Dịch vụ trông giữ xe “chặt chém” trước cổng chùa
Điểm đáng lo là những chiếc xe gửi tại các bãi tự phát còn đối diện với nguy cơ có thể bị mất, hư hỏng xe mà không biết ai để quy trách nhiệm.
Các bãi gửi xe cả miễn phí lẫn tự phát đều chật kín
Dịp lễ hội đầu năm, xung quanh các điểm lễ hội, đền chùa mọc lên các bãi trông giữ xe tự phát kèm theo đó là mức giá trông xe theo kiểu “nhìn mặt phát giá”.
Ngày 19/2, theo ghi nhận của phóng viên Xe Giao thông tại một số di tích trên địa bàn Hà Nội như: khu vực chùa Phúc Khánh ( Thịnh Quang, Đống Đa), chùa Hà ( Cầu Giấy), xung quanh khu vực Hồ Gươm… các bãi trông giữ ô tô, xe máy đều thu mức phí gửi xe cao bất thường, gấp 2 – 3 lần so với quy định.
Tại khu vực Chùa Hà thường ngày có tới 3 điểm trông giữ xe miễn phí. Tuy nhiên vào những ngày “cao điểm” đầu năm, 3 điểm trông giữ miễn phí này đã quá tải. Vì thế, các dịch vụ trông giữ xe tự phát được dịp “mọc” lên nhan nhản.
Chị Bích Thùy (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: “Vì nhà gần đây nên mình thường xuyên đi chùa Hà làm lễ vào ngày rằm và mùng 1. Vào các ngày lễ hay sau Tết như thế này thì giá vé thường tăng gấp đôi so với ngày thường. Bình thường là 5 nghìn đồng/xe máy thì nay tăng lên 10 nghìn. Biết là bị chặt chém nhưng cũng đành chấp nhận”.
Một địa điểm trông giữ xe tự phát gần chùa Phúc Khánh
Do lượng người đến các điểm lễ hội, đền chùa quá đông nên giá trông giữ xe ô tô cũng tăng phi mã. Anh Trần Đình Công (Giải Phóng, Hoàng Mai) vừa vào làm lễ tại chùa Hà cho biết: “Vừa tới đây thấy chỗ trống nên đánh xe vào ngay, ngó nghiêng mãi không thấy ai ghi vé, khi quay lại lấy xe thì có người ra thu phí 70.000 đồng không cần vé luôn…”.
Video đang HOT
Tại một bãi xe cổng chùa Hà, khi bị thu vé với mức giá 70.000 đồng/xe ô tô, chủ một chiếc xe tỏ ra bức xúc thì được nhân viên bãi xe trả lời: “Giá xe ô tô vào ngày này ở đây là như vậy thử đi chỗ khác xem có rẻ hơn không, còn nếu không gửi mời chị đi chỗ khác…”.
Trong những ngày đầu năm ở các khu vực đền, chùa tại Hà Nội, giá vé trông xe gần như không theo một quy luật nào. Chủ các bãi xe cứ tự căng dây, tự phát hành vé và phát giá theo ý muốn. Chẳng hạn như khu vực cạnh chùa Phúc Khánh có bãi nhận trông với giá từ 15.000 đồng – 25.000 đồng/1 lượt gửi xe máy, còn ô tô thì cũng dao động từ 50.000 đồng – 70.000 đồng/xe.
Bất chấp việc UBND phường đã bố trí các điểm trông giữ phương tiện phục vụ du khách thập phương tại khu vực chùa Phúc Khánh vẫn còn gần chục bãi giữ xe tự phát, thu phí sai quy định. Phần lớn diện tích lòng đường, vỉa hè đã được nhà dân tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện. Giá gửi xe máy tại đây dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/ lượt, tùy theo vị trí, có chỗ còn lên đến 25.000 đồng/xe máy, chênh lệch rất nhiều so với quy định là chỉ có 5000 đồng/ lượt.
Các loại vé xe tự in, thậm chí không hề có thông tin về chiếc xe hay đơn vị quản lý
Tại đền Quán Thánh, giá thu là 10.000 đồng/xe máy, cao gấp đôi quy định. Lãnh đạo UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình cho biết, giá trông giữ xe niêm yết tại khu vực này là 5.000 đồng/xe máy vào ban ngày, sau 18 giờ là 8.000 đồng. UBND phường đã lập biên bản xử phạt một số bãi trông giữ xe bên ngoài đền với mức 2,5 triệu đồng và yêu cầu chấn chỉnh.
Hơn nữa, vé xe tại các điểm này đều là vé tự in, hoàn toàn không có các thông tin như ngày tháng, biển số xe, đơn vị quản lý… như mẫu vé xe theo quy định. Vì thế điều đáng lo là những chiếc xe được gửi tại các bãi tự phát đối diện với nguy cơ có thể bị mất, hư hỏng xe mà không biết ai để quy trách nhiệm bởi những chiếc vé được giao cho khách không hề có thông tin nào từ chủ bãi xe hay người đứng ra thu tiền.
Phương Thảo – Lưu Trang
Theo baogiaothong
Ảnh: Hàng nghìn người tràn kín lòng đường, xì xụp vái lạy trước chùa Phúc Khánh
Tối 18/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), hàng nghìn người dân tràn kín lòng đường, xì xụp vái vọng trước chùa Phúc Khánh (Hà Nội) làm lễ cầu an dịp đầu năm.
Tối 18/2 (14 tháng Giêng), hàng nghìn người nối đuôi nhau trên đường Tây Sơn dự lễ cúng Rằm tháng Giêng ở chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội). Diện tích sân chùa có hạn nên người dân ngồi tràn xuống lòng đường kéo dài vài trăm mét.
Đây là hoạt động diễn ra hàng năm tại chùa Phúc Khánh.
Từ khoảng 18h30, trước khi Lễ cầu an diễn ra khoảng 30 phút, người dân đã đặt ghế ngồi thành hàng từ khu vực ngã tư Thái Thịnh đến gầm cầu vượt Ngã Tư Sở xuôi về đường Láng.
Các lực lượng an ninh, công an phường, quận, cảnh sát cơ động, dân phòng được huy động đảm bảo an ninh trật tự.
Cảnh sát lập hàng rào barie ngăn và đứng thành hàng bên ngoài hướng dẫn phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự.
Họ ngồi giữa đường vái vọng vào chùa cách đó hàng trăm mét.
Nhiều ý kiến cho đây là hành vi phản cảm, không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
"Giữa Thủ đô mà vẫn còn những kẻ cuồng tín ngồi giữa đường vái lạy. Họ vái mấy cái biển quảng cáo, vái lạy nhau, chứ làm gì có phật nào ra ngoài đường để họ vái", một người dân đi qua khu vực bức xúc nói.
Giữa dòng người khấn vái lộn xộn, nhiều biểu ngữ kêu gọi người dân đi lễ văn minh được giơ cao.
Theo VTC News
Bị từ chối giải hạn vì "thiếu lễ" 50 nghìn đồng Số tiền giải hạn cho 3 người trong gia đình là 450 nghìn đồng nhưng móc hết ví chỉ còn 400 nghìn đồng, người đàn ông bị từ chối làm lễ vì mức phí đã được quy định - "không thể bớt". Thu tiền dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Bị từ chối dâng sao giải hạn vì thiếu lễ 50...