Dịch Covid-19: Việt Nam chuẩn bị sang trạng thái “bình thường mới”
Nhận định về tình hình dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam đã có thành quả bước đầu và sự chuẩn bị chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Phải chấp nhận một số quy định về hành vi…
Ông Nhân cho biết, ngoài dự báo, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu sau 70 ngày. Đến thời điểm hiện nay, có thể phân ra có 3 nhóm nước xét theo quy mô số người nhiễm:
Nhóm 1: Các nước có trên 100.000 người nhiễm gồm 6 nước: Mỹ (740.000 người nhiễm), Tây Ban Nha (195.000), Ý (176.000), Pháp (152.000), Đức (144.000) và Anh (115.000). Tất cả 6 nước này đều là nước phát triển, có thu nhập đầu người cao (từ 30.000 USD đến 65.000 USD/người), có tổng số người nhiễm là 1,523 triệu người và chiếm tới 65% số người nhiễm toàn cầu, trong khi tổng dân số là 655 triệu người, chỉ chiếm 8,5% dân số thế giới và tạo ra năm 2019 hơn 34.140 tỉ USD GDP, chiếm gần 39% GDP thế giới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Nhóm 2: Các nước có trên 10.000 người nhiễm đến dưới 100.000 người nhiễm gồm 18 nước, trong đó có Trung Quốc có 82.735 người nhiễm, Thổ Nhĩ Kỳ 82.329, Iran 80.868, Nga 42.853, Ấn Độ: 16.365; Thụy Điển: 13.822, Israel: 13.362, Hàn Quốc: 10.061, Nhật Bản: 10.296… 18 nước này có 584.633 người nhiễm tính đến ngày 18/4, chiếm 25% tổng số người nhiễm toàn thế giới và 19.563 người chết, chiếm 12% số người chết toàn cầu, trong khi có dân số 3.657 triệu, chiếm 47,5% dân số thế giới và GDP là 34.694 tỉ USD, bằng 40% GDP toàn cầu.
Nhóm 3: Các nước có dưới 10.000 người nhiễm, gồm 186 nước.
Tùy theo quan điểm của lãnh đạo các nước về phòng, chống dịch Covid-19, điều kiện cụ thể của hệ thống y tế, nhận thức về Covid-19 và thói quen sinh hoạt của người dân, mà sau 80 – 90 ngày từ khi có người nhiễm đầu tiên ở một nước, diễn biến lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau, có thể dẫn tới đại dịch, dịch vừa phải hoặc không có dịch, chỉ có lây nhiễm kiểm soát được.
Việt Nam có dân số 99 triệu người, chuyển giai đoạn 29/3, tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân là 1,9. Tổng số người đang điều trị: 163; tỉ lệ người điều trị/1 triệu dân: 1,6. 38/63 tỉnh, thành phố (60%) không có người nhiễm từ 23/1. Hệ số lây nhiễm là 0.64.
Ông Nhân nhận định, các nước có đại dịch và dịch ở mức trung bình, nhưng số người phải điều trị ở bệnh viện vẫn không ngừng tăng lên (Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Thụy Điển…) sẽ phải tìm mọi cách để chặn đứng sự lây nhiễm cho đến khi nào số người phải điều trị tại các bệnh viện không tăng mà giảm.
Một số giải pháp sẽ được giải quyết trong giai đoạn này là: Cấm đi lại trên toàn quốc (trừ các trường hợp đặc biệt) hoặc ở các vùng có tỉ lệ tổng số người phải chữa bệnh cao, cách ly người bị nhiễm và người đã tiếp xúc, nâng cao năng lực các bệnh viện, chăm sóc các nhà dưỡng lão, đảm bảo đáp ứng thực phẩm, dịch vụ y tế cho nhân dân.
Các nước đã chuyển giai đoạn, phải thiết kế lộ trình và các điều kiện phù hợp để nới lỏng sự hạn chế đi lại, tiếp xúc, giao lưu của người dân; mở lại trường học, cửa hàng, các dịch vụ một cách phù hợp, đưa ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động mới của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để không làm lây lan Covid-19 mạnh dẫn đến dịch.
“Chừng nào chưa có vắcxin thì khi đó không thể loại trừ lây nhiễm Covid-19, song có thể được kiểm soát như đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác. Mỗi người, mỗi cơ quan doanh nghiệp, ngành nghề phải chấp nhận một số quy định về hành vi cá nhân và hoạt động của cơ quan mình, doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình, địa phương của mình khác trước để phòng bệnh truyền nhiễm Covid-19 và ngăn chặn không để xảy ra dịch Covid-19″, ông Nhân nói.
Tại TP.HCM, các cơ quan, doanh nghiệp phải đặt ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc từng ngành nghề để sản xuất, kinh doanh, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện mà không làm lây nhiễm Covid-19. Trong tháng 4/2020, TP.HCM cần hoàn thành các công việc này để triển khai áp dụng từ tháng 5/2020.
Nhu cầu của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu
Từ thực tiễn của Việt Nam và bài học của các nước có thể hình dung: Nếu kiểm soát xâm nhập dịch từ bên ngoài vào Việt Nam tốt, phòng dịch trong nước ở tất cả các địa phương, ngành nghề, gia đình và mỗi người tốt thì khi số người nhiễm Covid-19 cần điều trị một lúc ở Việt Nam không quá 1.000 người, thậm chí lên đến 2.000 người thì hệ thống y tế Việt Nam vẫn xứ lý được, không quá tải, không gây rối loạn bệnh viện và xã hội.
Do nhiều nước là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam còn đang chống dịch, kinh tế chưa phục hồi nên cần lấy nhu cầu trong nước của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp, đồng thời bám sát nhu cầu tăng lên từng ngày của các nước đã chuyển giai đoạn để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư hai chiều với các đối tác này.
Video đang HOT
Giãn cách trong sản xuất tại cty Pouyuen
Việc chuyển từ trạng thái chống dịch ở các nước đang có dịch hoặc phòng dịch ở các nước chưa có dịch, tuy có lây nhiễm ở quy mô nhỏ, sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với sự tham gia tích cực, hiểu biết và nghiêm túc của người dân trong một lộ trình khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau từ nay đến hết năm 2020, để mỗi địa phương và đất nước phục hồi đời sống và sản xuất kinh doanh nhanh nhất với điều kiện không để xảy ra nguy cơ dịch đáng kể.
Một số trạng thái bình thường mới có thể hình dung như: Việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng đồng, khi gặp gỡ giao lưu với người khác trong một thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn). Người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid-19 đến Việt Nam phải được thử có virus hay không và cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu đáng nghi ngờ lây nhiễm.
Khi phát hiện có người bị dương tính với Covid-19 thì người đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày.
Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe…) phải được quy định, có mức tối thiểu.
Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, mittinh, du lịch, hội họp…)
Thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, xe, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.
Bạch Dương
'Nếu khó khăn cứ lấy một phần' - tấm lòng tử tế thời Covid-19
Lòng tốt không có chỗ cho sợ hãi, hoài nghi, chắc chắn sẽ mang đến điều tốt đẹp. Trong dịch bệnh, đường phố có thể vắng vẻ hơn, nhưng không vì thế mà thiếu đi những tấm lòng.
Mất việc. Bắt buộc nghỉ không lương. Công việc kinh doanh phải tạm dừng. Trường học đóng cửa.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tất cả. Thế nhưng, người lao động, nghèo khó dễ bị tổn thương nhất.
Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh những dãy bàn được kê tạm trên vỉa hè với thực phẩm thiết yếu như mì tôm, bánh mì, gạo, nước tương, trứng đóng thành từng gói nhỏ. Kèm theo đó là tấm biển ghi dòng chữ: "Nếu khó khăn, xin cứ lấy 1 phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác".
Từ Hà Nội, TP.HCM đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, cảnh tượng này khiến nhiều người bỗng thấy ấm lòng, vui lạ giữa mùa dịch. Đường phố có thể vắng vẻ hơn trong những ngày này, nhưng không thiếu đi sự tử tế, tốt bụng.
Những tấm biển mang dòng chữ "Ai cần cứ đến lấy" giữa mùa dịch khiến nhiều người ấm lòng. Ảnh: Duy Hiệu - Việt Linh.
Của cho không bằng cách cho
Hưởng ứng lời kêu gọi "sống khác" của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, người dân thành phố đang thực hành tiết kiệm, ít đi lại hơn nhưng cố gắng san sẻ nhiều hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Trên từng con phố, ngõ hẻm tại TP.HCM những ngày qua, các tấm biển phát thực phẩm miễn phí xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi gói đồ ăn đơn giản như mì tôm, bánh mì, bánh tét, nước tương, trứng vịt được trao tận tay người già, vô gia cư, bán vé số.
Dù giá trị mỗi phần không lớn, cả người trao đi và được nhận đều nở nụ cười hạnh phúc.
Các quán cháo, quán cơm với tấm biển miễn phí cho người khó khăn mùa dịch cũng ngày một phổ biến. Hiện hoạt động này đã lan tỏa tới quận 1, quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Thủ Đức và nhiều địa điểm trong thành phố.
Hai hôm nay, ngày càng nhiều người biết tới và tìm đến điểm phát gạo miễn phí ở quận Tân Phú của anh Hoàng Tuấn Anh - giám đốc một công ty về khóa điện tử ở TP.HCM. Theo chủ nhân chiếc máy phát gạo tự động này, từ dự định cung cấp 500 kg gạo mỗi ngày cho người nghèo, số lượng trao đi thực tế trong ngày đầu tiên lên tới 1 tấn.
Không chen lấn, xô đẩy, mất trật tự, mỗi người đứng vào cách ô vạch sẵn chờ tới lượt lấy gạo để duy trì khoảng cách an toàn như chính phủ khuyến cáo.
TP.HCM mùa Covid-19 không thiếu các hình ảnh đẹp, lá lành đùm lá rách của người dân. Ảnh: Jang Kều, FB.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing tại Hà Nội hôm 6/4, các điểm phát tặng đồ kèm lời nhắn: "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày" xuất hiện trên phố Yết Kiêu, 54 Lê Văn Lương, 420 Lạc Long Quân và KTX Mễ Trì.
Từ nay cho đến khi hết thời gian cách ly toàn xã hội (15/4) hoặc lâu hơn nữa, các điểm tặng thực phẩm hàng ngày cho người có nhu cầu vẫn sẽ được duy trì.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi (chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội) chia sẻ với Zing dù công ty bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19, khi nghĩ đến những người lao động nghèo ở thành phố còn khó khăn hơn mình rất nhiều, anh cùng vài người bạn đã khởi xướng chương trình: "Ai cần cứ đến lấy" để tặng thực phẩm cho mọi người.
Mỗi suất thực phẩm rất đơn giản có mì tôm, trứng gà... giá trị khoảng 20.000 đồng nhưng đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống của một người/ngày. Mọi người cũng có thể chọn 1 kg gạo, 1 túi muối hoặc 2 gói mì tôm, trứng và xúc xích tuỳ điều kiện.
Có câu nói: "Của cho không bằng cách cho" nên những phần thức ăn, đồ dùng không lớn về mặt vật chất nhưng nhờ những lời nhắn, động viên ấm áp mà trở nên tốt đẹp và đầy ý nghĩa trong thời gian khó khăn.
Hình ảnh người dân thu gom, vận chuyển gạo, mì tôm, rau củ quả tới ủng hộ khu cách ly khiến nhiều người ấm lòng. Ảnh: Phạm Trường, FB.
Không chỉ tại TP.HCM, Hà Nội, những hình ảnh đẹp về sự san sẻ giữa mùa dịch còn được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An
Đó là đội ngũ Giảng viên ĐH Hà Tĩnh (ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng sinh viên về từng thôn, xã kêu gọi người dân ủng hộ nhu yếu phẩm, rau củ quả để tiếp tế cho gần 1.000 người trong khu cách ly.
Có người cho chuối, bí, rau, có người cho gạo, trứng gà... Cứ thế, cứ mỗi 2-3 ngày, các giảng viên, sinh viên gom góp từ người dân khoảng 3 tạ thực phẩm, rau củ, hơn 70 kg gạo gửi tặng người cách ly, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ để cải thiện bữa ăn.
Đó là những cụ ông, cụ bà ở Hà Tĩnh "tay xách nách mang" từng kg gạo, mớ rau nhà trồng, thậm chí là vài chục nghìn đồng tiền lẻ đến ủng hộ các khu cách ly trên địa bàn.
Đó là các cô giáo tại trường mầm non Vành Khuyên (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã chở khoảng 500 kg rau, bí đao, mít, bắp "cây nhà lá vườn" đến tặng cho các chiến sĩ và người dân tại khu cách ly thuộc trụ sở Bộ chỉ huy quân sự.
Người góp tiền, người góp công, người mang "của nhà trồng được, nuôi được" đến ủng hộ. Tất cả đều đáng trân trọng và góp phần lan tỏa, nhân rộng câu chuyện tử tế giữa mùa dịch khắp cả nước.
Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí
Không chỉ quyên góp, ủng hộ tiền bạc, vật chất, người dân tại nhiều địa phương còn tham gia đội tình nguyện, trực tiếp hỗ trợ công tác hậu cần tại các khu cách ly phòng dịch.
Hơn 10 ngày cách ly tập trung ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tương Dương (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), 242 lao động từ Lào về qua cửa khẩu Nậm Cắn nhận được sự tiếp đãi, chăm sóc tận tình của các chiến sĩ, bộ đội, nhân viên y tế.
Để đáp lại tình cảm này, những người cách kêu gọi nhau dọn dẹp vườn rau, khuôn viên sạch sẽ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, những ngày trước khi kết thúc đợt cách ly, họ còn quyên góp số tiền gần 17 triệu đồng trao tặng Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương với nguyện vọng đơn vị sẽ mua 9 chiếc ghế đá tặng học sinh ở nơi họ đã sống những ngày cách ly.
"Dù không phải là họ hàng thân thích nhưng những ngày qua ai cũng sống bằng sự đoàn kết, sẻ chia lo lắng vượt qua dịch bệnh", anh Đỗ Đình Tuân (ở huyện Vụ Bản, Nam Định) nói với Zing.
Các lao động từ Lào về qua cửa khẩu ở Nghệ An đã dọn dẹp khuôn viên nơi cách ly và quyên góp gần 17 triệu đồng ủng hộ các chiến sĩ và cán bộ y tế. Ảnh: Đ.T.
Dù không thuộc diện đi cách ly tập trung, Anh Nguyễn (sinh năm 1995, TP.HCM) vẫn biết ơn và thấu hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch. 9X chủ động tìm kiếm thông tin để xin tình nguyện tham gia công tác chống dịch ở quận 2, TP.HCM.
Hàng ngày, Anh Nguyễn hỗ trợ phiên dịch cho cán bộ của UBND Thảo Điền và cơ quan y tế quận 2 trong quá trình điều tra dịch tễ ở các chung cư đang bị cách ly. Cô cũng vận động người tiếp xúc gần với các ca dương tính (F1) đi cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Chia sẻ với Zing, Anh Nguyễn cho biết để đảm bảo an toàn cho gia đình, thời gian này cô chấp nhận thuê phòng trọ ở riêng, xa nhà 1 thời gian. "Đó là những kỷ niệm có lẽ mình sẽ không bao giờ quên", 9X nói.
Những nhân vật được đề cập tới ở trên đến từ những nơi khác nhau trên dải đất hình chữ S, nhưng họ gặp nhau ở tình thương, nhân cách cao đẹp. Giữa mùa dịch, những người này có quyền sợ hãi, chỉ nghĩ cho bản thân, nhưng họ đã chọn hành động tử tế.
Họ không xem việc mình làm là phi thường hay to tát, cũng chẳng mảy may đến lợi ích của bạn thân. Đổi lại, một nụ cười, một ánh mắt biết ơn từ người nhận được sự giúp đỡ đã truyền cho họ niềm hạnh phúc.
Người ta thường ca ngợi những người sống tử tế là cổ tích giữa đời thường, nhưng không phải ai cũng để ý rằng phép màu được tạo nên từ những việc làm nhỏ, những con người rất đỗi bình thường.
Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không có nghĩa là ngừng yêu thương. Khi dịch qua đi, lòng tốt và sự tử tế là điều đọng lại. Và sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí. Bởi biết đâu người nhận được sự giúp đỡ hôm nay, với trái tim mang đầy sự biết ơn, sẽ đưa đôi tay ra cho những người khác nữa khi gặp khó khăn.
Lòng tốt không có chỗ cho sợ hãi, hoài nghi, chắc chắn sẽ mang đến điều tốt đẹp. Bởi gieo đi một hạt tử tế, nhận lại cả rừng cây hạnh phúc.
Thảo Thu
Bí thư TP.HCM: 'Phải ứng xử như trong chiến tranh dù không có tiếng súng' Bí thư TP.HCM cho rằng, cả nước đang bước vào cuộc chiến tranh virus dù không có tiếng súng, vì vậy, mọi người phải ứng xử như trong chiến tranh. Tối 24/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chúng ta...