Dịch cúm gia cầm lăm le bùng phát
Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh và tiến sát biên giới Việt Nam, chiều 13-1, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về phòng chống dịch đã họp khẩn bàn biện pháp phòng chống. Theo nhận định của Ban chỉ đạo, nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta là rất lớn.
Cuối năm là thời điểm gia cầm nhậu đổ về các thành phố. Ảnh: Phú Khánh
Cúm A/H7N9 đe dọa xâm nhập
Video đang HOT
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang bùng phát mạnh và có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam, giáp biên giới Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tuần đầu năm 2014, tại nước này có thêm 14 người mắc mới được ghi nhận, số tử vong đã tăng lên 51 trường hợp. Đáng chú ý, dịch không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc mà đã xuất hiện thêm những ca bệnh ở Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và bệnh nhân đều bị lây nhiễm do đi từ các ổ dịch tại Trung Quốc lục địa về. Việt Nam hiện chưa có ca bệnh song việc giao lưu đi lại, buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn nên nguy cơ dịch xâm nhập có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thú y – Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, điều lo ngại nhất hiện nay là việc buôn bán, vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa được kiểm soát tốt, nhất là tình trạng gia cầm nhập lậu có xu hướng tăng lên trong dịp Tết Giáp Ngọ. Trong khi đó, virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, khiến nguy cơ dịch xâm nhập càng khó ngăn chặn hơn.
Mới đây, Cục Thú y giám sát tại 60 chợ của 9 tỉnh/ thành phố trọng điểm về buôn bán gia cầm lấy 9.000 mẫu giám sát thì phát hiện có tới 590 mẫu dương tính với cúm A.
Cũng theo ông Đào Xuân Thanh, không chỉ lo ngại dịch cúm A/H7N9 mà hàng loạt dịch cúm A khác như A/ H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… đều đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên đàn gia cầm. Qua kiểm tra 147 chợ gia cầm ở 44 tỉnh/ thành trên cả nước từ năm 2013 đến nay, đã phát hiện có đến 90 chợ có mẫu gia cầm dương tính với cúm A/H5N1, chiếm trên 60%. Đáng lo ngại, hiện là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm.
Quyết liệt ngăn chặn
Với diễn biến đáng lo ngại của dịch cúm A/H7N9 và các dịch cúm gia cầm khác, trong vài ngày tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra công điện khẩn gửi các địa phương yêu cầu triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát. Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cung cấp thông tin kịp thời về dịch cúm A/H7N9, H5N1 để có kế hoạch ứng phó cụ thể, kiên quyết không để dịch xâm nhập trong dịp Tết này. Trước đó, Cục Y tế dự phòng cũng đã đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt khu vực biên giới phía Bắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, qua giám sát, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ sẽ tổ chức khám sàng lọc cách ly, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu gửi về các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, sẵn sàng tổ chức tốt việc điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân…
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng lây nhiễm chủng cúm A/H7N9 và các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.
Theo ANTD
Lơ là phòng chống dịch sẽ bị xử lý trách nhiệm
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 và H5N1.
UBND các quận, huyện, thị xã phải tổ chức thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hại của dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người chăn nuôi biết và tự giác thực hiện. TP nghiêm cấm việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm từ vùng có dịch ra, vào TP, gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc. TP cảnh báo các quận, huyện không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Không để xảy ra tình trạng lây nhiễm cúm gia cầm trên người và động vật. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để dịch xảy ra do chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Theo ANTD
Để toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan và tác hại của dịch cúm gia cầm Ngày 15-4, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Công điện 528/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc cấp đủ phương tiện phòng bệnh dịch cúm gia...