Dịch vụ gọi xe công nghệ ‘đuối’ với giá xăng
Nhiều khách hàng không thể đặt xe do lượng tài xế xe công nghệ tắt ứng dụng, dừng chạy trong bối cảnh giá xăng tăng đang ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của họ.
Dịch vụ gọi xe công nghệ đang chịu những tác động từ tình hình giá xăng hiện nay, nhưng bị ảnh hưởng nhất chính là tài xế – các “đối tác” của hãng cung cấp dịch vụ, cũng như người tiêu dùng. Khi giá xăng liên tiếp lập kỷ lục mới, vượt mốc 30.000 đồng/lít, sự xuất hiện của những người làm dịch vụ đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa bắt đầu giảm dần.
Người dùng rất khó để tìm được tài xế nhận chuyến trong giai đoạn hiện nay. Ảnh NGỌC DƯƠNG
Giá xăng dầu ngày 25.6: Tuần giảm hơn 3%
Phí dịch vụ gia tăng chóng mặt
Thanh Tú (Hà Nội) trong một chuyến công tác vào TP.HCM gần đây cho biết không thể tìm được tài xế dù đã thử nhiều ứng dụng khác nhau. “Ngay quận nội thành nhưng gần như không thấy bóng tài xế nào, trên ứng dụng cũng không hiển thị được ai đang ở gần và quá trình tìm lái xe diễn ra rất lâu”, Tú chia sẻ.
Tương tự câu chuyện của Tú, Thùy Dung và Ánh Nga đều là những người sinh sống tại TP.HCM và có chuyến công tác ra Hà Nội vào giữa tháng 6 – thời điểm giá xăng đã lên hơn 31.000 đồng/lít và các tài xế bắt đầu đóng ứng dụng nhiều. Điều này khiến cả hai cùng rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi không thể tìm được xe. Nga và nhóm của mình nhiều lần bắt xe, dù có tài xế nhận nhưng sau đó họ từ chối với các lý do khác nhau và nhờ cô hủy giúp chuyến đã đặt.
Trong khi đó, Dung vì không muốn trễ hẹn với đối tác đang chờ sẵn đã buộc phải chọn dịch vụ xe ôm, chấp nhận đi giữa trưa nắng vì cô không thể tìm được tài xế chạy xe hơi nào nhận chuyến. “Không có GrabCar, để em đi GrabBike luôn”, cô chia sẻ dòng tin nhắn vội cho đối tác.
Không chỉ khó tìm chuyến đi, người dùng cũng đang đối mặt với chuyện phí dịch vụ gia tăng chóng mặt. Nhiều người cho biết với cùng quãng đường, dù không trong giờ cao điểm thì giá cũng tăng lên khoảng 30 – 50%, thậm chí có những chuyến đi tăng giá gấp đôi. Tuy nhiên họ vẫn không dễ dàng tìm được người nhận cuốc xe đó.
Tài xế chạy ‘cầm chừng’
Theo chia sẻ của một số tài xế, dù giá cước trên ứng dụng tăng, thực tế những người làm dịch vụ vận chuyển không hề có thêm thu nhập, thậm chí còn hụt đi so với trước vì giá xăng lập đỉnh, trong khi các công ty cung cấp giải pháp xe công nghệ vẫn giữ mức chiết khấu cũ và cũng chưa có phương án hỗ trợ cụ thể.
Để đảm bảo thu nhập, không ít tài xế đã “tự đưa ra lựa chọn phù hợp với tình hình”. Trong khi có những người chọn cách tắt ứng dụng, nghỉ chạy xe và tìm kế mưu sinh mới, một số nhờ khách hủy chuyến rồi thỏa thuận đến đón tận nơi, vẫn giữ nguyên mức giá trên ứng dụng nhưng là “chạy ngoài” để đảm bảo thu nhập. Có những người mở phần mềm dịch vụ lên để xem trước khu vực có nhiều khách đang tìm chuyến rồi đóng ứng dụng và di chuyển tới đó để nhận khách ngoài.
Tài xế xe công nghệ đang chịu ảnh hưởng từ giá xăng lập đỉnh/NGỌC DƯƠNG
Nhiều tài xế cũng từ chối chạy các chuyến có lộ trình di chuyển xa hoặc phải đón khách lòng vòng. Thay vào đó họ chỉ nhận cuốc xe gần, hoặc chạy giao đồ ăn trong quãng ngắn nhằm đạt đủ số chuyến tối thiểu mỗi ngày để giữ điểm thưởng từ công ty.
Trên hội nhóm của các tài xế, ngày càng nhiều “bác tài” chia sẻ khó khăn trước tình hình mới. Tâm lý chung của cộng đồng những người chạy xe công nghệ là cảm thấy thiệt thòi và bị “bỏ rơi”, thậm chí “bóp chẹt thu nhập” vì giá xăng cũng như sự phản hồi chậm trễ từ công ty đối tác. Không ít người có phần chán nản bởi công sức bỏ ra không đáng với phần thu nhập nhận về, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết nắng nóng kéo dài, khắc nghiệt như hiện nay.
Ngược lại, từ phía doanh nghiệp, để hỗ trợ đối tác tài xế trước những biến động của giá xăng dầu và giá tiêu dùng, mới đây Grab công bố dành 6,3 tỉ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ đối tác tài xế trên cả nước.
Trao đổi với Thanh Niên về hiện trạng trên, ông Nguyễn Việt Linh – đại diện truyền thông của Be (Việt Nam) cho biết: “Việc điều chỉnh giá cước phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo từng giai đoạn cụ thể. Chúng tôi cần bảo đảm hài hòa quyền lợi của tất cả các bên tham gia cung ứng và sử dụng dịch vụ gồm khách hàng, tài xế và doanh nghiệp, để hướng tới sự phát triển bền vững. Tất cả các việc điều chỉnh giá cước đều được thông báo trước đến khách hàng và tài xế”.
Theo ông, việc lựa chọn sử dụng dịch vụ của hãng xe công nghệ nào, bên cạnh việc so sánh giá cước, khách hàng cũng rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ của hãng xe đó mang lại. Về phía tài xế, để khuyến khích họ tham gia nhiều hơn việc cung ứng dịch vụ đến khách hàng, công ty luôn mở rộng và nâng cao các chính sách thưởng mỗi tuần, cũng như nâng cấp các chế độ, đãi ngộ cho họ.
Giá xăng "lập đỉnh"-Tài xế "khóc ròng"
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 12 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp. Giá xăng cao, liên tục "lập đỉnh" khiến nhiều tài xế phải "thắt lưng buộc bụng", thậm chí muốn chuyển nghề.
Giá xăng cao kỷ lục, tài xế tính chuyện bỏ việc
Mỗi lần đổ xăng, tài xế Hoàng Văn Khắc - chạy xe công nghệ lại "thắt ruột". Ngày trước, anh chỉ cần đổ 300.000 đồng là có thể đi cả ngày, nhưng bây giờ phải đổ 500.000 đồng mới đủ. Chiếc xe ô tô trả góp là cần câu cơm của gia đình anh Khắc. Làm nghề chạy xe, tiền tươi thóc thật, thu nhập một ngày có thể tính ra tiền gạo, tiền rau, tiền thịt. "Xăng tăng, giá thực phẩm tăng, mỗi thu nhập là đi xuống", anh Khắc ngán ngẩm.
Nghề lái xe xem xăng như máu. Những bác tài hóng giờ điều chỉnh xăng tăng giá nhiều hơn những người khác. Bởi đó là tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí. Các hãng xe đều có thông báo giá cước điều chỉnh vì xăng tăng, thế nhưng với các tài xế điều đó không thấm vào đâu cả. Việc điều chỉnh giá xăng lần nào cũng khiến các tài xế thót tim.
Tài xế mỏi mòn chờ khách
"Nếu không được trợ giá xăng cho lái xe, chắc cánh lái xe chúng tôi phải nghĩ hướng rẽ khác, như đi làm công nhân", tài xế Nguyễn Văn Thanh trải lòng.
Hiện nay, chúng ta đang phải chứng kiến giai đoạn bùng nổ giá xăng trên thế giới với biên độ giao động mạnh. Giá xăng liên tiếp đạt đỉnh. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử giá xăng dầu tại Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, có 2 nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao. Một là sự tăng cầu do kinh tế phục hồi vì quá trình kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Hai là nhu cầu tích trữ lớn để phục vụ chiến tranh trong khi đó nguồn cung truyền thống lại bị đứt gãy do ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Đặc điểm của đợt tăng giá lần này là chưa rõ xu hướng, thời điểm khi nào giảm nhưng theo nhiều người dự đoán thì có thể cuối năm nay giá xăng sẽ giảm và đến năm sau, cơ bản giá xăng sẽ bình ổn trở lại.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và rất nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia, xăng dầu chiếm từ 30 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải. Do vậy, khi xăng tăng độ nhạy cảm và tác động tới các mặt hàng khác cũng tăng theo. Xăng tăng sẽ dẫn đến giá cước cũng tăng, lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải thì giảm. Điều này khiến thu nhập và việc làm của tài xế bị giảm sút. Trong bối cảnh như vậy, họ chính là những người phải chịu tác động kép của việc tăng giá xăng dầu và những mặt hàng thiết yếu.
Giải pháp nào để kiềm chế giá xăng dầu?
Có thể nói, tài xế chính là tài sản của các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, các công ty taxi công nghệ và taxi truyền thống cần có giải pháp để hỗ trợ người lao động. Hiện nay, các công ty taxi công nghệ thường yêu cầu tài xế phải nộp 25% tổng doanh thu. Mức đóng này là quá cao. Khi nhà nước đã giảm thuế thì những công ty này cũng nên giảm nghĩa vụ đóng góp của tài xế. Cùng với đó là điều chỉnh giá cước một cách phù hợp nhất. Khi đã có sự đồng thuận giữa công ty, tài xế và khách hàng, mỗi người chịu lùi một bước thì vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn, tạo sự đồng thuận giữa các bên.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Ngoài những giải pháp từ phía doanh nghiệp thì nhà nước cũng cần vào cuộc để kiềm chế giá xăng dầu trong nước. Ở nước ta, thời gian qua, dù giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng nguồn cung vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ gây nhiễu loạn thị trường. Để giải quyết tình trạng này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhà nước nên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhanh, kịp thời, thông tin những đơn vị nào làm sai để tạo sức ép dư luận, thậm chí có thể xử phạt, tạm dừng hoặc rút giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần có những nghiên cứu, phân tích cũng như công tác chuẩn bị dự trữ đảm bảo nguồn cung giúp thị trường ổn định.
So với các nước trên thế giới thì hiện nay mức thuế liên quan đến xăng dầu ở nước ta còn cao (khoảng 30-40%), nếu trong thời điểm này nhà nước thực hiện giảm thuế thậm chí không thu thuế nữa thì giá xăng sẽ giảm chỉ còn khoảng 20 nghìn/lít.
Tại dự án Luật giá sửa đổi đang được xin ý kiến của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Nguyễn Công Hùng, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội hoàn toàn ủng hộ.
Theo ông, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một thể chế phi thị trường. Mỗi khi lập và trích quỹ đều có tác động không nhỏ đến thị trường, làm mất đi tính dự báo của thị trường. Hiện nay, cả nước có 10 đơn vị đầu mối có quy mô dự trữ khác nhau trong khi thời gian và mức xả quỹ thì giống nhau, nếu không xả hết sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng, thất thoát. Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần điều chỉnh để đưa quỹ bình ổn giá xăng dầu vào quỹ an ninh năng lượng quốc gia.
Một giải pháp căn bản cũng cần được nhắc tới đó là Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục gia tăng lượng cung trong nước để bù lại lượng thiếu hụt của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tăng cường nhập bổ sung xăng dầu từ những nguồn giá rẻ, tích cực điều phối các cơ sở đầu mối và hệ thống phân phối để tránh trường hợp bên thừa bên thiếu, và đặc biệt là tránh tâm lý ngộ nhận, tát nước theo mưa. Khi các giải pháp này được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, khi đó giá xăng dầu trong nước sẽ hạ nhiệt, công việc và thu nhập của tài xế sẽ được cải thiện./.
Giá xăng tăng, sinh viên méo mặt tằn tiện chi tiêu: ăn mì gói, đi xe buýt Giá xăng tăng kéo theo "bão giá" đã ảnh hưởng đến đời sống sinh viên, nhiều bạn trẻ đã phải "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm chi tiêu, tìm kiếm việc làm thêm, thay đổi phương tiện di chuyển để thích nghi. Nguyễn Long Hồ, sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, hiện đang sống trong khu trọ ở TP.Thủ...