Dịch tục chưa từng có, độc giả phản ứng mạnh
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Những thứ họ mang” của tác giả Tim O’Brien gây bức xúc và bực bội cho một số độc giả bởi cách dùng từ được xem là “chưa từng có”.
Một số độc giả đã lên tiếng về tập truyện ngắn “ Những thứ họ mang” của tác giả Tim O’Brien, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ tiếng Việt, do công ty sách Nhã Nam và NXB Văn hóa phát hành tháng 04/2011. Trong sách có đoạn viết: “ Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời.” (viết trần và không sử dụng các dấu * thay thế)
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng từng nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội cho tác phẩm “ Biên niên ký chim vặn dây cót” ( Haruki Murakami), năm 2007.
“ Những thứ họ mang” ( The Things They Carried) là một tác phẩm có tiếng của nhà văn Mỹ Tim O’Brien được xuất bản năm 1990, viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tác phẩm bao gồm 21 truyện ngắn, trong đó có “ How to Tell a True War Story “ (“ Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh“) chứa đựng nội dung nêu trên. Trong tác phẩm gốc, câu văn đó viết: “ The dumb cooze never writes back.“.
O’Brien mở đầu truyện bằng câu: “Đó là sự thực”. Một tuần sau khi người bạn của mình mất, Rat Kiley – người lính 19 tuổi – viết thư cho em gái anh ấy, nói rằng anh trai của cô là một người tuyệt vời mà Kiley rất yêu quý. Hai tháng trôi qua, cô em gái không hề hồi âm, Kiley rất thất vọng và tức giận, đã bật ra câu nói nêu trên.
Sau những ý kiến đầu tiên về việc dịch “ The dumb cooze never writes back.” thành “ Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời.“, phản ứng của độc giả dần chia làm 2 nhóm chính. Nhóm phản đối và nhóm chấp nhận cách dịch của Trần Tiễn Cao Đăng.
Độc giả Minh Văn thuộc nhóm phản đối. Anh cho rằng: “Câu văn vốn đã bị dịch sai. Từ cooze mang tính xúc phạm, ám chỉ một người (nữ) không có đầu óc, chỉ như 1 công cụ tình dục. Nhưng từ tiếng Việt dịch giả chọn dùng còn mang nghĩa xúc phạm nhiều mặt hơn, rất nặng nề. Nó phản ánh cả tầm văn hóa thấp của chính người phát ngôn. Thêm nữa, bản gốc cũng không có từ nào tương đương từ “đ**” mà dịch giả đưa vào. Câu tiếng Việt nghe càng chói tai, tăng sự miệt thị với đối tượng và sự vô văn hóa của chủ thể nói.
Ngoài ra, cách viết trên còn phản văn học khi sử dụng từ ngữ thô tục đưa lên trang giấy mà không có giới hạn độ tuổi người đọc. Chấp nhận và sử dụng nó là không nghĩ đến hậu quả cho những người khác và xã hội. Luôn có sự khác nhau giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Trong trường hợp cần phản ánh chính xác lại thực tế hoặc ngôn lời tác giả, dịch giả có thể sử dụng rất nhiều từ khác mà vẫn thể hiện được sự bỗ bã và tức giận của nhân vật.
Video đang HOT
Văn học luôn có những giới hạn. Hiện thực có thể có những điều xấu xa bẩn thỉu, nhưng văn học không xấu xa, bẩn thỉu. Văn học thể hiện sự có học của người viết và cả người đọc.
Để xuất hiện một sản phẩm dịch thế này là trách nhiệm của tất cả các bên: dịch giả, biên tập, NXB, người đọc không phân biệt được đâu là hiện thực, đâu là văn hóa. Đọc lên câu viết đó, người ta thấy như không phải do nhà văn nổi tiếng viết ra mà là một người vô học. Nếu buộc phải sử dụng từ đó người dịch nên chọn cách viết tắt hoặc có ghi chú, giải thích”.
Lên tiếng về việc giữ nguyên cách dịch, phát ngôn của Nhã Nam cho biết: “V ề từ cooze, bất cứ từ điển nào cũng xác định đây là từ tục, chứ không phải uyển ngữ gì cả. Văn cảnh và nội dung của cuốn sách không đòi hỏi một uyển ngữ hoặc nói tránh.“.
Nhã Nam cũng dẫn thêm các trích đoạn khác để bổ sung cách hiểu về ngữ cảnh. “ Vì vậy quy tắc đầu tiên là: bạn chỉ có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh bằng cách trung thành tuyệt đối với cái ác và với sự tục tằn. Hãy nghe Chuột Kiley mà xem. Con mặt l**, hắn nói. Hắn không nói con đ* c**. Hắn chắc chắn là không nói bà ấy, hay cô ấy. Hắn nói con mặt l**. … Bạn có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh nếu nó làm bạn lúng túng. Nếu bạn không cần sự tục tằn, bạn không cần sự thực; nếu bạn không cần sự thực, hãy dè chừng xem bạn đang bỏ phiếu cho ai. Cứ cho đám thanh niên đi đánh nhau, khi trở về tụi nó toàn ăn nói tục tằn.”
Bản gốc của tác giả cho đoạn văn trên: “ As a first rule of thumb, therefore, you can tell a true war story by its absolute and uncompromising allegiance to obscenity and evil. Listen to Rat Kiley. Cooze, he says. He does not say bitch. He certainly does not say woman, or girl, He says cooze. Then he spits and stares. He’s nineteen years oldit’s too much for himso he looks at you with those big gentle, killer eyes and says cooze, because his friend is dead, and because it’s so incredibly sad and true: she never wrote back. You can tell a true war story if it embarrasses you. If you don’t care for obscenity, you don’t care for the truth; if you don’t care for the truth, watch how you vote. Send guys to war, they come home talking dirty.“
Theo Dantri
Bút danh, nghệ danh cũng là thương hiệu
Nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngoài cái tên ghi trong căn cước, còn có thêm bút danh, nghệ danh. Xung quanh chuyện bút danh, nghệ danh cũng có lắm bi hài...!
Giữ cho cây bút sắc sảo, chiến đấu bền bỉ vì công bằng xã hội chính là một cách xây dựng thương hiệu của người làm báo
Có người, bút danh, nghệ danh gắn với nơi sinh thành hoặc địa danh lập nghiệp. Nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu lấy núi Tản, sông Đà quê mình ghép lại thành bút danh Tản Đà.
Nhạc sĩ Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, ông lấy hai chữ Duy Thuận quê cha ghép với Duy Yên quê mẹ thành tên Thuận Yên, người biên tập tưởng nhầm là Yến, nên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc là Thuận Yến. Ông ở chiến trường làm sao sửa được, thế là... có một nhạc sĩ Thuận Yến đi vào lòng người.
Nhà văn Ma Văn Kháng nhà ở mép hồ Ngọc Khánh cạnh khách sạn DAEWOO Hà Nội. Ông chỉ cần viết hoa chữ Hồ là có một cái tên nghe rất lịch lãm: Hồ Ngọc Khánh. Và có lẽ mỗi lần lên trông nhà cho con ở cạnh cầu Trung Hoà, vừa trông nhà, vừa trông cháu, vừa viết văn, ông chỉ cần viết chữ cầu theo âm Hán là thêm một bút danh khá hay: Kiều Trung Hoà. Nhiều người cứ nghĩ đó chính là họ Kiều của Kiều Nguyệt Nga.
Có một cách lập bút danh cũng khá phổ biến đó là "lái chữ, lái dấu" chẳng hạn như Phù Thăng (...Phu), Chu Thăng (...Chu), Trường Thăng (...Trương), hay Huyền Cương (Cường), Thanh Huyền (Thành)... Cũng có người lấy tính chất công việc làm bút danh như: Thợ Rèn, Thợ Xây, Thợ Hàn... Lang Là, Hai Cù Nèo...
Có những cái tên nghe rất "Tàu" như Tào Mạt, người đọc cứ tưởng tác giả có họ hàng với Tào Ngu, hay rất tây như TCHYA, nhưng chẳng tây chút nào khi được biết đó là các con chữ được ghép lại bởi "Tôi chưa hề yêu ai".
Đã hơn 10 năm nay, phụ nữ nước ta nhiều nơi khá quen với cái tên Quỹ TYM cho phữ nữ vay vốn xoá nghèo. Đây cũng là tên ghép từ 3 chữ Ta Yêu Mình (I love you) do tiến sĩ Ariste đặt.
Có một điều là tên cúng cơm thì do cha mẹ hoặc người thân đặt cho, còn bút danh, nghệ danh thì hầu hết là do tự mình chọn lấy. Nhưng vấn đề đáng nói là: tên,bút danh hay nghệ danh là để phân biệt giữa người này với người khác, ấy thế mà chẳng hiểu vì sao lại có hiện tượng một số nghệ sĩ trẻ lấy "trùng sít sịt" tên những nghệ sĩ, ca sĩ đã thành danh, nổi tiếng gây nên biết bao phiền phức!
Đã có lần khán giả Đà Nẵng phản ứng khá gay gắt vì có đoàn văn công từ Hà Nội vào, trương cái biển "ca sĩ Thu Hiền biểu diễn", nhưng mua vé vào rạp Trưng Vương rồi thì mới té ngửa ra là một ca sĩ Thu Hiền mới toanh! Đúng là ca sĩ này cha mẹ đẻ ra đặt cho cái tên Thu Hiền thật, nhưng khán giả có nghĩ thế đâu! Gần đây lại có thêm các ca sĩ trẻ cũng mang tên Hồng Nhung, Lan Hương, Lệ Quyên... Thật trớ trêu là đã có một ca sĩ, nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền... và rồi lại xuất hiện một ca sĩ Thương Huyền tầm tầm bậc trung. Dẫu vô tình, thì cũng bị nhiều người cho là cố ý. Phải chăng là chủ định lập lờ của các bầu sô?
Việc này xem ra giải quyết quá dễ. Mấy mươi năm trước có ca sĩ Thanh Hoà, sau có thêm một giọng hát Thanh Hoà nữa... thế là Thanh Hoà sau đổi thành Thanh Thanh Hoà, một cái tên rất được mến mộ.
Và, lại càng đơn giản, nếu không muốn vậy, thì gọi cả họ ra lại càng chững chạc có sao đâu? Ai cũng biết khi Thể Công có một Hồng Sơn đá bóng nỗi tiếng thì Cảng Sài Gòn khi có thêm một Hồng Sơn được gọi cả họ Huỳnh Hồng Sơn thật đẹp biết bao!
Tuy vậy, có trường hợp gọi cả họ ra mà vẫn còn trùng. Hà Nội mấy năm rồi có hai Thu Hà ca sĩ cùng hát khá hay. Một cô mang họ Trần, một cô mang họ Võ, phân biệt ngay từ đầu. Võ Thu Hà thì chẳng trùng ai, nhưng Trần Thu Hà trong giới âm nhạc lại có một nghệ sĩ biểu diễn dương cầm nổi tiếng Trần Thu Hà, và hình như trong số học sinh học hát lại mới thêm một Trần Thu Hà... Nhìn trên truyền hình, có thể khán giả phân biệt được, nhưng sản phẩm "audio" chắc phải ghi thêm Pianist để phân biệt giáo sư, tiến sĩ Trần Thu Hà với ca sĩ Trần Thu Hà, nếu không bạn bè ở xa dễ lầm có một Trần Thu Hà người Hà Nội đàn hay hát giỏi.
Cả hai người đều muốn vậy. Mới 2 cô cháu cùng họ, cùng tên, cùng nghề mà đã phiền phức như vậy, nếu có một Trần Thu Hà nữa thành danh, người đi sau xin hãy noi gương các nhà "công thương nghiệp" đăng kí "nhãn hiệu trình toà" mà tự mình tìm cho mình một cái tên... chắc sẽ hay hơn.
Trên văn đàn, mấy chục năm qua nhà thơ Trần Lê Văn đã trở thành cây đa, cây đề, ấy vậy mà mấy năm gần đây lại xuất hiện một Trần Lê Văn nữa, người sau muốn đứng được thì dù có dài dòng cũng xin ghi đủ "Quãng đãi Trần Lê Văn" Đài Tiếng Nói Việt Nam đã có một nhạc sĩ Mộng Lân, thì nhạc sĩ Mộng Lân ở Quảng Bình ngay từ thời bom đạn vẫn được gọi đầy đủ Quách Mộng Lân. Đã có một nhạc sĩ Thanh Tùng được nhiều người mến mộ thì các nhạc sĩ Thanh Tùng sau đó là Trần Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Tùng... là điều cần thiết của những người biết tự trọng.
Tên nghệ sĩ, ca sĩ, bút danh... trong cơ chế thị trường chính là thương hiệu. Nếu hiểu đúng ý nghĩa như vậy thì các văn sĩ, nghệ sĩ chắc không ai tự chấp nhận mình là "hàng nhái".
Thương hiệu đâu phải cứ xuất hiện là buộc bất biến suốt đời, mà tuỳ "chủ nhân"...Chẳng hạn ca sĩ Chill Trinh ở Lâm Đồng, sau khi có tiếng đổi thành Bonneur Trinh thì cũng có sao. Vậy vì sao, hiện nay vẫn còn tình trạng lập lờ... tên gọi ?
Theo Dantri
Loạn... danh xưng Nhiều người tự đặt những danh xưng như "nhà văn" hay "nhà nghiên cứu" này kia, dù chẳng đóng góp gì đáng kể về chuyên môn. Mới đây, hai cuốn sách về Đặng Văn Hòa và Đặng Huy Trứ bị phản ứng gay gắt vì những thông tin sai lệch và chắp vá. Đáng nói, tác giả được cho là nhà nghiên cứu...