Dịch vụ vắng khách vì người dân Hà Nội còn ‘e dè’ dịch bệnh
Ngày đầu tiên Hà Nội tiếp tục “nới” nhiều dịch vụ công cộng, nhưng nhìn chung người dân Hà Nội còn “e dè” nên phần lớn các cơ sở, dịch vụ này vẫn còn khá vắng khách.
Ngày đầu tiên xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Từ 6 giờ ngày 14/10, tại Hà Nội, xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được mở cửa nhưng không quá 50% công suất; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ… Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhìn chung người dân Hà Nội còn “e dè” khi sử dụng các dịch vụ công cộng nên phần lớn các cơ sở, dịch vụ này vẫn còn khá vắng khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long, từ ngày 14/10, thành phố cho phép vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại; trong đó, xe buýt hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được Sở Giao thông vận tải phê duyệt.
Các đơn vị vận tải taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ cũng được hoạt động không vượt quá 50% số xe đã được cấp phù hiệu còn hiệu lực và cam kết đảm bảo hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo. Đặc biệt cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”.
Sau gần 3 tháng tạm dừng hoạt động, các lái xe và nhân viên xe buýt có mặt từ rất sớm để nhận xe và chuẩn bị phương tiện phòng dịch cho hành khách trên xe.
Tại điểm BRT Kim Mã, từ 5 giờ 30 phút sáng 14/10, những chiếc xe buýt đã bắt đầu lăn bánh. Anh Hoàng Quốc Bảo, lái xe tuyến BRT 01 cho biết, thời gian nghỉ dịch thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng nên khi nhận được tin xe buýt hoạt động trở lại anh em trong phòng rất phấn khởi. Anh đã dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ cho công việc hôm nay.
Cũng giống nhân viên xe buýt, các lái xe công nghệ cùng chung tâm trạng háo hức khi được đi làm trở lại. Anh Nguyễn Đinh Đức lái xe cho hãng taxi Vạn Xuân cho biết, vợ chồng anh có 3 con đang tuổi đi học nên thời gian anh phải nghỉ làm do dịch bệnh kinh tế gia đình cũng khó khăn. Được đi làm trở lại anh rất vui, nhưng không khỏi lo lắng vì nguy cơ dịch bệnh vẫn cận kề.
“Công ty có nhiều người về quê chưa trở lại thành phố đi làm. Anh em hãng Taxi Vạn Xuân chạy cả taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ nhưng gần hết ngày hôm nay tôi cũng mới chạy được 4 chuyến, trong khi bình thường trước đó mỗi ngày cũng được 10 chuyến. Dịch bệnh tôi cũng muốn chuyển nghề, nhưng tìm được nghề phù hợp cũng khó”, anh Nguyễn Đinh Đức chia sẻ.
Video đang HOT
Nhiều hành khách đã di chuyển bằng phương tiện xe buýt trong ngày hoạt động trở lại (ảnh chụp sáng 14/10 trên xe tuyến 34: Bến xe Gia Lâm – Bến xe Mỹ Đình). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Dạo một vòng qua các điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt, dù giờ cao điểm buổi sáng nhưng xe buýt khá vắng khách. Chờ xe buýt trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, chị Minh Hà cho biết, trước đây xe buýt chạy trên tuyến này rất đông khách, tuy nhiên hôm nay, dù Hà Nội đã nới lỏng giãn cách nhưng xe buýt vẫn rất vắng, do phần lớn sinh viên vẫn ở quê học online và người dân vẫn còn lo ngại dịch bệnh.
Tại điểm chờ xe buýt nằm ven hồ Linh Đàm, đối diện các toà nhà HH vốn là điểm đông khách đi xe buýt, vào khoảng 11 giờ trưa chỉ có một cụ cao niên cầm ô che mưa đứng chờ tuyến buýt 36 để lên Yên Phụ đã hơn 40 phút vẫn chưa đón được xe.
Cụ ông Nguyễn Văn Nam, hành khách nêu trên cho biết, hàng ngày cụ vẫn đi xe máy, nhưng nay trời mưa gió phải đón xe buýt, chứ việc di chuyển bằng phương tiện công cộng khi dịch bệnh thế này khiến cụ chưa yên tâm lắm. Tuy nhiên, qua mấy đợt dịch, người dân cũng đã ý thức phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Khi chiếc xe buýt số 36 đến điểm đón khách, ngoài cụ ông còn có thêm 4 thanh niên vừa chạy ra từ chỗ trú mưa lên xe, tất cả đều đeo khẩu trang và ngồi giãn cách trên xe.
Dù vắng khách nhưng chiếc xe buýt chạy tuyến 36 nêu trên còn may mắn hơn các xe buýt 60A (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp – Công Viên Nước Hồ Tây) hay tuyến 05: Khu đô thị Linh Đàm – Phú Diễn (Trại Gà) chạy qua nhà chờ Khu đô thị Linh Đàm chỉ có 1 – 2 khách. Còn chiếc xe chạy tuyến Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Nước Ngầm khi qua khu Linh Đàm thì xe “rỗng”, trên xe không có khách nào.
Cùng chung cảnh vắng khách, nhiều lái xe taxi, xe công nghệ cũng “đói khách” ngày đầu tái khởi động do người dân còn “e dè” khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng.
Để đảm bảo phòng dịch COVID – 19, phương tiện chạy trên các tuyến buýt luôn có sẵn nước sát khuẩn tay dành cho khách, các biển báo chú ý và mã QR để người đi xe thực hiện theo đúng quy định Bộ Y tế. Ngoài ra, tất cả nhân viên phục vụ trên xe đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID – 19. Trước khi xe buýt khởi hành, lái xe ký giấy vào lệnh điều động, kiểm tra an toàn, thiết bị trên xe.
Đối với taxi và xe công nghệ thì một số lái xe chỉ nhắc nhở nếu hành khách không đeo khẩu trang, còn trên xe không thấy có nước sát khuẩn tay.
Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho vận hành 50% công suất số xe, chia làm 13 tuyến và nhánh tuyến. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Theo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, ngày 14/10, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã mở 118 tuyến buýt, thời gian phục vụ trong ngày 14/10 từ 6 – 21 giờ, từ ngày 15/10 trở đi hoạt động từ 5 giờ 30 phút – 21 giờ. Tần suất phục vụ 50% biểu đồ chạy xe (50% số lượt theo từng tuyến, tương đương khoảng 5.351 lượt xe/ngày), giãn cách chạy xe từ 10-30 phút/lượt, tùy theo từng tuyến.
Đối với 3 tuyến kết nối các tỉnh lân cận như Bắc Ninh (tuyến số 10, 54), Hưng Yên (tuyến số 40), Vĩnh Phúc (tuyến số 95), Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức điều chỉnh tạm thời chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cùng với dịch vụ vận tải, các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, bảo tàng, công viên, vườn hoa… ngày hôm nay (14/10) cũng đã mở cửa đón khách nhưng lượng khách vẫn còn khá thưa thớt. Do đã có kinh nghiệm từ những đợt dịch trước đó nên hầu hết các cơ sở và người dân khi đến các nơi này đều ý thức tuân thủ 5K phòng chống dịch.
Chủ quán Hà Nội tất bật dọn dẹp để mở cửa trở lại
Theo Công điện số 21, Hà Nội cho phép cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, nhiều chủ quán dọn dẹp hàng quán xuyên đêm để có thể bán hàng từ sáng ngày 14/10.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức vào tối 13/10, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu dọn dẹp để chuẩn bị mở bán trở lại.
Tại quán cà phê 37 đường Cù Chính Lan (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân), khi nghe tin được mở cửa trở lại từ 6 giờ ngày 14/10, anh Thuận chủ quán đã tiến hành dọn dẹp cửa hàng ngay trong tối 13/10.
Quán đóng cửa gần 3 tháng nay.
Cơ sở dán mã QR để khách đến mua hàng khai báo. Đây là điều kiện bắt buộc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Chủ quán dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc ngay trong đêm để sẵn sàng đón khách sau nhiều ngày đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19
Một quán bún trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) cũng lau dọn ngay trong đêm.
Do nhân viên tại cửa hàng nghỉ hết sau khi dịch bùng phát nên chủ quán phải tự tay làm mọi việc dọn dẹp cửa hàng.
Ngay trong đêm, chị chuẩn bị chế biến nồi nước dùng để kịp bán cho khách ăn sáng.
Tuy có hơi gấp gáp về thời gian nhưng chủ quán rất vui khi khách hàng được ăn tại chỗ, lượng khách sẽ tăng lên đáng kể.
Mặc dù trước đó được bán mang về, tuy nhiên lượng khách sụt giảm 70% do phở là phải món ăn phải nóng mới ngon.
Chiếc biển bán mang về được hạ xuống cất vào trong nhà.
Từ 6 giờ 00 phút ngày 14/10, TP Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thêm hai đường bay nội địa được thí điểm mở trở lại Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký Quyết định 1786/QĐ-BGTVT, bổ sung thêm 2 đường bay vào khai thác trong thời gian thí điểm. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải quyết định bổ sung thêm đường bay TP Hồ Chí Minh - Cà Mau và Hà Nội - Điện Biên vào danh sách các đường bay thí...