Điểm danh bốn tòa thành cổ của nhà Nguyễn ở Cố đô Huế
Các thành lũy của nhà Nguyễn ở Cố đô Huế được chia thành nhiều lớp khác nhau, và không phải ai cũng tường tận về hệ thống kiến trúc phức tạp này.
1. Kinh thành. “Kinh thành” theo nghĩa rộng là nơi đóng đô của nhà Nguyễn, còn theo nghĩa hẹp thì đây là tòa thành ngoài cùng, lớn nhất trong các vòng thành của Cố đô Huế. Ban đầu Kinh thành được đắp bằng đất, đến cuối thời vua Gia Long mới được gia cố bằng gạch.
Theo đo đạc, Kinh thành Huế có chu vi gần 10 km. Tường thành cao trung bình 6,6 mét, dày 21 mét được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Công trình có tất cả 13 cửa.
Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào rộng và sâu bao bọc. Phía ngoài các hào nước còn có hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) gồm các sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn và sông Cửa Hậu, vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy, có tổng chiều dài hơn 7 km
Công trình nổi bật của Kinh thành là Kỳ đài, nằm ở chính giữa mặt trước, đối diện với bờ sông Hương. Được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807), Kỳ đài Huế là cột cờ lâu đời nhất Việt Nam còn được bảo tồn đến nay.
2. Hoàng thành. Hoàng thành là vòng thành thứ hai, nằm trong Kinh thành. Khu vực bên trong Hoàng thành là nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình, dân thường không được phép vào.
Hoàng thành có cấu trúc gần giống với một phiên bản thu nhỏ của Kinh thành, với những bức tường gấp khúc, phía ngoài có hào nước bảo vệ. Tường Hoàng thành được xây thấp và mỏng hơn so với tường Kinh thành.
Hoàng thành Huế có bốn cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn. Đây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong trong quần thể di tích cố đô Huế.
Video đang HOT
Nằm ở trung tâm của Hoàng thành, điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng của vua, được coi là công trình biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn. Công trình đáng chú ý khác ở Hoàng thành là Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn.
3. Tử cấm thành. Tử cấm thành là vòng thành trong cùng, nằm trong lòng Hoàng thành, cùng với Hoàng thành tạo nên khu vực gọi là Đại Nội. Công trình này ban đầu gọi là Cung Thành, đến thời Minh Mạng đổi tên thành Tử cấm thành, nghĩa là “Tòa thành cấm màu tía”.
Với vị trí là nơi ở của vua và gia quyến, Tử Cấm Thành được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Ngay cả các quan đại thần, nếu không có phận sự cũng không được lai vãng.
Vể tổng thể, Tử cấm thành có hình chữ nhật, cạnh Nam và Bắc dài 341 mét, cạnh Đông và Tây dài 308 mét, chu vi 1298 mét. Tường thành cao hơn 3 mét, dày gần 1 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Cửa chính của Tử cấm thành là Đại Cung Môn, nằm ở phía sau điện Thái Hòa.
Cùng với Đại Cung Môn, xưa kia khu vực Tử cấm thành có rất nhiều công trình hoành tráng như điện Kiến Trung, điện Cần Chánh, điện Càn Thành… Tiếc rằng các kiến trúc này đều đã bị phá hủy trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
4. Trấn Bình đài. Nằm bên một khúc ngoặt của sông Hương ở Đông Bắc Kinh thành Huế, Trấn Bình đài là một tòa thành phụ của Kinh thành, có thể được coi là tòa thành thứ tư, sau ba tòa thành đã đề cập ở trên.
Công trình vốn là một vòng thành đắp có từ đầu thời Gia Long, được xây kiên cố bằng gạch vào thời Minh Mạng. Thành có chu vi 1.048 mét, tường thành cao 5,10 mét dày gần 15 mét, có nhiều ụ đặt súng đại bác và kho đạn, điếm canh. Ngoài tường thành có hào rộng và sâu.
Trấn Bình đài có hai cửa là Trấn Bình môn và Trường Định môn, được trổ xuyên qua thân tường thành, chứ không xây vọng lâu ở bên trên như các cửa của Kinh thành.
Ngày nay Trấn Bình môn vẫn còn, nhưng đã bị đổ nát và biến dạng do các công trình xây đè lên thời kỳ sau, còn Trường Định môn đã bị phá hủy. Khu vực bên trong Trấn Bình đài đã bị bỏ hoang nhiều năm, một phần diện tích bị các hộ dân lấn chiếm để xây nhà cửa…
Mời quý độc giả xem video: Choáng ngợp tuyệt tác kiến trúc bằng tăm giang của nghệ nhân Việt | VTV TSTC.
Những đồi núi phong thủy trứ danh của Cố đô Huế
Trong con mắt các vua nhà Nguyễn, núi Ngự Bình, núi Đại Thiên Thọ, đồi Hà Khê... là những đồi núi có tầm quan trọng đặc biệt về tâm linh đối với cố đô Huế.
1. Nằm ở bờ Nam sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, núi Ngự Bình - dân gian thường gọi ngắn gọn là núi Ngự - là ngọn núi biểu tượng, gắn với lịch sử hình thành và phát triển Cố đô Huế thời nhà Nguyễn.
Cao 103 mét, núi Ngự Bình có đỉnh bằng phẳng nên còn được gọi là Bằng Sơn. Bởi núi có hình dạng như một tấm bình phong, các đời chúa Nguyễn và vua Gia Long khi xây dựng kinh thành Phú Xuân đều đặt núi Ngự làm án (chắn ngang) trước thủ phủ theo thuật phong thủy.
Sách "Đại Nam dư địa chí ước biên" viết về ngọn núi này như sau: "Núi Ngự Bình, tục gọi là núi Bằng... vuông chằn chặn như bức bình phong, là bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành... Núi này là một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải qua các đời vua, ngọn núi trở thành một rừng thông xanh tốt.
2. Lăng vua Gia Long ở Cố đô Huế nằm trong một vùng đất rộng lớn với 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ. Trong đó, núi Đại Thiên Thọ là ngọn núi trung tâm, nằm đối diện với nơi vua an nghỉ. Tên núi cũng là tên toàn bộ khu lăng: Thiên Thọ Lăng.
Nếu núi Ngự Bình là tấm bình phong cho Kinh thành Huế thì núi Đại Thiên Thọ cũng có vai trò tương tự, là tiền án - bình phong che phía trước - của lăng mộ vua Gia Long.
Từ núi Đại Thiên Thọ có thể bao quát toàn bộ cảnh quan kỳ vĩ với đồi núi trập trùng, rừng cây xanh tốt của khu lăng mộ có quy mô lớn nhất Cố đô Huế.
Đỉnh của núi Đại Thiên Thọ nằm thẳng hướng với trục chính của lăng Gia Long và là địa điểm tốt nhất để cảm nhận vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên của lăng mộ vị vua khai sáng triều Nguyễn.
3. Nằm ở phía Tây Kinh thành Huế, đồi Hà Khê là nơi chùa Thiên Mụ - ngôi chủa nổi tiếng nhất Cố đô - tọa lạc. Tương truyền, ngọn đồi này đã được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm nơi khởi nghiệp của vương triều Nguyễn.
Theo lời kể của học giả phương Tây A. Bonhomme, khi đi tìm long mạch ở đất Phú Xuân, vị chúa Nguyễn đầu tiên đã khảo sát mọi ngọn núi, mọi dòng sông để rồi tìm ra thế đất tốt của đồi Hà Khê và lập chùa Thiên Mụ trên đó.
Trong con mắt của các chúa Nguyễn, đồi Hà Khê và chùa Thiên Mụ là nơi kết tụ linh khí của trời đất và núi sông, nơi "long bàn hổ cứ": Rồng uốn khúc nhìn lại chốn kinh thành và nơi cọp ngồi trên cao cất tiếng rống vang động cả dòng sông bên dưới.
Sau khi khôi phục Phú Xuân và lên ngôi, vua Gia Long đã cho tôn tạo chùa Thiên Mụ vào năm 1815. Nhân dịp này, ông đã nói với quần thần đại ý rằng: Đây là nơi linh thiêng của tiên đế ta đã chọn.
Hé lộ bất ngờ về tòa thành cổ bị bỏ hoang ở Huế Trấn giữ vị trí trọng yếu của tuyến đường thủy từ cửa biển vào kinh thành, tòa thành này được xây theo kiểu Vauban, có chu vi 1.048 mét, tường thành cao 5,10 mét dày gần 15 mét... Nằm bên một khúc ngoặt của sông Hương ở Đông Bắc Kinh thành Huế, Trấn Bình đài là một công trình cổ từng có vai...