Điềm báo của Obama về vụ thảm sát hộp đêm đẫm máu
Tổng thống Obama đã đưa ra cảnh báo về khả năng một vụ tấn công bằng súng do những phần tử ủng hộ IS thực hiện, tương tự thảm sát ở Orlando, chỉ 2 ngày trước khi sự việc xảy ra.
Trong buổi nói chuyện ở Elkhart, bang Indiana, ngày 8.6 về mối đe dọa có thực của tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama nói: “Hôm nay tôi vừa dự một cuộc họp. Tại đó tôi được biết về những người có liên hệ với các trang web của IS, hiện sống tại Mỹ – những công dân Mỹ”. Obama nhắc tới tên viết tắt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Chúng ta được phép đưa họ vào danh sách những người bị cấm bay của các hãng hàng không. Nhưng do quy định của Hiệp hội súng trường Quốc gia, tôi không thể cấm những người đó mua súng. Đó có thể là một người có cảm tình với IS. Và nếu anh ta muốn tới một cửa hàng súng hoặc cuộc triển lãm ngay lúc này để mua vũ khí và đạn dược thỏa thích, không điều gì có thể ngăn cản anh ta. Dù FBI biết người đó là ai”, Tổng thống Obama nói.
Tổng thống Mỹ Obama tại buổi nói chuyện trước công chúng hôm 8.6. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên chỉ hai ngày trước vụ xả súng đẫm máu tại hộp đêm dành cho người đồng tính Pluse, thành phố Orlando, bang Florida, hôm 12.6. Sự việc khiến 50 người chết và 53 người bị thương. Phát biểu được coi là “điềm báo” nhưng thực chất việc sở hữu súng tràn lan là mối lo ngại bấy lâu nay của vị tổng thống.
Ông Obama từng nhiều lần kêu gọi việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Hồi đầu tháng 1, phát biểu trước người dân Mỹ, ông đưa ra những biện pháp nhằm kiểm soát bạo lực súng đạn. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng nhiều lần không kìm nén được cảm xúc khi phát biểu về các vụ thảm sát liên quan tới việc sử dụng vũ khí dễ dãi tại Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề phản đối kiểm soát súng trong Quốc hội Mỹ có sự phân hóa rõ rệt.
Nghi phạm gây ra vụ thảm sát tại thành phố Orlando là Omar Mateen, 29 tuổi. Tên này đã đấu súng với một sĩ quan cảnh sát bên ngoài hộp đêm vào lúc 2h, trước khi xông vào tòa nhà, giết nhiều người và bắt con tin. IS đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ xả súng. Ngay trước khi ra tay tàn sát những người vô tội, Mateen được cho là gọi tới số 911 để tuyên bố trung thành với tổ chức cực đoan.
FBI theo dõi Mateen từ năm 2013 vì những phát biểu khiêu khích với đồng nghiệp. Tên này tiếp tục bị điều tra một năm sau đó vì có liên hệ với Moner Abu Salha, một tân binh thuộc al-Qaeda. Abu Salha lớn lên ở Vero Beach (bang Florida) và sau đó chết trong một cuộc tấn công tự sát tại Syria vào năm 2014 khi chiến đấu cho nhóm Mặt trận Nusra có liên hệ với al-Qaeda. Nhưng cuối cùng, FBI đã không truy nã Mateen, theo CNN.
Video đang HOT
Trước đó, phát biểu về vụ tấn công tại hộp đêm Pluse, Tổng thống Obama gọi đây là “hành động khủng bố”. “Đây là một ví dụ về kiểu cực đoan tự phát trong nước mà tất cả chúng ta đều đã lo ngại”, ông Obama nói về vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ.
Theo Hải Anh (Zing)
Vụ thảm sát hộp đêm - khúc cua có thể thay đổi cuộc đua vào Nhà Trắng
Vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm ở Orlando có thể tạo nên những thay đổi quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả của cả hai ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Sĩ quan thuộc đội SWAT có mặt tại hiện trường. Ảnh: AP
Sáng sớm ngày 12/6, một người đàn ông đã xả súng vào đám đông bên trong câu lạc bộ đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương.
Trong khi cảnh sát và nhà chức trách Mỹ đang đẩy mạnh điều tra về thảm sát đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ này, thì hai ứng viên chính trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là Hillary Clinton và Donald Trump dường như đang tận dụng triệt để vụ việc để ghi điểm đối với cử tri Mỹ, theo CNN.
Bình luận viên Julian Zelizer của CNN nhận định rằng trên thực tế, trong mọi trường hợp các hành động khủng bố diễn ra vào giữa năm bầu cử, các bên đều tìm cách điều chỉnh lại chiến dịch tranh cử để phù hợp với tình hình, hoặc tìm cách sử dụng vụ việc để tấn công trực tiếp vào đường lối tranh cử của đối thủ.
Zelizer lý giải rằng hoạt động tranh cử của các ứng viên luôn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những cuộc khủng hoảng bất ngờ về an ninh quốc gia và dù muốn hay không, các ứng viên sẽ cần đưa ra những phản ứng được "chính trị hóa" nhằm đảm bảo rằng các đối thủ không thể giành được lợi thế.
Trong trường hợp này cả bà Clinton và ông Trump đều nhanh chóng có những động thái phản ứng và không hề muốn sự việc ảnh hưởng bất lợi đến các tuyên bố cũng như đường lối tranh cử liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế quyền sở hữu súng đạn đối với người dân Mỹ, một quyết tâm đi ngược với quan điểm của đảng Cộng hòa mà Tổng thống Obama đã theo đuổi trong suốt hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng.
Bên cạnh đó bà còn lên tiếng công kích quan điểm được đánh giá là "ấu trĩ" của tỷ phú bất động sản liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nhấn mạnh việc giữ cho nước Mỹ an toàn đồng nghĩa với việc đánh bại các nhóm khủng bố quốc tế. Muốn làm được điều này Mỹ phải hợp tác tốt với các đồng minh và đối tác để truy lùng chúng, ngăn trở chúng tuyển mộ người. Quan điểm coi nhẹ quan hệ đồng minh của Donald Trump là mối đe dọa thực sự đến an ninh quốc gia.
Lợi thế đang nghiêng về Donald Trump?
Tuy nhiên, bình luận viên Laure Mandeville của Figaro nhận định, xét về tổng thể, vụ xả súng đẫm máu này dường như sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo Mandeville, vụ việc có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng tâm lý bất an, lo ngại về những mối nguy hiểm từ các tổ chức khủng bố vốn đã giết hại hàng trăm người trong 18 tháng qua, trong cộng đồng cử tri Mỹ.
Sau sự việc, các cử tri có thể nhận ra ônng Trump đã đúng ở một khía cạnh nào đó. Sự việc diễn ra ở hộp đêm khẳng định lời cảnh báo của ông về mối đe dọa của Hồi giáo cấp tiến đang hiện hữu ở Mỹ.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Obama, ứng viên đảng Cộng hòa lập tức chỉ ra rằng ông "đã đúng" khi cảnh báo về mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo cực đoan và chỉ trích rằng việc ông chủ Nhà Trắng không đề cập đến cụm từ "Hồi giáo cực đoan" trong bài phát biểu sau vụ thảm sát cũng đủ khiến ông phải từ chức. Trump đồng thời khẳng định nếu bà Hillary Clinton sau vụ này cũng không thể nhắc đến cụm từ đó thì cũng nên từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Salon.com
Theo Zelizer, mặc dù chưa có kết luận chính thức về động cơ của kẻ gây án, thực tế là vụ việc diễn ra tại một hộp đêm dành cho những người đồng tính. Điều này cho thấy tâm lý chống đồng tính luyến ái, một đặc điểm tâm lý nổi bật ở các nhóm Hồi giáo cực đoan, chính là một trong những động cơ của nghi phạm.
Hơn nữa, vụ việc cũng khiến bản thân bà Clinton sẽ phải gánh chịu nhiều áp lực. Như khẳng định trong thông điệp của mình, Trump và các nghị sỹ Cộng hòa sẽ dùng bi kịch này để đưa ra các câu hỏi chất vấn về những kinh nghiệm liên quan đến việc đảm bảo an ninh quốc gia của đảng Dân chủ và bản thân đội ngũ tranh cử của bà Clinton.
Tỷ phú bất động sản chắc chắn sẽ chỉ trích rằng cuộc tấn công vừa qua như một bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama, đồng minh của bà Clinton, không đủ mạnh mẽ và quyết đoán trong cuộc chiến chống IS cũng như không có các biện pháp hợp lý để ngăn chặn những cuộc tấn công của các "con sói đơn độc" nhằm vào những dân thường vô tội.
"Đối với Trump, vụ xả súng kinh hoàng này chính là lời chứng minh cho tính đúng đắn của những tuyên bố đầy tranh cãi do ông đưa ra, liên quan đến Hồi giáo và người nhập cư", Zelizer đánh giá.
Tuy nhiên, sự sợ hãi và hoảng loạn sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi và tâm lý nghi ngờ hơn từ phía các cử tri rằng liệu ông Trump có đáng tin cậy để kiểm soát một vụ tấn công khủng bố và liệu ông có đủ kiến thức, khí chất, sự khôn ngoan và bản lĩnh lãnh đạo đất nước vượt qua những vụ việc kiểu này.
Hơn nữa, những tuyên bố của tỷ phú bất động sản cũng có thể trở thành mục tiêu chỉ trích của những người đối lập cho rằng những phản ứng "mang tính bản năng" thường thấy của ông là bằng chứng xác thực rằng ông không đáng tin về năng lực và trách nhiệm.
"Cả hai ứng viên đều đang nỗ lực sử dụng vụ việc như một cơ hội để chống lại đối thủ. Mỗi bên đều có những lý lẽ và lập luận riêng. Ứng cử viên nào biết cách định hướng và tranh thủ một cách khôn khéo tâm lý của cử tri, người đó sẽ vượt lên trong khúc cua bất ngờ nhưng quan trọng này", bình luận viên Mandeville nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
"Thủy quái" liên tiếp dạt bờ: Điềm báo gì? Sự xuất hiện của những sinh vật sống sâu dưới đáy đại dương có thể là tín hiệu của một trái đất đang "rối loạn chức năng" gửi đến con người. Xác một con cá voi mõm khoằm chết đói trên bờ biển Úc ngày 16.5 Mùa xuân năm 2016 có vẻ là một mùa xuân đặc biệt trên thế giới khi có...