Diêm dân phơi mình mưu sinh trong cái nắng “đổ lửa”
Những ngày qua TPHCM như “chảo lửa”, nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C, cái nắng bỏng rát ấy khiến nhiều ngán ngẩm. Nhưng có một nơi, người dân lại mong trời thêm “đổ lửa”, mong nắng nóng kéo dài để những hạt muối trắng mau kết tinh, tạo hình.
Diêm dân tại huyện Cần Giờ trên ruộng muối của mình trong những ngày Sài Gòn nắng như “đổ lửa”
Tìm đến huyện Cần Giờ (TPHCM – huyện duy nhất tại thành phố sản xuất muối) vào những ngày nắng cháy, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự vất vả, cực nhọc của những diêm dân, những người đang giữ lại nét văn hoá truyền thống của một làng nghề độc nhất tại thành phố mang tên Bác. Nghề muối của huyện được hình thành từ rất lâu, góp phần đa dạng hóa ngành nghề địa phương, thu hút hơn 673 hộ sản xuất tạo việc làm cho 2.870 lao động, hàng năm sản xuất trên 90.000 tấn muối cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam.
Với người diêm dân, họ luôn mong muốn có thêm những ngày nắng như “đổ lửa” để hạt muối nhanh tạo hình
Theo Phòng kinh tế huyện Cần Giờ, niên vụ muối năm 2013 – 2014, huyện Cần Giờ có tổng diện tích 1.521,6 ha (đạt tăng hơn so với kế hoạch 1,6 ha), trong đó, xã Lý Nhơn 870 ha, xã Thạnh An 400 ha, xã Long Hòa 194 ha và thị trấn Cần Thạnh 56 ha. Sản xuất với sản lượng ước tính trên 25.560 tấn (muối đất: 16.982 tấn, muối bạt: 8.580 tấn). Tính đến đầu tháng 3/2014, toàn huyện đã tiêu thụ trên 17.100 tấn, chiếm hơn 67% sản lượng toàn niên vụ. Từ đầu năm đến nay, giá muối giao động từ 1.000 đến 1.400 đồng tùy theo loại đảm bảo có lãi cho diêm dân làm muối.
Nghề muối luôn được xem là nghề cực nhọc nhất
Tuy nhiên, các khu vực sản xuất muối tập trung tại huyện Cần Giờ phần lớn là những vùng sâu, khó khăn do cách trở về giao thông, không có điện và hoàn toàn thiếu nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt, nhà ở còn tạm bợ, đời sống của nhân dân làm muối thuộc diện khó khăn nhất trong các nghề lao động do thường xuyên tiếp xúc với nước muối có nồng độ cao và ngoài trời nắng nóng. Diêm dân phải luôn tranh thủ năng lượng mặt trời, với họ những ngày nắng như đổ lửa vừa qua là cơ hội để gia tăng sản xuất.
Thu nhập bình quân của một lao động làm muối chuyên nghiệp (lao động kỹ thuật) khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, của một lao động kiêm (lao động phổ thông) khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (trong thời vụ từ 4 – 5 tháng).
Những người diêm dân không sợ mất mùa nhưng sợ muối mất giá do thị trường tiêu thụ không ổn định
Để phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống và các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững trong tương lai, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại về người diêm dân tại huyện Cần Giờ phơi mình dưới cái nắng như “đổ lửa” làm muối:
Một góc cánh đồng muối tại huyện Cần Giờ
Video đang HOT
Những người diêm dân bám trụ với nghề
Một diêm dân cào muối dưới cái nắng “đổ lửa”
Những hạt muối trắng được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức của diêm dân
Gánh nặng mưu sinh đang đè lên vai những diêm dân tại Cần Giờ
Thành quả sau nhiều ngày lao động vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Trung Kiên
Theo Dantri
Cho em con mắt và câu chuyện lấp lánh lòng nhân
Ông lão 72 tuổi bao nhiêu năm chăm bẵm đứa em gái mù 65 tuổi như người mẹ chăm con và sẵn sàng được hiến một mắt của mình cho em gái được nhìn thấy ánh sáng...
Bà lão ngoài 80 tuổi, quanh năm thiếu thốn trăm bề, nhưng vẫn để dành một số tiền nhỏ nhoi, rồi lặn lội gió mưa mang đến cho một người mù không quen biết chữa mắt. Những câu chuyện cảm động được kể sau đây một lần nữa khẳng định rằng tình thương, lòng nhân ái trên cuộc đời này không phải là điều gì đó xa xỉ...
Chỗ nương tựa duy nhất của bà Tính mù là người anh trai Nguyễn Văn Cẩm.
"Nếu em chết" và 5 bát hương ...
Cơ duyên đưa tôi đến với ngôi nhà trọ tồi tàn trong cái ngõ sâu hun hút ngay dưới chân cầu Xi Măng (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là từ sự "rủ rê" của nhóm bạn trong một hội thiện nguyện mang tên Niềm Tin. Căn nhà trọ bé tẹo là nơi nương náu của 2 bác cháu, một nằm liệt giường còn người kia mù 2 mắt. Ông lão ngoài 70 tuổi đang nấu cơm chạy ra, luống cuống trải chiếc chiếu xuống nền đất mời khách ngồi, còn bà lão mù cứ huơ đôi tay vào khoảng không vô định. Bà mở lời "anh trai cô đấy, nếu không có anh ấy, hai bác cháu cô chắc chết từ lâu rồi".
Hàng xóm thường gọi bà Tính mù, nhưng thực ra bà mới mù mấy năm nay. Trước đây bà cũng có một gia đình êm ấm cùng chồng và 3 đứa con, nhưng tai họa cứ từ từ ập xuống gia đình bà như con bệnh ung thư phá hủy từng phần của cơ thể. Năm 1993, con gái đầu lòng của ông bà mắc bệnh thấp khớp di chứng rồi qua đời ở tuổi 23.
10 năm sau, con gái thứ 2 mắc căn bệnh lu gút ban đỏ. Ông bà Tính phải bán căn nhà để chữa trị cho con, nhưng tiền mất mà con vẫn không giữ được. Mất 2 đứa con gái, những tưởng ông trời còn thương tình giữ lại cho ông bà đứa con trai tên là Ngô Quang Trụ. Tuy vậy, anh Trụ cũng bỏ ông bà khi 33 tuổi vì căn bệnh ung thư phổi.
Liên tiếp mất 3 đứa con, phải bán nhà đi ở trọ nhưng tai họa vẫn chưa buông tha vợ chồng ông bà. Một ngày đầu năm 2010, khi bà Tính vừa đẩy nồi cháo ra bán ở chỗ quen thuộc thì có 1 thanh niên phóng xe máy tới, hất cả ca axít vào mặt bà rồi phóng mất dạng. Lúc đó đang là trời rét, bà đeo khẩu trang, đội mũ len nên axít không làm biến dạng khuôn mặt, nhưng 2 mắt bị bỏng nặng rồi mù hẳn. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan công an đã khởi tố, vào cuộc điều tra, nhưng sự việc giậm chân tại chỗ, chưa tìm ra thủ phạm!
Cho đến nay cũng không có ai, kể cả bà, biết được nguyên nhân vì sao bà bị tạt axít ngoài những lời đồn đoán vu vơ về mâu thuẫn giữa 2 hàng bán cháo cạnh nhau...
Bị mù 2 mắt, bà Tính còn lại chỗ bấu víu duy nhất là chồng. Tuy vậy, đầu năm 2012 chồng bà đột ngột qua đời sau 1 cơn tai biến mạch máu não.
Một gia đình vốn đầy đủ vợ, chồng, con, nhưng tới nay gia đình ấy chỉ còn lại 4 bát hương và một bà lão mù, không nhà cửa, chẳng một nguồn thu nhập. Những người hàng xóm trong cái xóm trọ nghèo đã đôi ba lần thấy bà Tính mù dò dẫm lần mò ra bờ sông định tự tử.
Ông Nguyễn Văn Cẩm - anh trai bà Tính - từng không ít lần rợn người khi nghe cô em thủ thỉ: "Anh ơi, nếu sáng ra anh đến mà không thấy em nữa thì anh hãy đem 5 cái bát hương nhà em mang ra chân cầu Xi Măng thả xuống sông nhé. Nhà em sinh ra từ đấy thì cũng xin trở về đấy cho xong một kiếp người!".
Tôi xin lấy một mắt của mình cho em
Mấy năm qua rồi, bà Tính giờ đã thôi cái ý định cùng quẫn là gieo mình xuống dưới chân cầu Xi Măng tự vẫn. Điều giữ bà Tính ở lại cõi đời này là sự đùm bọc của những người lao động nghèo ở cái xóm trọ chân cầu và hơn cả là tình thương của người anh đối với bà.
Giấy khai sinh của ông là Nguyễn Văn Cẩm, nhưng thực ra ông mang họ Dương - Dương Hồng Cẩm. Nhìn cảnh ông lão 72 chăm bẵm đứa em gái 65 tuổi như người mẹ chăm con, không ai nghĩ ông Cẩm với bà Tính chỉ là anh em cùng mẹ khác cha. Ký ức của ông về bố mờ nhạt như sương khói, vì mẹ con ông rời nhà lưu lạc khi ông còn rất nhỏ, ông chỉ được mẹ nói lại là bố ông họ Dương.
Không thể nuôi con, người mẹ đã phải cho ông để một gia đình ở Hà Nội nuôi nấng. Ông cũng có thời gian dài lang thang kiếm sống vỉa hè khi bỏ khỏi nhà người nhận nuôi mình. Khi đã là một chàng thanh niên, ông Cẩm mới tìm được mẹ lúc này đã đi bước nữa và có thêm mấy đứa con trong đó có bà Tính.
Nhắc đến anh là bà Tính khóc: "Anh ấy khổ vì tôi quá. Cả tuổi thơ không được ai chăm sóc, đến lúc lớn về nhận mẹ được mấy năm thì mẹ chết. Từ bé tôi đã được anh ấy chăm sóc, đến giờ vẫn vậy".
Anh em "kiến giả nhất phận", nhưng ông Cẩm không đành lòng nhìn cảnh đứa em gái mình mù lòa, một mình côi cút trong căn nhà trọ.
"Tôi là anh trai nó, tôi không chăm nó thì nó chẳng biết bấu víu vào đâu"- câu nói thật, chất phác của ông Cẩm dường như là điều đương nhiên về tình máu mủ, nhưng thực tế không phải người anh nào cũng làm được.
2 năm qua, mưa cũng như ngày nắng, ông cùi cụi đạp xe từ nhà mình đến căn nhà trọ của em gái. Bao năm qua, lịch của ông không thay đổi: Sáng đạp xe đến, nấu cơm, chăm em đến 10 giờ tối lại đạp xe về.
Trước đây, ông còn phải chăm một người bác (chị ruột của mẹ) gần trăm tuổi cũng thuê trọ ở nơi khác, nhưng từ khi người em mù ông đưa bác về sống với em để tiện chăm sóc. Gia đình không khá giả gì, ông phải dành một phần lương của mình thuê nhà trọ cho em, rồi tiền ăn, tiền điện, nước khiến hàng xóm nhiều lần chứng kiến mấy bác cháu, anh em ông chỉ ăn cơm với cá khô mấy tuần liền.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh em bà Tính mù xoay sang hướng khác khi ông Cẩm rụt rè đề đạt nguyện vọng: Các cô chú đã đến đây với anh em tôi với tấm lòng thiện nguyện, tôi lâu nay luôn có một mong muốn là cho em tôi một con mắt của mình để em nó có thể nhìn thấy ánh sáng. Các cô chú giúp tôi liên hệ xem có chỗ nào mổ mắt miễn phí giúp tôi với". Nghe người anh nói câu chuyện, bà Tính mù chợt rùng mình, không nói gì nhưng từ hai hốc mắt bà lão ứa ra những giọt nước mắt mờ đục.
Những phương án kêu gọi mổ ghép mắt miễn phí cho anh em bà Tính mù lập tức được các thành viên trong nhóm thiện nguyện Niềm Tin bàn bạc, nhưng rồi họ phải bỏ kế hoạch khi bà Tính rụt rè lên tiếng: "Các cháu ơi, thật ra từ mấy năm trước anh cô đã nhiều lần nói về ý định này. Nhưng cô nghĩ kỹ rồi, anh cô khổ về cô nhiều quá, cô dù chết cũng không dám nhận đâu".
Tình thương lan tỏa
Cuối năm 2013, trên các diễn đàn mạng từ thiện ở Hải Phòng lan truyền câu chuyện một chàng trai viết những dòng tâm sự "các anh chị ơi, cứu người yêu em với". Người yêu của chàng thanh niên này là Nguyễn Thị Ngà. Mẹ mất sớm, bố bỏ đi, Ngà sống với bà ngoại trong một căn nhà trọ tồi tàn ở xóm Trung, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Một mối tình đẹp đã đến với Ngà khi một thanh niên nghèo đem lòng yêu. Đến lúc chuẩn bị cưới Ngà mới biết mình đang mang căn bệnh ung thư.
Cả hai đều nghèo, nhìn cảnh người yêu vật vã đau đớn mà không có thuốc chữa, chàng trai bỏ qua sĩ diện cá nhân, lên mạng xã hội với nick name Hong Diep Vu viết những lời thống thiết xin mọi người hãy cứu người yêu mình. Gần 100 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện quyên góp giúp Ngà chữa trị. Tuy vậy, số tiền đó chỉ đủ để cô gái sống thêm một thời gian ngắn, Ngà đã chết cuối tháng 2/2014.
Nhưng câu chuyện về cô gái tên Ngà bị ung thư thì liên quan gì đến bà Tính mù? Số là một buổi chiều muộn, căn nhà trọ của anh em bà Tính mù tiếp nhiều vị khách. Những giọt nước mắt lại tuôn chảy khi ông Cẩm quỳ thụp xuống lạy một bà lão tuổi ngoài 80 rồi khóc thành tiếng: "Bà ơi, đường sá xa xôi mưa gió thế mà bà vẫn đến với chúng tôi, lại cho tiền để em nó đi chữa mắt. Ơn này biết kể sao hết được. Xin bà hãy nhận ở tôi một lạy...".
Ông Cẩm quỳ lạy trước tấm lòng của cụ Thành.
Bà lão đến thăm anh em ông Cẩm là cụ Lê Thị Thành (bà ngoại Ngà). Khi Ngà qua đời, số tiền mà những tấm lòng thiện nguyện quyên góp cho Ngà vẫn còn dư 4,5 triệu đồng. Nghĩ tới hoàn cảnh thương tâm của bà Tính, cụ Thành đã gói lại số tiền trên, đem đến tặng lại bà Tính dù bản thân mình hằng ngày còn thiếu thốn trăm bề.
Ở tận cùng của sự bất hạnh, tình máu mủ anh em đã giữ bà Tính mù ở lại cõi đời. Và nay, dù không còn nhiều hy vọng thấy lại được ánh sáng, nhưng người đàn bà này càng thêm những lý do để sống...
Theo Phạm Việt Hòa
Lao Động
Lập kho lưu trữ ADN, ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ vô danh Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến năm 2015, cả nước sẽ xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân để phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính. Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo cấp...