Dịch Ebola tăng tốc lây lan
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, trong vòng hai tháng tới số ca nhiễm Ebola có thể chạm mốc 10.000 ca mỗi tuần.
Trong cuộc họp báo mới nhất tại Geneve, WHO xác định đại dịch Ebola đang tiếp tục lây lan tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, số ca nhiễm sẽ vượt ngưỡng 9.000 vào tuần này. WHO cũng dự đoán trong vòng 2 tháng tới sẽ có thêm 5.000-10.000 trường hợp mắc mới mỗi tuần nếu các nỗ lực không được cộng đồng quốc tế tăng cường.
Trợ lý giám đốc WHO Bruce Aylward cảnh báo sự gia tăng nhanh chóng số ca lây nhiễm Ebola trong thời gian tới. Ảnh: Straitimes
Có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đang có xu hướng chững lại ở những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhưng virus Ebola đã lây lan ra nhiều quận, huyện hơn so với một tháng trước và số ca mắc mới vẫn tăng lên mỗi ngày. Sierra Leone, Guinea và Liberia vẫn là những quốc gia chịu thiệt hại nghiêm trọng trong đợt bùng phát lần này. WHO tiếp tục lo ngại khả năng phát tán nhanh chóng của bệnh tại các thành phố thủ đô với dân cư đông đúc là Freetown, Conakry và Monrovia. Hệ thống y tế tại các quốc gia này đang oằn mình trước một lượng lớn bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt từ các trang thiết bị cho tới có y bác sĩ được huấn luyện và đào tạo bài bản.
Video đang HOT
Nhìn nhận tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Ebola là 70%, ông Bruce cho biết đây là căn bệnh có khả năng gây tử vong cao trong bất cứ trường hợp nào, đặc biệt là các quốc gia tâm dịch. Giới chức y tế đang tập trung đưa những người bệnh vào khu vực cách ly và cung cấp điều trị sớm nhất có thể.
Theo số liệu thống kê mới nhất, dịch bệnh đã cướp đi 4.447 sinh mạng trong hơn 8.900 ca nhiễm kể từ khi bùng phát hồi tháng ba năm nay tại Guinea. Dịch đang gây nhiều lo ngại khi các trường hợp nhiễm bệnh đã vượt ra khỏi châu Phi tới Mỹ và Tây Ban Nha. Nữ y tá người Tây Ban Nha từng điều trị cho 2 bệnh nhân Ebola ở thủ đô Madrid là người đầu tiên mắc Ebola bên ngoài châu Phi trong đợt bùng phát hiện nay. Mới đây, nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Phạm cũng nhiễm loại virus chết người. Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Presbyterian, Texas cũng vừa được xác nhận mắc bệnh, trở thành ca nhiễm Ebola thứ hai trên đất Mỹ, một ngày sau tin Nina Phạm bị nhiễm.
Các ca lây nhiễm này làm dấy lên nhiều lo ngại về công tác an toàn cho nhân viên y tế ngay tại vùng dịch và cả những quốc gia phát triển.
Khánh Hà
Theo Reuters, Foxnews
Hơn 230 bác sĩ, nhân viên y tế đã chết vì Ebola
Khoảng 400 nhân viên chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới đã nhiễm Ebola và hơn 230 trường hợp tử vong.
Tờ Forbes ngày 16/10 đưa tin, theo Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF), chỉ riêng trong tuần này đã có tới 16 nhân viên của họ được chẩn đoán mắc bệnh và 9 người đã không qua khỏi. Trên toàn cầu, có khoảng 400 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã nhiễm Ebola và hơn 230 trường hợp tử vong.
Mới đây, một nhân viên y tế của Liên Hợp Quốc bị nhiễm virus Ebola qua đời tại bệnh viện ở Đức, sau chưa đầy một tuần được chuyển tới để điều trị. Bác sĩ Sheik Umar Khan, người anh dũng dẫn đầu cuộc chiến chống Ebola tại Sierra Leone cũng mắc bệnh và qua đời. Bác sĩ hàng đầu của Liberia, Samuel Brisbanem từng là tư vấn y tế cho cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor, cũng đã thiệt mạng vì căn bệnh này.
Bác sĩ Sheik Umar Khan, 39 tuổi, từng được Bộ Y tế Sierra Leone đánh giá là một "anh hùng dân tộc" qua đời vì Ebola. Ảnh: Reuters.
Chăm sóc cho bệnh nhân Ebola là đặc biệt phức tạp, cần sự giám sát liên tục của nhân viên y tế. Các bác sĩ và y tá đòi hỏi phải thực hiện biện pháp bảo vệ toàn diện để đảm bảo tránh khỏi các chất dịch tiết ra từ cơ thể bệnh nhân.
Hai trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ là đôi y tá đã điều trị cho Thomas Ducan, người Liberia đầu tiên được chẩn đoán mắc Ebola tại Mỹ. Y tá Nina Phạm và Amber Joy Vinson là hai trong số hơn 70 nhân viên y tế đã chăm sóc Duncan trong thời gian 10 ngày ông này điều trị tại Bệnh viện Presbyterian Dallas.
Các y tá vừa khiếu nại với Hiệp hội Y tá Quốc gia Mỹ vì họ không được mặc đồ bảo hộ thích hợp khi chăm sóc bệnh nhân, chỉ "tiếp xúc với Duncan bằng bất cứ thiết bị bảo hộ nào có sẵn". Cũng trong đơn khiếu nại của các y tá, Duncan đã nằm ở một khu vực không cách ly trong khoa cấp cứu suốt nhiều giờ và có khả năng lây lan virus cho các bệnh nhân khác. Các y tá chăm sóc Duncan cũng đồng thời điều trị cho nhiều bệnh nhân trong bệnh viện.
Nỗi lo ngại thiếu sự đào tạo chuyên môn, trang thiết bị, cách thức bảo hộ... đang ngày càng dâng cao trong đội ngũ nhân viên y tế Mỹ. Những điều này đã đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ khủng khiếp hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch tồi tệ Ebola.
Lê Phương
Theo Forbes
Y tá Mỹ thứ hai nhiễm Ebola, cảnh báo 132 hành khách bay cùng Giới chức y tế Mỹ đang tìm kiếm 132 người đã đi cùng chuyến bay với nữ y tá Texas thứ hai bị nhiễm Ebola vào ngày trước khi cô phát bệnh. Nữ y tá thứ hai tại Mỹ bị chẩn đoán nhiễm Ebola là Amber Vinson, 29 tuổi. Cô đã bị ốm vào ngày thứ ba vừa qua. Cả cô và nữ...