Dịch cúm A-H1N1 hoành hành vùng biển
Mấy ngày nay, dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Điều đáng nói là dịch bệnh đã lan nhanh, do công tác phòng chống chưa được ngành y tế, chính quyền và người dân quan tâm đúng mức.
Vùng quê không yên tĩnh
Hàng rong trước cổng Trường Tiểu học xã Giao Thạnh vẫn “vô tư” bán và không ai mang khẩu trang.
Chuẩn bị vào mùa hạ, cái nóng đã bắt đầu len lỏi. Nhưng trên chiếc phà Cầu Ván từ trung tâm huyện qua xã Giao Thạnh vẫn đông ken người. Chỉ có điều, mọi người qua lại trên phà này giờ đều đeo khẩu trang để ngừa dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành ở miền quê ven biển này.
Ông Tống Hoàng Lam – Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh, cho biết: “Từ ngày 18 đến 28.2, toàn xã đã phát hiện 228 ca có triệu chứng bệnh cúm A/H1N1, phần lớn phát hiện tại các trường học. Bệnh nhân gồm có cả giáo viên, học sinh và cả những nông dân chân chất…
Sau khi phát hiện những ca dương tính với cúm A/H1N1 đầu tiên, các em học sinh bị phát hiện dương tính được tạm nghỉ học để điều trị tại nhà và uống Tamiflu. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú cử cán bộ phòng dịch đến phun hóa chất, tiêu độc sát trùng trong phạm vi các trường học.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, có lẽ do công tác tuyên truyền, phòng bệnh và phương pháp điều trị bệnh… chưa hợp lý nên số ca bệnh này ngày càng gia tăng. Như ngày 18.2, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngành y tế địa phương chỉ lấy 9 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm (trong đó đã có 7 ca dương tính cúm A/H1N1).
Ngoài ra, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh lấy 50 mẫu bệnh phẩm khác xét nghiệm (nhưng chưa công bố kết quả). Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn 100 bệnh nhân khác chưa được xét nghiệm nên đến nay họ vẫn hoang mang vì chẳng biết mình nhiễm cúm thường hay cúm A/H1N1 để có biện pháp điều trị và chống lây lan.
Hơn nữa, các ca bệnh cúm A/H1N1 chỉ được điều trị cách ly tại gia đình và do người thân trong gia đình đảm nhận, trong khi đúng ra cần đưa vào điều trị cách ly tại cơ sở y tế. Đó là nguy cơ khiến dịch bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác.
Phản ứng… ung dung
Mấy ngày nay, tôi cũng muốn “sốt” theo dịch bệnh. Nhưng hiện nay, do không tiếp tục xét nghiệm nên chúng tôi không biết làm sao, nhất là diễn biến tăng, giảm của số ca bệnh cúm A/H1N1.
Ông Lê Văn Không – Trưởng Trạm Y tế xã Giao Thạnh
Ở 3 điểm trường của xã Giao Thạnh, dù đã xảy ra bệnh cúm nhưng nhiều học sinh vẫn chưa mang khẩu trang trong giờ học. Ban giám hiệu trường chỉ trang bị khẩu trang y tế cho cán bộ, giáo viên, còn học sinh thì phụ huynh tự lo liệu. Bà Tô Thị Bé Diễm – hộ kinh doanh trước cổng Trường Tiểu học xã Giao Thạnh nói:
“Tôi biết trong trường có bệnh cúm A nhưng chắc không sao! Nhà trường nghỉ thì mình nghỉ, còn trường vẫn cho học, mình bán chứ biết sao bây giờ. Nghe bệnh cũng sợ lắm nhưng không bán thì lấy gì sống”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho rằng: “Thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo điều trị cách ly tại gia đình là do chưa có trường hợp nào cần thiết phải nhập viện”.
Và ông Thắng khẳng định, nếu dịch bệnh bùng phát nặng hơn mới tính đến chuyện bố trí khu cách ly. “Thật ra bệnh cúm A/H1N1 đối với báo chí thì còn lạ, nhưng với ngành y chúng tôi thì thông thường thôi, vài ngày sẽ hết (!)” – ông Thắng nói thêm.
Còn chuyện chưa công bố dịch, theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, dù đã nhiều người mắc bệnh cúm, nhưng do chưa có ca tử vong và còn trong tầm kiểm soát nên chưa thể công bố dịch trên phạm vi xã Giao Thạnh.
Hiện nay, nguyên nhân xảy ra bệnh cúm A/H1N1 ở Giao Thạnh vẫn chưa được ngành chuyên môn xác định. Trước đó, vào năm 2009, tại Giao Thạnh cũng đã xảy ra một ổ dịch cúm A/H1N1. Ngành y tế cho biết, có lẽ do virus bệnh từ năm xưa còn lưu lại… Nhưng đó chỉ là đồn đoán, bởi ngành chức năng vẫn đủng đỉnh.
VGT(Theo Dân Việt)
Sốt phát ban và sởi: Nguy cơ bùng phát
Hiện nay, ở miền Bắc và Hà Nội, dịch sốt phát ban đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến số người nhập viện tăng cao. Đồng thời, số người mắc sởi trong những ngày đầu năm mới cũng đã xuất hiện rải rác. Đáng lo ngại hơn, không chỉ trẻ em mà số người lớn mắc sốt phát ban và sởi hiện nay cũng khá nhiều, khiến nguy cơ bùng phát rất cao...
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau đợt nghỉ tết dài ngày, nhiều khoa phòng điều trị trở nên quá tải bệnh nhân. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nếu như thời điểm này những năm trước, dịch sốt phát ban thường bùng phát mạnh, gia tăng ồ ạt tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian ngắn và đối tượng mắc chủ yếu ở trẻ em thì năm nay, dịch sốt phát ban ở khu vực Hà Nội đã xuất hiện kéo dài cả tháng nay và chưa có xu hướng chững lại.
Lượng bệnh nhân nhập viện không chỉ gia tăng mạnh mà chiếm phần lớn ở nhóm người lớn, trong đó có khá nhiều ca nặng, bị biến chứng viêm não. Đáng lo ngại hơn, sau nghỉ tết, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận vài trăm bệnh nhân tới khám và điều trị do cúm, sốt phát ban và nhiễm trùng tổng hợp, trong đó bệnh nhân sốt phát ban chiếm tới hơn 70%.
Anh N.V.H., 42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm cho biết, lúc đầu cơ thể chỉ có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức như cảm cúm thông thường, nhưng chỉ vài ngày sau trên người đã nổi đầy nốt đỏ, sau đó lan lên khắp mặt và ho rất nhiều.
BS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, sốt phát ban thực chất là hội chứng của nhiều bệnh khi chưa xác định được chính xác đó là bệnh do nguyên nhân gì. Tuy nhiên, đợt dịch sốt phát ban đang bùng phát tại Hà Nội hiện nay chủ yếu là do virus rubella gây ra có thể lây từ người sang người, chỉ có một số ít trường hợp sốt phát ban do dị ứng thuốc hay liên cầu khuẩn. Mặc dù sốt phát ban do virus lành tính, nhưng trong đợt này vẫn có khá nhiều ca bị biến chứng. Đối với trẻ em, biến chứng phổ biến nhất khi bị sốt phát ban là viêm đường hô hấp, còn với người lớn xuất hiện biến chứng viêm não.
Nổi nốt đỏ khắp người, một trong những triệu chứng của sốt phát ban
Không chỉ có vậy, hiện nay ở phía Bắc, dịch sởi cũng đã bắt đầu xuất hiện rải rác người mắc và biểu hiện ban đầu của bệnh cũng khá giống với sốt phát ban. Do đó, việc phân biệt được sớm bệnh sốt phát ban do virus thông thường với sốt phát ban dạng sởi sẽ giúp ích cho phòng bệnh và hạn chế được sự lây lan của dịch, cũng như những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, hiện nay bệnh sởi hay sốt phát ban do virus rubella gây ra đều đã có vaccine phòng chống nên biện pháp phòng tránh tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, rất có thể dịch sốt phát ban sẽ tiếp tục kéo dài, gia tăng số người, đặc biệt là sốt phát ban do sởi. Vì vậy, với bất kỳ ai khi có biểu hiện sốt phát ban hay sởi người bệnh cần tránh tiếp xúc chỗ đông người, nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang và hạn chế đi ra khỏi nhà. Nếu có điều kiện thì tốt nhất là cách ly một thời gian ngắn để phòng bệnh và tránh lây lan cho người khác.
Gần 100 người nhiễm cúm A/H1N1 ở 8 tỉnh thành
Đây là thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh trên người được công bố ngày 9-2. Theo đó, từ đầu năm 2011 tới nay, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lan rộng ở nhiều địa phương, với số người mắc tăng cao. Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 96 trường hợp mắc cúm A/H1N1 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội có người mắc nhiều nhất với 67 ca, tiếp đó là TPHCM có 22 ca. Đáng lo ngại hơn, Cục Y tế dự phòng cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.
Theo Bưu Điện Việt Nam