Điểm danh những quốc gia “tẩy chay” thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE
Làn sóng tẩy chay thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất và cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc, đang ngày càng lan rộng khi mà tính đến nay đã có tới 04 quốc gia chính thức ban hành và công bố những lệnh cấm đối với hai hãng này.
Mới đây nhất, sau Mỹ, Úc và Ấn Độ, cảnh giác về an ninh đối với Huawei và ZTE của Trung Quốc đang lan rộng trên thế giới, chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định từ chối sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE ở cấp độ chính phủ.
Cụ thể, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin chính phủ Nhật Bản đã quyết định loại trừ thiết bị viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc ra khỏi hồ sơ mời thầu đối với các hệ thống an ninh của chính phủ. Sankei Shimbun cũng cho biết, do Huawei và ZTE của Trung Quốc bị Mỹ và Úc xem là có vấn đề đối với an ninh quốc gia nên chính phủ Nhật Bản cũng có bước đi nhất quán nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin bí mật và tấn công mạng internet.
Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đang thảo luận các phương pháp hoặc mục tiêu đấu thầu cụ thể, theo đó thay đổi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật thông tin đối với hoạt động tham gia đấu thầu nhằm ngăn chặn sản phẩm của Huawei và ZTE của Trung Quốc.
Quyết định của chính phủ Nhật Bản được đưa ra ngay sau khi các chính phủ Mỹ và Úc từ chối Huawei và ZTE.
Còn Ấn Độ thì thực tế đã ban hành lệnh cấm tương tự từ nhiều năm trước. Cụ thể, vào năm 2013, Ấn Độ chính thức có tên trong danh sách các quốc gia “cấm cửa”, không cho phép sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei. Giống Mỹ, chính phủ Ấn Độ đã có những lo ngại với Huawei về vấn đề an ninh và bảo mật. Bộ Viễn thông nước này thậm chí còn đồng ý với ý kiến của Nội các quốc gia để lập một phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra “phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại và phần mềm nghe lén” trong các thiết bị viễn thông của công ty Trung Quốc.
Là những hãng cung cấp thiết bị, công nghệ viễn thông lớn hàng đầu thế giới nhưng Huawei và ZTE là hai cái tên đã bị một số nước lớn cấm cửa do lo sợ gây ra những vấn đề cho an ninh quốc gia.
Làn sóng tẩy chay thiết bị của Huawei và ZTE khởi nguồn từ Mỹ. Để tỏ rõ thái độ của mình, mới đây, vào ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Trump đã ký một dự luật mới cấm cơ quan chính phủ Mỹ hoặc bất kỳ ai muốn hợp tác với chính phủ Mỹ sử dụng các linh kiện của Huawei, ZTE hoặc các công ty truyền thông Trung Quốc khác, cũng như việc sử dụng các linh kiện này như loại thành phần chính của dịch vụ.
Video đang HOT
Còn trước đó, cơ quan an ninh Mỹ đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo đối với người dân khi mua và sử dụng các thiết bị viễn thông của các nhà cung cấp Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE.
Cũng mới đây, vào ngày 23/8, Twitter của chính phủ Úc thông báo, trong kế hoạch xây dựng mạng băng rộng 5G tại Úc, thiết bị của Huawei và ZTE bị đưa vào danh sách cấm dùng. Thực tế, Úc cũng là quốc gia có động thái cấm vận Huawei rất mạnh mẽ. Năm 2013, chính phủ mới thành lập của Úc ban hành lệnh cấm, không cho Huawei cung cấp thiết bị phục vụ mạng băng rộng của quốc gia vốn có giá trị lên tới 38 tỷ USD. Lệnh cấm của Úc được cho có sự “gợi ý” từ chính Mỹ, một đồng minh thân cận.
Anh và Nga có thể là những nước tiếp theo nói không với Huawei và ZTE
Thời gian gần đây chính phủ Nga đã ra thông cáo báo chí rằng, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử của Nga và các hiệp hội nghề nghiệp đã đề xuất với Chính phủ Nga phải có các quy định nghiêm ngặt về việc nhập khẩu thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE.
Theo truyền thông Nga, sau khi nhận được đề nghị, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị các cơ quan chính phủ liên quan tiến hành nghiên cứu và sớm báo cáo kết quả để có phương án hành động.
Việc chính phủ Nga công bố những thông tin này, cho thấy Nga cũng có thể đi theo các nước khác như Mỹ, Úc, Ấn Độ, khép dần cánh cửa đối với các thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Tại Anh, Huawei cũng đang phải đối mặt với sự tăng cường giám sát từ các cơ quan an ninh Anh do hãng này bị phát hiện đang sử dụng hệ điều hành VxWorks của công ty Wind River Systems có trụ sở ở California.
Được biết, hệ điều hành VxWorks đang được Huawei sử dụng sẽ ngừng nhận các bản vá bảo mật và cập nhật từ Wind River vào năm 2020. Mặc dù một số sản phẩm được nhúng vào sẽ vẫn hoạt động sau thời gian đó nhưng có khả năng khiến các mạng viễn thông Anh dễ bị tấn công.
Trước khi chính thức công bố mối lo ngại an ninh với Huawei, vào tháng trước, một báo cáo từ một ủy ban giám sát của chính phủ Anh cho thấy kết quả phân tích thiết bị Huawei phát hiện những khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng và kỹ thuật mà có thể đặt các mạng viễn thông của Anh vào các mối rủi ro an ninh mới.
Theo Xa Hoi Thong Tin
VNNIC: Đăng ký dùng tên miền quốc gia ".VN" là bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp
Qua vụ tranh chấp quyền sử dụng tên miền Bambooairway.vn, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) nhận định đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận đúng đắn việc đăng ký sử dụng tên miền ".VN", bởi đây chính là cách để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên Internet.
Tên miền ".VN" - thương hiệu số của doanh nghiệp trên Internet
Vào giữa tháng 8/2018, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản nhắc nhở Công ty TNHH Hàng không Tre Việt về việc đăng tải thông tin không chính xác về Bamboo Airways trên website có địa chỉ là http://bambooairway.vn được cơ quan này cho là của Công ty Hàng không Tre Việt. Tuy nhiên, trong văn bản hồi đáp ngay sau đó, Công ty Hàng không Tre Việt đã khẳng định "Trang thông tin điện tử mà Cục Hàng không Việt Nam nêu trong văn bản là trang giả mạo website của Hàng không Tre Việt. Trang thông tin điện tử chính thức của Bamboo Airways có địa chỉ chính thức như sau: http://bambooairways.com".
Không những thế, trong công văn đề nghị VNNIC hỗ trợ xử lý hành vi vi phạm của chủ sở hữu trang webc có tên miền "bambooairway.vn", Công ty Hàng không Tre Việt cho biết "FLC và hãng hàng không Tre Việt đã xác lập hợp pháp quyền của mình theo quy định pháp luật với tên miền "bambooairways.com" và nhãn hiệu "Bamboo Airways", hình chữ".
Khẳng định "bambooairway.vn là một trang web giả mạo được tạo lập và đăng ký nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán tên miền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về CNTT, gây thiệt hại đến chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ và gây nhiễu loạn thông tin ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tên miền đăng ký, sử dụng hợp pháp", Công ty Hàng không Tre Việt cho biết đang cân nhắc việc gửi đơn đề nghị kèm theo các tài liệu chứng minh tới Thanh tra KH&CN để yêu cầu thanh tra, kiểm tra đối với hành vi của chủ sở hữu tên miền, trang web "bambooairway.vn" sử dụng tên thương mại của hãng.
Trang web tên miền "http://bambooairway.vn" đã khiến Cục Hàng không Việt Nam nhầm lẫn với trang thông tin điện tử của hãng hàng không Tre Việt có thương hiệu "Bamboo Airways" (Ảnh chụp giao diện trang web vào ngày 15/8/2018 - thời điểm Công ty Hàng không Tre Việt gửi công văn đề nghị VNNIC hỗ trợ xử lý)
Trên thực tế, cùng với sự gia tăng theo cấp số nhân của các website thương mại điện tử, tên miền - điều kiện tiên quyết của website được ví là "chìa khóa" quan trọng đầu tiên để các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế số và thị trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Trở lại với vụ việc của hãng hàng không Tre Việt và website tên miền "bambooairway.vn" gây nhầm lẫn kể trên, từ việc sử dụng tên miền "bambooairways.com" của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt và sự hiện diện của website giả mạo dùng tên miền "bambooairway.vn", trên công cụ tìm kiếm Google, khi gõ các từ khóa: "Hàng không Tre Việt", "Bamboo Airways VietNam" "Bamboo Airline", kết quả hiển thị đầu tiên không phải trang thông tin điện tử "bambooairways.com" của Công ty Hàng không Tre Việt mà là website mạo danh có tên miền "bambooairway.vn". Qua đó, có thể thấy rằng, tên miền mã quốc gia có ý nghĩa lớn định danh nơi công ty cung cấp dịch vụ, là "thương hiệu số" trên Internet, là một loại tài sản vô hình của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế, thông tin từ VNNIC cho hay, các doanh nghiệp nước ngoài rất chú trọng đăng ký sử dụng tên miền để bảo vệ thương hiệu. Bên cạnh việc sử dụng tên miền cấp cao dung chung, các công ty đa quốc gia rất quan tâm đến đăng ký sử dụng tên miền mã quốc gia nơi cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Tại Việt Nam, các công ty đa quốc gia như Google, Facebook, Samsung... đã tìm hiểu và đăng ký sử dụng tên miền ".VN" khi đến kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo VNNIC, không ít các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đã gặp phải những rắc rối không mong muốn khi tên miền liên quan đến nhãn hiệu, sản phẩm của mình đã bị chủ thể khác đăng ký sử dụng trước đó. Ví dụ như BMW.com.vn, IBM.com.vn. SAMSUNGMOBILE.com.vn ...
Điển hình như vụ tranh chấp tên miền ebay.com.vn năm 2017 giữa công ty eBay Inc là chủ sở hữu nhãn hiệu "eBay" nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ trên thế giới và Việt nam với một công ty có trụ sở tại TP.HCM. Theo thông tin trong đơn khiếu nại, eBay đã đăng ký trên 2.500 tên miền có chứa cụm từ "eBay", trong đó 7 tên miền ".VN", nhưng đáng tiếc trong số đó không có tên miền "ebay.com.vn" có ý nghĩa thương mại. Chính sơ suất này đã dẫn đến những khó khăn cho Công ty eBay khi triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Mặc dù đang sử dụng tên miền ebay.vn để kết nối người dùng Việt Nam với thị trường trực tuyến toàn cầu. Với vụ việc này, eBay đã phải theo đuổi vụ kiện để "đòi lại tên miền" trong thời gian dài.
Doanh nghiệp Việt đã thực sự quan tâm đến tên miền ".VN"?
Số liệu thống kê của VNNIC cũng cho thấy, hầu như các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức hết tầm quan trọng của tên miền liên quan tới thương hiệu của mình trên cộng đồng mạng. Các doanh nghiệp thường cho rằng khi tên thương mại, thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ thì đương nhiên được "bảo hộ" đối với tên miền trên Internet. Tuy nhiên cách hiểu này là không chính xác.
"Việc đăng ký, sử dụng tên miền ".VN" theo "nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Do chưa nhận thức chưa đầy đủ như vậy dẫn tới các hệ lụy không đáng có, gây tốn kém về thời gian, công sức của các doanh nghiệp", đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Có thể điểm qua một số vụ việc "bị mất tên miền" của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như bitis.vn, mhb.vn (Ngân hàng MHB Bank), habeco.vn (Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), agribank.vn, bkav.vn ... và gần đây nhất là bambooairway.vn. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín, tên thương hiệu cũng như định hướng trong cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cho khách hàng.
Để tránh xảy ra những tranh chấp quyền sử dụng tên miền hoặc tránh để những tên miền liên quan đến tên thương mại, sản phẩm, chỉ dẫn địa lý... của mình bị chủ thể khác đăng ký trước, gây ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên Internet, các cá nhân, tổ chức, theo khuyến nghị của VNNIC, các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý...
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng hiện nay, việc sử dụng tên miền quốc gia ".VN" để bảo vệ các thương hiệu Việt sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng và khách hàng để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà như chính trường hợp Công ty Hàng không Tre Việt đang phải đối mặt.
Theo 24h
Tên miền quốc gia và câu chuyện bảo vệ thương hiệu trên internet Qua vụ việc tranh chấp quyền sử dụng tên miền bambooairway.vn, đã đến lúc doanh nghiệp nên nhìn nhận đúng đắn việc đăng ký sử dụng tên miền ".vn", nó không chỉ mang ý nghĩa định danh mà cũng chính là bảo vệ thương hiệu Việt trên internet. Từ việc sử dụng tên miền "bambooairways.com" của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt...