Dịch Covid-19 sang giai đoạn mới, không khoanh vùng như Sơn Lôi
Thứ trưởng Y tế cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, do đó Việt Nam điều chỉnh nhiều biện pháp để chống dịch.
Chống dịch quyết liệt hơn
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin chống dịch Covid-19 sáng 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù dịch đang diễn biến phức tạp nhưng tại Việt Nam có một số điểm khác khi hầu hết các ca mắc hiện nay đều do xâm nhập, sau đó lây lan cho cộng đồng nên xác định được rõ các bệnh nhân số 0. Đây là lợi thế giúp quản lý dễ dàng hơn các ca bệnh.
Tuy nhiên so với giai đoạn trước đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đang có những thay đổi trong ứng phó để đáp ứng hiệu quả hơn với tình hình mới.
“Các biện pháp ứng phó trên tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn. Cái này rất quan trọng, thời gian qua có những tư tưởng, có những bài viết, cách trao đổi làm lung lay một số cán bộ nhưng tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng là phải thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Long cho hay.
Cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi
Thứ nhất, đối với chiến lược phòng chống, quan điểm của Việt Nam là tiếp tục kiên trì, kiên định những chiến lược đã đề ra, nhưng có những thay đổi phù hợp hơn vì nếu không chặn được các ca bên ngoài vào Việt Nam, để lây lan trong cộng đồng thì khả năng đáp ứng của chúng ta sẽ hết sức khó khăn.
Từ ngày 14/3, Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế tập trung đối với tất cả khách đến từ Schengen và Anh, bao gồm cả người Việt Nam. Từ hôm nay, tiếp tục tạm dừng miễn thị thực với khối Schengen và Anh, đang xem xét áp dụng với Mỹ.
“Nhờ áp dụng biện pháp nói trên, ngày hôm qua chúng ta đã phát hiện được một số hành khách dương tính với Covid-19 trên các chuyến bay vào Việt Nam. Nếu những ca đó vào Việt Nam thì có thể có những phức tạp như ca số 34″, Thứ trưởng Long nói.
Do đó, Ban chỉ đạo yêu cầu tất cả các cửa khẩu tiếp tục giám sát chặt chẽ, áp dụng khai báo y tế điện tử với tất cả các khách đến Việt Nam nhưng giờ phải đẩy lên mức độ cao hơn.
Quy mô khoanh vùng sẽ nhỏ hơn Sơn Lôi
Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc cách ly, cách ly triệt để. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày hôm qua, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, thành công nhất của Việt Nam là thực hiện cách ly, đã thực sự phát huy hiệu quả.
“Cách ly của chúng ta rất đặc biệt. Một số nước áp dụng cách ly tại nhà với người tiếp xúc gần nhưng chúng ta đưa đi cách ly tại cơ sở y tế”, Thứ trưởng Long dẫn chứng.
Video đang HOT
Thứ trưởng Y tế dẫn chứng, với người nhà bệnh nhân, lây chủ yếu qua tiếp xúc bề mặt nên phải thực hiện cách ly tập trung. Vừa rồi rất nhiều ca cách ly tập trung rồi mới phát hiện dương tính.
Tuy nhiên, hoạt động cách ly trong thời điểm hiện nay có nhiều điều chỉnh. Như tại Sơn Lôi từng áp dụng cách ly khu vực rất rộng nhưng hiện nay mức độ khoanh vùng nhỏ hơn để vừa đảm bảo đời sống cho người dân vừa phòng chống dịch bệnh.
Thứ 3, về điều trị cũng khác một số nước. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung điều trị những ca bệnh dương tính ở tuyến cao sau đó đã phân xuống tất cả các tuyến.
Sắp tới, kể cả bệnh nhân dương tính, có triệu chứng lâm sàng, biểu hiện rất nhẹ cũng có thể điều trị ở tuyến xã.
“Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán bệnh nhân xuống các tuyến, ưu tiên các ca nặng điều trị ở tuyến trên. Một số nước áp dụng các chính sách khác nhau, chúng ta không thể so sánh. Phác đồ của chúng ta cũng luôn thay đổi phù hợp với tiến bộ thế giới và kinh nghiệm các nước”, Thứ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thứ 4, Việt Nam thay đổi trong chiến lược phát hiện sớm. Tới đây sẽ mở rộng đối tượng xét nghiệm với tất cả khách nhập cảnh từ EU, Anh, Mỹ, song song với tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt.
“Bắt đầu từ hôm nay, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ thực hiện ngay tại cửa khẩu với tất cả khách đến từ 3 khu vực trên. Xét nghiệm này là hoàn toàn miễn phí.”, Thứ trưởng Y tế thông tin.
Với các khách đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua, Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp, liên hệ các khách này để thực hiện khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm. Làm càng nhanh, việc khoanh vùng, dập dịch càng hiệu quả.
Hiện nay, công suất xét nghiệm cũng được đẩy nhanh hơn, đảm bảo trả kết quả trong vòng 24 giờ, tới đây sẽ tiếp tục yêu cầu rút ngắn hơn.
Thứ 5, là những thay đổi nhờ khoa học công nghệ. Vừa qua, các đơn vị đã tham gia rất tích cực, lần đầu tiên, Bộ Y tế nhắn tin tới tất cả các người dân, điều nay chưa từng được áp dụng trong dịch SARS trước đây. Bộ Y tế cũng có những trang tin trên tinh thần cung cấp thông tin minh bạch, không giấu giếm.
“Sắp tới chúng ta tiếp tục tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Trước đây, để kiểm soát các hành khách trên chuyến bay VN0054, cơ quan chức năng mất tới 4 ngày nhưng chuyến sau đó chỉ mất 2 ngày, giờ mất nửa ngày nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải phấn đấu rút xuống còn 30 phút”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Cũng tận dụng lợi thế công nghệ thông tin, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tất cả các sở du lịch, cơ sở lưu trú phải có QR code để thuận tiện cho các hành khách khai báo y tế.
Để chỉ đạo kịp thời, Ban chỉ đạo đã phát cho 700 sim điện thoại cho đầu mối tại 700 quận huyện trên cả nước để ngay khi có chỉ đạo, cùng lúc các địa phương đều nhận được để triển khai.
Tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã có 53 trường hợp dương tính với Covid-19, riêng từ 6/3 đến nay có thêm 37 ca mắc mới.
Thúy Hạnh (vietnamnet.vn)
Giữa dịch Covid-19, tình người Việt vẫn ấm: Gạo an tâm, cỗ cưới giải cứu, học yên lòng!
Những ngày cách ly sẽ làm cho mọi người hiểu hơn giá trị của việc gặp mặt nhau trực tiếp hằng ngày.
Sự hy sinh, chia sẻ với nhau khiến mỗi người cảm nhận được sự ấm áp, để rồi lạc quan, cùng nhau chống dịch Covid-19.
Chung cư Hòa Bình (Q.10, TP.HCM) đang tạm phong tỏa, người dân mua thực phẩm đều được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển vào Ảnh: Duy Tính
Chị T.L, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc diện F2 của bệnh nhân 21 nhiễm Covid-19. Những ngày cách ly, chị ở nhà tập trung viết bài nghiên cứu và... nhận quà do bạn bè gửi tới. Từ giỏ hoa đẹp tưng bừng đến nem thính, trâu khô gác bếp... "Tình trạng hiện tại, công dân Hà Nội cách ly gương mẫu trăn trở làm sao ăn hết đồ tiếp tế mà không bị béo. Giờ đây đã quen với việc nhận được tin nhắn: Ra cửa lấy đồ nha", chị T.L chia sẻ một cách hài hước trên Facebook.
Gạo an tâm, học yên lòng, cỗ cưới giải cứu
Chỉ sau ngày 7.3 "náo loạn" vì người mua gạo, cửa hàng Gạo Hồng 72 Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng) của bà Bùi Thị Hồng đã có một tấm biển to trưng lên. Tấm biển ghi rõ: "Gạo Hồng, khuyến cáo. 1- Đất nước Việt Nam ta không thiếu gạo, do vậy mỗi gia đình nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày, không nên dự trữ quá nhiều dẫn đến việc lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến tình hình chung. 2- Cam kết bán đúng giá, đảm bảo số lượng cung cấp, để góp phần bình ổn giá thị trường".
Trong khó khăn, bài học về lòng tốt, đối phó với nguy cấp cũng trở thành những kinh nghiệm để chúng ta phát triển đất nước, xây dựng con người
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia
Chủ cửa hàng, bà Bùi Thị Hồng (67 tuổi) là cán bộ Sở Công thương đã về hưu, cho biết ngay trong đêm bà đã bảo cháu mình viết tấm biển đó để dán lên. "Mình góp phần nhỏ cho bà con hiểu, để chung tay nhau chống vi rút. Lợi dụng chi lúc ni. Tôi già rồi, làm răng để có ý nghĩa với mọi người chứ", bà nói.
Tiếp tế thực phẩm ở khu vực cách ly Trúc Bạch, Hà Nội Ảnh: Giang Ngọc
Tâm thế này của bà khác hẳn với việc tiểu thương đẩy giá khẩu trang và thực phẩm ở nhiều nơi khác. Bà Hồng cũng cho biết chưa bao giờ thấy có đợt mua bán trong sợ hãi như thế. "Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy như vậy. Hồi xưa giờ có đâu. Nhưng thực sự tôi giải trình cho người ta biết, làm sao mà hết gạo được. Giờ chỗ tôi ổn rồi. Tôi tin tưởng mọi người trước sau cũng đến chỗ tôi thôi", bà Hồng chia sẻ.
Một khóa học về an toàn cảm xúc cũng được nhà tâm lý Phương Hoài Nga tổ chức trên ứng dụng Zoom. Ở đó các thành viên dự lớp được nghe hướng dẫn cách để trở nên bình tĩnh và giữ an toàn cảm xúc. "Rau an toàn, thịt an toàn, khẩu trang an toàn... Chúng ta cũng nhớ an toàn cảm xúc và thông tin chính xác là vô cùng quan trọng", cô Nga chia sẻ. Thành viên tương tác với cô trên mạng cũng cho biết đôi lúc mình bị thông tin về dịch làm cho phát hoảng.
Trong khi đó, nhóm cựu học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam (HAO) lại ngay lập tức có chương trình Ams training miễn phí dành cho con của các cựu học sinh trường này. Trong nhóm, có nhiều thầy cô giáo của nhiều môn học và nếu một thầy cô đăng ký dạy online 1 buổi/tuần thì các em cũng sẽ học được nhiều kiến thức. Một thành viên của nhóm cũng đã chia sẻ tài khoản dạy online để tiết kiệm chi phí khi dạy học. Ngay lập tức, đã có nhiều thành viên trong nhóm đăng ký dạy và học. Hiện tại chương trình đã có các buổi học toán và hóa.
Rau và thịt được cung cấp đầy đủ cho khu cách ly Ảnh: Giang Ngọc
Đám cưới của chị Nguyễn Thị Hậu ở Phù Ninh (Hải Phòng) tuy phải hoãn nhưng chuyện giải cứu cỗ của chị còn vui hơn tết. Dừng tổ chức vì có liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị đã nghĩ đến chuyện gói ghém cỗ cho mỗi người qua chơi một ít mang về còn lại thì thuê tủ đông để trữ. "Nhưng hàng xóm rẽ qua, ngồi chơi, dọn rau dọn cỏ hộ. Các bác bảo thế thì mỗi người mua một ít. Lúc đầu chỉ bốn năm người, dần dần nhiều người biết, đến mua. Mỗi người cứ 1 kg, 2 kg rồi cũng hết. Mọi người trêu, bảo như tết thời bao cấp, cùng mua với nhau", chị nói.
Vì cần bên nhau
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho biết chính những ngày nhiều người bị cách ly sẽ cho người ta cảm giác cần giao tiếp hơn, cần cộng đồng hơn. Có thể trước đó họ không nhận ra điều đó và chỉ nghĩ cuộc sống online trên mạng là đủ rồi, nhưng điều này sẽ thay đổi khi không được tiếp xúc trực tiếp người với người. "Tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu đúng hơn về các giao tiếp offline, khao khát gặp nhau tận mặt hơn", ông Quý nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng cuộc chiến với Covid-19 sẽ phơi bày hết những thói quen xấu của nhiều người.
"Chúng ta sẽ thấy hết những thói ngồi lê đôi mách, ích kỷ, rồi cả những thói quen mất vệ sinh như khạc nhổ bừa bãi, ít chịu rửa tay, sở thích ăn động vật hoang dã... Mọi người cứ quen gọi đó là căn tính xuề xòa, tiểu nông. Bình thường những thói quen đó vẫn có, nhưng khi dịch bệnh đến nó sẽ lộ rõ, tai hại hơn. Và những tác động tiêu cực sẽ khiến ta phải nhìn lại và sửa lại bản thân mình", ông Sơn nói.
Đồng thời, cũng theo ông Sơn, tình người chống dịch Covid-19 là một trong những điều sẽ đọng lại khi dịch bệnh này qua đi. "Dịch bệnh Covid-19 là sự kiện hiếm gặp và đang được giải quyết tốt. Chúng ta đang được quốc tế đánh giá cao. Trong khó khăn, bài học về lòng tốt, đối phó với nguy cấp cũng trở thành những kinh nghiệm để chúng ta phát triển đất nước, xây dựng con người. Điều chúng ta có thể làm tốt là đoàn kết, không lo lắng. Nó không chỉ là khẩu hiệu mà là cần hành động", ông Sơn nói.
Người ở quê chỉ có tấm lòng
Cả nhà tôi 4 người đều dương tính với Covid-19. Tâm lý ban đầu bị bệnh cũng hơi hoảng loạn, nhưng chủ yếu là sợ mang đến những điều không hay cho những người hàng xóm xung quanh. Những ngày gia đình tôi ở viện, hàng xóm thay nhau sang nhà, người dọn dẹp nhà cửa, người cho bò cho gà ăn, coi như mình vẫn đang ở nhà.
Hầu như ngày nào bà con cũng nhắn tin, gọi điện hỏi han tình hình, động viên gia đình tôi yên tâm điều trị. Người quê chỉ có tấm lòng, tôi thật sự biết ơn những người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ gia đình tôi lúc khó khăn. Ông N.V.V, bệnh nhân thứ 16, Vĩnh Phúc
Thu Hằng (ghi)
Ở Phan Thiết, Bình Thuận, Chủ tịch UBND P.Đức Thắng Nguyễn Đức Thuận cho biết ngày 14.3 có rất nhiều người dân ở phường tự nguyện đem rau tươi, gạo, trái cây, mắm muối đến nhờ lực lượng chức năng để ở cửa các hộ bị cách ly. Thậm chí một người dân ở cảng Phan Thiết còn đem cá ngừ, cá thu ngày 2 lần cho các gia đình bị cách ly.
Quế Hà (thanhnien.vn)
Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp' Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Bình Thuận nói, 'bệnh nhân thứ 34 rất phức tạp'. Bệnh nhân thứ 38 (con dâu bệnh nhân thứ 34), phải nhờ 'sếp' bệnh nhân này tác động mới chịu đi cách ly. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng nay 15.3 ảnh: Quế Hà Sáng...