Điểm danh những phố Hàng còn giữ nghề ở Hà Nội
Một điểm đến mà không một khách du lịch nào có thể bỏ qua là khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là các phố hàng- phố nghề đặc trưng.
Từ xa xưa, thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long tụ tập về đây hình thành nên từng con phố nghề chuyên sản xuất, buôn bán một mặt hàng riêng. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ “Hàng” đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng tạo nên. Ngày nay, khi nhịp sống ngày càng phát triển, có những phố nghề đã rơi vào quên lãng thì vẫn hiển diện những cái tên như Hàng Bạc, Hàng Thiếc… góp phần làm nên một nét đặc sắc của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Phố Hàng Mã
Con phố của những âm thanh, sắc màu và ánh sáng dân gian
Hàng Mã chạy từ ngã tư Hàng Đường đến phố Phùng Hưng dài 339 m, ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa… để đốt cúng cho người âm. Ngày nay phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, tết Trung Thu, Nguyên Đán, trở thành con phố của những âm thanh, sắc màu và ánh sáng dân gian, mang đậm dấu ấn tâm linh của người phương Đông. Ngoài ra, tại đây cũng là nơi bán các hàng trang trí phông màn đám cưới với các hình cắt cô dâu, chú rể làm tự bọt xốp nhiều màu sắc.
Các nghệ nhân làm bạc gia truyền ở phố Hàng Bạc
Phố Hàng Bạc đã được hình thành từ thế kỷ 18 bắt nguồn từ việc ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, làm thượng thư triều Lê Thánh Tông được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình; ông đem người trong họ hàng và nguời làng ra Thăng Long mở phường đúc bạc. Trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc. Ngày nay, phố hàng Bạc vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước bởi nhiều đồ trang sức tinh sảo và đẹp, nổi tiếng. Đặc biệt, ngôi nhà số 86 là một di tích lịch sử mà bạn không thể bỏ qua khi đến với Hàng Bạc Đây chính là Trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô từ tháng 12 – 1946 đến tháng 2 – 1947. Tòa nhà ba tầng, to và đẹp, xây dựng khoảng năm 1925, theo lối kiến trúc Pháp, của nhà tư sản Phạm Chấn Hưng. Ngôi nhà là nơi giao dịch, buôn bán vàng bạc có tiếng ở Hà Nội đương thời và được đánh giá là vào loại lớn ở Đông Dương. Ông Chấn Hưng là một nhà tư sản yêu nước, các con ông đều là những trí thức có tinh thần dân tộc, có tài, như nhà thơ Phạm Huy Thông, nhà văn Phạm Huy Thái.
Phố Hàng Đào
:
Video đang HOT
Phố Hàng Đào vốn tấp nập từ xưa
Hàng Đào vẫn được coi là phố buôn bán chính, đặc trưng của người Hà Nội với chữ Đào được lái từ chữ đỏ. Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, xa xỉ. Ngày ngay, hàng Đào trở thành phố quần áo, vải vóc sôi động thu hút hàng trăm nghìn thương nhân trên khắp cả nước và du khách đến viếng thăm. Ngoài ra, vào các tối ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật tuyến phố đi bộ chợ đêm Hàng Đào- Đồng Xuân đã tạo nên một nét văn hóa mới của thủ đô Hà Nội, làm nhộn nhịp cả khu phố cổ những ngày cuối tuần.
Một cửa hàng ở phố Hàng Thiếc
Phố dài 136m, nối từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Nón. Đây là phố của thợ thủ công chuyên làm những cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón… bằng thiếc sau phát triển sang cả hàng bằng sắt tây. Vì thế mà người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây), nhưng phố vẫn được gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc. Trải qua bao năm tháng phố Hàng Thiếc vẫn không thay đổi bao nhiêu, ngày ngày vẫn râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh thiếc, mảnh tôn trắng lấp lánh, gò nên những sản phẩm thiết thực trong đời sống hàng ngày. Và mỗi dịp tết Trung thu thì Hàng Thiếc lại nhộn nhịp thêm vì nhà nào cũng cắt sắt tây vụn ra làm các thứ đồ chơi cho trẻ em như ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, máy bay, đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm vỗ cánh, thỏ đánh trống…
Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu tây
Phố Hàng Chiếu nối từ cửa ô Quan Chưởng đến ngã tư Hàng Đường – Đồng Xuân, dài 275m. Gọi là hàng Chiếu bởi xưa kia nơi đây bán nhiều chiếu cói và còn có bán cả bát(nên còn có tên là phố Hàng Bát). Phố có vỉa hè, cây xanh, cột đèn như bên Pháp. Đây là phố đầu tiên ở Hà Nội có kiến trúc kiểu tây nên người dân quen gọi là phố Mới. Ngày nay, phố này vẫn giữ truyền thống bán chiếu và là phố gần khu chợ Đồng Xuân nên có nhiều mặt hàng bán phong phú hơn.
Phố hàng Đồng:
Người phố Hàng Đồng còn xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước
Phố Hàng Đồng là nơi ngụ cư của người dân làng nghề gò chạm đồng Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh và người dân buôn bán đồ đồng làng Cầu Nôm, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) cùng số ít người dân vùng khác. Không chỉ là người của Kinh thành Thăng Long sử dụng đồ đồng ở phố, dân các nơi khác cũng tìm đến phố Hàng Đồng để sắm sửa và có thời gian sau này, người phố Hàng Đồng còn xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước. Phố Hàng Đồng ngày nay không chỉ có đồ đồng. Bà con tiểu thương còn khai thác triệt để tay nghề của người thợ, giúp họ có công ăn việc làm trong sản xuất, tăng thêm thu nhập.
Phố Hàng Đường:
Ô mai hàng Đường là món quà nhỏ của Hà Nội
Phố Hàng Đường đã có từ lâu, chuyên bán các loại đường, mứt. Trước những năm 60 của thế kỷ XX, đây vẫn là trung tâm buôn bán bánh kẹo lớn ở Hà Nội, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là Rue du Sucre (Hàng Đường). Ngày nay, Hàng Đường bán đủ các loại ô mai nổi tiếng của Hà Nội. Đến khoảng những năm 1940, phố Hàng Đường bắt đầu có vài hàng ô mai nhỏ với vài thứ ô mai đơn sơ, đều chế biến từ mơ. Ô mai hàng Đường là món quà nhỏ của Hà Nội, theo chân biết bao du khách đến khắp nơi trên thế giới để rồi khi nhắc tới ô mai là người ta nghĩ ngay tới Hàng Đường. Cả phố giờ chỉ còn vài gia đình giữ được nghề nhưng phố vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người bởi sản phẩm đậm đà hương vị quê hương, góp phần tạo nên bản sắc Hà Nội.
Phố Hàng Khay là một con phố ngắn chỉ khoảng hơn 100m trước đây được gọi là phố Thợ Khảm
Phố Hàng Khay là một con phố ngắn, đoạn phố từ ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền đến ngã tư Bà Triệu – Tràng Thi dài chỉ khoảng hơn 100m trước đây được gọi là phố Thợ Khảm. Hàng khảm ở đây có tiếng từ thế kỷ thứ XIII. Thương nhân Trung Hoa buôn đem về, được các nhà quyền quý mua, coi là vật báu trong nhà… Ngày nay, mặt hàng xuất hiện nhiều nhất ở phố Hàng Khay vẫn là các cửa hàng phát huy nghề truyền thống “gỗ khảm trai” được bày bán trong các Gallry: mỹ nghệ Hoàng Anh, Collcetion Shop, Moon Shop, Dịch vụ du lịch Hà Nội. Mẫu mã phong phú: Chân dung thiếu nữ, phong cảnh Văn Miếu, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Cánh đồng quê lúa chín vàng, Nụ cười của lão nông say sưa nhả khói thuốc lào, …
Phố thuốc Bắc chuyên bán thuốc Bắc
Ngoài ra, những con phố cổ không mang tên “Hàng” thuộc 36 phố phường Hà Nội vẫn lưu giữ ít nhiều những nghề truyền thống của mình như: phố thuốc Bắc chuyên bán thuốc Bắc, phố Bát Sứ chuyên gốm sứ, phố Tô Tịch vẫn còn lưu lại những nhà làm con quay gỗ truyền thống(chứ không phải là phố chuyên hoa quả dầm như nhiều người tưởng). Tất cả những phố hàng, phố nghề ấy đã làm nên một Hà Nội ngàn năm, để ai đặt chân đến đều lưu luyến không muốn rời đi.
Theo yeudulich
Cháo gà bà Mỹ
Hà Nội nổi tiếng với các món ăn ngon và rất đỗi bình dị. Người Hà Nội theo đó cũng có một thú ẩm thực thật bình dân. Cháo gà là một trong những thú ẩm thực rất "nhã" của người dân Hà Thành.
Cháo. Món ăn bình dị quen thuộc với mỗi gia đình trong những ngày hết gạo, khi ốm đau... Có lẽ, không có ai, từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi trưởng thành lại không một lần ăn cháo. Cháo thân thuộc với dân Việt hiện hữu khắp mọi miền trên đất nước phong phú về chủng loại đa dạng về cách chế biến. Cháo cũng là món dễ ăn và có thể chế biến thành nhiều loại khác nhau tùy theo sở thích của từng người. Có người thích ăn cháo trai, có người thích vị nhẹ nhàng không pha trộn của bát cháo trắng, có người lại thích vị cay nồng của món cháo lươn nổi tiếng xứ Nghệ... Và mỗi khi nhắc đến cháo Hà Nội, người sành ăn lại nghĩ ngay đến gánh cháo gà bán rong của bà cụ Mỹ ở đầu phố hàng Đào xưa.
Nói là "gánh cháo gà bán rong của bà cụ Mỹ ở đầu phố hàng Đào xưa" là bởi ngày nay cùng với quá trình đô thị hóa, "Gánh cháo gà bà Mỹ" đã được nâng cấp thành "Quán cháo gà" và bán tại hai địa chỉ: số 7 Nhà Thờ và số 47A Lý Quốc Sư.
Tuy là món quà vặt phổ biến vừa sang lại vừa bình dân, nhưng để có tô cháo gà ngon không phải ai cũng nấu được. Bà Mỹ cho biết: để có bát cháo ngon phải chịu khó đầu tư thời gian, từ khâu chọn gạo đến lúc múc cháo. Gạo nấu cháo phải là gạo ngon, thêm chút gạo nếp cho thơm và có độ sánh, không nên cho nhiều vì cháo dễ vữa nếu không ăn ngay. Cháo được nấu từ hạt gạo nguyên, không giã, nấu thật nhừ cho đến khi nước cháo dềnh lên vì nhựa, không đặc quánh như dạng cháo bột.
Cũng theo bà, món cháo gà có ngon hay không trước hết là ở khâu chọn gà. Những con gà dùng để nấu cháo phải được nuôi thả trong vườn hoặc đồi núi. Bà không dùng gà tơ để làm món cháo (vì gà tơ tuy ăn rất ngon nhưng thịt gà thường nhạt và mềm) mà dùng loại gà mái vừa đẻ trứng lần đầu, có màu da vàng ươm và giòn. Cháo được ninh bằng nước xương gà đã lọc hết thịt, gạo tẻ pha nếp nương... Khi nấu, lửa than lúc nào cũng rực hồng, nồi cháo bốc hơi nghi ngút. Để có được nồi cháo ngon, người đầu bếp phải giữ cho nồi cháo luôn mới. Cháo ăn khi còn nóng, đã nguội thì bỏ đi chứ không hâm lại.
Mỗi khi có khách, tay bà thoăn thoắt cho thịt gà xé vào bát, thêm quả trứng muối, ít hành hoa, tía tô rồi múc cháo vào bát rắc tiêu, ớt lên trên. Bát cháo trắng tinh, sánh ngậy, phảng phất mùi hành hoa, tía tô, mùi cay nồng của tiêu, vị dai và ngọt của những miếng thịt gà ta...
Muốn ăn cháo gà bà Mỹ, có khi bạn phải xếp hàng đợi đến lượt. Khách đông, chủ hàng cáu, nhiều thực khách nháy mắt bảo nhau đổi tên "Cháo gà bà Mỹ" thành cháo gà bà "Quát"... Bà khó tính vậy, thế nhưng chẳng thực khách nào đủ "bản lĩnh" để từ chối mùi vị thơm ngon đặc biệt của những tô cháo nhà bà..., Danh tiếng "Cháo gà bà Mỹ" cũng được lan tryền từ đó, làm cho lượng khách đến thưởng thức cháo gà tại quán ngày càng đông.
"Cháo gà bà Mỹ" ăn với quẩy là hợp nhất. Quẩy sẽ hút nước béo của xương gà, vị ngậy của thịt gà... Và dù chỉ ăn một lần thôi, bạn cũng sẽ nhớ mãi cái vị ngọt ngọt của thịt, vị bùi bùi của rau, ròn ròn của quẩy... Chẳng thế mà nhiều người đi xa Hà Nội, khi trở về vẫn tìm đến "Cháo gà bà Mỹ" để tìm lại chút Hà Nội xưa.
Theo Monngonhanoi.com
Hồng Đức - thiếu đức Trà trộn trong số khách đến lễ tại ngôi đền ở 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Tạ Hồng Đức đã trộm cắp tiền "giọt dầu" và tiền công đức trong đền bằng thủ đoạn tinh vi... Chiều 28-2, qua hệ thống camera được lắp đặt trong đền Hàng Bạc ở 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Tất Kim...