Dịch vụ chia sẻ ô ở Trung Quốc mất 300.000 chiếc sau vài tuần
Vài tuần sau khi bắt đầu dự án khởi nghiệp cho thuê ô trên 11 thành phố, công ty Trung Quốc đã mất gần 300.000 cái.
Ô cho thuê của Sharing E Umbrella. Ảnh: Shanghaiist.
Công ty Sharing E Umbrella có trụ sở tại Thâm Quyến bỏ vốn đầu tư 10 triệu tệ (gần 1,5 triệu USD) cho mô hình cho thuê ô tương tự cho thuê xe đạp. Khách hàng tải ứng dụng về điện thoại, trả phí đặt cọc 19 tệ một cái ô và giá thuê ô là 1 tệ (0,15 USD) một giờ, theo Shanghaiist.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi dịch vụ này bắt đầu hoạt động trên 11 đô thị Trung Quốc, công ty Sharing E Umbrella đã mất hầu hết 300.000 cái ô tung ra thị trường.
Zhao Shuping, giám đốc công ty cho biết anh nảy ra ý tưởng này sau khi xem chương trình cho thuê xe đạp ở Trung Quốc và nhận ra “mọi thứ trên phố đều có thể chia sẻ”.
Sharing E Umbrella đặt các trạm cho thuê ô gần bến xe buýt, tàu điện ngầm và nhận ra việc để người thuê trả lại ô phát sinh vấn đề.
“Ô khác với xe đạp”, Zhao nói. “Xe đạp có thể dựng ở chỗ nào cũng được, nhưng ô thì cần nơi có hàng rào để móc lên”.
Video đang HOT
Mỗi cái ô bị mất, công ty phải bỏ ra 60 tệ (8,82 USD) để thay thế, nhưng Zhao vẫn không từ bỏ hy vọng. Anh dự kiến sẽ tung ra thêm 30 triệu cái ô nữa từ nay tới hết năm.
Sixth Tone, một tạp chí tài chính, có bài nhận xét về Sharing E Umbrella và 14 đối thủ trong ngành công nghiệp cho thuê ô, rằng những công ty này sẽ gặp nhiều vấn đề hơn về lâu dài.
Theo phân tích của tạp chí, một doanh nghiệp phụ thuộc vào thời tiết như Sharing E Umbrella sẽ gặp thách thức nếu muốn thu được lợi nhuận ổn định. Trung Quốc chỉ mưa nhiều vào mùa hè, vào mùa khô, người dân sẽ ít sử dụng dịch vụ này hơn. Ngoài ra, tại những khu vực thường xuyên có mưa, người dân lại thích mua riêng một cái ô cho mình hơn.
Ngoài ra, các công ty cho thuê ô còn phải đối mặt với nạn trộm cắp ở Trung Quốc, tương tự các công ty cho thuê xe đạp. Tháng trước, công ty cho thuê xe đạp Wukong ở Trùng Khánh đã phá sản sau 6 tháng hoạt động vì tất cả xe đạp bị mất trộm. Ngay sau đó, công ty 3Vbike ở Bắc Kinh cũng lâm vào cảnh tương tự.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Những chiêu hút nhân tài của các thành phố hạng hai Trung Quốc
Hỗ trợ tiền mua nhà, sinh hoạt phí, ưu tiên làm hộ khẩu, là những chính sách thu hút nhân tài của các thành phố hạng hai ở Trung Quốc.
Một tân cử nhân đang đọc thông báo tuyển dụng lương cao của một công ty ở Liễu Thành, một thành phố trực thuộc tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Mùa hè năm nay, toàn Trung Quốc có 7,95 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, tăng 300.000 người so với năm 2016. Lượng sinh viên này chiếm 50% lực lượng lao động mới của cả nước trong năm nay, theo SCMP.
Trong một cuộc khảo sát 21.000 sinh viên mới tốt nghiệp của công ty nhân sự RenruiHR.com, chỉ 17% ngỏ ý muốn về quê lập nghiệp, còn đa số lựa chọn ở lại thành phố có ngôi trường vừa tốt nghiệp, hoặc chuyển tới một đô thị khác.
44% chọn sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, còn 45% chọn các thành phố hạng hai như thủ phủ tỉnh hoặc đô thị ven biển. Theo khảo sát công bố cuối tháng 6, cứ 10 sinh viên thì chỉ có 1 người sẵn sàng đi tới các thành phố hạng ba hoặc hạng bốn.
Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là thành phố hạng hai được nhiều sinh viên lựa chọn nhất, tiếp theo là Nam Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh, Hàng Châu và Vũ Hán.
Trong khi các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải đang thắt chặt đăng ký hộ khẩu để kiềm chế lượng người nhập cư thì các thành phố hạng hai đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài bằng các chính sách ưu đãi hộ khẩu và mua nhà.
Chính quyền Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, sẽ cung cấp 30.000 - 60.000 tệ (4.400-8.800 USD) cho sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ mua căn nhà đầu tiên trong thành phố. Ngoài ra, họ cũng được hỗ trợ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí trong hai năm đầu định cư tại Trường Sa.
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ ở miền nam đất nước, đang cung cấp gói hỗ trợ một lần từ 15.000 - 30.000 tệ (2.200 - 4.400 USD) cho sinh viên tốt nghiệp có hộ khẩu Thâm Quyến. Đây là thành phố được lựa chọn nhiều thứ ba trong khảo sát.
Thâm Quyến, thành phố mệnh danh "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc. Ảnh: CSOFT.
Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên trẻ mới đi làm, chính sách ưu đãi hay trợ cấp không phải điều họ quan tâm, mà là số lượng và chất lượng việc làm, cũng như lối sống của thành phố.
Wu Shangqing, 24 tuổi, đang làm việc cho một ngân hàng ở Thâm Quyến sau khi tốt nghiệp đại học tài chính ở Quảng Châu năm 2016. Cô nhận trợ cấp 15.000 tệ sau khi đơn xin nhập hộ khẩu ở Thâm Quyến được chấp nhận.
"Tiền thuê nhà ở Thâm Quyến rất đắt đỏ, gói trợ cấp cũng giúp đỡ tôi được một ít nhưng đó không phải lý do chính tôi tới đây", Wu nói. "Tôi thích lối sống gấp ở đây, đó là lý do tôi tới. Còn một lý do nữa là ngành công nghiệp tài chính ở Thâm Quyến rất sôi động".
Wu thừa nhận sẽ không bao giờ chọn về quê hương Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc để lập nghiệp vì chỉ Thâm Quyến mới có nhiều cơ hội cho cô phát triển sự nghiệp.
Fan Haoran, 23 tuổi, đang làm việc cho một công ty IT ở Thâm Quyến sau 4 năm học đại học ở Tứ Xuyên. Sau khi tốt nghiệp năm ngoái, Fan đã thử tìm việc ở Thành Đô nhưng anh nhận ra, thủ phủ tỉnh không có nhiều cơ hội việc làm như ở Thâm Quyến.
"Thành Đô cũng là một nơi đáng sống nhưng Thâm Quyến lại có nhiều việc làm hơn, nhiều công ty IT lớn cũng đặt trụ sở tại đây. Vì thế tôi tới đây để khởi nghiệp", Fan nói.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Mỹ "tố" công ty Trung Quốc rửa tiền giúp Triều Tiên Mỹ đã cáo buộc một công ty Trung Quốc hoạt động như một "bình phong", giúp một ngân hàng đang bị trừng phạt của Triều Tiên thực hiện hành vi rửa tiền trái pháp luật. Cờ Triều Tiên và Trung Quốc được treo bên trong một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters) Theo Reuters, các công tố viên Mỹ ngày...