Dịch sởi tăng không ngừng, ‘tấn công’ cả người lớn tuổi
Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn tăng mạnh theo chiều “dựng đứng” và chưa có điểm dừng.
Theo nhận định của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 số ca mắc sởi tại khu vực phía Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Gia tăng trẻ em và người lớn nhập viện
Chị Thuỳ Linh (ngụ Tây Ninh) chăm con gái 9 tháng tuổi bị sởi đang nằm điều trị tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, con gái chị nhập viện điều trị đến nay đã được 4 ngày. Trước khi nhập viện, chị thấy bé ho nhiều, sốt cao và sốt phát ban. Khi nhập viện, bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi. Chị Linh cho biết, con gái chị mới tiêm một mũi vaccine 6 trong 1.
Ngày 6/12, tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 102 trẻ bị sởi.
Trong khi đó, chị Kim Lan (ngụ thành phố Thủ Đức) cũng đang chăm con trai bị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 gần một tuần nay cho biết, trước đó bé bị nhiễm trùng phổi nằm viện một tuần, sau khi về nhà thì bị sởi và cũng điều trị thêm một tuần. “Bé mới 7 tháng tuổi nên tôi chưa cho bé đi tiêm vaccine sởi vì nghĩ 9 tháng tuổi mới được tiêm. Tôi đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ theo lịch cũng không thấy bên trung tâm tiêm thông báo nên không biết trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn tiêm được vaccine sởi”, chị Kim Lan chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số ca sởi nhập viện đã tăng lên rõ rệt trong những tuần gần đây, từ 80 ca lên hơn 100 ca mỗi tuần; trong đó chủ yếu là bệnh nhân ở các tỉnh chuyển lên. Đa số trẻ nhập viện đều có biến chứng của sởi, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Những trẻ có cơ địa miễn dịch bình thường thì bệnh tiến triển nhẹ hơn, nhưng với những trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư hay ung thư, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hầu hết bệnh nhi mắc sởi nhập viện đều chưa được tiêm vaccine.
Theo bác sĩ Quy, không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không tiêm vaccine sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai hoặc thai chết lưu. Thực tế, bệnh viện ghi nhận trường hợp một bà mẹ vừa sinh con nhưng chưa tiêm vaccine và đã vô tình lây bệnh cho con tại bệnh viện.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bên cạnh ghi nhận số bệnh nhân mắc sởi là trẻ em tăng cao, bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân mắc sởi là người lớn cũng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của bệnh viện, từ tháng 8/2024 đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 900 trường hợp mắc sởi, trong đó có 65 – 70% bệnh nhân mắc sởi là người lớn. Trung bình mỗi ngày khoa Nội A của bệnh viện tiếp nhận 6 – 7 trường hợp là người lớn mắc sởi. Hiện tại khoa đang có 23 ca mắc sởi là người lớn, trong đó có 4 trường hợp nặng phải thở oxy, có những trường hợp thở oxy 5 ngày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Lan, khoa Nội A của bệnh viện cho biết: “Trước đây chúng tôi tiếp nhận điều trị sởi cho cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên hai tuần gần đây số ca mắc sởi ở lớn tăng liên tục và để giảm tải cho khoa chúng tôi chuyển bệnh nhi mắc sởi sang điều trị tại khoa Nhi C”.
Rà soát trẻ chưa được tiêm vaccine
Video đang HOT
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, một vấn đề đáng lo ngại là hầu hết các trẻ nhập viện đều chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ hai mũi. Một số phụ huynh, đặc biệt là ở các vùng quê, còn có quan niệm sai lầm rằng sởi là bệnh nhẹ, không cần phải tiêm phòng. Khoảng 10 – 12% phụ huynh vẫn có quan điểm phản đối vaccine, đặc biệt là với trẻ lớn. Một số cho rằng vaccine sởi có thể gây ra tự kỷ, trong khi thực tế vaccine sởi là một loại vaccine rất an toàn, hầu như không có tác dụng phụ được ghi nhận.
Advertisements
X
“Thậm chí có những gia đình cả nhà đều không tiêm vaccine và đều mắc bệnh sởi. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận một trường hợp gần đây là một phụ huynh phản đối việc tiêm vaccine cho con vì sợ tác dụng phụ. Tuy nhiên, sau khi trẻ bị biến chứng viêm phổi, gia đình đã phải đưa trẻ nhập viện điều trị”, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.
TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và rà soát tiêm bổ sung tại bệnh viện cho các trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vaccine sởi của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã hoàn thành với kết quả từ 95% trở lên. Tuy nhiên số ca nhiễm vẫn đang tăng cao, kể cả ở nhóm tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng. Điều này cho thấy, các địa phương vẫn chưa rà soát chính xác số lượng trẻ em và tiếp cận để mời tiêm, đặc biệt là trẻ thuộc nhóm biến động dân cư.
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh, ngoài chiến dịch tiêm sởi hiện tại, cần có các chiến dịch tiếp cận hiệu quả đối với các nhóm trẻ em khó tiếp cận vaccine. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này, dịch bệnh mới có thể được kiềm chế, nếu không số ca mắc sởi sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động hơn trong công tác truyền thông về tiêm chủng, đặc biệt là ưu tiên cho các nhóm đối tượng và vùng có nguy cơ cao.
Thạc sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, qua ghi nhận tại các địa phương cho thấy hiện nay công tác rà soát trẻ tiêm vaccine đang gặp khó khăn vì thiếu danh sách chính xác các trẻ chưa tiêm và nhiều trạm y tế chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng cần đối chiếu danh sách tiêm phòng từ phiếu khám sàng lọc và phần mềm quản lý tiêm chủng để xác định các trẻ chưa được tiêm. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở y tế, trường học và chính quyền địa phương để đảm bảo tất cả trẻ em trong diện tiêm chủng được tiếp cận kịp thời với vaccine.
Việc cần làm để ngăn dịch sởi lan rộng cả nước
Kể từ thời điểm TP.HCM công bố dịch sởi hồi tháng 8, số ca mắc vẫn trên đà gia tăng. Đáng nói, đa số trẻ mắc chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine sởi.
Tại Hội nghị trực tuyến về Công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm hôm 28/11, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. Số trường hợp tử vong ghi nhận tại TP.HCM (4), Đồng Nai (2), Bến Tre (1), Bình Dương (1). So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn gấp 111 lần.
Đáng chú ý, đa số trường hợp mắc là trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine chứa thành phần sởi.
Diễn tiến ca nghi sởi theo tuần năm 2024 tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Y tế.
Tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng số ca vẫn tăng
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng cho biết số ca bệnh sởi và sốt phát ban gia tăng mạnh. Tích lũy từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận khoảng 16.500 ca sốt phát ban và sởi. Số ca mắc ghi nhận cao nhất ở Đồng Nai với hơn 3.000 trường hợp, TP.HCM là hơn 2.700 ca.
Đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho hay tỷ lệ triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ của tỉnh đạt 97% nhưng các ca sởi được ghi nhận có tới 80-90% trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine sởi.
"Việc tiêm vaccine sởi cho trẻ 1-10 tuổi đã được rà soát trong thời gian qua, chiếm 86%, trong đó TP.HCM có tỷ lệ tiêm rất cao (97%). Thế nhưng, số ca mắc sởi trong độ tuổi này không có xu hướng giảm", TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh.
Nhận định nguyên nhân của tình trạng này, ông Thượng cho rằng đối tượng tiêm chủng được rà soát thông qua Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia chưa được quản lý hết. Còn rất nhiều trẻ không triển khai tiêm được vaccine, đa số trong các gia đình có biến động dân cư.
Một bệnh nhi được điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Khương Nguyễn.
Qua khảo sát có tới 27% phụ huynh không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine, 23% trẻ trên địa bàn không nằm trong danh sách tiêm vaccine. Như vậy, đối tượng cần được tiêm đang bị bỏ sót nhiều.
"Đây chính là nguyên nhân khiến số ca mắc sởi vẫn gia tăng nhanh trong thời gian qua dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cao", Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nói.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, dự đoán số ca mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng. Ông nhận định nguy cơ không chỉ ở các địa phương phía Nam mà sẽ bùng phát ở nhiều khu vực trên khắp cả nước nếu vấn đề miễn dịch cộng đồng với sởi chưa được giải quyết.
Nguyên nhân là "lỗ hổng tiêm chủng" khi có một thời gian dài Chương trình Tiêm chủng mở rộng thiếu vaccine, trong khi đó, ý thức tiêm chủng của người dân không nhiều, lo cơm áo gạo tiền, chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, dịch sởi sẽ diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm/lần.
"Khi biết được quy luật, chúng ta phải cùng nhau phòng tránh. Nguồn lây của bệnh không qua trung gian với tốc độ lây lan rất nhanh. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã có vaccine, dịch bùng phát hay không là phụ thuộc rất nhiều vào ý thức phòng bệnh của mỗi người. Vì vậy, việc chống dịch sởi không bao giờ là muộn", BS Khanh nhấn mạnh.
Tiêm vaccine phòng sởi càng sớm càng tốt
Theo Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, người dân cần tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người mắc các bệnh lý mạn tính như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. Điều quan trọng là tiếp tục rà soát tất cả người có nguy cơ mắc bệnh đang nằm ngoài diện bao phủ tiêm vaccine để tiêm vét, tiêm bù. Người dân chưa tiêm vaccine phòng sởi đủ thì cẩn thận khi đến các cơ sở y tế.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết các phụ huynh cần đưa con em tiêm đầy đủ mũi, đúng lịch. Người lớn không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm vaccine để phòng mắc bệnh, tránh lây lan cho những người xung quanh.
Đặc biệt, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm vaccine để bảo vệ thai kỳ và truyền kháng thể thụ động bảo vệ bé trước khi đến tuổi tiêm ngừa.
TP.HCM chính thức triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Ảnh: Duy Hiệu.
"Ngoài trẻ em, người lớn cũng là nguồn lây bệnh nhưng các triệu chứng có thể không điển hình như không mệt mỏi hoặc sốt cao như trẻ nhỏ, dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường khiến việc phát tán virus khó kiểm soát. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cần đạt độ bao phủ ít nhất 95% mới tạo được miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa virus sởi tiếp tục lây lan", bác sĩ Chính cho hay.
Tại TP.HCM, số ca mắc sởi ở trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi đang gia tăng, vaccine sởi được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, do đó phụ huynh có thể đưa con đi tiêm sớm để phòng bệnh sớm.
"Chỉ trong một tuần sau khi triển khai tiêm vaccine sởi chống dịch cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, các trung tâm VNVC tại TP.HCM ghi nhận lượng tiêm vaccine sởi cho đối tượng này tăng đột biến, đạt gần 5.000 lượt tiêm", BS Chính thông tin.
Theo chuyên gia này, mũi 0 vaccine sởi tiêm từ 6 đến 9 tháng tuổi được xem là mũi vaccine chống dịch, giúp trẻ tăng cường phòng bệnh sởi, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Vaccine dành cho trẻ dưới 9 tháng tuổi an toàn, nếu có phản ứng thì thường là sốt nhẹ, đau ở vị trí tiêm.
Kết quả nghiên cứu của WHO trên hơn 2.000 trẻ cho thấy mũi tiêm sớm này giúp trẻ có miễn dịch từ 65-85%. Khi đủ từ 9 tháng tuổi trở lên, trẻ cần tiêm tiếp các mũi vaccine sởi để tăng cường hiệu quả miễn dịch.
Long An phát hiện 1 trường hợp nhiễm Cúm A (H5N1) Ngày 4-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Long An cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Cúm A (H5N1). Ngành chức năng tỉnh Long An đang chờ kết quả phân tích giải trình tự gen N. Trường hợp nhiễm Cúm A (H5N1) ở Long An là hộ nuôi gia cầm bị chết hàng loạt Theo đó, bệnh nhân...