Dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tỉnh này vừa phát hiện thêm 2 ổ dịch tả heo châu Phi mới tại thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng.
Theo đó, ngày 20-5 gia đình bà Trần Thị Thu Hà (khu phố 4, phường Long Phước, TX. Phước Long) phát hiện 1 trong 2 con heo rừng lai đang được gia đình nuôi bỏ ăn và chết. Mẫu xét nghiệm sau đó cho kết quả dương tính với virus dịch tả heo châu Phi nên ngành chức năng đã tiến hành các biện pháp tiêu hủy, sát trùng chuồng trại.
Hộ ông Trần Văn Tuấn, thôn 7 xã Long Hà, huyện Phú Riềng phát hiện đàn heo 13 con thì có 6 con chết nên gia đình đã báo cho thú y địa phương và kết quả xét nghiệm cũng dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Với việc xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại Phú Riềng và Phước Long, tại tỉnh Bình Phước ghi nhận đã có 4 đơn vị cấp huyện phát hiện có dịch tả heo châu Phi với 14 ổ dịch, tổng số heo bệnh bị tiêu hủy trên 300 con.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương cũng vừa phát hiện thêm 3 ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đó là tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cách trang trại có dịch đầu tiên chỉ khoảng 200m.
Ngay khi nhận thấy heo có dấu hiệu mắc bệnh tả, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy ngay, không chờ xét nghiệm với số lượng 62 con, nâng tổng số heo bị tiêu hủy trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến thời điểm này lên gần 1.100 con với 5 ổ dịch.
Video đang HOT
Ngày 23-5, ông Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết trên địa bàn xã vừa xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi. Hiện cơ quan đang tập trung xử lý số lượng heo bị nhiễm bệnh, đồng thời tổ chức chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa bàn. Trước đó, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) phải tiêu hủy 34 con.
Tại tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 23-5, ghi nhận thêm ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Nam Tiến (huyện Quan Hóa) khiến 60 con heo phải tiêu hủy. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã có 19 xã công bố hết dịch tả heo châu Phi nhưng lại có 3 xã tái dịch là: Thiệu Phúc, Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa) và Đông Ninh (huyện Đông Sơn).
Nghiêm trọng hơn, có tới 8 huyện mặc dù dịch tả heo châu Phi mới xâm nhiễm từ đầu tháng 5 nhưng tốc độ lây lan quá nhanh, khó kiểm soát, như ở huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia… Nhất là tại huyện Quảng Xương, tốc độ lây lan của dịch đã trở thành “điểm nóng” đáng lo ngại. Chỉ từ ngày 2-5 đến nay, dịch đã bùng phát, lây lan ra 23/30 xã, thị trấn.
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương đầu tiên của tỉnh Nghệ An công bố hết dịch tả heo châu Phi ngày 18-4 tại xã Quỳnh Hưng. Tuy nhiên, đến nay, dịch lại tái phát ở huyện này tại các xã Sơn Hải, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng. Trong khi huyện Quỳ Châu vừa công bố hết dịch tả heo châu Phi thì dịch lại bùng phát tại huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn, Hưng Nguyên…
Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế), sau khi địa phương công bố hết dịch vào ngày 11-5 tại xã Phong Sơn. Theo đó, kết quả xét nghiệm 8 con heo chết ở các xã Phong Thu và Phong Chương của huyện Phong Điền đều cho kết quả dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.
Như vậy trong vòng 1 tuần lễ, tỉnh Thừa Thiên – Huế liên tiếp xuất hiện 10 ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra tại các huyện Phong Điền, Phú Vang và 2 thị xã Hương Thủy và Hương Trà (TP Huế).
Ngày 23-5, UBND huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vừa có văn bản yêu cầu UBND xã Cẩm Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật và đình chỉ công tác, chấm dứt hợp đồng với bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ thú y xã vì lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, giao Phòng NN-PTNT huyện và UBND xã Cẩm Nam xem xét đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thu hồi giấy phép hành nghề và tạm dừng việc hoạt động hành nghề của bà Hạnh.
Theo văn bản của UBND huyện Cẩm Xuyên, ngày 14-5-2019, nhận được tin báo đàn heo của hộ ông Võ Văn Huy (thôn Tiến Hưng, xã Cẩm Nam) bị ốm chết với số lượng lớn, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý theo quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn.
NHÓM PV
Theo SGGP
Dịch tả heo châu Phi bùng phát : Lỗi tại ai?
Sáng 13-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tổ chức hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi".
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đưa ra những tồn tại, bất cập trong trong tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Một trong những bất cập đó là: "Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy suất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh bởi chủ hàng dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật".
Một chuyên gia trong ngành thú y ở TP.HCM cho biết năm 2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Thú y. Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh này có nội dung: "Động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển với số lượng, khối lượng lớn ra khỏi huyện phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát".
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra nguồn gốc heo vào chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).
"Căn cứ vào quy định nói trên, lực lượng thú y tình hoặc TP có quyền kiểm dịch heo sống, thịt heo trong nội tỉnh hoặc TP. Điều này rất dễ phát hiện heo sống, thịt heo không nguồn gốc để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh lây lan rất hiệu quả.
Tuy nhiên đến năm 2015, Luật Thú y ra đời đã bãi bỏ quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Điều này đồng nghĩa lực lượng thú y không có quyền kiểm dịch heo sống, thịt heo đang vận chuyển trong phạm vi tỉnh hoặc TP. Chưa hết, heo bệnh từ tỉnh A tuồn vào tỉnh B thì lực lượng thú y của tỉnh B cũng không dễ dàng kiểm dịch. Bởi lẽ một khi chủ hàng khai heo này có nguồn gốc từ một huyện của tỉnh B thì lực lượng thú y đành bó tay. Đây chính là nguyên nhân heo bệnh dễ dàng đưa từ tỉnh này vào tỉnh khác và mau chóng lây lan dịch" - vị này nói.
Theo vị chuyên gia này, chắc chắn không ít thành viên công tác trong Bộ NN&PTNT nằm trong tổ soạn thảo Luật Thú y. "Chẳng lẽ những thành viên này không lường trước một số dịch bệnh nguy hiểm trên heo sẽ xảy ra ở Việt Nam? Chẳng lẽ các thành viên này không nắm được nguyên tắc "bất di bất dịch" là chỉ khi được kiểm dịch nội tỉnh thì mới dễ dàng ngăn chặn dịch bệnh trên heo?"
Còn nhớ, khi Bộ NN&PTNT tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thú y thì Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị giữ lại quy định kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh để dễ dàng truy xuất nguồn gốc và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh trên heo nếu có. Thế nhưng đề nghị quá thực tế của Chi cục Thú y TP.HCM bị Bộ NN&PTNT phớt lờ. Để rồi giờ đây chính Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phải la làng: "Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy suất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn".
Vậy cho hỏi, bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát ở Việt Nam là lỗi do ai?
TRẦN NGỌC
Theo PLO
Dịch tả heo châu Phi áp sát TP.HCM, lại họp khẩn! Hiện vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, các quận, huyện TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp ứng phó để ngăn chặn dịch bệnh thâm nhập....