Dịch vụ trông trẻ trực tuyến lên ngôi
Khi cần họp online với đồng nghiệp, khó để mắt tới con gái 6 tuổi, Jennika Aronowitz, ở Los Angeles thuê bảo mẫu trông trẻ qua màn hình máy tính.
Từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Jennika Aronowitz, 44 tuổi, phải làm việc từ xa, con gái 6 tuổi cũng được nghỉ học. Ngày thường, bà mẹ dành buổi sáng để dạy con học bài và làm việc vào thời gian còn lại trong ngày.
Tuy nhiên, những hôm cần tập trung làm việc hoặc tham gia các cuộc họp quan trọng tại công ty, Jennika phải nhờ đến dịch vụ trông trẻ trực tuyến, giúp cô cầm chân con gái khoảng một giờ.
Trong thời gian mẹ bận rộn, con gái Jennika ngồi tại phòng khách, bày trò chơi và trò chuyện với một bảo mẫu thông qua phần mềm Zoom trên máy tính xách tay. Jennika mua gói dịch vụ trông trẻ trực tuyến từ công ty cho thuê bảo mẫu Babysitting, trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida. Công ty tính phí 36 USD (khoảng 840.000 đồng) cho 45 phút trông trẻ online. Khách hàng phải trả ít nhất bốn giờ để đăng ký dịch vụ, có thể tùy chọn thời gian sử dụng.
Hai tháng bó chân trong nhà vì Covid-19, nhiều phụ huynh Mỹ chia sẻ không thể cùng lúc làm việc, chăm con và dạy con học bài. Những hoạt động vốn là nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường đặt lên vai phụ huynh khiến họ khó có thể xoay sở. Dịch vụ trông trẻ trực tuyến đang là biện pháp hỗ trợ được ưa chuộng.
Rachel Charlupski, người sáng lập Babysitting cho biết khi trường học chuyển sang trực tuyến, công ty đã đào tạo lại nhân viên chăm sóc trẻ em để có thể sử dụng công nghệ và tương tác với trẻ em qua phần mềm ảo. Điểm mới trong đào tạo là người trông coi phải tìm cách thu hút và tương tác với trẻ qua Internet.
Mỗi bảo mẫu phải lập kế hoạch trông nom ảo dựa trên sở thích, độ tuổi của trẻ dùng dịch vụ. Các hoạt động thường được tổ chức là vẽ tranh, ca hát, thiền, chơi Lego, khiêu vũ nhưng đôi khi các em có ý tưởng riêng và bảo mẫu phải phối hợp tự nhiên. Với trẻ đã đi học, bảo mẫu có nhiệm vụ giúp các em làm bài tập, tổ chức hoạt động kích thích tư duy Toán học.
Victoria Rodriguez tương tác cùng trẻ 3 tuổi, sống tại thành phố San Francisco, bang Florida, Mỹ qua phần mềm Zoom. Ảnh: Heather Kelly/ Washington Post.
Victoria Rodriguez, nhân viên tại Babysitting, kể trong một giờ online, cô thường hỏi chuyện, vẽ, hát bài Baby Shark hoặc tập yoga cùng trẻ. Mặc dù không phải hầu hết hoạt động đều thành công, ví dụ hỏi chuyện nhưng đôi khi trẻ mới trả lời, Victoria nhận xét các em vẫn hào hứng khi có người trò chuyện.
“Khó khăn lớn nhất là lúc trẻ rời khỏi camera máy tính, phải thuyết phục các bé quay lại màn hình”, Victoria nói.
Elizabeth Harz, người sáng lập mạng lưới kết nối cha mẹ và bảo mẫu Sittercity, trụ sở tại bang Massachusetts, cho biết nhu cầu sử dụng dịch vụ trông trẻ ảo trong tháng 4 đã tăng 700% so với tháng 3 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Theo kinh nghiệm của tôi, hoạt động này dành cho trẻ 5 tuổi trở lên. Trẻ 3 tuổi không hiểu và cũng không thích tương tác với người lạ qua màn hình”, cô nói và cho hay dịch vụ chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn như một giờ mỗi lần. Bảo mẫu ảo sẽ không thể giữ chân trẻ cả ngày giống như trong hoạt động truyền thống.
Ngoài tìm đến các dịch vụ giữ trẻ, nhiều cha mẹ tại Mỹ đã nhờ ông bà sống ở xa chăm cháu qua Internet để tiết kiệm chi phí. Maura Jones, làm việc tại bang Alaska, đã kết nối với cha mẹ ở bang Maryland làm bảo mẫu online cho con gái 5 tuổi. “Sau khi tôi bật FaceTime, con gái chui vào phòng ngủ để chơi với ông bà, dành cho tôi một tiếng làm việc nghiêm túc”, Maura nói.
Đến ngày 7/5, Covid-19 đã lan ra 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,8 triệu người mắc và 265.000 người chết. Tại Mỹ, số ca mắc bệnh hơn 1,2 triệu, số người tử vong là 74.807.
Anh thanh niên tự "phân thân" như Naruto giữa buổi họp online để trêu đồng nghiệp
Lợi dụng tính năng ảnh nền ảo của Zoom, anh chàng này đã tự "phân thân" ngay khi đang làm việc online để "troll" đồng nghiệp.
Ảnh minh họa
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã buộc người dân tại nhiều quốc gia phải làm việc online trong thời gian vừa qua, như 1 phần trong chiến dịch cách ly xã hội để hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đó chính là lý do vì sao Zoom cũng như một số ứng dụng làm việc từ xa khác bỗng chốc nổi như cồn trong vài tuần gần đây, với lượng người dùng mới đang không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Sự phát triển của công nghệ chat video đã giúp Zoom dễ dàng tạo ra một môi trường văn phòng ảo đầy chân thực, giúp mọi người vẫn có thể liên kết với nhau để giải quyết công việc chung. Đó là chưa kể Zoom cũng sở hữu rất nhiều "vựa muối", với khả năng pha trò độc đáo, hài hước để giúp giảm bớt sự căng thẳng giữa mùa đại dịch.
Mới đây, anh chàng Dan Crowd đã đăng tải trên Twitter cá nhân đoạn video "troll" đồng nghiệp trên Zoom bằng cách tự phân thân khi đang họp online: Khi Dan đang ngồi thao thao bất tuyệt thì một Dan khác lại thản nhiên bước vào phòng. 2 Dan giống hệt nhau cùng xuất hiện trong 1 khung hình khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Không lẽ đây chính là thuật phân thân đặc trưng của Naruto?
Dan bước vào phòng thấy Dan đang họp nên Dan vội vàng ra ngoài để tránh làm phiền, đọc thôi cũng thấy hại hết cả não rồi.
Nếu như bạn chưa biết, Zoom có một tính năng cho phép người dùng tự thay đổi ảnh nền của họ mỗi khi sử dụng. Đây là công cụ lý tưởng trong những trường hợp bất tiện như phòng của bạn quá bề bộn, chưa có thời gian dọn dẹp, hay đơn giản là bạn không muốn chia sẻ hình ảnh tổ ấm của mình với đồng nghiệp, đối tác. Thậm chí đã có hẳn 1 bài tweet được viết từ hôm 31/3 vừa qua, tổng hợp những bức ảnh đẹp nhất, độc đáo nhất để người dùng có thể tải về sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở ảnh tĩnh, Zoom thậm chí còn cho phép người dùng chèn video làm background một cách dễ dàng. Đây cũng là phương pháp mà nhiều thánh lười đã áp dụng để né họp online mà không ai biết. Tuy nhiên, thay vì thực hiện hành động lươn lẹo có phần phản cảm như vậy, Dan chỉ áp dụng tính năng độc đáo của Zoom để trêu chọc đồng nghiệp mà thôi. Cảnh phim anh vô tình bước vào phòng rồi hốt hoảng chạy ra ngoài đã được ghi hình từ trước và ốp vào làm background trong Zoom. Còn thực tế, Dan vẫn ngồi họp và làm việc cực kì chăm chỉ cùng mọi người.
Sau khi chia sẻ trên Twitter, bài đăng của Dan đã nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng, với 4,2 triệu lượt xem, 80.000 lượt retweet cùng gần 500.000 lượt yêu thích. Rất nhiều người cũng đã chia sẻ lại "cú troll" đồng nghiệp của mình khi làm việc từ xa. Và hóa ra Dan không phải người đầu tiên áp dụng thuật phân thân này.
Chia sẻ của người dùng Metehan Korkmazel: "Không có gì, chỉ là tôi tự làm phiền chính tôi khi tôi đang làm việc online mà thôi".
Chia sẻ của người dùng Johnny Jeverton: "Đây là tác phẩm "người đi qua lối đó" khi tôi đi ngang qua chinh tôi để vào bếp", nhưng mà cắt ghép vẫn hơi lởm chởm chứ không được mượt mà cho lắm.
Chia sẻ của người dùng Justin Talusan: "Cảm ơn nhé, tôi làm được rồi. Đây là tôi đang cố thay quần áo mà không ảnh hưởng đến "tôi khác" đang họp online".
Chia sẻ của người dùng Amit Serper: "Tính năng mà tôi thích nhất của Zoom chính là ảnh nền ảo. Điều này cho phép tôi tăng gấp 3 năng suất làm việc của bản thân", mặc dù đoạn cuối hơi lỗi kĩ thuật xíu.
DG
Nới lỏng giãn cách, vẫn muốn ở nhà Ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa, đồng nghĩa với việc đi học, đi làm trở lại như trước đây. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách quá lâu, người lao động có xu hướng muốn làm việc ở nhà. Jacquie Benetua-Rolens làm việc tại vườn nhà trong thời gian dịch bệnh COVID-19 xảy ra...