Dịch vụ cầm đồ bội thu cùng World Cup
World Cup là mùa để người hâm mộ thỏa sức đam mê cùng trái bóng tròn. Đây cũng là dịp để các con bạc máu mê đỏ đen “chơi” hết mình. Các tiệm cầm đồ nhờ đó mà hốt bạc mỗi ngày.
Dù vẫn chưa kết thúc vòng bảng World Cup 2014, các cửa hàng cầm đồ trên địa bàn Hà Nội đã có vẻ “bội thực”. Cửa hàng cầm đồ mọc lên như nấm, mở cửa ngày đêm để phục vụ các tín đồ bóng đá mê trò đỏ đen. Trong vai một người đang có nhu cầu cầm đồ để cá độ, phóng viên Dân trí đã có cuộc khảo sát về sự “ăn lên làm ra” của dịch vụ này.
“Phố cầm đồ” rực sáng mùa World Cup
Cầm đồ đua cùng trái bóng
Mang theo chiếc máy tính xách tay (laptop) hiệu Acer, phóng viên (PV) bước vào một tiệm cầm đồ trên đường Láng (Đống Đa – Hà Nội). “Cầm đồ đánh bóng à? Không nhận xe số nữa, có laptop, điện thoại nào thì đưa ra đây xem!”, ông chủ tiệm nói hất hàm khi thấy khách hàng dựng chiếc xe Dream trước cửa.
“Con laptop này cũ rồi, chỉ cầm được 2 triệu thôi, lãi suất 30.000đ/ngày; được thì ký giấy nhận rồi lấy tiền. Mấy hôm nay nhiều người đến cắm quá nên cũng không khoái mấy món rẻ rẻ như thế này”, ông chủ nói nhanh. PV muốn được trả giá cao hơn nhưng người đàn ông nhất quyết không chịu và tỏ thái độ không tha thiết.
Khi được ngỏ ý muốn cầm chiếc xe máy, người đàn ông cười khẩy: “Xe số mới còn chưa muốn cầm, huống chi là con xe cũ rích kia. Cầm chả được bao nhiêu, lại chật chỗ. Bây giờ chỗ anh chỉ nhận xe ga hoặc các loại xe số đắt tiền thôi”.
Đi dọc khu đường Láng, chỉ trong vòng hơn 100m, có tới gần chục cửa hàng cầm đồ san sát nhau, biển hiệu sáng rực với những quảng cáo lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng; bên trong chật kín xe máy các loại.
Tương tự, trên các tuyến đường khác như Đê La Thành, Nhổn, Cổ Nhuế,…, các tiệm cầm đồ cũng mọc lên như nấm; không chỉ các tiệm bề thế ngay mặt đường, còn có rất nhiều những tiệm nhỏ nằm rải rác trong các ngõ, ngách.
Anh Q., chủ một tiệm cầm đồ trên đường Cổ Nhuế, cho biết: “Tiệm này mới mở được 5 hôm, chủ yếu là vào dịp World Cup thôi. Chả mấy khi, 4 năm mới có một lần nên mở ra để kiếm ăn chút. Mấy thằng bạn tôi cũng vừa hùn vốn mở một tiệm trên đường Láng”.
Cũng theo a Q, khách đến cầm đồ chủ yếu đông vào lúc sẩm tối cho đến trước khi trận đấu diễn ra khoảng 2 – 3 tiếng. Phần lớn khách hàng đều là những người máu mê đỏ đen, cầm đồ để dốc tiền vào cá độ. Hôm nào có trận hay phải huy động người phục vụ khách.
Ngoài cầm đồ các tài sản như xe máy, ô tô, điện thoại, laptop,… nhiều tiệm còn cho vay “ nóng” tiền mặt với mức lãi suất từ 2.000 – 3.000đ/triệu/ngày. Do số lượng khách tăng đột biến trong vài ngày qua nên một số cửa hàng chỉ nhận cầm các loại hàng có giá trị cao như máy tính xách tay, xe tay ga,…
Bên cạnh đó, hiện nay dịch vụ cầm đồ online cũng rất hút khách. Theo đó, khách hàng sẽ chụp ảnh sản phẩm của mình, thương lượng giá cả với nhà cầm đồ. Tiền cầm đồ sẽ được chuyển đến khách hàng trong vòng 24h, lãi suất dao động từ 1.500 – 2.000đ/triệu/ngày.
Cầm đồ: Đông nên “chảnh”
Video đang HOT
Không giống như các loại hình kinh doanh khác, dịch vụ cầm đồ khá “chảnh” với khách hàng. Đặc biệt trong những ngày diễn ra World Cup, nhu cầu cầm cố tài sản tăng cao, khách hàng phần lớn lại là những người máu cờ bạc, cần tiền gấp nên các tiệm càng kén chọn.
Tại một cửa hàng cầm đồ trên đường Đê La Thành, PV bắt gặp 2 thanh niên mang chiếc laptop vào mặc cả: “Con laptop này bọn cháu mới mua được 3 tháng nên còn mới lắm. Vừa thua mấy trận đau quá nên chú cầm cho cháu cao cao chút để gỡ. Cháu mua mới 13 triệu, bây giờ cháu cầm 8 triệu được không?”.
Chủ tiệm lạnh lùng: “Con này chỉ cầm được 6 triệu, lãi 2.000đ/triệu/ngày, được thì để đồ lại, không thì đi hàng khác mà mặc cả. Cầm xe máy mới mong kiếm được ít, chứ laptop như thế này thì ăn thua gì”.
Đây cũng là chiêu trò của hầu hết những chủ cửa hàng cầm đồ. Nắm bắt được tâm lý “khát” tiền của những con bạc, chủ tiệm ra sức ép giá các sản phẩm xuống mức thấp nhất để kiếm lời.
Một số chủ tiệm cầm đồ trên đường Đê La Thành cho biết, càng vào vòng trong World Cup, các cửa hàng càng kén chọn khách. Không chỉ lãi suất sẽ tăng, các mặt hàng cũng được “nhìn mặt mà bắt hình dong”, đồ mang đi cầm phải có giá trị từ chục triệu trở nên mới được nhận.
Để tăng thêm lãi suất, các chủ tiệm tiếp tục gia hạn thời gian cầm cố trong vòng vài ngày tới 1 tháng đối với những người chưa có tiền chuộc. Sau thời gian đó mà vẫn chưa “nhổ” được tài sản, khách hàng coi như chấp nhận bán rẻ những món đồ mà có thể họ đã phải tích cóp rất lâu mới mua được, cho chủ tiệm.
Mua tài sản tốt giá “bèo”, các chủ tiệm tiếp tục bán thanh lý và ăn tiền chênh lệch. Chuyện chủ tiệm cầm đồ hái được tiền tỉ qua một mùa bóng cũng không phải là lạ. Mà với những kẻ “khát” chuyện đỏ đen mùa bóng đá, đã gửi tài sản ra tiệm cầm đồ là cầm chắc mất không.
Tuyến Phan
Theo Dantri
Bài 9: Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ bồi thường 78 tỷ "nhầm" đối tượng
Sau khi báo Dân trí thông tin việc 37 hộ dân bị chiếm đoạt trắng trợn hơn 78 tỷ đồng tiền đền bù đất, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng giải quyết dứt điểm sự việc.
Liên quan đến sự việc 37 hộ dân bị chiếm đoạt hơn 78 tỷ đồng tiền đền bù đất bởi một công văn của UBND TP Hà Nội, thường trực tiếp công dân Văn phòng chính phủ cho biết: Ngày 21/4/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 165/TB-VPCP giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của ông Thuân và 37 hộ dân.
Loạt bài điều tra báo Dân trí đăng tải về việc 78 tỷ đồng, số tiền đáng lẽ của 37 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ một dự án của TP Hà Nội được đem đền bù "nhầm" cho Công ty CP 118 ( nay là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam) do một công văn bất thường của UBND TP Hà Nội khiến dư luận hết sức bức xúc. Sự việc đã được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng kết luận rõ ràng thế nhưng trong suốt nhiều năm "đội đơn" đi khiếu nại kêu oan, cả trăm con người chỉ nhận được sự im lặng.
Khu đất của 37 hộ dân trước kia giờ đã đươc giải tỏa phục vụ dự án của TP Hà Nội.
Nguồn cơ sự việc từ khi TP Hà Nội thu hồi diện tích đất của 37 hộ dân đang sinh sống để thực hiện dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Và cả 37 hộ dân đều giao đất đang sinh sống cho TP Hà Nội làm dự án vì chính sách của UBND TP Hà Nội khiến người dân vô cùng yên tâm khi được bồi thường tiền đất, tài sản và còn được bố trí tái định cư.
Cụ thể: Ngày 2/5/1994, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1057/QĐ-UB về việc giao quyền sử dụng đất cho Công ty Công trình giao thông 118 (Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông I - Bộ Giao thông Vận tải) 5.800m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Ngay sau khi có quyết định giao đất, Công ty Công trình giao thông 118 đã thu của 37 hộ gia đình là cán bộ công nhân viên (CBCNV) đóng góp tổng số tiền là 3.096.000.000 đồng nộp cho Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng.
Ban Lãnh đạo Công ty Công trình giao thông 118 đã phân đất cho 37 hộ đã đóng tiền, sau đó các hộ đều đã xây dựng nhà và ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp suốt từ năm 1995 đến nay.
Văn bản bất thường của Sở TN&MT TP Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".
Ngày 23/2/1995, về lô đất 37 hộ dân nộp tiền mua, Công ty Công trình giao thông 118 đã ban hành Thông báo số 71/TCHC trong đó khẳng định: Kinh phí xây dựng chủ yếu là lấy vốn của CBCNV đóp góp để xây dựng và làm các thủ tục xây dựng. Công ty chỉ hỗ trợ về thủ tục hành chính...
Tại Giấy xác nhận của Công ty CP 118 gửi Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông I ngày 18/8/2010 cũng khẳng định: "Nguồn tiền sử dụng để nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất của công ty tại xã Cổ Nhuế là tiền của cán bộ công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Công ty công trình giao thông 118 (nay là công ty CP 118) không đưa giá trị ô đất của công ty thuộc xã Cổ Nhuế vào giá trị doanh nghiệp".
Ngày 18/2/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 692/QĐ-UBND do ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký về việc thu hồi 72,927m2 đất tại xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, giao cho Ban Quản lý và đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội để xây dựng tuyến đường số 4, Khu đô thị Tây Hồ Tây (trong quyết định này có thu hồi toàn bộ diện tích của Công ty Công trình giao thông 118 và diện tích nhà, đất của 37 hộ dân nói trên).
UBND TP Hà Nội đã có một công văn kỳ lạ chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT TP Hà Nội.
Quyết định số 692 nêu rõ: "Điều 2: UBND huyện Từ Liêm có trách nhiệm quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân bàn giao cho Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội theo quy định. Điều 3:...Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Từ Liêm để thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tổ chức bồi thường hỗ trợ người đang sử dụng đất bị thu hồi theo quy định".
Quyết định số 692/QĐ-UBND thu hồi 72,927m2 đất tại xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm để xây dựng Khu đô thị Tây Hồ Tây cùng với phương án bồi thường hỗ trợ người đang sử dụng đất bị thu hồi là một quyết định đúng đắn được tất cả những hộ dân một lòng đồng thuận giao đất.
Khi dự án đang được tiến hành, 37 hộ dân đã bàn giao đất cho UBND TP Hà Nội thì ngày 22/3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội bất ngờ có văn bản số 787/TN&MT-KHTH do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký báo cáo, kiến nghị về việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khu đất của 37 hộ dân cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118.
Tại phần kết luận, kiến nghị này đưa ra đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118 một khu đất nằm ở vị trí khác có diện tích khoảng 4000m2 trên địa bàn huyện Từ Liêm để công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư...".
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng kết luận UBND TP Hà Nội bồi thường 78 tỷ đồng sai đối tượng.
Từ đề xuất bất thường của Sở TN&MT TP Hà Nội, ngày 7/4/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD do ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".
Từ văn bản kỳ lạ này của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm cùng Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã "răm rắp" tiến hành các bước tiếp theo bất chấp Quyết định số 692/QĐ-UBND ban hành trước đó.
Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã kiên quyết không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty Cổ phần 118.
Hậu quả là ngay sau đó, khi Công ty Công trình giao thông 118 cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Alphanam đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần 118. Đến cuối năm 2010 đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Alphanam. Và số tiền 78 tỷ đồng đền bù cho 37 hộ dân bị thu hồi đất đã bặt vô âm tín.
Và từ đó đến nay, gần 40 hộ dân mòn mỏi đi khiếu nại, kêu cứu nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Cũng trong thời gian đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Alphanam đã âm thầm hưởng trọn 78 tỷ đồng từ "trên trời" rơi xuống.
Cho biết quan điểm về sự việc, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc bồi thường "nhầm" đối tượng đã được xác định là sai, theo tôi, trong vụ việc này có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái theo quy định của pháp luật. Trước tiên để khắc phục hậu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của 37 hộ gia đình này cần thiết phải có sự vào cuộc của UBND thành phố Hà Nội, cơ quan Thanh tra chính phủ, cần xác định rõ đã sai sót ở khâu nào, giai đoạn nào dẫn đến việc "nhầm" nêu trên, xác định rõ nguyên nhân, hậu quả.
Cùng với việc UBND TP Hà Nội cần lập tức đền bù cho 37 hộ dân và truy thu số tiền chuyển "nhầm" UBND TP Hà Nội cũng cần phối hợp với Công an TP Hà Nội vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra làm rõ động cơ, mục đích đối với hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Cơ quan công an cần xem xét ra Quyết định khởi tố vụ án, qua đó có hình thức kiểm điểm, kỷ luật, buộc tội đối với các cá nhân, tổ chức đã gây ra hậu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 37 hộ gia đình đã bị hành vi phạm tội đó gây ra trong suốt những năm qua.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng nêu rõ: "Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở TN&MT không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình. Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiềnbồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp".
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Đầm sen Hồ Tây vào mùa, dịch vụ "ăn theo" trúng đậm Đầm sen Hồ Tây vào mùa cũng là lúc dịch vụ ăn theo nở rộ để phục vụ "tận răng" các "thượng đế" thích chụp ảnh như 30.000 - 50.000 đồng vé vào cửa, 100.000 đồng thuê áo yếm - váy đụp, 300.000 đồng thuê thợ chụp ảnh chưa kể tiền nước uống, gửi xe... Các chủ đầm sen Hồ Tây đang bội...