Dịch tả lợn châu Phi bủa vây, Tiền Giang lập chốt kiểm dịch trên sông
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy siết chặt việc vận chuyển heo tại các trạm tuần tra, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi lây lan bằng đường sông.
Ngoài ra, ông Lê Văn Hưởng cũng yêu cầu các huyện nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT xây dựng kịch bản xử lý khi xảy ra dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng mức giá thuê nhân công cho các đội xử lý khi xảy ra dịch…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn chỉ đạo cán bộ một chốt kiểm tra siết chặt việc vận chuyển heo qua địa bàn.
Liên quan đến việc lập chốt đường thủy chống dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cũng vừa đề nghị chính quyền 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy phải tăng cường chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các tuyến đường bộ và đường sông trong việc ngăn ngừa heo bệnh chở vào địa bàn Tiền Giang, đặc biệt là các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp (2 địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi),…
Các huyện này phải thành lập thêm các chốt kiểm dịch ở các tuyến đường giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp; phối hợp với Phòng CSGT Công an Tiền Giang kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp chở heo bằng phương tiện thủy, không rõ nguồn gốc vào địa bàn Tiền Giang.
Với đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì vậy nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi của các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long rất cao. Sau tỉnh Hậu Giang, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 6 tỉnh, thành của Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.
Video đang HOT
Tiền Giang có nguy cơ xảy ra dịch rất cao vì là tỉnh cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Trước tình hình trên, tỉnh đã lập chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông chính, tiêu độc, khử trùng và ngăn chặn việc vận chuyển heo nhiễm bệnh vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.
Tuy nhiên, mới đây đã xảy ra một trường hợp nghi mắc dịch ở một đàn heo tại hộ ông Nguyễn Thành Chiến, ấp Mỹ Hiệp (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang). Đàn heo này có 20 con, hiện nhiều con heo đã chết.
Cán bộ thú y đang lấy mẫu huyết thanh đàn heo của ông Chiến để kiểm tra.
Ông Chiến cho biết, khoảng tuần trước vợ ông mua thịt heo từ huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) về nhà nấu ăn. “Có lẽ nguồn dịch lây lan từ đây”, ông Chiến thổ lộ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang đã cho lấy mẫu kiểm tra đàn heo bị bệnh này. Bước đầu cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Các mẫu test này đã được chuyển về Cơ quan Thú y vùng 6 và đang chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan này.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo với hơn 560.000 con, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.
Theo Danviet
Long An: 10 ngày công bố đường dây nóng, vẫn chưa ai gọi báo dịch
Theo ông Dương Minh Phí - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, sau 10 ngày công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn, vẫn chưa có ai báo xảy ra dịch.
"Chưa ai gọi báo triệu chứng DTHCP, chỉ có vài cuộc gọi nhờ tư vấn phòng ngừa dịch", ông Phí thông tin.
Được biết, Long An là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin DTHCP.
Người nuôi heo trên địa bàn tỉnh Long An được khuyên cáo nếu phát hiện dấu hiệu dịch phải báo ngay đến đường dây nóng của cơ quan chức năng.
Ông Phí cho biết, Chi cục khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, tăng cường phòng, chống dịch bệnh và báo cáo ngay khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh theo số điện thoại đường dây nóng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, Long An là cửa ngõ vận chuyển heo vào các tỉnh, thành miền Tây; tập trung nhiều cơ sở giết mổ và thu gom động vật nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh khá cao. Trên địa bàn tỉnh này đang tập trung 42 cơ sở giết mổ lớn, 11 điểm thu gom động vật. Mỗi đêm, Long An cung cấp thị trường TP.HCM khoảng 2.500 con heo.
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện chưa phát hiện trường hợp DTHCP.
Nhân viên thú y đang kiểm tra xe chở heo đi qua chốt kiểm dịch động vật ở Bến Lức (Long An). Long An tổ chức kiểm soát các phương tiện chở heo qua địa bàn 24/24.
Tỉnh đã tổ chức thành lập 8 chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn nhằm kiểm tra, kiểm soát lượng heo qua địa bàn 24/24.
Hiện, DTHCP đã lan đến tỉnh Thừa Thiên - Huế, nâng tổng số tỉnh trong nước bị dịch tả lợn châu Phi tấn công là 20 tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, DTHCP cũng đã bùng phát tại một số tỉnh của Campuchia giáp ranh tỉnh Tây Ninh, có khả năng lây sang các tỉnh biên giới của Việt Nam theo đường tiểu ngạch, trong đó có Long An.
Theo Danviet
Nông thôn khủng hoảng vì dịch tả lợn: Nỗi lo nhiều hộ tái nghèo Dịch tả lợn châu Phi đã càn quét ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc và hiện đã lan vào các tỉnh từ miền Trung tới miền Nam; tại Tây Nguyên cũng có 2 tỉnh xuất hiện ổ dịch. Tại những nơi dịch tả châu Phi "quét" qua, tất cả những gì còn lại chỉ là màu trắng của vôi và nước mắt...