xung quanh đều là núi non trùng điệp, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải – thuộc địa phận xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một trong những bản đẹp, đặc trưng về du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao, luôn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Đứng từ bản, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn được toàn cảnh thị trấn Tam Đường cùng khung cảnh của núi rừng bao la, hùng vĩ như một bức tranh thủy mặc. Bản Sì Thâu Chải giống như chốn bồng lai tiên cảnh giữa chốn núi rừng.
Bản cách thị trấn Tam Đường khoảng 6 km, với hơn 60 hộ dân là người Dao sinh sống. Ấn tượng với du khách lần đầu đến đây là một ngôi làng nhỏ bé nhưng ngập tràn sự bình yên, thư thái cho những ai đến đây tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong hành trình về bản từ trên cao nhìn xuống, du khách sẽ thấy được cả rừng hoa mận, hoa mơ, hoa đào mùa Xuân, thấy những thung lũng ngập tràn sắc xanh, vàng của lúa chín. Chẳng thế mà đây được coi là nơi ngắm huyện Tam Đường đẹp nhất, view “chất” nhất để sống ảo.
Càng đi sâu vào trong bản làng, du khách càng thấy những ngôi nhà nhỏ xinh nằm bình yên trong những khu vườn ngập tràn cây xanh. Nơi đó còn có những con dốc cao đúng chất của núi rừng, những bờ tường hoa leo rực rỡ… Cảnh vật và người dân bản địa đều dễ mến và để lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp.
Cảnh đẹp thiên nhiên của Sì Thâu Chải được tạo bởi thế núi, hình sông; khí hậu ôn hòa, với dãy Putaleng hùng vĩ – nóc nhà thứ 2 của Đông Dương; với Thác Tác Tình cùng câu chuyện của nàng Lở Lang xinh đẹp, ngày đêm chảy róc rách; người dân cũng rất thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách.
Du khách tham quan cảnh đẹp bản Sì Thâu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hằng Trần
Có lẽ vì vậy mà du khách tới đây luôn bị níu chân bởi những tình cảm chân thành này. Khi đến bản Sì Thâu Chải bạn sẽ được trải nghiệm những nét văn hoá của nơi này như: mặc quần áo của người dân tộc Dao với khăn vấn tằng cẩu hay những chiếc váy xòe rộng nhiều màu sắc, được xem những điệu múa, khúc hát, lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao nơi đây làm đắm say bao du khách. Tất cả nhưng giá trị về văn hóa truyền thống đầy màu sắc và cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn, kỳ vĩ đó đã và đang được khơi dậy để Sì Thâu Chải thúc đẩy phát triển thành điểm du lịch cộng đồng trọng điểm của Lai Châu.
Anh Lù A San, một trong những gia đình tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản cho biết, kể từ khi được công nhận là bản du lịch cộng đồng của tỉnh cho đến nay, mỗi người dân trong bản đều có ý thức tự bảo vệ môi trường cảnh quan của bản, bà con chia nhau dọn dẹp vệ sinh hàng ngày vào các buổi sáng để bản luôn sạch sẽ đón khách du lịch.
Các hộ dân trong bản đều tự chăm sóc cảnh quan và làm đẹp cho ngôi nhà của mình. Anh Lù A San cho biết, gia đình anh có thể phục vụ được trên dưới 20 khách ngủ homestay. Thời gian gần đây lượng khách tới tham quan và nghỉ đêm tại bản khá đông nên bà con cũng có thêm thu nhập từ việc làm du lịch. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn bản địa như thịt lợn bản, cá nướng, gỏi cá suối, ếch ôm măng…
Chị Trần Thu Thủy ở Bạch Mai, Hà Nội cho biết, đến Si Thâu Chải đôi lần nhưng vẫn mê mẩn phong cảnh nơi đây và tận hưởng không gian nghỉ dưỡng với không khí trong lành trong những căn phòng homestay đậm chất bản địa.
Bên cạnh đó du khách còn được tham gia những trò chơi mạo hiểm, trải nghiệm bộ môn nhảy dù trên không để ngắm trọn vẹn khung cảnh thung lũng Tam Đường, được tham gia Trekking chinh phục đỉnh Putaleng hùng vĩ cao 3.049 m, hay được trải nghiệm làm nông dân cùng với bà con dân bản…
Chị Nguyễn Thúy Hằng, du khách tới từ Hà Nội cho biết, đoàn gia đình chị được biết tới bản Sì Thâu Chải qua thông tin trên báo mạng, thấy bản rất đẹp và có khí hậu trong lành mát mẻ nên gia đình chị đã quyết định kết hợp cùng một số gia đình khác cho con em lên bản Sì Thâu Chải tham quan và trải nghiệm.
Quả thật khi lên tới bản Sì Thâu Chải du khách sẽ cảm thấy thích thú vì khí hậu se se lạnh trong mùa Hè và cảnh vật rất đẹp, yên bình, dân bản thân thiện và mến khách. Chị Hằng cho biết, gia đình đã có những ngày nghỉ đáng nhớ tại đây. Sì Thâu Chải thực sự là địa điểm du lịch hấp dẫn rất đáng để thử. Du khách có thể đến bản làng vào bất cứ mùa nào trong năm, nhưng nên tránh những ngày mưa trơn trượt khá nguy hiểm.
Homestay Sì Thâu Chải (Lai Châu). Ảnh: Hằng Trần
Video đang HOT
Chia sẻ về chuyến đi, chị Hằng cho biết, từ Hà Nội du khách có thể di chuyển theo hướng cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sau đó men theo Quốc lộ 4D từ Lào Cai sang Lai Châu là đến bản. Nếu du khách đi phượt nên hỏi thăm người dân để được hướng dẫn cụ thể. Du khách muốn lưu trú ở bản, có thể tham khảo dịch vụ homestay có sẵn trong các gia đình người Dao chỉ với giá khoảng 100 nghìn đồng/người/đêm.
Ẩm thực địa phương, có thể hỏi người trong bản, giá 1 suất khoảng 100 nghìn đồng -150 nghìn đồng. Người dân bản địa có nhiều tập tục và nếp sống riêng, du khách có thể nhờ người địa phương hướng dẫn khi đi thăm quan bản làng.
Hàng năm huyện Tam Đường bình quân đón trên 40.000 lượt khách du lịch; trong đó, riêng bản Sì Thâu Chải đón trên 11.000 lượt khách với khoảng 700 khách nghỉ lại qua đêm tại các gia đình làm homestay.
Sì Thâu Chải là một trong những điểm nhấn trong hệ thống các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá tại Lai Châu. Nhiều gia đình không làm homestay, nhưng do sân vườn rộng, vẫn được hưởng lợi từ khai thác du lịch qua việc phục vụ ăn trưa, ăn tối và lửa trại đêm cho du khách, bởi vậy, dân bản rất đoàn kết, nhắc nhở nhau có ý thức xây dựng thôn bản sạch đẹp, văn minh để làm du lịch lâu dài.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lai Châu – Trần Văn Long cho biết, từ năm 2015, huyện Tam Đường đã quan tâm đầu tư, mở rộng, nâng cấp và rải nhựa con đường mòn cũ lên bản Sì Thâu Chải tạo điều kiện đi lại trở nên thuận lợi hơn. Hiện nay, huyện Tam Đường đang tăng cường liên kết với các câu lạc bộ dù lượn, tổ chức bay dù hằng năm vào các dịp lễ hội ở địa phương, qua đó quảng bá thêm hình ảnh về con người, cảnh vật, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Dao ở bản Sì Thâu Chải thu hút du khách đến với địa phương ngày một nhiều hơn./.
Khánh thành điểm ngắm cảnh trên đỉnh Phja Oắc và điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao
Sáng 27/4, UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tổ chức lễ khánh thành điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Phja Oắc, xã Thành Công và điểm du lịch cộng đồng người Dao ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành.
Một góc điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Đỉnh Phja Oắc, xã Thành Công nằm ở độ cao 1.931m so mặt nước biển. Nơi đây có hệ sinh thái thực vật phong phú và độc đáo; "biển mây" hút "hồn" du khách. Trong mùa đông, khi nhiệt độ giảm sâu, có thời điểm băng giá đóng trắng xóa đỉnh Phja Oắc, nơi đây là điểm du lịch thu hút nhiều du khách.
Đồng bào Dao Tiền, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Phja Oắc đi vào hoạt động tạo thêm điểm nhấn cho du khách tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp.
Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao là bản người Dao Tiền, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, từ trang phục, phong tục sinh hoạt đến nghề in hoa văn bằng sáp ong trên thổ cẩm, nghề chạm bạc.
Các đại biểu khánh thành điểm ngắm cảnh trên đỉnh núi Phja Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao có những ngôi nhà mang kiến trúc đặc sắc với mái ngói âm dương và những bản sắc văn hóa độc đáo.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Đào Nguyên Phong cho biết, huyện Nguyên Bình có dân số gần 40 nghìn người, gồm 8 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Dao Tiền chiếm 50%.
Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp trên đỉnh núi Phja Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
Thực hiện chương trình trọng tâm phát triển du lịch tại địa phương, huyện đã đầu tư 41 tỷ đồng đầu tư xây dựng, tôn tạo làng du lịch cộng đồng Hoài Khao; điểm ngắm cảnh trên đỉnh Phja Oắc; điểm tham quan nhà tường trình người Dao Tiền xây dựng từ những năm 1960; điểm ngắm cảnh rừng trúc Bản Phường, xã Thành Công, với rừng trúc rộng 30ha, có hàng vạn cây trúc cao vút, nhìn cảnh quan như trong các bộ phim cổ trang.
Với sự quan tâm đầu tư, quảng bá, phát triển du lịch, địa phương kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc.
Hơn 800.000 lượt khách du lịch đến Móng Cái trong 9 tháng đầu năm Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, 9 tháng năm 2022, có gần 868.000 lượt khách đến thành phố, tăng 9,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. 9 tháng năm 2022, có gần 868.000 lượt khách đến TP Móng Cái (Ảnh báo Quảng Ninh) Lượng khách du lịch đến TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã tăng...