Điểm danh những trang web đặt món trực tuyến ở Việt Nam
Bắt đầu xuất hiện từ năm trước, nhưng phải tới năm nay thì các trang web chọn món ăn trực tuyến ở nước ta mới thu hút nhiều sự chú ý của giới công nghệ.
Phần bởi thị trường đón nhận những đối thủ tới từ các đại gia trong ngành, phần bởi có những dấu hiệu tích cực của mô hình này. Và, cũng có thể bởi đó là mô hình “hot” mới nhất hiện nay ở Việt Nam, sau trào lưu mua chung diễn ra từ năm 2010.
Ngoài một số công ty khởi nghiệp nhỏ từ trước, từ đầu năm tới nay, thị trường đón nhận sự xuất hiện HungryPanda của Rocket Internet, Hungry của MJ Group và ChonMon của VC Corp. Hai trong số ba trang web này thuộc sở hữu của hai đại gia trong ngành mua chung là Nhommua.com ( MJ Group) và Muachung.vn (VC Corp). Rocket Internet tuy mới gia nhập thị trường hơn một năm, nhưng công ty vốn nổi danh là “ông vua clone” này đang đầu tư khá mạnh mẽ vào thị trường TMĐT Việt Nam.
Một nguyên nhân nữa có lẽ cũng bởi mô hình đặt đồ ăn trực tuyến sẽ là một lựa chọn thích hợp cho các công ty vốn có thế mạnh về TMĐT như đã nêu trên. Bởi các công ty này sẽ kế thừa được một số lợi thế như hệ thống giao hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến và kinh nghiệm quản lý, điều hành các sản phẩm thương mại điện tử địa phương.
Các dịch vụ Thương mại điện tử địa phương (Local E-commerce) như mô hình mua chung hay chọn món trực tuyến đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Thế mạnh của TMĐT địa phương là có thể giúp kết nối những đơn vị cung cấp dịch vụ ở các địa phương với khách hàng ở địa phương đó. Chính nhờ sự kết nối này, TMĐT địa phương giúp cho các đơn vị sản xuất, buôn bán dịch vụ ở địa phương gia tăng doanh số và có thêm lượng khách hàng mới.
Trên thị trường thế giới, mô hình giao đồ ăn trực tuyến cũng đang nóng dần lên với thương vụ đầu tư mới nhất là startup Delivery Hero nhận được món tiền 50 triệu USD, nâng tổng số tiền đầu tư mà công ty này nhận được là 100 triệu USD. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Delivery Hero là Just Eat nhận thêm khoản đầu tư trị giá 64 triệu USD hồi tháng 4, nâng tổng số vốn đầu tư vào công ty này lên gần 130 triệu USD. Delivery đang hoạt động ở 11 quốc gia và có 22.000 nhà hàng đối tác. Còn Just Eat đang hoạt động ở 13 quốc gia với 25.000 nhà hàng.
Dưới đây là các trang tiêu biểu của mô hình ở Việt Nam hiện nay.
Video đang HOT
Chonmon, tên mã cũ Foodnet, là một dự án TMĐT mới nhất của VC Corp. Vào cuối tháng 7 VC Corp đã mua lại Eat.vn, một trang gọi đồ ăn trực tuyến dành cho người nước ngoài tại Việt Nam, với giá 2,6 tỷ đồng. Sau đó, một bộ phận của Eat.vn đã cùng hợp tác với dự án Foodnet để cho ra đời Chonmon.vn.
Với thế mạnh trong điều hành các trang TMĐT khá nổi tiếng, Chonmon là một con bài chiến lược mới của VC trong cuộc chiến TMĐT được công ty này xác định là rất khó khăn và lâu dài.
HungryPanda là phiên bản Việt Nam của thương hiệu FoodPanda từ RocketInternet. FoodPanda đã thực hiện mô hình này ở nhiều nước Đông Nam Á khác, và thế mạnh về vận hành ở nước ngoài của “ngoại binh” tới từ Rocket Internet này là một điều mà các đối thủ phải kiêng dè.
Thế nhưng, HungryPanda và cả bản thân RocketInternet có thể sẽ thiếu kinh nghiệm về thị trường trong nước so với 2 “ông lớn” còn lại.
Sau thương vụ thâu tóm OrderFood với mức giá chưa được tiết lộ, một đại gia TMĐT khác là MJ Group đã cho ra đời Hungry. MJ Group cho rằng thế mạnh của Hungry nằm ở sự kết hợp giữa hiểu biết về địa bàn TP HCM trong quá trình vận hành trang Diadiem, kinh nghiệm giao nhận chuyên nghiệp từ NhomMua, cũng như công nghệ chuyển giao từ Rebate Network (một mạng mua chung đã đầu tư vào MJ Group).
Startup Goimon cho rằng điểm khác biệt của họ so với các doanh nghiệp trong mô hình này là họ sử dụng thuật toán tìm kiếm địa phương hoá, với trải nghiệm người dùng được cá nhân hoá. Cùng với đó là khả năng hỗ trợ cho nhà hàng và các tính năng tương tác với người dùng qua mạng xã hội và trên website.
Ngoài các trang web kể trên, mô hình gọi đồ ăn trực tuyến này còn có sự tham gia của Vietnammm.com. Trang web này đi vào hoạt động từ đầu năm 2011, ban đầu chỉ hỗ trợ cho khách hàng nước ngoài đang sinh sống ở ViệtNam, nhưng hiện tại đã mở rộng cho cả người Việt. Chính vì “sống lâu” nên thế mạnh của trang này chính là ở những đánh giá của người dùng với các nhà hàng, giúp cho những người đến sau có thể lựa chọn được nhà hàng ưng ý nhất.
Tạm kết
Cuộc chiến gọi đồ ăn trực tuyến dường như sẽ không nóng bỏng như cuộc chiến mua chung từng thu hút sự chú ý của giới công nghệ trong thời gian trước. Nhưng sự tham gia của 2 “cá mập” trong ngành khiến cho mô hình này trở thành tâm điểm chú ý trong số các mô hình TMĐT hiện nay.
Nhu cầu ăn uống là một nhu cầu quan trọng của con người, và với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, con người có thể tiết kiệm nhiều thời gian với các trang web thuộc mô hình này. Thêm nữa, các website sẽ là một danh bạ địa chỉ các nhà hàng trong khu vực của người dùng, vì thế là một nơi tra cứu lý tưởng cho các nhân viên công sở đang tự hỏi “trưa nay ăn gì?”
Việc đánh giá mô hình gọi đồ ăn trực tuyến có thể thành công hay không là quá sớm. Nhưng sự phát triển của mô hình sẽ giúp cho các trang web cho phép người dùng đánh giá, ghi cảm nhận, xếp hạng nhà hàng trở nên cần thiết hơn. Và các nhà hàng, quán ăn sẽ có cơ hội mới để tăng thu nhập, chỉ riêng điều này đã là một lợi ích lớn của TMĐT: Đem những vấn đề mua bán thông thường tới gần hơn với con người, nhờ sự hỗ trợ tối đa của việc ứng dụng công nghệ.
Theo Genk
Lãnh đạo VC Corp công bố thông tin về tình hình hoạt động
Sự kiện Vietnam Access Day vừa qua là lần đầu tiên CTCP Truyền thông Việt Nam (VC Corp) xuất hiện tại một hội nghị kết nối đầu tư. Là một trong những "hiện tượng" của làng internet Việt Nam, công ty đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư. Lãnh đạo VC Corp cho biết: sau 6 năm hoạt động chính thức, mỗi tháng hệ thống website của công ty có hơn 30 triệu người dùng (unique visitor) với 2,6 tỷ lượt xem mỗi tháng và hơn 22 tỷ lượt hiện hiển thị quảng cáo. Những website dẫn đầu trong từng phân khúc của VC Corp có thể kể đến báo điện tử Dân trí, CafeF, Kenh14, Rongbay, Enbac, Muachung...
Các mảng sản phẩm chính của VC Corp.
Trong làn sóng mobile đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, VC Corp cũng đã đạt mốc 15 triệu người dùng truy cập hàng tháng.
Hoạt động của VC Corp hiện nay bao gồm 4 mảng: Thương mại điện tử (E-Commerce), Truyền thông (Media), Nội dung số (Digital Content) và Quảng cáo trực tuyến (Online Ads). Công ty đang chiếm 30% tổng giá trị các giao dịch online qua SohaPay và chiếm 40% thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Thương mại điện tử (E-Commerce) được VC Corp giới thiệu là mảng hoạt động sẽ được đầu tư lớn trong các năm tới với mục tiêu phát triển 10 - 15 dịch vụ trong khoảng 2 năm tới.
Lãnh đạo VC Corp cũng chia sẻ về mô hình phát triển dài hạn ECO System (Hệ sinh thái) với mục tiêu trở thành công ty thống trị trên thị trường internet Việt Nam vào năm 2015. Đây là mô hình mà các công ty công nghệ lớn như Google, Apple đều đang áp dụng.
Các thông tin tài chính của VC Corp đều không được tiết lộ. Tuy nhiên ban lãnh đạo VC Corp cho biết, công ty chưa từng đi vay nợ và số dư tài khoản ngân hàng luôn tương đương khoảng 3 tháng lương của công ty. VC Corp hiện có hai cổ đông nước ngoài là IDG Ventures Vietnam và Intel Capital.
Theo Genk
"MOBILE VIETNAM 2012": Triển lãm Hội nghị Quốc tế về di động tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam Triển lãm - Hội nghị Quốc tế Mobile Vietnam 2012 (Mobile Vietnam 2012) của Bộ Thông tin và Truyền thông là sự kiện chuyên ngành di động mang tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, dành cho tất cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di động trong và ngoài nước. Mobile Vietnam sẽ trở thành sự kiện được xã hội...