Dịch thông tin và dịch sợ hãi
Có phải là bất thường không khi sởi, một căn bệnh vốn lành tính, bỗng nhiên lại làm chết quá nhiều người và có tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng cao?.
Khó có từ nào diễn tả được tâm trạng hoang mang của người dân trên cả nước trong những ngày dịch sởi đang hoành hành này, nhưng có thể nói rằng hiện sởi đang “sốt xình xịch” trên các mặt báo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, đã từng thẳng thắn chia sẻ, đại ý rằng: “Dịch sởi sẽ quay trở lại vì trẻ em đã bỏ tiêm vaccine”. Điều mà vị bác sĩ này nói cách nay đã nhiều tháng, khi đó hầu như chưa có ca sởi nào nhập viện, và rồi điều ông nói đã xảy ra, thật.
Và bây giờ, các bác sĩ cũng nói sởi đã và đang hoành hành trẻ nhỏ những ngày qua và rồi sẽ có nhiều bệnh dịch khác trỗi dậy và nguy hiểm hơn nếu người dân không cho con em mình đi tiêm chủng.
Trong khi các nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm căn nguyên của vấn đề (không ít ca tử vong do lỗi của y tá: tiêm nhầm vaccine, ăn bớt vaccine,…) thì báo chí cứ ra rả các thông tin về số ca tử vong khiến người dân sợ hãi, không dám cho con cháu đi tiêm ngừa như lịch trình.
Thuốc và phương pháp phòng dịch sinh ra là để cứu người, thế nhưng truyền thông lại reo rắc nỗi sợ hãi vào đầu dân chúng để giờ đây chúng ta phải chịu hậu quả. Nhưng thay vì tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu tường tận căn nguyên của vấn đề, thì báo chí lại một lần nữa gây hoang mang cho công chúng, khi mà ngày nào mở tờ báo ra hay lướt một trang web cũng đều thấy những thông tin kiểu như: Đã có 5 trẻ tử vong do sởi, thêm trẻ tử vong vì sởi, trẻ tử vong do sởi đã lên đến con số hơn 100,…Ai đọc những thông tin như vậy cũng giật mình, nhất là những phụ huynh có con nhỏ, càng hoảng loạn hơn khi con mình bắt đầu có triệu chứng sốt. Họ sợ, mà tất nhiên là phải sợ rồi, thế là họ ùn ùn đưa con vào bệnh viện mà cần không biết con mình có phải bị sốt do sởi không, hay chỉ là sốt…mọc răng, sốt vì thời tiết thay đổi,… nhưng cứ vào viện đi, cho chắc, không thì chết.
Chục người đem con vào viện cùng lúc, rồi trăm người, triệu người,…bệnh viện quá tải, trẻ nằm la liệt điều trị và rồi gây nên tình trạng nhiễm chéo, khiến trẻ mắc sởi dễ bị biến chứng, bệnh nặng thêm.
BS Trương Hữu Khanh đã thẳng thắn nhìn nhận, ngay trong thời điểm dịch sởi bùng phát hiện nay, số bệnh nhân mắc sởi đến nhập viện đông cũng có một phần lỗi về cách giải thích của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế với cơ quan truyền thông chưa chính xác.
Thực tế, bác Khanh cho biết, dịch sởi nhiều năm nay gần như vắng bóng và gần như từ thời gian đó đến nay, những sinh viên trong ngành y không được học về sởi, không nắm bắt được vấn đề, nên không có đủ kiến thức để tư vấn đúng. Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân mắc sởi là phải sốt cao, ho nhiều, nhưng do trình độ giải thích của bác sĩ không đúng, khiến nhiều người hoang mang và đưa con đến nhập viện. Thật ra sởi là một căn bệnh bình thường, không có gì đáng nguy hiểm. Nhiều trẻ bị bệnh sởi, chỉ cần ở nhà điều trị một vài ngày là khỏi, đâu cần phải đến bệnh viện làm gì.
Video đang HOT
Nhưng bác Khanh cũng thừa nhận, có nhiều khi giải thích nhưng phụ huynh không nghe, không tin nữa, cứ đòi để con lại ở bệnh viện, cho chắc. Một câu nói của truyền thông, nếu không đúng có khi làm bác sĩ phải nói lại 1.000 lời trong ba tháng mới có thể khiến người dân hiểu đúng.
Bác sĩ giải thích chưa cặn kẽ, truyền thông thổi phồng, trong khi ngành y tế thì…thủng thỉnh. “Xin trang thiết bị (máy thở) để điều trị cho trẻ hoài không được, đến khi trẻ nhập viện ồ ạt, báo lên trên ‘có trẻ bị biến chứng nặng, sắp chết rồi đó nghen’, lúc đó mới được cấp trang thiết bị điều trị. Vậy nên đôi khi cũng phải biết ơn một vài con virus”, bác sĩ Khanh nói.
Vậy, nên hay không nên đưa thông tin về dịch bệnh? Câu trả lời là rất nên, vì lợi ích của cộng đồng. Nhưng đưa tin cách nào đây?. Thời buổi báo chí thị trường, tin tức phải nóng, phải “sốt xình xịch” mới có độc giả mua báo, mới có lượt truy cập cao. Phóng viên hẳn nhiên khi đi săn tin phải tìm cái gì hay, độc, lạ, sốc. Mà nhiều khi, phóng viên viết không “giật gân”, biên tập cũng giật lên cho “sốc”. Bác sĩ Khanh chia sẻ, nhiều khi phóng viên đến tìm tôi toàn hỏi &’có gì bất thường không bác?’ hay ‘có số liệu nhiều mới đăng được’, ‘có bao nhiêu người chết rồi bác?’,…chứ ít ai hỏi tôi &’bệnh đó vì sao lại xảy ra, phòng và điều trị như thế nào cả’.
TS Nguyễn Đức An, Giảng viên báo chí đại học Bournemouth (Anh quốc) chia sẻ: “Thông tin nguy cơ sức khỏe dồn dập hoặc thiếu chính xác trên báo chí sẽ dẫn đến hai phản ứng trên công chung: hoặc báo chí tẩy chay các sản phẩm mà báo chí quy trách nhiệm (như việc ngày xưa người ta từng tẩy chay bưởi vì sợ ung thư, tẩy chay sữa vì sợ sữa nhiễm melamine, tẩy chay thịt heo vì lo lắng có chất tạo nạc,…và hiện nay họ tẩy chay vaccine vậy), hoặc người dân tỏ ra bất cần, tê liệt cảm xúc, kiểu như ăn cái gì cũng chết, vậy ăn đại cho xong.
TS Nguyễn Đức An nhận định, ngày nay hầu như những người làm báo cứ chạy theo dư luận, theo tâm lý đám đông, cứ đổ thêm dầu vào lửa, lấy sự đồng cảm và nước mắt đám đông. Theo TS An, người viết báo cần trung thành với lợi ích của công chúng, nhưng cũng cần bình tĩnh tách ra đám đông.
Những bản tin về một virus nào đó được phát hiện ở tỉnh này hôm nay hay địa phương nọ hôm kia; số trẻ tử vong ở tỉnh này, trẻ bị biến chứng nặng ở tỉnh kia,…hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi vì virus thì lúc nào mà chẳng hiện diện. Vấn đề không phải sự có mặt của virus, mà là virus đó nó độc hại như thế nào và cách phòng, tránh, điều trị ra sao để người dân biết mà tránh điều dở và tìm biện pháp khắc phục, chứ không phải để gây hoang mang hay sợ hãi.
Khi dân chúng đổ bệnh, người trong ngành y trách do dân trí thấp, truyền thông thổi phồng vấn đề khiến người dân sợ hãi. Dân thì đổ lỗi bác sĩ tắc trách, thuốc có vấn đề, ngành y tế thiếu trách nhiệm. Phóng viên thì đổ lỗi tại cơ quan chức năng không ‘thân thiện’ với báo chí, né tránh khi được đặt vấn đề khiến thông tin họ lấy được đôi khi chưa chuẩn xác,…Nhưng, nhìn lại, có lẽ tất cả chúng ta đều có lỗi như nhau.
Theo DVO
'Trời độc', bệnh hiểm
Diễn biến của thời tiết lạnh kéo dài cùng sự xuất hiện của nhiều loại vi rút khiến gia tăng các loại bệnh ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tại Hà Nội, bệnh nhi nhập viện tăng cao những ngày qua - Ảnh: Ngọc Thắng
Bác sĩ BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang khám cho một bệnh nhi mắc sởi - Ảnh: Lương Ngọc
Gia tăng trẻ mắc bệnh sởi
Bệnh sởi thường tự khỏi, nhưng nếu không điều trị sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng và có thể bị biến chứng. Viêm phổi là biến chứng thường gặp; viêm não cũng có thể gặp nhưng hiếm hơn
BS Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, những ngày qua liên tục tiếp nhận trẻ mắc bệnh sởi. Ngày 11.2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, các bác sĩ (BS), điều dưỡng phải làm việc liên tục vì lượng bệnh vào rất đông. Đặc biệt là số bệnh nhi mắc bệnh sởi gia tăng rất nhiều. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1, cho biết bình thường rất ít trẻ mắc bệnh sởi phải nằm viện, nhưng ngày 11.2 có đến 32 trẻ mắc sởi đang nằm ở khoa để điều trị nội trú. "Sởi bắt đầu xảy ra rải rác dịp cuối năm, và gia tăng rất nhiều trong những ngày qua, đặc biệt trong ngày 10.2 có đến 12 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú", BS Khanh nói. Nhiều bà mẹ lo lắng bởi tình trạng sốt cao và nổi ban đỏ khắp người của con mình.
Tại phòng khám bệnh của BV Nhi đồng 2, TP.HCM, hôm qua cũng có rất đông người bồng bế con chờ đến lượt khám. Trong đó, nhiều trẻ mắc bệnh sởi. BS ở đây cũng khám không kịp ngừng nghỉ. Mặc dù số thứ tự trên bảng điện tử đã nhảy đến lượt nhưng khi vào phòng nhiều người vẫn phải bồng bế con chờ đợi vì lượng trẻ quá đông. Anh Trí và vợ (ngụ Cần Thơ) bế con đang sốt và nổi ban đỏ bước ra khỏi phòng khám than: "Số thứ tự con mình là 32, trên bảng đã hiện đến số 33 rồi nhưng vô nãy giờ vẫn chưa đến lượt, đông quá bé khó chịu cứ khóc, phải bế ra ngoài cho thoáng tí, lát vào lại".
Còn tại Hà Nội, Khoa Nhi của BV Bạch Mai những ngày này thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi đến khám, điều trị do sởi và phát ban dạng sởi, bệnh nhi sốt vi rút, tiêu chảy do vi rút.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2013 cả nước ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Riêng chỉ trong tháng 1.2014 đã có 241 trường hợp mắc sởi. Bệnh xảy ra ở 24 tỉnh, TP, nhưng tập trung chủ yếu tại một số địa phương, như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, TP.HCM. Trong đó đã có 3 trường hợp tử vong (Hà Nội 1 ca và Yên Bái 2 ca).
89% số mắc chưa được tiêm vắc xin sởi Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi xảy ra tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh (hoặc tiêm vắc xin chưa đủ mũi), đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây. Cụ thể, tại các tỉnh, TP, trong số các ca mắc sởi có trên 30% chưa được tiêm vắc xin; riêng ở Hà Nội và TP.HCM có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc xin sởi. Trẻ 9 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng sởi mũi đầu tiên, sau đó 18 tháng tiêm nhắc lại mũi thứ hai.
BS Trương Hữu Khanh cho biết phần lớn trẻ mắc bệnh sởi dưới 5 tuổi, nhưng nhiều nhất là dưới 2 tuổi. Triệu chứng thường gặp lúc đầu là sốt cao, ho, sổ mũi, bé thở mệt, có thể có co giật, tiêu ra máu có đàm, chảy mủ ở tai. Thường 3 ngày sau khi sốt thì trẻ phát ban đỏ, ban mọc dày khắp cơ thể. "Bệnh sởi xảy ra nhiều từ tháng 2 - 5 hằng năm. Thời gian ủ bệnh sởi từ 10 - 14 ngày, sau đó phát sốt. Lúc phát sốt nhưng chưa nổi ban cũng làm lây nhiễm bệnh cho người khác. Bệnh lây mạnh qua đường hô hấp. Thường, khi các nốt ban sởi bay hết khi trẻ hết sốt và để lại các vết thâm. Tuy nhiên, sau đó vết thâm sẽ mất đi không cần bôi thuốc. Bệnh sởi thường tự khỏi, nhưng nếu không điều trị sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng và có thể bị biến chứng. Viêm phổi là biến chứng thường gặp; viêm não cũng có thể gặp nhưng hiếm hơn", BS Khanh khuyến cáo.
Các BS nhận định ngoài yếu tố thời tiết lạnh kéo dài, còn có yếu tố là, thời gian gần đây vì xảy ra một số trường hợp bị tai biến sau tiêm vắc xin, khiến nhiều người e ngại không đưa trẻ đi tiêm vắc xin, nên bệnh gia tăng. Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác, hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương trong một vài tháng tới.
Cảnh báo viêm não do vi rút, đột quỵ...
Theo các chuyên gia, ngoài bệnh sởi đang gia tăng, thời tiết năm nay lạnh kéo dài còn khiến các bệnh khác gia tăng như sốt vi rút; viêm màng não do vi rút; đột quỵ.
Thời tiết lạnh kéo dài còn khiến nhiều người lớn tuổi ở Hà Nội bị bệnh tim mạch, đột quỵ - Ảnh: Ngọc Thắng
PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội), lưu ý cần cho trẻ đến BV ngay nếu trẻ bị sốt cao liên tục, li bì, nôn nhiều, đau đầu, co giật vì có thể đó là triệu chứng cảnh báo của viêm não. Bệnh tiến triển nhanh gây nguy hiểm khi trẻ đã trong tình trạng suy giảm tri giác. Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai đang điều trị cho bệnh nhi 13 tuổi (ở TP.Hà Nội) bị viêm não với các triệu chứng rất điển hình: co giật, li bì, bệnh nhân trong tình trạng nặng phải thở máy liên tục.
Còn BS Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh - Viện Lão khoa (Hà Nội), cho biết những ngày sau Tết Nguyên đán, tại viện này bệnh nhân đến khám cao bất thường (từ 200 - 300 ca/ngày; trong khi cùng kỳ các năm trước chỉ từ 50 - 70 ca bệnh/ngày). Theo BS Trung Anh, thời tiết bất thường trước và sau đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ thuận lợi cho mầm bệnh (vi rút) phát triển. Việc gia tăng các ca bệnh ở người cao tuổi là hệ quả của đợt dịch cúm, nhiễm vi rút từ những ngày giáp tết và trong tết bởi đó là tác nhân gây bội nhiễm trên người già. Nhiễm cúm và nhiễm vi rút nói chung gây suy giảm miễn dịch, trong đó phế quản phổi là cơ quan đầu tiên bị tấn công bội nhiễm các vi khuẩn khác sau khi đã bị vi rút làm suy giảm hệ miễn dịch.
TS - BS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cũng cho biết trời rét đậm làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý tim mạch: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim nhập viện tăng khoảng 10 - 20% so với thời điểm thời tiết ổn định. Đáng lưu ý, trở rét đột ngột làm tăng huyết áp kịch phát gây đột quỵ chảy máu não.
Triệu chứng cảm cúm kéo dài so với trước Thời tiết lạnh còn khiến gia tăng các bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm. So với những năm trước, gần đây nhiều người mắc cảm cúm, viêm họng triệu chứng bệnh (đau nhức cơ thể, ho, đau rát họng...) thường kéo dài, có người kéo dài đến 2 - 3 tuần mới khỏi (trước đây cảm cúm nếu không điều trị thì chừng 4 - 7 ngày bệnh cũng tự khỏi nhờ sức đề kháng của cơ thể). Có sự thay đổi làm kéo dài thời gian giảm bệnh nói trên, theo PGS - TS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sĩ BV của TP.HCM, là do các yếu tố: vi khuẩn đề kháng thuốc (tình trạng này xảy ra nhiều trong nước bởi việc người bệnh tự ý mua và sử dụng thuốc bừa bãi; việc kê toa thuốc không hợp lý của bác sĩ); sự thay đổi bất thường của thời tiết, môi trường; chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động cơ thể, nghỉ ngơi của mỗi người có sự thay đổi... Theo lương y Vũ Quốc Trung, nếu cảm cúm do vi rút (triệu chứng thường là đau mỏi cơ thể) thì không cần dùng kháng sinh, mà cái chính là ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, vài ngày thì khỏi bệnh. Còn cảm cúm do thời tiết (triệu chứng hay gặp, sốt, ho...) thì chủ yếu là điều trị các triệu chứng.
Theo TNO