Dịch vụ đổi tiền lẻ giáp Tết: Giao dịch “nửa kín, nửa hở”
Giáp Tết, vì từng có lệnh cấm dịch vụ đổi tiền lẻ nên nhiều khu đổi tiền lẻ ở Hà Nội đã không còn dám công khai như trước mà giao dịch theo kiểu “nửa kín, nửa hở”.
Vì nhiều lý do khác nhau, người ta vẫn chấp nhận đổi tiền lẻ với giá cao “cắt cổ”
Gọi là đổi tiền, nhưng thực chất hoạt động này không gì khác hơn là một hình thức mua – bán. Chỉ có điều, thay vì mua một sản phẩm khác, người dân bỏ tiền để… mua lấy tiền. Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, người dân vẫn cứ “mua” tiền và chấp nhận cả những mức giá đắt đỏ nhất, có lẽ đó cũng chính là một nguyên nhân khiến những dịch vụ này vẫn còn đất sống.
“Chợ” đổi tiền lẻ online nhộn nhịp
Chỉ cần vài cú click chuột vào các trang web đổi tiền lẻ là đã thấy xuất hiện đầy rẫy những lời mời chào đổi tiền lẻ với những “ưu đãi hấp dẫn”. Trên một số website còn đăng công khai cả mức giá trao đổi giữa các loại tiền mệnh giá khác nhau. Với những loại tiền thông dụng như 10.000 đồng, 20.000 đồng thì mức phí chênh lệch thường là 10%, tức là một triệu đồng tiền chẵn sẽ đổi được 900.000 đồng tiền lẻ, còn đối với những loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng thì mức chênh lệch tăng cao rất nhiều, thậm chí cao hơn gấp hàng chục lần.
Một người phụ nữ làm nghề trông giữ xe kiêm “đổi tiền lẻ” trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm – Hà Nội)
Gọi theo một số điện thoại đăng trên website doitienlixi…, phóng viên được một người thanh niên xưng tên Nam, nói là sinh viên làm thêm dịp Tết, quảng cáo và hướng dẫn tận tình về dịch vụ đổi tiền lẻ trên website này. Theo lời Nam thì đây là một website đã có uy tín từ lâu vì đổi tiền thấp hơn giá thị trường và đảm bảo đếm đủ tiền cho khách. Thế nhưng khi hỏi về giá thì mới thấy, không có chuyện trên website này đổi tiền với mức chênh lệch thấp hơn so với giá ngoài “chợ đen”.
Video đang HOT
“Với loại tiền mệnh giá 10-20 nghìn đồng thì mức phí đổi là 15% (tức là phải mất 115.000 đồng tiền cũ để đổi lấy 100.000 đồng tiền lẻ mới). Tiền loại 2.000 -5.000 đồng có mức phí đổi là “10 ăn 8″, tức là chênh lệch 20%, còn đặc biệt, loại tiền có mệnh giá 500 đồng vì cực kì hiếm nên có mức phí “cắt cổ”: phải mất 150-160 nghìn đồng mới có thể đổi được 100 nghìn đồng tiền lẻ. Thậm chí với loại 500 đồng nếu không đổi sớm sẽ hết tiền vì số lượng để đổi không có nhiều” – Nam thao thao bất tuyệt một hồi giới thiệu về chi phí đổi tiền lẻ năm nay.
Dịch vụ đổi tiền lẻ: Ngân hàng nói khó, thị trường công khai
Khi phóng viên thắc tại sao giá đổi tiền chênh lệch lại cao như thế, đặc biệt là những loại tiền mệnh giá thấp như 500 đồng thì Nam trả lời chắc như đinh đóng cột: “Không cao chút nào đâu chị ơi, giá ưu đãi nhất rồi đấy. Loại tiền 500 đồng đổi mất phí cao vì nó hiếm, năm nay nhà nước không cho in tiền lẻ nên cũng không có nhiều, hơn nữa, tờ tiền này màu đỏ, mang ý nghĩa may mắn nên được rất nhiều người ưa chuộng, thường cháy hàng sớm hơn các loại khác. Chị cứ yên tâm đổi tiền ở đây sẽ không bị thiệt nhiều, còn nếu chị đổi ở “chợ đen” thì mức phí còn cao hơn mà tiền có khi còn bị đếm thiếu”.
Ngoài tiền lẻ, tiền Việt Nam mới thì trong vài năm trở lại đây năm gần đây, vào dịp Tết, các loại ngoại tệ – đặc biệt là tờ 1, 2 USD là mặt hàng được đổi, rao bán rầm rộ trên các website. Trong đó, dịch vụ đổi 2 USD mới và cũ là ồn ào nhất. Những website này quảng cáo tiền 2 USD được cho là mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho người được lì xì. Vì thế, những năm gần đây, rất nhiều người đã tích cực săn lùng loại tiền này vào dịp Tết. Theo như lời quảng cáo của các website này thì đối với những tờ tiền USD mới, mức độ đắt rẻ luôn phụ thuộc mã số seri. Với tiền cũ thì dựa vào năm sản xuất để đo giá trị, tờ nào phát hành càng lâu, càng “cổ” thì giá trị càng cao.
Giao dịch “chợ đen” nửa kín đáo, nửa công khai
Không dám công khai mua bán, trao đổi tiền lẻ như trên các diễn đàn mạng, thực tế ở các “chợ đen” nổi tiếng với việc đổi tiền lẻ ở đất Hà thành, việc giao dịch sau lệnh cấm trở nên nửa kín đáo, nửa công khai. Trong khi ở địa điểm xung quang các khu di tích như đền Phủ Dầy, chùa Hà, chùa Phúc Khánh (Hà Nội), tiền lẻ vẫn được trưng bày và trao đổi công khai thì tại các khu phố chuyên đổi tiền lẻ như Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hoàn Kiếm, Hà Nội), những người chuyên buôn tiền lẻ đã cảnh giác và thận trọng hơn rất nhiều.
Nếu như thời gian trước, tiền lẻ được bày công khai trên vỉa hè để khách qua lại có thể dễ dàng nhận ra thì nay, không có bất cứ một hàng nào dám bày tiền lẻ, thậm chí dịch vụ này chuyển sang núp bóng các hoạt động bán sách và trông giữ xe.
Sà xuống tận lòng đường để mời khách đổi tiền
Trong vai một người đang tìm chỗ gửi xe để đi mua sách trên phố Đinh Lễ (Hà Nội), phóng viên được một “cò” dắt tận tay vào bãi gửi xe rồi thủ thỉ: “Có đổi tiền lẻ không em? Toàn tiền mới, theo sê-ri thôi”. “Giá bao nhiêu chị”?. “Thì vẫn như mọi năm, tùy mệnh giá em ạ. Loại tiền phổ biến thì 10 ăn 9 (tức là 100.000 đồng đổi lấy 90.000 đồng tiền lẻ), còn các loại mệnh giá nhỏ năm nay không sản xuất nên cũng hiếm, giá cao hơn, cao nhất là loại 500 đồng, với mức giá “10 ăn 5″, mà loại này cũng chỉ còn ít thôi, mấy loại kia thì em muốn đổi bao nhiêu cũng có” – “cò tiền lẻ” phát giá. Lấy lí do không đem theo đủ tiền để đổi, chúng tôi nhanh chóng đi xuống phía dưới nhưng vẫn nghe giọng người phụ nữ ban nãy gọi vơi theo đầy ẩn ý: “Tí lại ra chỗ chị “gửi” em nhé”.
Đặt, rải tiền lẻ tại các lễ hội – Nên hay không?
Xuống phía đầu đường Đinh Lễ, đoạn giáp với đường Đinh Tiên Hoàng, chưa kịp dừng hẳn xe máy thì đã có người phụ nữ đội mũ lụp xụp ra chặn đầu xe hỏi nhỏ: “Gửi xe hay đổi tiền hả em? Ở đây chị có tiền đủ các loại mệnh giá, theo sê-ri, em muốn đổi bao nhiêu cũng có”. Thế nhưng khi thấy phóng viên hỏi nhiều quá mà vẫn không thấy lấy tiền ra đổi, người phụ nữ lập tức “sinh nghi”, quay ra bảo ở đây chủ yếu là chỉ trông giữ xe, có ít tiền lẻ nên khách cần thì đổi cho chứ không có nhiều.
Một nhân viên làm trong ngành ngân hàng cũng cho biết, trong khoảng nửa tháng cuối năm có rất nhiều người đến ngân hàng đổi tiền lẻ, nhưng do năm nay không in tiền lẻ nữa nên số lượng tiền cũng rất hạn chế, vì thế ngân hàng chỉ đổi cho những khách hàng thân thiết.
Theo Báo Giao Thông
1 triệu đồng/ngày công kho cá thuê ở làng Vũ Đại
Giáp Tết, tiền công trả cho người kho cá thuê tại làng Đại Hoàng (Hà Nam) cao nhất lên tới 1 triệu đồng mỗi ngày. Song công việc này không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Càng gần Tết, nhân công kho cá thuê tại làng Đại Hoàng, Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, còn được gọi là làng Vũ Đại, lại càng khan hiếm. Thậm chí, với mức lương trả cho người kho cá là 1 triệu đồng mỗi ngày, nhiều gia đình phải chờ... xếp lịch, đặt trước mới thuê được người.
Theo anh Tuấn, người ở xã Nhân Hậu, tiền công thuê kho cá sẽ được trả theo kinh nghiệm và tay nghề. Thông thường, nếu người có kinh nghiệm, tay nghề cao, có thể đảm nhiệm các khâu quan trọng như kho, pha nước thì công là 1 triệu đồng/ngày và 500.000 đồng/nửa ngày. Người chưa thành thạo hoặc chỉ làm những việc khác được trả công 200.000-300.000 đồng/ca.
Ngoài "lương cứng", những người làm nghề này còn được chủ nhà nuôi cơm và được trả thêm tiền thưởng nếu làm tốt. Không chỉ kho cá thuê hay dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, giao hàng cũng là công việc thời vụ cho thu nhập khá tại làng Vũ Đại những ngày này. Mức lương cho nghề phụ nói trên khoảng 400.000-500.000 đồng/ca.
Người kho cá thuê thường là những người có tuổi đời 30-40 tuổi có kinh nghiệm kho cá.
Anh Trần Bá Luận, ở xóm 1, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam chủ một cơ sở chuyên phục vụ cá kho Tết cho cả nước cho hay ngày thường nhà anh vẫn duy trì trên dưới 10 người để kho cá. Nhưng vào dịp Tết âm lịch, nhu cầu thị trường cao, nhiều đơn đặt hàng nên anh phải thuê thêm nhân công. Do đó, cứ vào dịp gần Tết anh Luận lại phải đi hỏi trước những người thợ kho cá có tay nghề trong làng hoặc khu vực lân cận trong xã.
Anh Luận cho biết, những người được nhờ phần lớn là người quen biết hoặc đã làm ăn với nhau nên anh không quá khó khăn trong việc tìm người làm. Có những ngày nhiều đơn đặt hàng anh phải thuê đến 40 người, hôm nào ít khách đặt hơn thì cũng phải 20 người. Nhà anh Luận đưa ra quy định nếu ai làm tốt thì có thưởng, còn nếu không may kho cá bị vỡ nồi hoặc bị cháy thì sẽ bị phạt. "Việc này vừa để khuyến khích người làm vừa để cho chất lượng cá kho ngày càng ngon hơn đáp ứng được khẩu vị của khách hàng", anh nói.
Chị Hải, ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam chia sẻ, tính đến thời điểm này, chị nhận được 8.000 đơn đặt hàng, nhiều hơn so với năm ngoái. Vì vậy, chị Hải phải thuê 30 nhân công chuyên kho cá để kịp đáp ứng các đơn hàng. Dù thế, mỗi ngày, số cá kho được chỉ khoảng 50 niêu. Chị Hải cho hay nếu không kịp để trả hàng, chị phải "cầu cứu" những cơ sở khác.
Do việc kho cá mất nhiều công đoạn nên mỗi người thợ lại đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau gồm mổ cá, xếp gia vị, cá vào niêu, bắc lửa, kho cá. Công đoạn nào cũng quan trọng, nếu bỏ hỏng mất một khâu nào cá sẽ không được ngon. Thời gian kho cá kéo dài trên dưới 10 tiếng nên các thợ cũng phải cắt cử nhau trông coi bếp lửa.
Niêu cá kho Vũ Đại thơm ngon mang đặc trưng riêng của vùng Bắc Bộ.
Chị Hạnh (36 tuổi) người cùng làng với chị Hải đã kho cá thuê nhiều năm nay cho biết, đây là công việc cho thu nhập ổn định vào lúc nông nhàn. Mỗi vụ kho cá thuê, chị Hạnh cũng kiếm được khoảng chục triệu để sắm Tết. Tuy nhiên, theo lời chị, không phải ai cũng kiếm được đủ số tiền 1 triệu đồng mỗi ngày, vì công việc kho cá đòi hỏi sự cần mẫn, kiên trì. "Mức tiền công 1 triệu đồng/ngày tôi cho là xứng đáng với công sức bỏ ra. Kho cá không đơn giản, chẳng những phải nêm nếm gia vị, gia giảm lửa mà người làm việc này còn phải chịu được khói bếp, tập trung cao độ. Nếu kho quá lửa là phải đền", chị Hạnh nói.
Là tổ trưởng dây chuyền kho cá cho cơ sở cá kho của anh Luận ở Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đã được 4 năm, ông Tiến (45 tuổi) chia sẻ, công việc này phù hợp với những người ở vùng nông thôn có nhiều thời gian. Do có kinh nghiệm kho cá lâu năm nên phần việc chính của ông là pha chế và tưới nước vào nồi kho. Tiền công nhận được cho công việc này khá cao, dao động 500.000-600.000 đồng/ca.
Theo_VietNamNet
Tai nạn nghiêm trọng tại 'vỉa cảm tử' Hà Nội Đầu trần, chạy xe với tốc độ cao và không làm chủ được tốc độ đã khiến cho chàng thanh niên này nằm bất tỉnh trên đường. Vụ tai nạn nghiêm trọng tại 'vỉa cảm tử' Hà Nội Đêm qua, vụ tai nạn tại "vỉa cảm từ" khúc cua trên đường Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội (hướng rẽ từ tượng đài Cảm...