Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin
Bệnh sởi vẫn chưa hề có xu hướng giảm, ngược lại đang có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, theo các bác sĩ, chuyên gia y tế, dịch sởi bùng phát như hiện nay là hậu quả nhãn tiền của việc không tiêm vắc xin.
Dịch bùng phát do không tiêm vắc xin
Cho đến thời điểm hiện nay, ghi nhận tại các bệnh viện, cơ quan y tế tại TP.HCM, số ca bệnh sởi vẫn chưa hề có xu hướng giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2014, TP.HCM ghi nhận 129 ca phát ban nghi sởi. Số ca bệnh này gấp đến 21,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ có 6 ca).
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đánh giá dịch sởi còn có nguy cơ lan rộng. Đặc biệt, tháng 3, 4 là “mùa” của bệnh sởi.
Với tình hình dịch như năm nay, các bác sĩ, chuyên gia y tế nhận định sở dĩ, bệnh bùng phát đột biến và lan rộng như hiện nay là hậu quả của việc không tiêm ngừa vắc xin sởi từ thời điểm cách đây một năm trước.
Các quận, huyện ở TP.HCM bắt đầu tiêm bổ sung vắc xin sởi để chặn dịch – Ảnh: Nguyên Mi
“Việc sởi bùng lên không phải là chuyện bây giờ mà rõ ràng chúng ta bị hỏng một thời gian dài về việc tiêm vắc xin”, tiến sĩ – bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, đánh giá.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hầu hết bệnh nhi sởi nhập viện đều chưa được tiêm phòng sởi.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh do chưa được chủng ngừa (chưa đủ tuổi). Song song đó, nhiều phụ huynh lo ngại bởi những trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin nên đã quyết định không cho con đi tiêm ngừa nữa. Thế nên, có những trẻ lớn hơn 9 tháng vẫn chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi hoặc tiêm không đủ liều.
Theo ông Giang, việc số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi rất nhiều (độ tuổi chưa được tiêm ngừa) chứng tỏ, mầm bệnh sởi đang “lưu hành” trong cộng đồng.
Video đang HOT
“Bệnh sởi bùng phát đột biến, lây lan rộng hiện giờ chắc chắn là do không tiêm vắc xin”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định.
Theo bác sĩ Khanh, dịch sởi bùng phát là hậu quả nhãn tiền của việc lơ là, không tiêm vắc xin.
Số trẻ nhập viện điều trị sởi tại các bệnh viện nhi của TP.HCM vẫn chưa giảm – Ảnh: Nguyên Mi
Quay lưng với vắc xin: hậu quả khó lường
Bác sĩ Khanh phân tích: Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được đưa vào Chương trình tiêm chủng Quốc gia là ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan siêu vi B, sởi. Trong đó, sởi là bệnh mà vắc xin thể hiện hiệu lực bảo vệ nhanh nhất. Đồng thời, sởi là bệnh diễn biến nhanh, lây lan mạnh và dễ thấy nhất. Vì vậy, việc không tiêm vắc xin thì hậu quả sẽ xuất hiện và có thể thấy liền ngay sau đó. Từ đầu năm nay dịch sởi ở nước ta bùng phát chứng tỏ trong một năm qua, việc tiêm vắc xin sởi đã bị lơ lỏng, bỏ ngỏ. Trong khi đó, những bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B thì hiệu quả vắc xin thể hiện sau một thời gian lâu dài hơn. Các bệnh này sức lây lan không mạnh, không tạo dịch lớn nên chúng ta khó thấy hậu quả hoặc không tiêm lúc này có thể mấy năm sau mới thấy hậu quả. Ví dụ như với viêm ga siêu vi B thì trẻ tiêm bây giờ để phòng bệnh cho chục năm sau, hay uốn ván thì khi gặp tai nạn, dẫm đinh thì mới thấy được “giá trị”, hiệu quả của vắc xin.
“Vì vậy, việc lơ lỏng, không tiêm vắc-xin sẽ để lại hậu quả lâu dài”, ông Khanh khuyến cáo.
Đồng thời, bác sĩ Khanh cho biết, vừa qua đã xuất hiện lai rai một số ca ho gà, một bệnh lâu nay rất ít người mắc.
Đa phần trẻ mắc sởi đều chưa tiêm ngừa vắc-xin – Ảnh: Nguyên Mi
Đảm bảo 100.000 liều vắc xin sởi
Ngày 7.3, TP.HCM sẽ đồng loạt tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ ba tháng tuổi đến chín tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liềm vắc xin sởi trên địa bàn TP.
Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã chuẩn bị 80.000-100.000 liều vắc xin, đảm bảo đủ tiêm cho tất cả trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Tất cả trường hợp trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi sẽ được tiêm bổ sung. Nếu phụ huynh không nhớ rõ đã tiêm ngừa sởi cho con chưa thì tiêm cho trẻ mũi vắc xin sởi nữa cho chắc. Chỉ cần lần chích này cách lần chích trước đó, bất kể là chích ngừa gì, một tháng là được.
Theo ước tính của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện có khoảng 5.000 trẻ chưa tiêm sởi mũi đầu tiên theo đúng lịch tiêm chủng. Số trẻ chưa tiêm nhắc lại mũi hai lên đến 25.000 – 30.000 trẻ.
Theo đó, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã chuẩn bị 80.000-100.000 liều vắc xin, đảm bảo đủ tiêm cho tất cả trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.
Bác sĩ Giang tư vấn, điều cần thiết để dập dịch sởi bây giờ là tập trung tiêm vắc xin cho trẻ. Nếu tiêm vắc xin hết cho trẻ còn thiếu mũi tiêm trong vòng 15 ngày tới thì chỉ cần một tháng sau tiêm là tình hình sởi sẽ “lắng” xuống, đẩy lùi dịch sởi.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh: “Hiện nay, an toàn tiêm chủng là ưu tiên số một trong vệc triển khai tiêm ngừa”. Vì vậy, TP.HCM vẫn chỉ tiêm cho trẻ tại các trạm y tế phường, xã, kiểm tra đảm bảo đúng điều kiện, quy trình tiêm chủng. Việc thành lập các tổ tiêm chủng lưu động chỉ được xem xét nếu cần thiết và phải có ý kiến của UBND.
Theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện, trạm y tế rà soát, thông báo tất cả trường hợp trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi sẽ được tiêm bổ sung.
Nếu phụ huynh không nhớ rõ đã tiêm ngừa sởi cho con chưa thì tiêm cho trẻ mũi vắc xin sởi nữa cho chắc. Chỉ cần lần chích này cách lần chích trước đó, bất kể là chích ngừa gì, một tháng là được.
Theo TNO
Tập trung cấp bách chống cúm gia cầm, tiêm bù vắc xin sởi
Chỉ đạo tiêm bù vắc xin ngừa sởi và tập trung chống cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, khó lường là hai nội dung được nhấn mạnh tại buổi họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM với các quận, huyện sáng 19.2.
Trẻ điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Hà Minh
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP bệnh sởi chưa có dấu hiệu trở thành dịch.
Tuy nhiên, bệnh đã từ phía tây thành phố lan ra các quận, huyện khác. Số trẻ mắc và nằm điều trị tại các bệnh viện (BV) vẫn đông. Do đó, việc tiêm bù vắc xin sởi là biện pháp có thể kiểm soát bệnh trong vòng 2 tháng tới.
Việc tiêm bù sởi sẽ được triển khai tại các trạm y tế phường, xã vào thứ sáu và thứ bảy hàng tuần - nhưng tùy điều kiện mỗi địa bàn quận huyện có thể linh động thay bằng 2 ngày thứ bảy và chủ nhật - bắt đầu từ ngày 7.3 tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng đề nghị các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm mà tập trung vào 2 loại cúm là H5N1 và H7N9.
Theo đó, "người dân nếu phát hiện những điểm tập kết gia cầm trái phép, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn thì báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý; Đội chống dịch và phương tiện vật tư tại các Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện cần chuẩn bị kỹ càng; Việc giám sát phát hiện sớm dịch cúm gia cầm và bệnh cúm trên gia cầm lây qua người phải làm chặt chẽ" - lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo.
Tham dự buổi giao ban sáng nay, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho biết Sở đã chỉ đạo các bệnh viện Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và các BV đa khoa chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, giường bệnh, dịch truyền... để tiếp nhận và cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân; Giao các BV kiểm tra khả năng sẵn sàng của khu vực cách ly điều trị, thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh trong bệnh viện.
Ngoài ra, Sở cũng đã giao BV Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp tổ chức tập huấn công tác khám, điều trị và xử lý môi trường phòng ngừa lây lan trong BV về bệnh sởi và cúm đến các BV đa khoa thành phố và BV quận, huyện.
Theo TNO
Vẫn khẳng định không có bằng chứng vắc xin Quinvaxem gây tử vong Ngày 29.11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo về Truyền thông trong công tác tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức. Trước dư luận về yếu tố thiếu đảm bảo an toàn của vắc xin Quinvaxem, nhiều bậc cha mẹ ở Đà Nẵng...