Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội: Vì sao đàn lợn rừng bị nhiễm dịch?
Cách đây ít ngày, Hà Nội đã phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại quận Long Biên. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành chôn tiêu hủy 25 con lợn rừng này theo đúng quy định và có các biện pháp xử lý ngăn chặn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thái Sơn, tổ 17 phường Ngọc Thụy (Long Biên) – hộ gia đình phát hiện ổ dịch cho hay: “Ngày 23.2, 25 con lợn rừng của gia đình có triệu chứng sốt, ốm yếu nên đã báo cho cán bộ Thú ý của phường đến kiểm tra, không ngờ chúng lại bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Chính – cán bộ Thú y phường Ngọc Thụy cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của hộ dân, nghi ngờ có dịch tả lợn châu Phi (ASF) đơn vị đã báo lên cấp trên và lấy mẫu xét nghiệm. “Kết quả phân tích mẫu cho là dương tính với bệnh dịch ASF” – ông Chính nói.
Ngay sau đó, cơ quan Thú y TP yêu cầu tiêu hủy toàn bộ 25 con lợn, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại của ông Sơn và của 4 hộ chăn nuôi xung quanh.
Hiện Chi Cục Thú y Hà Nội đang tiếp tục theo dõi, giám sát tại các khu vực khác theo công điện khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Hiện phường đã cắt cử lực lượng chốt trực 24/24h, ngăn người ra vào. Đặc biệt, cán bộ ở chốt còn ngăn không để dân tẩu tán lợn ở khu vực này ra ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Văn – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, sau khi báo cáo với chính quyền, hộ dân có lợn mắc dịch đã nghiêm túc chấp hành tiêu hủy và vệ sinh tiêu độc khử trùng, không tẩu tán lợn dịch ra ngoài. “Ổ dịch ở phường đang được kiểm soát tốt” – ông Văn khẳng định.
Video đang HOT
Lãnh đạo phường Ngọc Thụy thông tin, trên địa bàn phường có ít hộ chăn nuôi, chủ yếu là vùng vực, vùng bãi sông Hồng, sông Đuống với khoảng trên 500 con, nuôi quy mô nhỏ lẻ. Khu Đầm Lấm nằm xa khu dân cư, có khoảng 5 hộ chăn nuôi. Bốn hộ chăn nuôi còn lại, phường đã phát vôi bột, triển khai phun tiêu độc và đề nghị các hộ cam kết không xuất lợn ra thị trường trong thời gian này.
“Phường đã tổ chức rà soát, cử cán bộ thú y đến các tổ dân phố vận động các hộ chăn nuôi báo cáo hằng ngày. Khi có lợn ốm hay có biểu hiện lạ không tẩu tán, không bán chạy” – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.Hà Nội kiểm tra đàn lợn tại huyện Đan Phượng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến xuất hiện ổ dịch trên địa bàn, lãnh đạo UBND phường Ngọc Thụy cho rằng do chủ hộ sử dụng các nguồn thức ăn bên ngoài. Hiện cán bộ thú y cũng đã hướng dẫn các hộ còn lại nên dùng thức ăn ngay ở vùng bãi, rau gia đình trồng và cho lợn ăn cám viên, tạm thời chưa dùng thức ăn ngoài.
Làm việc với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đảng – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành các biện pháp xử lý, tiến hành tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa và đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh tại khu vực.
Theo Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội, cùng với những biện pháp phòng ngừa, cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và xử lý môi trường tránh để xảy ra việc người dân vứt xác lợn bị bệnh dịch ra môi trường, sông ngòi.
Đồng thời, các đơn vị cũng phải động viên bà con tại các vùng chăn nuôi nâng cao ý thức phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm. Trong trường hợp phát hiện bất thường cần báo ngay về các cơ quan chức năng, không được giấu dịch.
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng nhiều tỉnh
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 01/2 – 03/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Theo Danviet
Thanh Hóa: Chưa phát hiện trường hợp mới nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Thanh Hóa đã thành lập 3 chốt kiểm dịch lưu động ở QL 45, đường mòn Hồ Chí Minh và QL10 để kiểm tra, kiểm soát và phun hóa chất tiêu độc khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển qua lại. Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.
Ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, đến ngày 27.2, tại xã Định Long - nơi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Thanh Hóa, hiện chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Công tác phòng chống, ngăn chặn dịch vẫn đang được các đơn vị chức năng Thanh Hóa thực hiện chặt chẽ.
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, hiện Chi cục Thú y tỉnh đã cấp cho huyện 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ quần áo bảo hộ và 10 bình phun cơ động để ngăn chặn và chống dịch tả lợn châu Phi ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long.
Công tác phun hóa chất khử trùng tại nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long.
Hiện tại, huyện đã lập 5 chốt ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm dịch quanh vùng đệm dịch; 2 đội kiểm tra lưu thông gồm công an, thú y, quản lý thị trường để kiểm soát 24/24 giờ đối với lợn và thực phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.
Tại ổ dịch ở thôn Tân Ngữ 2, hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nào bị bệnh. Gần khu phát hiện ổ dịch còn 8 hộ chăn nuôi với 2.316 con lợn, hiện đang được kiểm tra, theo dõi thường xuyên.
Mặc dù gia đình ông Lê Văn Thanh (thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, Thanh Hóa) phải tiêu hủy 226 con lợn (trọng lượng 5.886 kg - PV) và 1.650 kg thức ăn cùng với các dụng cụ chăn nuôi tại chỗ, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông tỏ ra rất bình tĩnh.
"Trước kia tôi đã làm công nhân trong trang trại lợn giống Thanh Hóa nên cơ bản tôi đã nắm được kỹ thuật và cách xử lý khi lợn ốm. Đàn lợn của gia đình trước khi bị dịch có biểu hiện bỏ ăn từ 6 ngày, sau đó tôi tiêm kháng sinh và truyền nước cho những con bị ốm thì bệnh lại càng nặng thêm. Lúc đó tôi lập tức báo cho chính quyền", ông Lê Văn Thanh cho biết.
Huyện Yên Định đã lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát lợn ra vào vùng phát hiện dịch.
Ông Khương Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Định Long (huyện Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, ngày 25/2 UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố có dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở địa bàn xã. Ngay lập tức, xã đã tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi của Chi cục Thú y tỉnh và đến trực tiếp các hộ dân chăn nuôi để phổ biến tuyên truyền cho người dân nắm rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, ký cam kết với người chăn nuôi không được che giấu hoặc bán chạy khi lợn có biểu hiện lạ và phải báo ngay các cơ quan chức năng. Ngoài ra, xã cũng đã mua 2,1 tấn vôi bột phát cho những hộ quanh ổ dịch với số lượng từ 200 - 300 kg/hộ để vệ sinh quanh gia đình.
Theo Danviet
Người chăn nuôi Đồng Nai "quay cuồng" chống dịch tả heo châu Phi Tình trạng rớt giá vừa mới đi qua, nguy cơ bệnh lở mồm long móng chưa khép lại thì dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện khiến người chăn nuôi lợn ở nhiều nơi hết sức lo lắng. Ghi nhận của phóng viên Báo NTNN tại Đồng Nai - vùng có đàn lợn nuôi lớn. Thôi cho ăn cơm thừa, canh cặn...